Các quỹ Trung Quốc đang đổ vào các quỹ ở nước ngoài, đi ngược xu thế hạn chế đầu tư nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vấn đề sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn nhằm khôi phục thị trường trong nước và ổn định tỷ giá hối đoái của đồng RMB.
Trong bối cảnh đồng RMB suy yếu và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, kể từ năm ngoái thì giới đầu tư Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc chuyển vốn ra nước ngoài để tránh sụt giảm tài sản, điều này cũng làm tăng đáng kể thách thức đối với ĐCSTQ trong việc hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài. Xu thế này cho thấy thực tế không đủ niềm tin vào đầu tư trong nước Trung Quốc, thể hiện qua việc sản phẩm quỹ đầu tư tổ chức trong nước Trung Quốc đủ tiêu chuẩn (QDII) được giới đầu tư đổ vào.
QDII là kênh đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc, cho phép người dân Trung Quốc mua chứng khoán ở nước ngoài dưới sự kiểm soát vốn chặt chẽ của nhà chức trách Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội quản lý tài sản Trung Quốc (Asset Management Association of China), doanh số bán quỹ QDII đã đạt mức cao kỷ lục tăng 50% so với cùng kỳ trong tháng 1, tài sản quản lý quỹ QDII tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó doanh số bán quỹ tương hỗ chứng khoán trong nước (loại quỹ đầu tư tập trung vào việc đầu tư vào các cổ phiếu trong nước Trung Quốc) giảm 35%.
Những tuần gần đây, các chỉ số thị trường như Nikkei 225 của Nhật Bản và Nasdaq Composite của Mỹ cho thấy rủi ro cao khi người mua sẵn sàng trả cao hơn nhiều so với giá trị tài sản để mua cổ phiếu.
Sự bùng nổ đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài này cho thấy: để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc là bài toán khó. Hiện thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang lơ lửng ở mức thấp nhất trong 5 năm, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 30 năm lại chạm mức thấp mới.
Tuy nhiên, tăng trưởng của QDII bị hạn chế bởi hạn ngạch đầu tư nước ngoài do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) của ĐCSTQ đặt ra. Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đã không phê duyệt hạn ngạch mới kể từ tháng 7 năm ngoái, tổng hạn ngạch được phê duyệt lũy kế là 165,5 tỷ USD.
Tuần trước, Tập đoàn quản lý tài sản Trung Quốc (ChinaAMC) đã đặt ra giới hạn mua hàng ngày cho các nhà đầu tư tham gia quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ trên toàn cầu (005698) ở mức 2.000 RMB, quỹ này tập trung vào các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Manulife Fund Management (công ty quản lý quỹ tài chính thuộc tập đoàn Manulife Financial Corporation) tại Trung Quốc cũng đặt giới hạn mua hàng ngày của “Quỹ đầu tư chứng khoán cơ hội Ấn Độ” (006105) là 300 RMB.
Một sản phẩm QDII khác được bán ở Trung Quốc đổ tiền vào quỹ phòng hộ Blackrock của Anh, hai nguồn tin cho biết quỹ này đã chứng kiến mức tăng gấp 5 lần trong năm nay khi đã huy động được gần 12 triệu USD, trong khi năm 2023 chỉ có được 2,1 triệu USD. Một trong những nguồn tin cho biết: “Nhu cầu về quỹ QDII từ các nhà đầu tư trong nước Trung Quốc đã tăng vọt trong năm nay”.
Công ty quản lý tài sản và tín dụng China Resources Trust, đơn vị ra mắt sản phẩm cùng với Blackrock, cho biết quỹ này vào tháng 3 đã đình chỉ. Người phát ngôn của BlackRock đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ngân hàng Standard Chartered gần đây cũng đã ngừng cho khách hàng Trung Quốc đầu tư mới vào các sản phẩm QDII vì “lý do thương mại”. Có thông tin cho rằng Standard Chartered đã không được cấp hạn ngạch QDII mới kể từ năm 2021, có thể hạn ngạch của họ đã được sử dụng hết.
Nhà quản lý danh mục đầu tư quỹ QDII của China Asset Management là Zheng Peng dự đoán, xu thế bùng nổ nguồn đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc này sẽ tiếp tục, khoảng cách gần 190 điểm cơ bản giữa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hiện tại đang diễn ra.
Mộc Vệ (theo Epoch Times, Reuters)