Họp báo ở xứ “thiên đường”: Hỏi phải đúng tôn chỉ, đăng ký trước ba ngày!

Blog RFA

Gió Bấc

10-4-2024

Mới đây, ngày 6-4, hơn 800 tờ báo “lề phải” hoan hỉ đồng loạt đăng thông tin nóng hổi về “Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP. Cần Thơ”.

Theo Quy chế này, “phóng viên thường trú báo chí Trung ương và địa phương khác hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày. Phóng viên, nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác” (1).

Họp báo là để nghe chính quyền, cơ quan trách nhiệm cung cấp thông tin và đối thoại làm rõ thông tin. Sao phải buộc phải đăng ký câu hỏi trước ba ngày? Buộc nhà báo chỉ được hỏi phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo lại càng mơ hồ, ấm ớ. Chẳng lẽ phóng viên báo Phụ nữ không được hỏi về chuyện đàn ông, đất đai là chuyện riêng của báo Tài Nguyên Môi Trường…?

Đọc Quy chế, tưởng như đây là loại luật rừng của quan chức tỉnh lẻ không hiểu về báo chí. Nhưng không, đây là quan điểm chính thống của đảng, nhà nước xứ “thiên đường”. Báo chí cách mạng được “chống tham nhũng không có vùng cấm”, nhưng phải theo “khuôn vàng thước ngọc” là tôn chỉ, mục đích. Ấm ớ vượt ranh là bị tuýt còi, phạt trắng mắt không thua lái xe có nồng độ cồn.

Vào đầu tháng 2-2024, ông V.Đ.T phóng viên tạp chí Công Nghiệp Môi Trường đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 4 triệu đồng vì vi phạm hành chính: “Phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác”. Vi phạm cụ thể là, khi nghe tin bà Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh dùng xe công đi đón con ở sân bay Vinh lại hú còi, ông T gọi điện thoại đến cơ quan Hội để thẩm định thông tin (2).

Một nhà báo nghe thông tin bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên hệ với cơ quan có trách nhiệm để xác minh thông tin, cách tác nghiệp hết sức bình thường, sao lại bị phạt? Việc xác minh thông tin cũng chưa gây hệ quả gì sao lại phạt?

Không chỉ ông T cúi đầu chịu phạt mà cả tờ tạp chí, cơ quan chủ quản của ông cũng ngoan ngoãn im hơi lặng tiếng, hết sức bất thường. Các báo đồng nghiệp cũng đồng loạt đăng tin quan phương mà không có ý kiến phân tích đúng sai, nặng nhẹ về cách xử phạt oái oăm này, cho thấy sự suy đồi về tự do thông tin đã thành hệ thống.

Hóa ra ông T  không phải là người đầu tiên vướng vòng kim cô “tôn chỉ mục đích”. Thanh Tra Sở TTTT Hà Tĩnh cũng không phải là đầu têu. Báo chí xứ “thiên đường” đã đóng góp khá khủng cho ngân sách về khoảng vi phạm này, do chính cơ quan quản lý nhà nước cao nhất ra quyết định xử phạt.

Thông tin từ báo Lao Động cho biết: “Đến hết tháng 9.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.

Cụ thể như sau: Tạp chí Thương gia bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bị phạt tiền 55 triệu đồng; Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị phạt tiền 138 triệu đồng; Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing news) bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 50 triệu đồng; Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 3,5 triệu đồng; Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép loại hình điện tử trong thời hạn 03 tháng; Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 07 triệu đồng; Báo Sức khoẻ và Đời sống bị phạt tiền 72,5 triệu đồng; Báo điện tử Tổ quốc bị phạt tiền 50 triệu đồng”.

Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. “Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Nhà quản lý; chuẩn bị ban hành quyết định xử phạt đối với Tạp chí điện tử Viettimes, Tạp chí điện tử Nhịp sống số, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại” (3).

Theo cách hiểu phổ quát của thế giới, tự do báo chí hay tự do thông tin là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật, thậm chí Hiến pháp. Biểu hiện của tự do báo chí thể hiện qua việc tự do thông tin, tiếp nhận thông tin qua tất cả các nguồn khác nhau, bày tỏ quan điểm chính kiến mà không sợ bị giam cầm hay trù dập.

Ở xứ “thiên đường” vốn dân chủ “gấp ngàn lần hơn xứ tư bản giãy chết”, người dân có hẳn luật BÁO CHÍ đã được sửa đi sửa lại mấy lần, từ năm 2016 lại có thêm cái luật “sang trọng” nữa là luật TIẾP CẬN THÔNG TIN, trong đó ghi nhận những lời có cánh:

1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

2. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.

3. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật” (4).

Ưu đãi hơn nữa, đảng còn lập ra Quy Hoạch Báo Chí. Chỉ các cơ quan, đoàn thể quyền lực của đảng, nhà nước mới có quyền ra báo và chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, mỗi tờ báo phải có tôn chỉ mục đích và đối tượng phục vụ được xác lập trong giấy phép. Bảng Phong Thần “tôn chỉ, mục đích” của báo chí được lưu trữ ở đây (5).

Ngày xưa, Phật Bà Quan Âm từ bi chỉ ban cho Tôn Ngộ Không vòng Kim Cô đủ để thuần hóa bản năng hoang dã. Ngay nay, Đảng ưu ái cấy cho báo chí cách mạng cái Sinh Tử Phù, phải có cơ quan chủ quản và cẩn thận hơn thêm sợi dây Khổn Tiên Thằng, tùy nghi co giãn “Tôn Chỉ Mục Đích”, nên báo chí tha hồ “tự do” đi theo… “lề phải”.

Nhà báo, Trương Huy San đã cay đắng bình luận trên Facebook: “Quy hoạch báo chí được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên Giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “Chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “Quyền lực thứ Tư”, chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như Quy hoạch báo chí.

Những người làm Quy hoạch báo chí không phải bị “nghiệp quật”. Phần lớn bọn họ đã là quan tham trước khi bắt tay vào công việc này. Chính bọn họ hiểu rõ, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là báo chí…

Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng TT & TT gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ “khen cho anh chết” (6).

Thật sự thì không phải sự vi phạm tôn chỉ, mục đích nào cũng bị phạt vạ, xử lý. Trước khi Nguyễn Phương Hằng bị bắt, 800 tờ báo đồng loạt tường thuật tỉ mỉ “lời châu ngọc” của nữ đại gia. Mấy ngày gần đây, báo chí rậm rực đưa tin hình ảnh đám cưới cầu thủ bóng đá Quang Hải, bất cần tôn chỉ.

Nhưng chính nhờ cái khung quy hoạch và tôn chỉ ấy nên Trương Mỹ Lan tha hồ thao túng ngân hàng suốt 10 năm qua, ai cũng biết nhưng không báo nào dám nói. FLC tha hồ chiếm đất vàng đất bạc, Phạm Nhật Vũ bán AVG lấy 9000 tỉ trong vòng một nốt nhạc và còn bao đại gia, đại án nữa đang tiếp tục an nhiên đục khoét, cướp đoạt tài nguyên, ngân khố với số tiền khổng lồ triệu đô, tỉ đô?

Nhưng đâu chỉ có lạt mềm “tôn chỉ mục đích”. Xứ “thiên đường” còn có cả lửa địa ngục điều 311, Bộ Luật Hình Sự, thiêu hủy từ trong trứng nước mầm mống của tiếng nói tự do. Một nhà báo độc lập nhận định rằng, bên cạnh bắt bở bỏ tù các nhà báo độc lập, Nhà nước Việt Nam còn “chống lưng” cho các hội nhóm tung tin giả. Đó cũng là lý do khiến tình nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn “ổn định” đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2023, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam ở vị trí 178/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm ba hạng so với năm ngoái, chỉ hơn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên (7).

Thủ đoạn dùng uyển ngữ che đậy bạo quyền đàn áp, đảng và nhà nước cộng sản đã cướp đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân hơn 70 năm ờ Miền Bắc và gần nửa thế kỷ ở Miền Nam. Hệ thống báo chí lề đảng là công cụ mị dân, ngu dân, làm suy đồi dân khí, duy trì chế độ độc tài toàn trị. Bức hại, đàn áp các tổ chức tôn giáo, người tu hành ngoài các giáo hội quốc doanh; đồng hóa, trấn áp các cộng đồng dân tộc ít người. … Người dân Việt Nam thực chất chỉ là công cụ, là nộ lệ cho thiểu số nhóm lợi ích đang cầm quyền.

Việc nhà nước Việt Nam lọt vào thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vừa qua là vết đen đáng xấu hổ cho tổ chức này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng và có biện pháp thích đáng, tẩy xóa vết đen ấy, đừng để loang lớn hơn thêm.

_________

Chú thích:

1. https://tienphong.vn/can-tho-quy-dinh-co-quan-bao-chi-du-hop-bao-phai-gui-cau-hoi-truoc-3-ngay-post1626501.tpo

2. https://tuoitre.vn/vi-sao-phong-vien-tim-hieu-xe-bien-xanh-lap-den-coi-uu-tien-don-nguoi-than-o-san-bay-bi-xu-phat-20240209100742843.

3. https://laodong.vn/xa-hoi/go-bo-hang-nghin-tin-bai-khong-dung-ton-chi-muc-dich-tren-nhieu-tap-chi-1099519.ldo

4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-tiep-can-thong-tin-2016-280116.aspx

5. https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html

6. https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02vJrbPNnM3eGtxrWcC72xr15A6dqeikGV9pmZKDqvAo7aNGZHYJc372NLkdvSaRdSl

7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65468349

Related posts