Chương Thiên Lượng
Ngày 1/4, Đài Á Châu tự do – RFA đăng bài viết với tiêu đề: ‘Phỏng vấn độc quyền học giả người Mỹ Douglas Paal: Những gì được thảo luận tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc’.
Trong đó học giả người Mỹ là ông Douglas Paal tiết lộ: ‘Tôi còn biết một sự việc nữa, nhưng không phải là thông tin chính thức, đó là họ (Trung Quốc) dự định tổ chức Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20. Họ hy vọng bây giờ đến tháng 6 sẽ có thêm thông tin chi tiết để giải quyết một số thách thức hiện tại của Trung Quốc’.
Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) đã bị trì hoãn quá lâu. Vốn dĩ phiên họp này nên tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa tổ chức. Thông thường, trước cuộc họp từ một hoặc hai tháng, Bộ Chính trị sẽ có thông báo. Cho nên, nếu hội nghị được tổ chức vào tháng 6 thì vào cuối tháng 4 sẽ có tin tức liên quan.
Nguyên nhân ông Tập Cận Bình muốn tổ chức Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20, có thể là do ông Tập cho rằng mình đã tìm ra giải pháp cho kinh tế Trung Quốc.
Hiện nay, nhiều người có thể thấy rằng, xe điện Trung Quốc có vẻ như đang chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, bao gồm việc sau khi xe điện của Xiaomi ra mắt, các đơn đặt hàng đã tăng lên nhanh chóng. Cho nên ông Tập Cận Bình có thể cho rằng, xe điện là phương án giải quyết cho vấn đề của kinh tế Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, ngành bất động sản mới là lĩnh vực không thể thay thế trong kinh tế Trung Quốc, bởi vì bất động sản có thể gia tăng đòn bẩy. Khi mua nhà thì người ta cần vay tiền, mà vay tiền chính là gia tăng đòn bẩy. Nhưng khi người ta mua một chiếc xe thì việc ấy không gia tăng được đòn bẩy lớn như thế.
Thêm vào đó, ngành bất động sản có thể kích thích các ngành thượng nguồn và hạ nguồn như là ngành vật liệu xây dựng, nội thất, điện gia dụng… Vì thế ngành bất động sản có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn ngành xe điện. Do đó việc ngành xe điện có thể vực dậy kinh tế Trung Quốc là điều rất khó.
Trong bài viết của tờ Wall Street Journal vào ngày 3/4 tiết lộ rằng: Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (Trung Quốc), ngành sản xuất của Trung Quốc sau khi đã trải qua 5 tháng giảm thì đã phục hồi và mở rộng vào tháng 3. Chỉ số đo lường hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã tăng từ 49,1 trong tháng 2 lên đến 50,8.
Dựa vào số liệu của Cục Thống kê Quốc gia, tờ Wall Street Journal cho rằng, kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ mạnh mẽ trở lại. Chỉ số PMI cho ngành dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc đã tăng lên con số 53 trong tháng 3. Mà trên 50 đã là chỉ số rất tốt.
Cụ thể hơn, chỉ số cho ngành dịch vụ tăng từ 51 lên đến 52,4, còn chỉ số cho ngành xây dựng đã tăng từ 53,5 lên đến 56,2. Nếu những con số này là thật thì chúng ta sẽ thấy ngành bất động sản và dịch vụ (như là ăn uống) tăng trưởng. Nhưng thực tế lại tương phản với những con số của Cục Thống kê Quốc gia.
Về ngành bất động sản, ở khu đô thị hạng sang Yanlord – Riverside City thuộc Thượng Hải, một căn hộ ba phòng ngủ với diện tích 151 mét vuông, giá giao dịch năm 2021 là 25,2 triệu NDT. Nhưng vào cuối năm ngoái, giá đã giảm xuống còn 14,2 triệu NDT, giảm 40%. Tại sao lại lấy ví dụ về khu vực này? Bởi vì đây là một trong những khu căn hộ cao cấp nổi tiếng nhất ở Thượng Hải, nơi mà một nửa số người làm trong ngành tài chính ở Thượng Hải sinh sống.
Giá nhà ở khu đô thị hạng sang Yanlord – Riverside City đã giảm 40%, điều này chứng tỏ người giàu cũng không còn giàu như trước nữa.
Trong một bài viết của Đài phát thanh Quốc tế Pháp – RFI có chia sẻ về 10 hiện tượng kỳ lạ ở Thượng Hải.
Hiện tượng kỳ lạ đầu tiên, đó là nhân viên văn phòng đã bắt đầu mang cơm đi làm. Một người tên là Đoạn Dục Văn đã chia sẻ rằng, ở dưới tòa nhà của công ty ông có một quán ăn Nhật, họ bán cơm trưa với giá từ 40 đến 50 NDT cho một hộp cơm. Nhưng năm nay cửa hàng đã không bán được, cho nên họ phải đóng cửa. Hiện nay, nhân viên văn phòng đã không thể trả tiền mua cơm hộp buổi trưa, họ chỉ có thể tự mang cơm từ nhà đến công ty để tiết kiệm chi phí.
Hiện tượng kỳ lạ thứ hai, đó là trong tháng 2 năm nay, chỉ có 6,800 căn nhà cũ ở Thượng Hải được giao dịch, giá trung bình là 38.633 NDT một mét vuông, giảm 9% so với tháng trước.
Tiếp theo là việc gọi taxi cũng rất đơn giản, người ta dễ dàng gọi được taxi ngay trong giờ cao điểm. Điều này cho thấy số lượng người đi taxi đã giảm đi.
Hiện tượng kỳ lạ tiếp theo, đó là tốc độ giao đồ ăn rất nhanh. Nguyên nhân một phần là do số người đặt đồ ăn đã giảm đi, một phần khác là do số lượng nhân viên giao hàng quá nhiều. Bởi vì nhiều người không có việc làm, cho nên họ trở thành nhân viên giao hàng… Còn nhiều hiện tượng kỳ lạ khác nữa.
Những điều trên cho thấy ngành bất động sản và dịch vụ không phải đang mở rộng mà là đang thu hẹp. Tình hình này khác hoàn toàn so với số liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cung cấp.
Tất nhiên, tôi không sống ở Trung Quốc, nếu có bằng hữu nào sống ở Thượng Hải hoặc trong nước thì hãy để lại bình luận.
Số liệu thống kê của Trung Quốc có sự ‘điều chỉnh’ khá lớn. Vào ngày 27/3, Bloomberg đưa tin rằng, theo số liệu của hải quan Trung Quốc thì Trung Quốc nói rằng đã nhập khẩu 96 triệu tấn đậu nành từ hai nước là Mỹ và Brazil. Nhưng dựa số liệu xuất khẩu đậu nành của của cả hai nước Mỹ và Brazil là 101 triệu tấn, tức là không khớp với số của Trung Quốc những 5 triệu tấn.
Vì sao Mỹ cần biết số liệu chính xác? Bởi vì Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cần sử dụng số liệu này để hướng dẫn các nông dân Mỹ cần trồng thêm bao nhiêu đậu nành trong năm nay dựa trên số liệu thống kê của năm trước. Phía Mỹ nói rằng, bởi vì số liệu của Trung Quốc khác quá xa so với số liệu của họ, cho nên Mỹ đã ngưng sử dụng số liệu nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ xem xét số liệu hải quan của các quốc gia xuất khẩu cho Trung Quốc. Vì thế, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tăng dự đoán về tiêu thụ đậu nành trong năm nay thêm 3,7 triệu tấn và thông báo cho nông dân Hoa Kỳ hãy trồng thêm đậu nành.
Đối với nhiều số liệu thống kê nội địa của Trung Quốc, chúng ta thực sự không biết đúng hay không, bởi vì không có số liệu khác để đối chiếu, mà chúng ta chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm sống của mình và cảm thấy rằng chúng không chính xác lắm.
Nhưng nếu dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể đối chiếu được, chúng ta thấy rằng, Trung Quốc có làm giả số liệu. Khi ông Tập Cận Bình cho rằng mình đã tìm ra giải pháp cho vấn đề của kinh tế Trung Quốc, cộng thêm việc tham khảo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia để mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20, thì có thể ông Tập đã phán đoán sai lầm.
Thuần Phong biên dịch