Nhờ một phép thuật nào đó, Hoa Kỳ cho đến nay đã tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Trên thực tế, điều này đơn giản là do việc in 5,4 nghìn tỷ đô la tiền giấy, biểu hiện là lạm phát tiếp tục. Đây là thủ thuật duy nhất mà những người nắm quyền cho đến nay có thể sử dụng để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi thảm họa.
Tình trạng này có thể kéo dài bao lâu?
Nhìn kỹ hơn vào môi trường kinh tế có đòn bẩy tài chính cao, chúng tôi thấy rằng rất có thể nó bắt đầu với tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở các thành phố lớn. New York nói riêng là một điểm nóng và là điểm khởi đầu.
Trên toàn quốc (Mỹ), thường có những khuôn mẫu nhất định trong sự phát triển của tình hình. Sau thời gian dài bùng nổ bất động sản đô thị, người lao động phải di chuyển đường dài, chính sách lãi suất 0% của các ngân hàng trợ cấp ồ ạt cho doanh nghiệp và các công ty tuyển dụng ồ ạt, lệnh phong tỏa toàn cầu vì Covid-19 4 năm trước đã thay đổi mọi thứ.
Đột nhiên, một số lượng lớn các nhà quản lý chuyên nghiệp bị buộc phải làm việc từ xa tại nhà. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu giấy vệ sinh đột ngột trong các hộ gia đình mà còn đưa ra một cách quản lý lao động mới cho các doanh nghiệp Mỹ. Thậm chí sau ngần ấy thời gian, thói quen đi làm hàng ngày cũng sẽ không còn trở thành thói quen hàng ngày của những người làm công ăn lương như trước nữa.
Nhìn từ bên ngoài, việc cải tạo những tòa nhà chọc trời văn phòng khổng lồ thành chung cư có vẻ là một giải pháp hiển nhiên cho bài toán thiếu hụt nhà ở hiện nay. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy đây không phải là một việc dễ dàng. Thiết kế ban đầu của những không gian văn phòng này đã định hình tính chất của chúng, và việc biến đổi chúng thành chung cư không đơn giản chỉ là thay đổi cách bài trí. Trên thực tế, chỉ có hai lựa chọn khả thi: Đưa lực lượng lao động trở lại làm việc toàn thời gian hoặc thu hẹp diện tích văn phòng cho thuê.
Hợp đồng thuê thương mại cho văn phòng thường có thời hạn từ 5 đến 10 năm. Hai năm trước, một lượng lớn hợp đồng bắt đầu đáo hạn. Năm ngoái, số lượng hợp đồng đáo hạn tiếp tục tăng, và năm nay, nhiều hợp đồng khác cũng sẽ đến hạn. Sau khi xem xét lại diện tích văn phòng khổng lồ của mình, nhiều công ty nhận ra rằng họ có thể giảm thiểu diện tích sử dụng xuống một nửa hoặc thậm chí nhiều hơn. Chế độ làm việc kết hợp hiện đang được áp dụng không đòi hỏi phải thuê nhiều tầng văn phòng như trước đây.
Do đó, nhiều công ty đang thu hẹp diện tích thuê văn phòng, dẫn đến giảm thu nhập cho chủ nợ thế chấp. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay khổng lồ mà các công ty tài chính lớn nắm giữ đối với các tòa nhà văn phòng cũng bị thu hẹp.
Công ty Cổ phần Cộng đồng New York (New York Community Bancorp, NYCB) là một công ty lớn hoạt động trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Vào năm ngoái, công ty này bắt đầu gặp khó khăn khi báo cáo các chỉ tiêu không đạt mục tiêu. Giá cổ phiếu của NYCB bắt đầu giảm mạnh. Khi các báo cáo tiếp tục xấu đi, xu hướng bán tháo cổ phiếu càng gia tăng.
Giá cổ phiếu của NYCB đã giảm từ mức cao gần 14 USD xuống dưới 2 USD. CEO của công ty bị sa thải và được thay thế bởi người khác. Sau đó, một số tổ chức cho vay lớn đã đưa ra gói cứu trợ trị giá 10 tỷ USD nhằm đảo ngược tình thế. Nhờ đó, giá cổ phiếu đã có sự phục hồi nhẹ.
Điều đáng chú ý là nguồn gốc của các khoản tiền cứu trợ. Cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tham gia vào việc cứu trợ thông qua các quỹ đầu tư của mình, bao gồm Liberty Strategic Capital, Hudson Bay Capital, Reverence Capital Partners và Citadel. CEO mới của NYCB, Joseph Otting, trước đây từng là Giám đốc Kiểm toán của Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC).
Nói cách khác, đây là một hoạt động cứu trợ được thực hiện bởi chính phủ ngầm, là một nỗ lực toàn diện nhằm ngăn chặn sự lây lan của vấn đề. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng. Mặc dù hoạt động này đã thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông, nhưng giải pháp này được ví như một đám mây đen nhỏ như bàn tay, không thể giải quyết vấn đề căn bản.
Tờ Wall Street Journal bình luận về vấn đề này: “Moody’s Investor Service và Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Ngân hàng Cộng đồng New York xuống dưới mức đầu tư”.
Như chúng ta đều biết, tất cả các gói cứu trợ trên thế giới sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản. Các vấn đề về bất động sản thương mại ở các thành phố lớn, đặc biệt là những nơi như Boston, New York và Chicago, không bao giờ biến mất. Những vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn trong suốt năm nay, dẫn đến sự suy yếu hơn nữa của các tổ chức cho vay lớn. Điều này sẽ kích hoạt sự tập trung hóa và cứu trợ nhiều hơn. Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ đặc biệt chú ý đến vấn đề này.
Họ có thể kiểm soát được tình hình không? Không chắc, thậm chí trong thời gian dài. Một cuộc khủng hoảng tài chính đang đến. Họ chỉ đang trì hoãn thời gian mà thôi.
Nếu bạn đang thắc mắc tại sao FED cứ nói về việc cắt giảm lãi suất thì đây là lý do. Tuy nhiên, theo bất kỳ thước đo lịch sử nào, lạm phát còn lâu mới được kiểm soát. Đây là cách để FED đảm bảo với thị trường rằng họ sẵn sàng in tiền bất cứ lúc nào. Họ sẽ không bao giờ để hệ thống sụp đổ.
Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với người bình thường? Điều này có nghĩa là lạm phát sẽ không biến mất trong một thời gian dài. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới và năm sau nữa. Chúng ta có thể sẽ lặp lại những năm 1970 với ba đợt lạm phát riêng biệt. Chúng ta có thể đã trải qua điều thứ nhất, rồi điều thứ hai và thứ ba liên tiếp.
Các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm đã nhận thức được điều này, đó là lý do tại sao giá vàng và Bitcoin liên tục lập kỷ lục mới. Trong môi trường này, vàng là nơi trú ẩn an toàn duy nhất. Bất kể ai được bầu làm tổng thống, đây sẽ là vấn đề rất lớn trong nhiệm kỳ tới. Điều này có thể trở thành một vấn đề trung tâm. Khi điều này xảy ra, hãy nhớ đến gốc rễ của vấn đề, không chỉ liên quan đến việc phong tỏa dịch bệnh mà còn liên quan đến phản ứng đối với cuộc khủng hoảng năm 2008 và thậm chí xa hơn là do nới lỏng tín dụng sau năm 2001.
Cho đến nay, đây đã là thế kỷ của tài chính lạm phát. Làm sao nó có thể kết thúc mà không có một cuộc khủng hoảng tài chính? Câu hỏi duy nhất là cuộc khủng hoảng tài chính sẽ diễn ra như thế nào. Điều đáng cảnh báo là cuộc khủng hoảng tài chính đang đến gần.
Lý Ngọc biên dịch
Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.