Hôm 27/3 vừa qua, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cho biết rằng Bộ Tài chính nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm hạn chế những diễn biến quá mức của đồng Yen, trong đó không loại trừ việc can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với các đại diện của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản, ông Kanda cũng nhận định: “Rõ ràng các hành vi đầu cơ đang đứng sau sự giảm giá của đồng Yen”.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, các nhà chức trách có thể thực hiện “các biện pháp quyết liệt”. Lần gần đây nhất ông Suzuki nhắc tới “các biện pháp quyết liệt” là vào mùa thu năm 2022, khi nước này can thiệp vào thị trường để ngăn chặn đà giảm giá của đồng nội tệ. Ông Suzuki cho biết, chính phủ đang theo dõi sát diễn biến thị trường.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda ngày 27/3 cho hay BoJ sẽ tiếp tục đánh giá các diễn biến trên thị trường tiền tệ, và tác động đến nền kinh tế và giá cả. BoJ sẽ tiếp tục đánh giá các diễn biến trên thị trường tiền tệ, và tác động đến nền kinh tế và giá cả.
Đồng Yen của Nhật Bản giảm giá mạnh hồi tháng trước sau khi Mỹ công bố dữ liệu giá tiêu dùng, xuống ngưỡng mà về lý thuyết chính phủ có thể có hành động can thiệp. Các nhà đầu tư đã tính đến sự chênh lệch lãi suất lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi các ngân hàng trung ương của họ theo đuổi các chính sách tiền tệ khác nhau, trong đó Nhật Bản duy trì chính sách siêu lỏng trong suốt chu kỳ thắt chặt của FED.
Đồng Yen là đồng tiền mất giá lớn nhất trong số các đồng nội tệ của các nước Nhóm G10 (gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ) – giảm 3,5% so với đồng Euro. Đồng tiền này đã mất giá hơn 23% trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ nào mà Bloomberg theo dõi.
Phan Anh