Nguồn: Derek Grossman, “Putin’s embrace of Kim Jong Un has its limits,” Nikkei Asia, 04/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chuyến thăm Triều Tiên sắp tới của Putin sẽ giúp quan hệ song phương trở nên sâu sắc hơn, nhưng Nga vẫn thận trọng.
Alexander Matsegora, Đại sứ Nga tại Triều Tiên, dự đoán năm nay sẽ là một “năm đột phá” cho quan hệ đối tác giữa hai nước.
Có lẽ ông ấy đúng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch tới thăm Bình Nhưỡng trong những tháng tới để gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và đáp lại chuyến thăm của ông Kim vào tháng 9 năm ngoái tới vùng Viễn Đông của Nga. Nếu chuyến thăm diễn ra, nó sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Putin tới Bình Nhưỡng kể từ năm 2000 khi ông tới gặp Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo hiện tại.
Tháng trước, Bộ Văn hóa Nga đã cử một phái đoàn cấp cao tới Triều Tiên để kỷ niệm 75 năm hợp tác kinh tế và văn hóa song phương. Điều này cho thấy Putin và Kim sẽ tìm cách nâng quan hệ đối tác giữa hai nước vượt ra ngoài hợp tác khoa học, công nghệ, và quân sự để bao gồm việc xây dựng các liên kết kinh tế và xã hội.
Du lịch song phương cũng đang trên đà tăng trưởng khi các du khách Nga đến thăm Khu trượt tuyết Masikryong của Triều Tiên lần đầu tiên kể từ đại dịch. Về phần mình, số du khách Triều Tiên tới Nga trong năm 2023 đã tăng gấp 5 lần so với năm trước.Bài đang hotChính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
Đặc khu kinh tế Rason, nằm giáp biên giới với các tuyến đường sắt và cảng nối với Nga, hiện đang hoạt động nhộn nhịp và sẵn sàng phát triển hơn nữa nếu Kim và Putin đạt được các thỏa thuận thương mại và đầu tư mới.
Theo thỏa thuận đổi vũ khí lấy lương thực đạt được vào tháng 8 năm ngoái, Điện Kremlin đang nhận vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cung cấp thực phẩm và các hàng hóa cần thiết khác cho Triều Tiên, quốc gia được cho là đang chật vật chống lại nạn đói. Dầu là một mặt hàng quan trọng khác mà Nga đang cung cấp, với nguồn cung chiếm từ 20% đến 50% lượng nhập khẩu mà Triều Tiên được phép theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Nga dường như cũng đang hỗ trợ cho chương trình tên lửa của Kim Jong Un, đặc biệt là về công nghệ phương tiện tái nhập khí quyển (reentry vehicle technology) vốn có thể giúp Triều Tiên hoàn thiện khả năng nhắm mục tiêu của đầu đạn hạt nhân.
Hồi tháng 2, dựa trên hình ảnh thương mại và dữ liệu theo dõi tàu thuyền, các học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đã thống kê 44 chuyến hàng vũ khí nhiều khả năng đã đến Nga bằng đường biển và đường sắt kể từ tháng 8 năm ngoái. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ước tính Triều Tiên đã gửi hơn 3 triệu viên đạn tới Nga, trong khi Mỹ cho biết một số tên lửa do Triều Tiên sản xuất đã được bắn vào Ukraine.
Rất khó để biết chính xác Nga đang giúp đỡ Triều Tiên như thế nào trong chương trình tên lửa, nhưng các vụ thử nghiệm trong tương lai có thể tiết lộ dấu hiệu về sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai bên. Hiện tại, chí ít cũng thể giả định một cách hợp lý rằng Putin đã chỉ đạo các nhà khoa học Nga đến hỗ trợ Kim.
Trong khi đó, vào tuần trước, Nga đã ngăn chặn việc gia hạn hàng năm nhiệm vụ giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, một động thái sẽ khiến việc đánh giá tình trạng chương trình hạt nhân của Triều Tiên trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, giám đốc cơ quan tình báo của Putin cũng đã đến thăm Bình Nhưỡng.
Gần đây, trong một động thái trực tiếp làm trái các lệnh trừng phạt, Putin được cho là đã gửi cho Kim một chiếc xe hơi sang trọng do Nga sản xuất. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Kim Yo Jong, em gái và phụ tá thân thiết của Kim Jong Un, đã “lịch sự chuyển lời cảm ơn” của nhà lãnh đạo, xem đây là “một minh chứng rõ ràng về quan hệ cá nhân đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu.”
Quan hệ đối tác giữa Putin và Kim hiện nay có vẻ mang tính chất giao dịch nhất thời, nhưng Nga và Triều Tiên cũng đang chịu những áp lực chiến lược rõ ràng buộc họ phải hợp tác cùng nhau.
Ở cấp độ vĩ mô, cùng với Trung Quốc và Iran, Nga và Triều Tiên đang tìm cách tạo ra một khối chính trị, kinh tế, và an ninh thay thế cho trật tự quốc tế tự do, dựa trên luật lệ mà phương Tây lãnh đạo. Ngoài ra, Nga và Triều Tiên nằm trong số những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới, càng tạo thêm logic cho sự hợp tác của họ.
Ngoài ra, còn có một số lợi ích địa chiến lược không thể phủ nhận đối với Triều Tiên trong việc khiến Washington sa lầy ở Ukraine khi thu hút sự chú ý bằng cách xây dựng các chương trình tên lửa và hạt nhân. Tương tự, Moscow có lợi ích trong việc khiến Mỹ lo lắng về Bán đảo Triều Tiên để ngăn nước này tập trung quá sát sao vào Ukraine.
Quỹ đạo hiện tại của quan hệ Triều Tiên-Nga chắc chắn không có lợi cho Mỹ và các đồng minh, vì về cơ bản nó mang lại cho cả Triều Tiên và Nga nhiều không gian để tiếp tục hành vi xấu của mình. Nhưng vẫn chưa phải là hết hy vọng.
Triều Tiên và Nga đơn giản là không và không thể có mối quan hệ đối tác “không giới hạn” như kiểu quan hệ mà Putin đã tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước khi xâm lược Ukraine. Hợp tác kinh tế giữa Bình Nhưỡng và Moscow bị ảnh hưởng bởi năng lực hạn chế của cả hai bên, cũng như những ràng buộc của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Putin cũng có thể sẽ hạn chế hỗ trợ cho việc chế tạo vũ khí của Kim, đặc biệt là chương trình hạt nhân, vì lo ngại về việc có thể vô tình chọc tức Tập, người mong muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á. Cho đến nay, Tập vẫn do dự trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Nga ở Ukraine và tránh ủng hộ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Về phần mình, Kim cũng phải phân bổ hợp lý số đạn dược gửi tới Nga để đảm bảo quân đội của ông đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu với Hàn Quốc và Mỹ.
Do đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Triều Tiên khó có thể mang tính quyết định đối với cả hai bên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, bất kỳ tiến bộ công nghệ nào cho chương trình quân sự của Triều Tiên chắc chắn đều sẽ gây lo ngại.
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp. ở Santa Monica, California, và là giáo sư thỉnh giảng về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Nam California. Trước đây ông từng là cố vấn tình báo tại Lầu Năm Góc.