Nguồn: Jack Brook, “Cambodia to divert Mekong trade via China-built canal, vexing Vietnam,” Nikkei Asia, 12/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Kế hoạch xây kênh đào kết nối Phnom Penh với Vịnh Thái Lan đã làm gia tăng báo động trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Từ ngôi nhà của mình bên bờ sông Mekong, cách Phnom Penh một giờ đồng hồ, Mao Sarin có thể ngắm nhìn những con tàu chở đầy container đang trên đường đến Việt Nam cũng như vùng đồng bằng châu thổ khổng lồ.
Nếu chính phủ của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuân theo đúng kế hoạch của mình, các chuyến hàng trong tương lai sẽ đi dọc theo con kênh trị giá 1,7 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ – một dự án sẽ xóa sổ ngôi nhà lợp mái tôn của Sarin. Kênh đào Phù Nam (Funan Techo canal) sẽ kết nối trực tiếp Phnom Penh với các cảng biển của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, thoát khỏi con đường vốn do Việt Nam trấn giữ ngay cửa sông Mekong, một trong những tuyến đường thủy lớn nhất châu Á.
“Tôi đã thấy đội phát triển dự án đến đây đo đạc gần 20 lần,” Sarin, một tài xế xe ôm kiêm cựu quân nhân đã sống bên bờ sông hơn ba mươi năm, cho biết. “Chúng tôi đang hồi hộp chờ đợi.”
Hà Nội cũng đang chờ đợi. Phía Việt Nam đã chính thức đưa ra cảnh báo về tác động tiềm tàng của kênh đào đối với Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh vẫn chưa có các đánh giá tác động môi trường công khai về dự án này – vốn là một phần trong các khoản đầu tư đầy tham vọng nhưng lại eo hẹp về mặt tài chính của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc rút lại lời hứa tài trợ cho các dự án sân bay lớn ở Campuchia, nhưng hồi tháng 2, Manet đã kêu gọi Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào những cơ sở hạ tầng lớn như Kênh đào Phù Nam.
Tranh cãi xoay quanh kênh đào này cũng phản ánh những căng thẳng địa chính trị sâu sắc hơn khi Campuchia cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các tuyến thương mại do Việt Nam kiểm soát, làm suy yếu đòn bẩy khu vực của Hà Nội, đồng thời nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh ở phía nam sông Mekong.
Lợi ích kinh tế của Campuchia vẫn gắn bó chặt chẽ với Việt Nam, vốn là “đối tác chiến lược đặc biệt” của Campuchia. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia chỉ sau Trung Quốc, và thương mại giữa hai nước láng giềng đã vượt 6 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, kênh đào mới có thể gây ra rạn nứt giữa hai nước trong bối cảnh sự phân cực khu vực ngày càng gia tăng.
Chhengpor Aun, nghiên cứu viên tại Diễn đàn Tương lai, một viện chính sách của Campuchia, mô tả kênh đào này là sự hoàn thành “giấc mơ dân tộc” (national imagination) bằng cách giải quyết vết thương tinh thần sâu sắc của người Campuchia sau khi được cho là để mất toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long khi khu vực này chính thức sáp nhập vào Việt Nam dưới thời Pháp thuộc vào năm 1949.
Tên thường gọi của kênh đào bắt nguồn từ Vương quốc Phù Nam cổ đại, nằm trải dài khắp miền nam Việt Nam và được người Campuchia coi là tiền thân của Đế chế Khmer. Về mặt chính thức, kênh đào có tên đầy đủ là Dự án Hệ thống Đường thủy và Hậu cần Tonlé Bassac.
Theo kế hoạch của Campuchia, kênh đào rộng 100 mét, gồm 2 làn, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2028. Nó sẽ đi từ bờ sông Mekong ngay phía dưới Cảng tự trị Phnom Penh, trước khi cắt qua sông Bassac (tức sông Hậu) và tiếp tục đi thêm 180 km tới Kep, một tỉnh ven biển phía tây nam Campuchia.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Campuchia Peng Ponea tuyên bố dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay, dù nghiên cứu về tính khả thi mà nhà phát triển kênh đào, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thuộc sở hữu nhà nước, công bố hồi tháng 10 năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Ở tỉnh Kep, tại điểm cuối của Kênh đào Phù Nam, dọc theo lối đi nhìn ra khu nhà của một nhóm ngư dân địa phương, có rất ít dấu hiệu cho thấy các kế hoạch đầy tham vọng đang được tiến hành. Những công trình này dự kiến sẽ phục vụ một cảng biển nước sâu bên trong khu vực giờ vẫn đang là đồng cỏ yên tĩnh và đặc khu kinh tế toàn ruộng lúa của Kampot.
Đi thêm một đoạn đường nhỏ, đến một dải đất nhô ra biển, bạn sẽ thấy những chiếc xe tải đang san lấp mặt bằng để xây khu cảng biển trị giá 1,5 tỷ USD – một dự án của Công ty Hậu cần và Cảng Kampot, khởi công từ tháng 5/2022. Năm ngoái, Công ty Kỹ thuật Cảng biển Trung Quốc, một công ty con của CRBC, đã ký hợp đồng giúp xây dựng cảng này.
Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Campuchia xem Kênh đào Phù Nam là một phần trong kế hoạch cải tổ hậu cần sâu rộng, nhằm giảm tới 30% chi phí vận chuyển, giúp đất nước có thể cạnh tranh trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như ngành may mặc. Tuy nhiên, như nghiên cứu viên Sothearak Sok thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á đã chỉ ra, có một ẩn ý về việc giành lại chủ quyền – điều mà Thủ tướng Hun Manet gọi là “hít thở bằng mũi của chính mình.”
Hà Nội đã nêu các quan ngại về vấn đề môi trường xoay quanh kênh đào trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Manet tới Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái, vài tháng sau khi ông lên kế thừa gần 40 năm cầm quyền của cha mình, Hun Sen. Một quan chức hàng đầu của Campuchia nói với truyền thông địa phương rằng chuyến thăm bao gồm việc trình bày “kết quả của một số nghiên cứu” xác nhận “không có tác động môi trường.” Nhưng nội dung các nghiên cứu đó chưa được công bố.
Tháng 8 năm ngoái, ngay khi Manet lên nắm quyền, Campuchia đã thông báo cho Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong (MRC), một cơ quan giám sát khu vực, về kế hoạch xây dựng một con kênh “trên dòng phụ của sông Mekong” và cho biết tác động sẽ chỉ giới hạn ở “bụi trong không khí và tiếng ồn” từ công trường.
Tuy nhiên, Brian Eyler, chuyên gia về Mekong của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, D.C., lập luận rằng: dựa trên các bản đồ do chính quyền Campuchia đệ trình lên MRC, “không thể phủ nhận” việc kênh đào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chính của sông Mekong và tác động đó sẽ lớn hơn nhiều so với những gì Campuchia tuyên bố.
Theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng đến dòng chính phải được MRC “đánh giá kỹ thuật,” nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam, cũng như Lào và Thái Lan. Ban Thư ký MRC nói với Nikkei rằng họ đã “yêu cầu và đang chờ thêm thông tin từ Campuchia”.
Văn Phạm Đăng Trí, nghiên cứu viên về tài nguyên nước tại Đại học Cần Thơ, Việt Nam, cho biết nếu không có biện pháp phòng ngừa đầy đủ, kênh đào có thể làm gián loạn lũ tự nhiên, làm tăng độ mặn, và thay đổi dòng chảy nông nghiệp và kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, vốn đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường.
Bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường mà Campuchia cung cấp cho Ban Thư ký MRC nói rằng việc sử dụng ba âu thuyền dọc theo kênh sẽ đảm bảo việc xả nước được “kiểm soát hiệu quả,” nhằm ngăn chặn những thay đổi đáng kể đối với dòng chảy của sông Mekong.
Có rất ít thông tin công khai về cách Campuchia dự định giảm thiểu các tác động khác như làm gián đoạn vùng ngập lũ tự nhiên của đồng bằng và di dời những người dân sống dọc con kênh. Chính quyền Campuchia đã đề nghị Nikkei xem bản đệ trình của họ lên Ban Thư ký MRC.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với Nikkei rằng Hà Nội ủng hộ sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước láng giềng, nhưng yêu cầu Campuchia “hợp tác chặt chẽ” để chia sẻ thông tin về tác động của dự án đối với Đồng bằng sông Cửu Long, “để đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và cư dân địa phương.”
Nhà khoa học hàng đầu của chính phủ Campuchia, Sok Touch, Chủ tịch Viện Khoa học Hoàng gia, đã ngụ ý rằng nỗi lo thực sự của Việt Nam là mất quyền kiểm soát đối với Campuchia, nhưng Hà Nội không nên can thiệp vào chuyện này.
“Hãy nhìn Việt Nam đi! Họ cũng vận chuyển gạo bằng hệ thống đường thủy. Anh có bao giờ thấy họ nói [trước] với chúng tôi rằng họ sẽ đào kênh không? Không, họ chẳng bao giờ nói với chúng tôi,” Touch trả lời truyền thông nhà nước vào tháng 1. “Xin hãy thương xót người Khmer [người Campuchia] chúng tôi! Những gì người Khmer chúng tôi sắp làm không ảnh hưởng đến các bạn [Việt Nam].”
Phân tích của Nikkei về truyền thông xã hội và hồ sơ công ty chỉ ra rằng Công ty Hậu cần và Cảng Kampot, công ty Campuchia đang xây dựng cảng nước sâu của Kampot, nằm dưới quyền kiểm soát của trùm tài phiệt Try Pheap, người đang bị Mỹ trừng phạt. Ông được cho là đã xây dựng một đế chế ngành gỗ bất hợp pháp và có liên quan đến buôn người. Dù Pheap không được liệt kê là giám đốc hay chủ sở hữu của Công ty Kampot, nhưng ông đã đứng ở hàng đầu trong buổi lễ ký kết hợp đồng xây dựng với nhà phát triển Trung Quốc vào năm ngoái, và trước đó ông cũng đã thừa nhận kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu trong khu vực.
Đại diện của ông trùm từ chối bình luận.
Từ Kampot đi ngược lên bờ biển, kênh đào mới sẽ cho phép dễ dàng kết nối Đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi đã nhận khoản đầu tư đáng kể từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với Cảng tự trị Sihanoukville, nơi xử lý phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia. Gần đó là Căn cứ Hải quân Ream gây tranh cãi, nơi đang được nâng cấp với sự tài trợ của Trung Quốc, và Mỹ xem đó là bằng chứng về vai trò của nó như một căn cứ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong tương lai, một viễn cảnh mà Campuchia đã nhiều lần phủ nhận.
Một số nhà bình luận Việt Nam và Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Kênh đào Phù Nam có thể bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự, dù không có dấu hiệu nào cho thấy đây là ý định của dự án.
Những người ủng hộ kênh đào cho rằng đây sẽ là tuyến đường nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với di chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Hậu cần Campuchia Sin Chanthy lưu ý rằng: các tàu viễn dương đến các cảng ven biển của Campuchia vẫn phải dỡ hàng hóa xuống các sà lan có khả năng chở được 1.000 tấn di chuyển trên kênh đào sâu chỉ 4,7 mét vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên người Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói ông không tin nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi kênh đào “do khối lượng thương mại liên quan tương đối nhỏ,” nhưng cho rằng “không nên vội vàng triển khai một dự án lớn như vậy mà không hiểu đầy đủ những tác động tiềm ẩn của nó.”
Các nhà phân tích Việt Nam khác cho rằng Hà Nội vẫn giữ được ưu thế trước Campuchia, chỉ ra rằng các tàu chở hàng trên 1.000 tấn vẫn phải dựa vào các cảng Việt Nam để di chuyển theo dòng chính sông Mekong.
Trước đây, Hà Nội từng sử dụng quyền kiểm soát phía nam Đồng bằng sông Cửu Long trong các cuộc đụng độ với Phnom Penh, bao gồm cả việc ngăn chặn tàu bè qua sông trong vài tháng vào năm 1994. Năm 2009, Campuchia và Việt Nam đã ký một hiệp ước cho phép tự do hàng hải dọc sông Mekong.
Đối với nhà nghiên cứu người Campuchia Aun, Kênh đào Phù Nam có nghĩa là “Campuchia có thể giành lại một mức độ tự chủ về kinh tế – và thậm chí cả chính trị – từ nước láng giềng phía đông [Việt Nam].” Đồng thời, ông lưu ý, quyền tự chủ sẽ bị trì hoãn vì hoạt động của kênh đào sẽ do Bắc Kinh nắm giữ trong hơn năm thập niên theo mô hình tài chính “Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao.”
Ở trong nước, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bảo vệ dự án này bằng cách nói với công chúng rằng chính phủ “không vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng kênh đào,” nhấn mạnh rằng nhà phát triển Trung Quốc sẽ gánh chịu rủi ro tài chính.
Nhưng xét đến sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, các nhà quan sát như Murray Hiebert, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, D.C., bày tỏ nghi ngờ về việc liệu dự án có thực sự được xây dựng hay không – ít nhất là theo khung thời gian đầy tham vọng do Phnom Penh đề xuất.
“Tôi không thấy nó mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc nhiều. Tôi không thể tưởng tượng họ lại muốn ném 1,7 tỷ USD vào đây và xây dựng nó trong 4 năm tới,” ông nói.
CRBC và Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Vương quốc Campuchia không trả lời yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, Campuchia dường như vẫn quyết tâm phát triển kênh đào, và suốt sáu tháng qua, các phương tiện truyền thông nhà nước Campuchia đã tràn ngập các bài viết quảng cáo về kênh đào, cũng như những lời trấn an đối với Việt Nam. Nhà phân tích Aun nói với Nikkei rằng để xây dựng kênh đào, chính quyền Manet sẽ phải “chạm đến lằn ranh nhạy cảm trong quan hệ song phương với Việt Nam.”
Ông nói, “Cân bằng giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Campuchia dưới thời lãnh đạo mới. Con đường phía trước ngày càng gập ghềnh và nguy hiểm hơn.”
Đối với Mao Sarin và những người hàng xóm sống dọc theo tuyến đường dự kiến xây dựng kênh đào, tương lai cũng không chắc chắn bởi họ có thể bị cưỡng chế di dời. Sarin không cho rằng mình sẽ được bồi thường thoả đáng, và nói rằng ông chưa nhận được thông tin cụ thể nào từ chính quyền.
“Đây là dự án của chính phủ, vì vậy số phận của chúng tôi là do họ quyết định. Chúng tôi có thể bị yêu cầu di dời hoặc bị trục xuất – nếu vậy, mọi người không biết phải sống ở đâu,” Sarin nói. “Ở đâu có sự phát triển, thì cũng có đàn áp bất công.”
Thông tin bổ sung được cung cấp bởi Eung Sea.