Tin VN sáng thứ Bảy: Người miền Tây chật vật trong hạn mặn

Người miền Tây chật vật trong hạn mặn

Đêm tháng 3, bà Lệ Thu ngồi xếp quần áo vào balo, chuẩn bị gửi hai đứa cháu về nhà nội trong khi tụi nhỏ khóc nấc vì sắp phải xa ngoại.

“Về nội mới có nước tắm giặt chứ ở đây ngứa ngáy hoài chịu sao nổi”, người phụ nữ 62 tuổi nạt hai đứa trẻ. Trước khi cháu lên xe bà còn gọi chúng lại dặn dò “tối nhớ gọi điện cho ngoại đỡ nhớ”.

Hai tuần cố gắng cầm cự trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nhưng đến hôm nay gia đình 6 người của bà biết là không thể chịu được nữa. Mọi người quyết định chia nhau đi ở nhờ nhà bà con, họ hàng mỗi nơi một ngả.

Nhà bà Thu ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Là huyện ven biển nên đây cũng là địa phương đầu tiên của miền Tây công bố tình hình khẩn cấp do xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở hàng nghìn hộ dân.

Bước vào mùa hạn, người phụ nữ mang thau hứng từ vòi suốt đêm nhưng được vài hôm nước ngừng hẳn, sinh hoạt gia đình đảo lộn. Niềm hy vọng duy nhất lúc này của họ là nước từ vòi công cộng hoặc các xe chở nước thiện nguyện của các nhà hảo tâm từ TP HCM, Bình Dương, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đổ về cứu trợ.

Tuy nhiên, con gái đi làm xa nên tuần chỉ về nhà vài lần, bà Thu mổ cột sống bốn năm trước, vẫn còn đeo đai nịt lưng nên không thể xách nước từ về nhà. Bà chỉ có thể nhờ hàng xóm giúp nhưng không nhiều, mỗi ngày từ 5 đến 6 can loại 20 lít, mấy bà cháu chắt chiu.

Người dân ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang lấy nước sinh hoạt từ xe bồn từ thiện, tối 11/4. Ảnh: Ngọc Ngân
Người dân ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang lấy nước sinh hoạt từ xe bồn từ thiện, tối 11/4. Ảnh: Ngọc Ngân

“Nhờ họ nhiều thì sợ phiền nhưng không còn cách nào khác”, bà Thu nói. Bà buộc phải khắt khe hơn với chính mình và ba đứa cháu 12, 10 và 3 tuổi. Quần áo hiếm khi được giặt. Để đỡ hôi, mỗi ngày bà bắt cả nhà cởi ra giũ sạch, phơi nắng để mùi cơ thể, mùi mồ hôi bay bớt rồi hôm sau mặc lại. Mỗi lần tắm, bà đong chỉ khoảng nửa xô, không dùng sữa tắm, xà phòng vì “từng đó nước sao đủ sạch bọt”.

“Hôi thì còn cố chịu được chứ tắm rửa không thường xuyên, tối nào tụi nhỏ cũng trở mình gãi ngứa, trằn trọc mãi không ngủ được. Nghĩ tội”, bà Thu giải thích. Chưa kể các cháu còn phải đi học, ăn uống, vệ sinh tiêu tiểu thường xuyên.

Bà Thu bàn với con gái gửi hai đứa cháu 10 tuổi và 3 tuổi gửi nội cách đó 10 km, gần chợ và nguồn nước ổn định hơn, còn bà ở lại cùng đứa cháu gái 12 tuổi phụ xách nước, việc vặt trong nhà.

Bà Trọn (đội nón) bơm nước bồn từ thiện về can để gia đình sử dụng, tối 11/4. Ảnh: Ngọc Ngân
Chị Trọn (đội nón) bơm nước bồn từ thiện về can để gia đình ở huyện Gò Công Đông sử dụng, tối 11/4. Ảnh: Ngọc Ngân

Những ngày cao điểm hạn mặn, chị Triệu Thị Trọn, 48 tuổi, sống trong cảnh ngày ngủ đêm thức để canh nước. Chiếc điện thoại của chị chuyển báo thức từ 5h sang 23h để dậy vì đó là “giờ đẹp” để hứng nước.

Chị có hai con trai, một người đã lập gia đình, hai con bốn và năm tuổi. Vợ chồng chị nhận nhiệm vụ thức đêm canh và hứng nước để các con ngủ trọn giấc sáng sau đi làm.

Báo thức reo, chị Trọn vội vã lấy bốn túi nhựa lớn, chục xô, lu lớn để hứng. Dòng nước vẫn yếu hơn thường ngày nên cần người canh để ngắt nước, chuyển qua dụng cụ hứng khác. Khoảng 2h, chồng chị dậy phụ xách nước và thay ca canh giúp đến sáng.

“Ngả lưng được hai tiếng lại gà gật thức dậy cho dê ăn, cơm nước, tắm rửa cho mấy đứa nhỏ”, chị nói. “Bốn năm nay, hạn mặn mới trở lại nghiêm trọng nên không kịp chuẩn bị gì”.

Nhưng điều này không làm chị lo bằng đến buổi chiều, bể chứa trong nhà lại cạn nhưng nước từ vòi không chảy nữa, dù họ đã dùng rất tiết kiệm. Nước rửa rau xong mang rửa chén, dội nhà vệ sinh. Chị Trọn tắm cháu trong thau rồi lấy nước đó dùng lại cho việc lau nhà.

Hết cách, chị mang can ra trạm công cộng thì thấy gần chục người đứng chờ, phải xếp hàng gần nửa tiếng.

Dòng kênh gần cạn đáy ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh: Ngọc Ngân
Dòng kênh gần cạn đáy ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2024. Ảnh: Ngọc Ngân

Cách đó 3 km, chị Hồng Điệp, 48 tuổi, cũng nằm trong dòng người chờ hứng nước. Người phụ nữ mắc bệnh xương khớp, không dám xách nặng phải viết tên mình lên thùng, nhờ con trai đi học về chở giúp. Ở nhà chị Điệp còn mẹ già, chồng đi biển đánh cá mỗi tháng về một lần.

Gần tháng nay, chị Điệp dường như không thể tập trung cho sạp hải sản của mình, bởi lo chuyện nước. Chiều tối, nước tích trữ trong nhà đã dần cạn mà không nghe tin có đoàn từ thiện chở nước về xóm ngày mai là lòng chị thấp thỏm.

Điện thoại chị lưu thêm chục số các đoàn từ thiện ở các tỉnh, thành, nhờ kết nối với người dân cần nước trong ấp. Điệp nói chị thấy ngại bởi con trai phải bớt thời gian học bài buổi tối, gánh nước phụ mẹ.

Ông Nguyễn Văn Một, trưởng ấp Kinh Dưới, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông cho biết tình trạng hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Ấp đã bố trí vòi nước công cộng nhưng không đủ cho hàng trăm hộ. Những nhà trồng sơ ri, thanh long hiện phải dừng hết việc đồng áng.

Người dân chủ yếu dùng nước tinh khiết đóng chai để ăn uống. Khu vực vòi công cộng đông nhất vào khung 7-9h sáng, ban đêm vẫn có người xếp hàng do công nhân đi làm về khuya và vòi chảy mạnh hơn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5).

Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.

Kể từ khi gửi cháu đi, nhà bà Thu trở thành điểm tập kết trong ấp để dân trong xóm mang can nhựa đến gửi. Ngôi nhà nằm ngay đầu ngõ, tiện cho các xe chở nước từ thiện dừng đỗ để mọi người bơm.

Tối 12/4, trong lúc con gái khiêng thùng nước vào nhà, bà Thu gọi điện cho cháu ngoại. “Tôi chỉ mong mùa này qua mau để đón cháu về nhà”, bà nói.

Xôn xao clip cán bộ trường THCS có hành động lạ với nữ sinh

Cán bộ trường THCS Nguyễn Thiện Thuật có hành động lạ với hai nữ sinh (ảnh chụp lại từ clip)
Cán bộ trường THCS Nguyễn Thiện Thuật có hành động lạ với hai nữ sinh (ảnh chụp lại từ clip)

Ngày 11/4, mạng xã hội Facebook truyền nhau clip được cho là quay ở Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật thuộc quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Với tựa đề “Thầy giáo làm gì đó học sinh tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật”, đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông mặc áo xanh đang ép hai nữ sinh đứng sát tường rồi lần lượt lớn tiếng hỏi nữ sinh. Người này lớn tiếng hỏi nữ sinh: “Em có cha không? Có mẹ không?”, và nhiều câu sau đó khó nghe rõ nội dung.

Trong lúc lớn tiếng, người đàn ông này có hành động túm cổ áo học sinh kéo ra xa rồi đẩy một em vào tường, mặt áp sát vào học sinh, vuốt má, vuốt tóc… và chỉ tay vào mặt học sinh với những lời nói khó hiểu.

Clip đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút đăng tải, trang Facebook này đã xóa bài. Nhiều người dùng đã kịp tải đoạn video và đăng lại trên các fanpage.

Chỉ sau thời gian ngắn đăng tải, clip đã nhận ược hơn 31,000 lượt xem và hơn 430 bình luận

Trả lời báo giới, bà Ngô Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, xác nhận vụ việc xảy ra tại trường và cơ sở này đang xác minh, xử lý.

“Cán bộ trong đoạn clip đã bị đình chỉ công tác, cơ quan công an đang tiếp nhận lập hồ sơ, điều tra và xử lý”, bà Hoa cho hay.

Cùng ngày, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cũng xác nhận vụ việc trên xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật. Quạn đã yêu cầu các cơ quan xác minh, làm rõ các nội dung liên quan.

“Ngay khi có thông tin, chúng tôi sẽ thông tin chính thức đến cơ quan báo chí”, ông Vinh cho hay.

Việt Nam lên kế hoạch kết nối đường sắt cao tốc với Trung Quốc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu bắt đầu xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030. Đây một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng chung ý thức hệ cộng sản đã trở nên nồng ấm trong thời gian gần đây.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Hai nước này hiện đang kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt đã cũ, và đường sắt phía Việt Nam cần nâng cấp.

Một trong những tuyến đường cao tốc theo kế hoạch sẽ chạy từ các thành phố cảng Hải Phòng và Quảng Ninh của Việt Nam qua Hà Nội, đến tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Bộ này cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 9/4.

Tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của Trung Quốc, đi qua khu vực đông dân cư với các cơ sở sản xuất toàn cầu, trong đó có một số thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án trên.

Đầu tháng này, Việt Nam cho biết đang tìm cách học hỏi Trung Quốc để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên và đã cử quan chức đến làm việc với các công ty đường sắt Trung Quốc.

Một tuyến đường sắt cao tốc khổng lồ nối thủ đô Hà Nội với trung tâm thương mại thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được lên kế hoạch xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã gặp lãnh đạo các công ty đường sắt Trung Quốc hôm 8 tháng 4 vừa qua trong chuyến thăm Bắc Kinh, tại đó ông được Tập Cận Bình tiếp đón.

Chuyến thăm xảy ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã lên tới 43.6 tỷ USD, tăng 22% so với một năm trước đó.

Hai quốc gia này vẫn đang có tranh chấp trên biển kéo dài nhiều năm ở Biển Đông.

Related posts