Lưu Trọng Văn: CÓ ĐI CÓ LẠI ẤY MÀ
Việc thành phố Vinh chuẩn bị đón bức tượng 4,5 tấn đồng cụ Nin do thành phố Ulianov, Nga tặng để đặt tại đại lộ Lenin đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau trên mạng xã hội.
Có một số người phản ứng quyết liệt vì trên thế giới và ngay tại Nga và nhiều nước cộng sản trước đây, nhiều nước trong Liên bang Xô viết trước đây đã từ lâu hạ bệ tượng Lê Nin, vậy tại sao Vinh lại dựng tượng Lê Nin? Có người cho rằng trong lúc Nghệ An vẫn phải xin Trung ương gạo cứu đói tại sao lại làm việc tốn kém và chưa thống nhất lòng Dân, phân rẽ dư luận vậy?
Nhiều người sực nhớ Nghệ An có tổ tư vấn kinh tế xã hội gồm toàn anh tài xứ Nghệ, chẳng lẽ tổ tư vấn này không được hỏi ý kiến? Và nếu có hỏi ý kiến, chẳng lẽ lại đồng ý?
Thực ra, đây là câu chuyện có đi có lại.
Nghệ An quê cụ Hồ kết nghĩa với Ulianov quê cụ Nin. Quê cụ Nin có đại lộ Hồ Chí Minh, đáp lại quê cụ Hồ cũng phải có đại lộ Lê Nin. Ulianov dựng tượng cụ Hồ trên đại lộ Hồ Chí Minh, đáp lại Nghệ An phải dựng tượng cụ Lê Nin trên đại lộ Lê Nin. Chỉ khác một điều tượng cụ Hồ do quê cụ Nin tự bỏ tiền ra đúc, còn tượng cụ Nin thì cũng do quê cụ Nin bỏ tiền ra đúc nốt.
Đây là chuyện thoả thuận của chính quyền hai tỉnh kết nghĩa này chẳng liên quan gì đến Dân Nghệ và tổ tư vấn cả.
Đừng trách tổ tư vấn của các bác Trương Đình Tuyển, Nguyễn Sỹ Dũng, Trần Đình Thiên… tội nghiệp.
***
Phạm Lưu Vũ: CHỦ NGHĨA CƠ HỘI CHÍNH TRỊ
Là tư tưởng dùng hình ảnh lãnh tụ một cách bừa bãi, bất chấp thực tại khách quan để chứng tỏ lập trường… hòng kiếm chác vị trí, chức vụ trong chính trị. Sinh thời, chính V.I. Lê Nin rất ghét điều này. Cầm đầu tư tưởng này là PLê Kha Nốp, một trong những nhà lý luận hàng đầu của ĐCS Liên Xô. PLê Kha Nốp công khai ca tụng Lê Nin ở mọi lúc, mọi nơi, khiến Lê Nin cũng phải phát ngượng mà bảo với các đồng chí của mình: “Nói như thể chân lý là con đẻ của anh ta (trỏ PLê Kha Nốp)”.
Lê Nin xếp tất cả lũ này vào cái rọ “menshevik”, tới Đại hội VII (1918), ông đề nghị đổi tên ĐCS Liên Xô, lúc bấy giờ đang mang tên Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga thành Đảng Bolshevik Nga.
Lê Nin càng e ngại, nếu bọn trí thức cũng cơ hội chính trị. Khi thấy Goorki viết bài ca ngợi mình, Lê Nin bảo ngay: “Trí thức là cục phân”, khiến Goorki cụt hứng, không dám mơ màng đến chính trị nữa, phải chuồn sang Ý sống.
Sau Cách mạng tháng 10, Trotsky chủ trương sự hợp nhất giữa phái Menshevik và phái Bolshevik là không thể, và tham gia phái Bolshevik, khiến Lê Nin cũng phải thốt lên: “Không có người Bolshevik nào tốt hơn ông ta…”. Đến khi Trotsky ủng hộ việc thành lập một đảng tiên phong của giai cấp lao động, quốc tế vô sản… và nổi lên thành một trong những nhà chính trị hàng đầu, Lê Nin bắt đầu phê phán và coi Trotsky là một tên cơ hội chính trị.
Đến khi Stalin lên nắm quyền thì Trotsky phải chuồn sang Nam Mỹ. Song vẫn bị Stalin sai sát thủ sang tận nơi giết cho bằng được.
Sau khi Lê Nin chết 100 năm, khi mà 2/3 Nhân loại đã xếp ông, và những Stalin… vào hạng đại đồ tể, khắp nơi trên thế giới, người ta đang giật đổ tượng ông, thì ông cũng không thể ngờ rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị bẩn thỉu vẫn còn rơi rớt. Ở một nơi tận xứ Nghệ xa xôi, người ta vẫn dựng tượng ông, nặng tới 4 tấn rưỡi. Để làm gì nhỉ? Để tích trữ đồng, phòng khi thiếu đồng làm nõ điếu cày chăng?
***
Nguyễn Thông: TƯỢNG ĐỒNG NGƠ NGÁO
Nghệ An, nơi có truyền thống nịnh Nga với báo Nghệ An, đài tivi Nghệ An, với danh xưng “Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An” nếu quyết định dựng tượng đồng Lê Nin thì cũng không có gì khó hiểu. Nhưng có lẽ đó chỉ là ham hố nhất thời của đám lãnh đạo tỉnh (tỉnh ủy, ủy ban) chứ không phải của dân xứ Nghệ. Tôi hỏi một ông bạn gốc Nghệ, y bảo “tao có dựng đ*o đâu mà hỏi tao”.
Đám lãnh đạo Nghệ đã quên câu “hơn tượng đồng phơi những lối mòn” nên mới đổ đốn như vậy. Dựng 100 tượng cũng được, nhưng cấm lấy tiền thuế của dân chi vào, có khi Lê Nin ăn một, đứa dựng ăn mười.
Ông hàng xóm nhà tôi bảo, bằng việc dựng tượng Sáu Lê, Nghệ An đã công khai tuyên bố nó là tỉnh hải ngoại của Nga, sau việc nó suốt hơn hai năm nay ngang nhiên đứng về phía Nga và miệt thị Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược.
***
Nguyễn Ngọc Chu: NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VỀ TƯỢNG ĐÀI LENIN TẠI HÀ NỘI
1. Tổng thống Nga Putin đã 4 lần sang thăm Việt Nam (2001, 2006, 2013, 2017). Nhưng ông Putin chưa một lần đến thăm tượng đài Lenin ở vườn hoa Chi Lăng Hà Nội.
2. Ông Medvedev cũng đã 5 lần sang thăm Việt Nam. Một lần với tư cách tổng thống Nga vào năm 2010. Ba lần với tư cách thủ tướng Nga vào các năm 2012, 2015, 2018. Một lần với tư cách chủ tịch đảng nước Nga thống nhất vào năm 2023. Trong cả 5 lần thăm Việt Nam, ông Medvedev không một lần đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
3. Từ năm 1992 đến nay đã có hàng trăm đoàn đại biểu từ Liên bang Nga sang thăm Việt Nam. Nhưng không một đoàn đại biểu nào đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
4. Từ năm 1992, chưa một lần đại sứ và đại sứ quán Nga ở Hà Nội đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
5. Từ năm 1992, không có đoàn khách quốc tế nào đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
6. Tượng đài Lenin được đặt tại vườn hoa Chi Lăng Hà Nội vào ngày 20/8/1985. Vườn hoa Chi Lăng, trước có tên là vườn hoa Canh Nông (do người Pháp xây dựng) vì có bức tượng người nông dân kéo cày, từ 7/10/2003 đổi thành công viên Lenin.
Nguồn: Tiếng Dân