Nguồn: “Xi Jinping’s misguided plan to escape economic stagnation” The Economist, 04/04/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Những tháng vừa qua là giai đoạn kinh tế khó khăn nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ khi cuộc cải cách sâu rộng của Đặng Tiểu Bình bắt đầu vào những năm 1990. Năm ngoái nước này ghi nhận mức tăng trưởng 5%, nhưng những trụ cột của phép màu kinh tế mấy thập niên nay đang lung lay. Lực lượng lao động nổi tiếng cần cù của nước này đang bị thu hẹp, cuộc bùng nổ bất động sản điên cuồng nhất trong lịch sử đã đi sang sườn bên kia, và hệ thống thương mại tự do toàn cầu mà Trung Quốc từng dựa vào để làm giàu đang tan rã. Như chúng tôi từng đưa tin, phản ứng của chủ tịch Tập Cận Bình là đẩy mạnh một kế hoạch táo bạo nhằm tái thiết nền kinh tế Trung Quốc. Pha trộn giữa chủ nghĩa công nghệ-không tưởng, kế hoạch hóa tập trung, và nỗi ám ảnh về an ninh, chương trình của ông Tập đặt ra tham vọng Trung Quốc thống trị các ngành công nghiệp tương lai. Nhưng những mâu thuẫn nội tại của gói chính sách sẽ chỉ làm cho người dân Trung Quốc thất vọng và chọc tức phần còn lại của thế giới.
So với 12 tháng trước, tâm trạng ở Trung Quốc thật ảm đạm. Mặc dù sản xuất công nghiệp có khởi sắc trong tháng 3, người tiêu dùng vẫn chán nản, giảm phát rình rập, và nhiều doanh nhân vỡ mộng. Đằng sau nỗi u ám bề mặt là những lo ngại sâu sắc hơn về sự dễ tổn thương của Trung Quốc. Người ta dự đoán nước này sẽ mất 20% lực lượng lao động vào năm 2050. Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản, vốn chiếm 1/5 GDP, sẽ mất nhiều năm để giải quyết. Nó sẽ gây tổn hại cho các chính quyền địa phương vốn phải dựa vào việc bán đất để có doanh thu ngân sách và bất động sản để tăng trưởng. Mối quan hệ với Mỹ đang ổn định hơn, như cuộc điện đàm giữa ông Tập và tổng thống Joe Biden trong tuần này đã cho thấy. Nhưng nó cũng rất mong manh. Các quan chức Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ sẽ hạn chế thêm hàng nhập khẩu của Trung Quốc và trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc hơn, bất kể ai giành được Nhà Trắng vào tháng 11.
Phản ứng của Trung Quốc là một chiến lược được xây dựng dựa trên cái mà các quan chức gọi là “lực lượng sản xuất mới.” Lựa chọn này tránh con đường thông thường là kích thích tiêu dùng lớn để phục hồi kinh tế (mà “phương Tây suy đồi” hay sử dụng). Thay vào đó, ông Tập muốn quyền lực nhà nước thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến, từ đó tạo ra việc làm năng suất cao, giúp Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp, và bảo đảm an ninh trước Mỹ. Trung Quốc sẽ bỏ qua thép và các tòa nhà chọc trời để đi thẳng đến kỷ nguyên vàng của sản xuất hàng loạt ô tô điện, pin, sản xuất sinh học, và “nền kinh tế bay tầm thấp” dựa trên máy bay không người lái.
Phạm vi của kế hoạch này thật ngoạn mục. Chúng tôi ước tính khoản đầu tư hàng năm vào “lực lượng sản xuất mới” đã đạt 1,6 nghìn tỷ USD – tức 1/5 tổng vốn đầu tư và gấp đôi so với 5 năm trước theo danh nghĩa. Con số này tương đương với 43% tổng vốn đầu tư kinh doanh ở Mỹ vào năm 2023. Công suất nhà máy ở một số ngành có thể tăng hơn 75% vào năm 2030. Một vài trong số này sẽ được thực hiện bởi các công ty đẳng cấp thế giới mong muốn tạo ra giá trị, nhưng phần lớn sẽ được thúc đẩy bằng trợ cấp và sự chỉ đạo ngầm hoặc rõ ràng của nhà nước. Các công ty nước ngoài đều được chào đón, dù nhiều công ty từng bị thiệt hại ở Trung Quốc. Mục đích cuối cùng của ông Tập là đảo ngược cán cân quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc không chỉ thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây mà còn kiểm soát phần lớn tài sản trí tuệ quan trọng trong các ngành công nghiệp mới và cứ thế tính tiền phí sử dụng. Các công ty đa quốc gia sẽ đến Trung Quốc để học chứ không phải để dạy.
Nhưng kế hoạch của ông Tập về cơ bản là sai lầm. Một lỗ hổng là nó không nhắc gì tới người tiêu dùng. Mặc dù chi tiêu của họ lấn át tài sản và lực lượng sản xuất mới, nó chỉ chiếm 37% GDP, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn toàn cầu. Để khôi phục niềm tin giữa khủng hoảng bất động sản và từ đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, cần phải có biện pháp kích thích. Để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm ít đi đòi hỏi một hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cũng như những cải cách nhằm mở rộng dịch vụ công cho tất cả người di cư thành thị. Việc ông Tập miễn cưỡng chấp nhận điều này phản ánh tư duy khắc khổ của ông. Ông ghét ý tưởng giải cứu các công ty đầu cơ bất động sản hoặc phát tiền cho người dân. Năm ngoái ông từng nói người trẻ nên bớt được chiều chuộng và sẵn sàng “ăn đắng.”
Một nhược điểm khác là nhu cầu trong nước yếu đồng nghĩa với việc một số sản phẩm mới sẽ phải xuất khẩu. Đáng tiếc là thế giới đã không còn ở trong giai đoạn thương mại tự do của những năm 2000 – một phần do chủ nghĩa trọng thương của chính Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ chặn hàng nhập khẩu tiên tiến từ Trung Quốc, hoặc những sản phẩm do các công ty Trung Quốc sản xuất ở nơi khác. Châu Âu đang hoảng loạn trước việc xe điện Trung Quốc quét sạch các nhà sản xuất ô tô nội địa. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước phương Nam. Nhưng nếu sự phát triển công nghiệp của các nước mới nổi bị suy yếu bởi “cú sốc Trung Quốc” mới, thì chính họ cũng sẽ trở nên cảnh giác hơn. Trung Quốc chiếm 31% sản xuất toàn cầu. Trong thời đại bảo hộ, con số đó có thể tăng thêm bao nhiêu?
Khuyết điểm cuối cùng là quan điểm thiếu thực tế của ông Tập về giới doanh nhân, những động lực tăng trưởng của Trung Quốc 30 năm qua. Đầu tư vào các ngành được ưu đãi về mặt chính trị đang tăng vọt, nhưng cơ chế chấp nhận rủi ro cơ bản của chủ nghĩa tư bản đã bị tổn hại. Nhiều ông chủ phàn nàn về việc ban hành quy định khó lường của ông Tập và lo sợ bị thanh trừng hoặc thậm chí bị bắt. Định giá tương đối của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp nhất trong 25 năm; các công ty nước ngoài cảnh giác; xuất hiện hiện tượng tháo vốn và các ông trùm tài chính đang di cư khỏi Trung Quốc. Trừ khi các doanh nhân được cởi trói, đổi mới sẽ bị ảnh hưởng và nguồn lực sẽ bị lãng phí.
Trung Quốc có thể trở nên giống Nhật Bản của những năm 1990, bị mắc kẹt bởi giảm phát và khủng hoảng bất động sản. Tệ hơn nữa, mô hình tăng trưởng lệch lạc của họ có thể phá hủy thương mại quốc tế, từ đó khiến căng thẳng địa chính trị càng leo thang. Mỹ và các đồng minh không nên vui mừng với kịch bản đó. Nếu Trung Quốc trì trệ và bất mãn, nước này có thể còn hiếu chiến hơn cả khi đang thịnh vượng.
Nếu những sai sót này là hiển nhiên, tại sao Trung Quốc lại không thay đổi hướng đi? Một lý do là ông Tập không lắng nghe. Trong gần 30 năm qua, Trung Quốc đã cởi mở với quan điểm bên ngoài về cải cách kinh tế. Các nhà kỹ trị của nước này nghiên cứu các phương pháp thực hành tốt nhất trên toàn cầu và hoan nghênh tranh luận. Dưới sự cai trị tập trung hóa của ông Tập, các chuyên gia kinh tế đã bị gạt ra ngoài lề và những phản hồi mà các nhà lãnh đạo từng nhận được giờ chỉ còn là lời tâng bốc. Một lý do nữa là ông Tập đặt an ninh quốc gia lên trên thịnh vượng kinh tế. Trung Quốc phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới với Mỹ, ngay cả khi phải trả giá. Đó là một sự thay đổi sâu sắc so với những năm 1990, và những tác động xấu của nó sẽ được cảm nhận rõ ràng ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới./.