Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi-Putin honeymoon at risk as Chinese flood into Russia,” Nikkei Asia, 21/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lịch sử đã ghi lại việc người Ukraine bị lợi dụng để đối trọng với sự hiện diện của người Trung Quốc.
Dù đã kéo dài khá lâu, nhưng quan hệ giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin vẫn diễn ra tốt đẹp.
Để chứng tỏ điều này, Chủ tịch Trung Quốc đã nhanh chóng gửi điện mừng tới người đồng cấp Nga ngay sau khi Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo vẫn có thể rạn nứt trong những năm tới. Khi xem xét cùng những bài học lịch sử, những thay đổi đang diễn ra ở các vùng viễn đông của Nga, giáp biên giới với Trung Quốc, cho thấy những vấn đề tiềm tàng mà Nga có thể gặp phải.
Một học giả về các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế đến từ một quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc và Nga đã khái quát tình hình: “Tham vọng lớn của Putin về việc chiếm đóng Ukraine có liên quan chặt chẽ với lịch sử thời nhà Thanh và Đế quốc Nga. Điều hiện đang bị đe dọa là tương lai của Primorsky Krai [thuộc Nga] ở vùng Viễn Đông.”
Primorsky Krai nằm ở phía đông bắc Triều Tiên và có chung đường biên giới với Trung Quốc. Thành phố cảng Vladivostok nằm ở bờ biển phía nam của khu vực này.
Gần đây, hàng loạt nông dân Trung Quốc đã đến khu vực này để tìm kiếm đất canh tác, tham gia vào nền nông nghiệp cơ giới hóa quy mô lớn, thu hoạch đậu nành và nhiều loại cây trồng khác để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Xu hướng này đã nổi lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi nhu cầu về thực phẩm bùng nổ.
Dưới thời Tập, số lượng người vượt biên thậm chí còn nhiều hơn. Nông dân Trung Quốc không còn chỉ là những người lao động thời vụ nữa, mà trở thành nhân tố chính thúc đẩy và làm rung chuyển nền kinh tế của khu vực, dù chủ đất trên danh nghĩa vẫn là người Nga.
Ban đầu, chính quyền địa phương đã chấp nhận nhóm người di cư này, xem họ như một phương thuốc thần kỳ cho vấn đề giảm dân số và thiếu lao động trong khu vực. Tuy nhiên, giờ đây, cảm giác khủng hoảng đang gia tăng khi người Nga lo ngại về một hiện trạng mới: người Trung Quốc kiểm soát đất nông nghiệp.
Các nhà chức trách đang phải đối mặt với việc nông dân Nga nổi giận bởi sự hiện diện của các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc.
Thiếu nguồn nhân lực và sức mạnh kinh tế, người bản địa đang mất đi khả năng cạnh tranh trước người di cư.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều nông dân Trung Quốc tiếp tục đến đây. Các thành phố ở tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc Trung Quốc, ở phía bên kia biên giới với Primorsky Krai, trên thực tế đã sụp đổ về mặt tài chính. Trong số đó có Hạc Cương, trung tâm sản xuất than từng một thời thịnh vượng. Do việc làm đang dần biến mất, nhiều người Hạc Cương dự kiến sẽ đến Nga.
Lịch sử của Vladivostok, hiện là cảng quân sự có tầm quan trọng quốc phòng, cũng chứa đựng một số bài học.
Năm 1860, Đế quốc Nga đã ký kết Hiệp ước Bắc Kinh với nhà Thanh, những người khi đó đang phải chật vật chống lại sự xâm lược của các thế lực nước ngoài. Theo hiệp ước, một khu vực ven biển rộng lớn bao gồm cả vùng đất ngày nay là Primorsky Krai đã được nhượng lại cho Đế quốc Nga.
Làng chài Hải Sâm Uy theo đó trở thành một phần của Nga. Tên gọi trong tiếng Trung của làng này có nghĩa là “vách đá hải sâm,” bắt nguồn từ việc ngôi làng có sản lượng đánh bắt hải sâm chất lượng cao được ưa chuộng ở Trung Quốc đại lục.
Sau khi được sấy khô cẩn thận, sản phẩm chính của làng sẽ được chuyển đến các vùng khác của Trung Quốc, để sử dụng làm nguyên liệu cho các món ăn sang trọng, bao gồm cả ẩm thực hoàng gia.
Ngay sau khi sáp nhập làng chài, Đế quốc Nga đã đặt cho nó một cái tên mới là Vladivostok, có nghĩa là “cai trị phương Đông.”
Đối với nhà Thanh, cái tên mới của Hải Sâm Uy nghe như một mối đe dọa.
Những sự kiện xảy ra sau đó đã trở thành một phần lịch sử quan trọng liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine thời hiện đại của Nga.
Khi đó, Đế quốc Nga đang phải xoay sở nhằm đảm bảo lực lượng lao động cần thiết để phát triển nông nghiệp ở vùng đất viễn đông mà nước này mới giành được. Họ cũng phải đối mặt với một thách thức tương tự ở Serbia. Các khu vực này đều có dân số thấp.
Giải pháp là gửi tù nhân ở phần châu Âu của Đế quốc Nga đến hai khu vực kể trên, đồng thời khuyến khích nông dân nghèo không có đất canh tác di cư về phía đông. Và những nông dân nhập cư này đến từ Ukraine.
Hiếm có ai biết rằng Nga đã sử dụng người Ukraine làm lực lượng tiên phong trong nỗ lực thống trị phương Đông.
Thật vậy, vào thế kỷ 19, những người nông dân Ukraine nghèo sinh sống ở bờ đông Sông Dnieper, một tuyến đường thủy chính chảy ra Biển Đen, đã trở thành đoàn người định cư đầu tiên ở vùng Viễn Đông của Nga. Các ghi chép cho thấy trong giai đoạn đầu đã có hơn 16.000 nông dân Ukraina đến Vladivostok.
Họ không đến bằng đường bộ mà lên tàu ở Odesa, đi qua Kênh đào Suez vào Ấn Độ Dương, rồi cuối cùng đến Vladivostok. Từ đó, họ tiến về phía bắc, tiến sâu hơn vào Primorsky Krai.
Odesa – nổi tiếng với Cầu thang Potemkin, từng xuất hiện trong bộ phim “Chiến hạm Potemkin,” do Sergei Eisenstein đạo diễn, ra mắt vào năm 1925 – ngày nay được biết đến nhiều hơn với vai trò là thành phố cảng quan trọng của Ukraine, đã nhiều lần bị Nga nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công tên lửa.
Vị học giả đã khái quát tình hình ở Primorsky Krai cảnh báo rằng: nếu nước Nga của Putin chiếm được toàn bộ Ukraine, chính sách di cư quy mô lớn hồi thập niên 1860 có thể được áp dụng một lần nữa.
Đây không phải là chuyện tưởng tượng. Trước và sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào năm 2022, các phương tiện truyền thông từ vùng Viễn Đông của Nga cho biết nhiều người đã bị cưỡng bức di dời từ hai tỉnh miền đông Ukraine đến Siberia, Viễn Đông, và nhiều nơi khác.
Ukraine có dân số hơn 40 triệu người và tình trạng thiếu lao động ở Primorsky Krai đã vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Bằng cách đưa người Ukraine đến khu vực, Nga có thể cản trở sự xâm nhập của nông dân Trung Quốc vào Primorsky Krai, theo đó cũng ngăn họ chiếm quyền kiểm soát nền kinh tế khu vực.
Trong hoàn cảnh phức tạp như vậy, Trung Quốc của Tập đã có một động thái bất ngờ.
Năm 2023, một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các bản đồ Trung Quốc đương đại phải sử dụng tên gọi Hải Sâm Uy bên cạnh Vladivostok. Vậy là “vách đá hải sâm” đã trở lại, chí ít là trên các tấm bản đồ.
Đồn đoán đã xuất hiện trong số những người nghiên cứu lịch sử triều đại nhà Thanh và Đế quốc Nga. Họ nói: “Chính quyền Tập, thường xuyên lo lắng về các động thái của Putin, đã thực hiện một động thái chiến lược với tầm nhìn xa.”
Họ cũng tự hỏi, nếu quyền lực của Nga suy giảm, thì liệu chính quyền Tập có nhắm đến việc khôi phục các lãnh thổ thuộc triều đại nhà Thanh của Trung Quốc trên thực tế hay không?
Tám địa điểm khác ở vùng Viễn Đông của Nga cũng được hồi sinh những cái tên có từ thời nhà Thanh, bao gồm Khabarovsk, một thành phố lớn khác trong khu vực; Blagoveshchensk, dọc biên giới Trung-Nga; và Sakhalin, hòn đảo nằm ở Biển Okhokst.
Nửa thế kỷ sau khi Đế quốc Nga thúc đẩy chính sách di dời người Ukraine đến Viễn Đông, Liên Xô của Joseph Stalin đã áp dụng một chính sách khác còn dã man hơn, Holodomor. Từ tiếng Ukraina này có nghĩa là chết vì đói.
Người ta tin rằng hàng triệu người đã chết trong nạn đói mà Liên Xô gây ra ở các vùng đất Ukraine từ chối áp dụng nông nghiệp tập thể.
Những người dân Ukraine và các nước Trung Á vẫn mang trong mình ký ức về chính sách sắc tộc tàn bạo của Đế quốc Nga và Liên Xô đang cẩn trọng theo dõi những động thái tiếp theo của Putin. Những người sinh sống dọc theo biên giới giữa Primorsky Krai và Hắc Long Giang cũng chia sẻ thái độ cảnh giác này. Lịch sử tàn khốc của khu vực không nên bị lãng quên.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.