Từ việc Tiktok đối mặt lệnh cấm ở Mỹ, chuyên gia chỉ ra tác hại của video ngắn

Thuần Phong

Từ việc Tiktok đối mặt lệnh cấm ở Mỹ, chuyên gia chỉ ra tác hại của video ngắn
Các nghiên cứu cho thấy, thời gian sử dụng Tiktok càng nhiều, thì não bộ càng chịu sự tác động và suy giảm hiệu suất. Ảnh tổng hợp của NTD.

Ngày 13/3, với đa số phiếu áp đảo 352-65, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật với nội dung là: Yêu cầu công ty mẹ của Tiktok là ByteDance trong vòng 6 tháng phải bán Tiktok cho một công ty Mỹ, nếu không, Tiktok phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Ngoài những tác hại của Tiktok đến an ninh quốc gia của nước Mỹ (và các nước khác) thì những video ngắn cũng có những tác hại rất lớn đến đầu não của con người.

Một nhà xã hội học người Mỹ nhìn nhận rằng, có hai dạng thức về nguồn gốc của niềm vui con người bao gồm: Thứ nhất là loại niềm vui ‘tiêu hao’, thứ hai là loại niềm vui ‘bổ sung’.

Nhà xã hội học này phát hiện rằng, những người càng ở dưới đáy xã hội, họ lại càng truy cầu loại niềm vui ‘tiêu hao’. Niềm vui ‘tiêu hao’ là những thứ như video ngắn, ma tuý… Tuy rằng người ta đạt được niềm vui ‘tiêu hao’ một cách nhanh chóng, nhưng trên thực tế lại không đạt được bất cứ đề cao nào về cảnh giới tinh thần cho chính mình.

Người có tầng thứ càng cao, họ lại càng truy cầu loại niềm vui ‘bổ sung’, ví như đạt được thân thể khoẻ mạnh hay là tri thức. Do đó họ chăm tập thể dục, thiền định, đọc sách, suy nghĩ, tự giác kỷ luật, v.v. Loại niềm vui này mới làm con người thật sự đạt được sự vui vẻ về mặt tinh thần.

Trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 2/12/2021, nhân tiện nói về việc nền tảng nghe nhìn nổi tiếng của Trung Quốc – iQIYI sa thải nhân viên lên đến 40% vì sự xâm chiếm của… video ngắn (nằm trong niềm vui ‘tiêu hao’), Giáo sư Chương Thiên Lượng từ những nghiên cứu khoa học và góc nhìn của CEO quá cố Apple – Steve Jobs, đã có những nhìn nhận về ‘hậu quả’ của video ngắn tác động đến trí tuệ con người như sau.

Video ngắn ‘xâm lăng’ nền tảng nghe nhìn

Ngày 2/12/2021, tờ ‘Kinh tế Tài chính số 1‘ dẫn nguồn từ nhân viên iQIYI nói rằng: Hiện nay việc sa thải nhân viên vẫn đang thay đổi, con số cụ thể vẫn chưa xác định, nhưng ước đoán là khoảng 20-40% nhân viên sẽ bị sa thải. Số tiền bồi thường sẽ theo công thức (N + 1) tháng lương. Nếu một người làm việc 10 năm, họ sẽ nhận được 11 tháng lương tiền bồi thường.

Một công ty phải sa thải gần một nửa số nhân viên, đây là một con số rất đáng sợ và đáng để phân tích.

Báo cáo tài chính đã cho thấy, iQIYI thua lỗ tổng cộng 6 tỷ NDT vào năm 2020 (khoảng 21 nghìn tỷ đồng). Còn theo CEO của iQIYI là ông Cung Vũ tiết lộ rằng, vấn đề đang gặp phải trong ngành công nghiệp video dài là thiếu nguồn cung video trầm trọng. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên tỷ lệ phim truyền hình cổ trang càng ngày càng giảm, chỉ còn 1/3 so với những năm trước. Đây là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là chính là sự ‘xâm lăng’ của video ngắn vào nền tảng nghe nhìn.

Video ngắn khiến con người lười suy nghĩ

Nhân tiện kể về việc iQIYI sa thải gần một nửa nhân viên, Giáo sư Chương muốn chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề video ngắn như sau.

Giáo sư Chương cảm thấy, video ngắn xung kích cực lớn với các nền tảng nghe nhìn truyền thống. Người giàu thứ ba trong giới người Hoa là ông Trương Nhất Minh với tổng tài sản khoảng 50 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng). Ông khởi nghiệp với ByteDance, sau đó là Tiktok. Những video ngắn này đã đưa Trương Nhất Minh nhanh chóng tiến vào danh sách những người giàu có nhất trong cộng đồng người Hoa.

Từ đây, Giáo sư Chương còn thấy một xu thế rất đáng lo ngại đó là: Con người càng ngày càng lười, càng ngày càng từ bỏ việc đọc sách.

Năm đó, sở dĩ Instagram nổi tiếng nhanh chóng là vì người ta ‘đọc ảnh’ trên nền tảng đó. Nó hấp dẫn hơn Twitter – vốn là những đoạn tin ngắn. Tweet rất ngắn, chỉ vài chục chữ, do đó không cần động não nhiều, chỉ cần lướt mắt là qua ngay. Bởi vì Instagram ‘đọc ảnh’ nên càng không cần động não, lướt qua còn nhanh hơn nữa, cho nên thời điểm đó có rất nhiều người xem Instagram chứ không xem Twitter.

Về cá nhân mình, Giáo sư Chương lại rất thích đọc văn bản, bởi vì việc đọc chính là quá trình đại não gia công và sáng tác lại. Ví như chúng ta đọc Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không có hình tượng như thế nào? Nếu không có phim Tây Du Ký, thì hình tượng Tôn Ngộ Không có thể khác nhau trong tưởng tượng của mỗi người.

Nói cách khác, khi đọc văn bản, đại não đang suy nghĩ và hoạt động cao độ. Do đó việc đọc chính là một cách rèn luyện năng lực tư duy con người.

Cá nhân tôi cũng có một trải nghiệm về chia sẻ của Giáo sư Chương. Tôi đã từng xem qua loạt bài video về lịch sử – Tiếu đàm phong vân (1) của Giáo sư Chương. Là loạt bài lịch sử, trong video cũng không có cắt từ phim hay footage nào cả, mà chỉ là hình vẽ và hiệu ứng, nhưng khi xem lại rất sinh động, đặc biệt là phần 2: Tần Hoàng Hán Vũ, trong đó miêu tả trận chiến Huỳnh Dương giữa Lưu Bang và Hạng Vũ vô cùng sinh động.

Ngoài trình độ của ekip làm video ra, để có được những thước video sinh động như vậy chính là nhờ kịch bản. Mà kịch bản lại là kết quả của việc Giáo sư Chương đọc, tái tạo nhân vật trong đầu, từ đó thể hiện ra thành văn tự. Do đó Giáo sư Chương mới chia sẻ rằng: ‘Việc đọc chính là quá trình đại não gia công và sáng tác lại’.

Quay trở lại với câu chuyện video ngắn, Giáo sư Chương chia sẻ thêm rằng: Theo nghiên cứu khoa học, khi xem video hay đọc văn bản thì não người phát ra sóng những não khác nhau.

Khi xem video, sóng não người ở ‘chế độ alpha’. Ở chế độ này, trên cơ bản con người từ bỏ việc suy nghĩ. Còn khi người ta suy nghĩ sâu sắc, sóng não ở ‘chế độ beta’.

Nhà sáng lập, CEO quá cố của Apple – Steve Jobs từng nói rằng: ‘Tôi phải thừa nhận rằng tôi không xem truyền hình (TV) nhiều. Khi xem truyền hình trong nửa tiếng, việc đó thật sự khiến bộ não bạn đóng lại’.

Khi con người xem điện ảnh hoặc truyền hình, bộ não người ta đang ở chế độ nghỉ ngơi và sóng não ở ‘chế độ alpha’. Lúc này con người ở trạng thái nghỉ ngơi chứ không suy nghĩ, cho nên truyền hình hay điện ảnh nói gì, họ sẽ tin điều đó.

Giáo sư Chương nhìn nhận, đây là lý do vì sao truyền hình và điện ảnh có hiệu quả tẩy não đặc biệt. Cho nên mọi người sẽ biết rằng, Kim Jong Un của Bắc Hàn rất thích đóng phim, chính là do phim ảnh có hiệu quả tẩy não đặc biệt hiệu quả.

Thực tế thấy rằng, khi xem video ngắn, người ta không suy nghĩ, cho nên điều này trở thành một loại ‘tiêu hao’ sinh mệnh. Đôi khi giải trí một chút không phải là vấn đề lớn, nhưng càng xem nhiều video ngắn, lại càng làm tổn hại đến năng lực tư duy và khả năng tập trung của con người.

Giáo sư Chương từng xem số liệu của một nghiên cứu khoa học, trong đó đề cập rằng: Năm 2000 khi internet còn chưa quá phổ biến, ‘thời gian tập trung’ trung bình của một người là 12 giây. Điều này nghĩa là: Con người có thể tập trung 12 giây liên tục mà không nghĩ đến làm việc khác. Nhưng trải qua 15 năm, đến năm 2015 khi internet đã phổ biến, ‘thời gian tập trung’ trung bình của một người giảm xuống còn 8,25 giây (giảm gần 1/4). Đến nay, con số đó còn giảm xuống thấp hơn nữa.

Giáo sư Chương nhìn nhận, xem video ngắn cũng dễ nghiện giống như ma tuý, nó không ngừng kích thích đại não hưng phấn, dần dà khiến đại não con người dễ bị tê liệt. Càng xem video ngắn, thời gian tập trung của người ta càng giảm, khả năng cao sẽ tạo thành việc người ta không thể tập trung tinh lực để suy nghĩ bất cứ vấn đề gì. Thêm vào đó, hầu như ở đâu chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một lượng video ngắn dày đặc. Giáo sư Chương thấy rằng, đây quả thật là vấn đề rất nghiêm trọng.

Khi bạn không quyết định thì ‘người khác’ sẽ quyết định thay bạn

Giáo sư Chương còn thấy một hiện tượng như thế này, khi mua sắm rất nhiều cô gái (thậm chí chàng trai) so sánh cái này với cái kia, họ rất khó đưa ra quyết định phải mua cái gì, bởi vì họ có quá nhiều sự lựa chọn. Nhưng khi người ta càng ngày càng lười suy nghĩ, họ sẽ tìm đến người họ tin tưởng, người ấy nói điều gì họ sẽ tin điều nấy. Lúc này xuất hiện một hiện tượng rất rất hot, đó là phát sóng trực tiếp – livestream.

Để khởi động cho ngày mua sắm 11/11 năm 2021 (2) kéo dài 3 tuần, ngày 20/10/2021, trong buổi phát sóng ‘marathon’ kéo dài 12 giờ, streamer Lý Giai Kỳ đã bán được 11,5 tỷ NDT (khoảng 41 nghìn tỷ đồng); còn streamer Vy Á (Viya) cũng không kém cạnh, cô bán được 8,5 tỷ NDT (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) trong buổi livestream kéo dài 14 tiếng. Đây đều là những con số khủng khiếp.

Chỉ với hơn 12 giờ, 2 phòng phát sóng trực tiếp siêu lớn đã đạt được doanh thu hơn 20 tỷ NDT (khoảng 71 nghìn tỷ đồng) trong một ngày! Con số này đã ngang bằng với đợt mua sắm 11/11 kéo dài 3 tuần hồi năm 2019 của Taobao, đồng thời cũng đè bẹp doanh thu của 4.000 công ty bán hàng vào năm 2020. Số liệu này thực sự gây sốc.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này, nhưng dưới quan sát cá nhân, Giáo sư Chương cho rằng, đây là kết quả của việc người ta từ bỏ suy nghĩ của mình để nghe theo ‘giới thiệu/tư vấn’ của người khác. Mà việc này ít nhiều cũng liên quan đến việc xem video ngắn.

Thuần Phong tổng hợp

Related posts