Viên Minh
Trong những năm qua, Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông nhằm phục vụ chiến thuật vùng xám. Họ muốn đi một nước cờ giúp gia tăng kiểm soát mà không cần dùng vũ lực với các bên tranh chấp.
Trong vài năm ngắn ngủi vừa rồi, Trung Quốc đã xây xong cơ sở quân sự trên 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tiêm kích tàng hình J-20 của Bắc Kinh cũng thường xuyên bay tuần tra trên Biển Đông để thị uy các nước láng giềng.
Trước đó, Trung Quốc cũng đưa máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng). Tất cả những diễn biến này cho thấy những bước đi đầy toan tính nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông bằng sức mạnh quân sự.
Tháng 3/2022, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, từng chia sẻ với hãng tin AP rằng: Trung Quốc đã “hoàn tất quân sự hóa” ở ít nhất ba thực thể trên Biển Đông, gồm đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông nói phía Trung Quốc đã bố trí kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và một số cơ sở quân sự khác tại các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép này.
Đô đốc Aquilino cảnh báo quá trình quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể trên Biển Đông sẽ “cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích”, cùng với mối đe dọa từ các hệ thống tên lửa mà nước này bố trí ở đảo nhân tạo phi pháp. Ông Aquilino cảnh báo bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay qua khu vực Biển Đông “có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa Trung Quốc” triển khai trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.
“Đó là mối đe dọa hiện hữu và lý do khiến mọi người quan tâm tới hoạt động quân sự hóa các thực thể này”, đô đốc Aquilino cho biết. “Chúng đe dọa tất cả quốc gia hoạt động trong vùng lân cận, cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế”.
Đô đốc Aquilino nhận định hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo do Trung Quốc thực hiện trái ngược với tuyên bố trước đây của nước này. Ông đánh giá đây là một phần trong quá trình Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự của mình.
“Tôi cho rằng trong 20 năm qua, chúng ta chứng kiến đợt xây dựng lực lượng quân đội lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II”, đô đốc Aquilino nói. “Họ nâng cao tất cả năng lực của mình và hành động quân sự hóa đang gây bất ổn trong khu vực”.
Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra cái gọi là “đường chín đoạn”, đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ hồi tháng một công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến “đường chín đoạn”.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. Các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, tăng cường khả năng giám sát 24/7 tình hình thực địa và duy trì hiện diện ở toàn bộ các khu vực mà họ tự cho là thuộc chủ quyền của mình. Tính toán của Bắc Kinh khi tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông là rất rõ ràng. Đó là một chiến lược được xây dựng rất cẩn thận trong một thời gian dài. 3 đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập tạo thành một tam giác khép kín, nên việc bố trí các cơ sở, thiết bị quân sự trên các thực thể này cho thấy họ có tham vọng kiểm soát vùng biển rộng lớn ở phía nam Biển Đông.
Về phía đông, Trung Quốc có thể coi bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines là mục tiêu quân sự hóa tiếp theo. Còn ở phía bắc, nước này đang tiếp tục quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ phi pháp, trong đó có đợt triển khai tiêm kích J-11 năm 2020.
Có thể nói, với những động thái này, Trung Quốc đang hướng đến tăng cường đáng kể khả năng nhận thức hàng hải (MDA) trên Biển Đông, với mục đích kiểm soát hiệu quả hơn trên thực địa.
Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cũng có chung nhận định rằng hoạt động quân sự hóa đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên các nước trong khu vực, đồng thời mở rộng kiểm soát mọi hoạt động thời bình trên Biển Đông.
Theo ông Poling, Trung Quốc đã hoàn tất bồi đắp và cải tạo trái phép một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 2016, rồi xây dựng xong mọi cấu trúc quân sự lớn vào cuối năm sau. Quá trình triển khai các đơn vị hải quân, hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đến các đảo nhân tạo diễn ra vào cuối năm 2018.
Giới quan sát và tình báo Mỹ cũng ghi nhận máy bay trinh sát, tuần thám và vận tải cơ Trung Quốc hạ cánh tại các đường băng trên ba đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đến nay chưa phát hiện Trung Quốc điều động bất kỳ tiêm kích hay oanh tạc cơ nào đến ba đường băng trên.
Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng cảnh báo được đô đốc Aquilino đưa ra “không nhằm thể hiện các diễn biến mới”, mà để thu hút sự chú ý của dư luận đối với hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế có nhiều mối quan tâm khác, đặc biệt là chiến tranh ở Ukraine.
Các chuyên gia cũng lưu ý khái niệm “quân sự hóa” đối với những thực thể trên Biển Đông không thuần túy đề cập đến cơ sở hạ tầng tác chiến hay vũ khí “nóng” như sân bay, bến cảng, tên lửa… Khái niệm này còn bao gồm những hạ tầng “phần mềm” đóng góp cho mạng lưới C4ISR (gồm chỉ huy và kiểm soát, thông tin liên lạc, tính toán, tình báo, giám sát và do thám). Trung Quốc đã gần như hoàn thành mạng lưới C4ISR trên 4 chiều ở Biển Đông, gồm đáy biển, mặt biển, trên không và không gian, với sự tham gia của mạng lưới vệ tinh.
Mạng lưới này có thể giúp Trung Quốc có đủ “tai mắt” để nắm tình hình ở Biển Đông và không còn cần phô diễn sức mạnh “cơ bắp” trong một số trường hợp. Hoạt động quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi căn bản tình hình khu vực, khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến thuật “vùng xám” trong tranh chấp với các nước láng giềng.
Chiến thuật “vùng xám” phục vụ mục tiêu của Trung Quốc là chiếm đoạt vùng biển của các nước khác mà không phải dùng lực lượng quân sự chính quy, nhưng đồng thời không để tình hình vượt ngưỡng thành xung đột vũ trang mất kiểm soát.
Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về chiến thuật này của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh sử dụng tàu chấp pháp và lực lượng dân quân biển để quấy nhiễu hoạt động dân sự các nước láng giềng, đơn phương “thực thi” cái mà họ gọi là “quyền chủ quyền” trên các khu vực ở Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế.
Có thể đoán được rằng, khi hoàn tất quân sự hóa ba đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể năng lực triển khai các lực lượng chấp pháp và dân quân biển để phục vụ chiến thuật này.
Trung Quốc có thể huy động tàu hải cảnh nhanh hơn, với tần suất dày đặc hơn và số lượng đông đảo hơn. Lực lượng dân quân biển cũng sẽ tăng hoạt động theo cách tương tự. Bởi vậy, các đảo nhân tạo được quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông cũng là một phần của chiến thuật vùng xám.
Giới chuyên gia nhận định tình trạng Trung Quốc quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông đang thách thức luật pháp quốc tế và thế giới cũng như khu vực cần tìm giải pháp ứng phó phù hợp. Đây là vấn đề đáng lo ngại và các bên cần phản ứng.
Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của hải quân Mỹ trong khu vực không phải công cụ hiệu quả để đối phó với quá trình quân sự hóa này, bởi mục tiêu của Mỹ chủ yếu mang hàm ý thực thi quyền hàng hải được quy định trong luật pháp quốc tế và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, không nhằm ngăn cản hoạt động xây dựng, bố trí cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo. Các nước trong khu vực vẫn cần giải bài toán hợp tác với nhau và với cộng đồng quốc tế như thế nào cho phù hợp để hạn chế tác động tiêu cực từ chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa hàng loạt vũ khí xuống Biển Đông
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết ‘không có ý định quân sự hóa’ Biển Đông. Tuy nhiên Bắc Kinh đã bội hứa khi gia tăng lắp đặt các thiết bị quân sự tinh vi tại các đảo nhân tạo trên vùng biển này.
Trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng với tổng thống Mỹ Obama năm 2015, ngôn ngữ của ông Tập về tình hình Biển Đông lúc đó đầy tính hòa nhã, mang tính trấn an và “xây dựng”. Khi ông Obama bày tỏ lo ngại về tình trạng cải tạo đảo và quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, ông Tập lập tức bác bỏ các e ngại, tuyên bố cam kết các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa “không nhắm vào hay tác động tới một quốc gia nào và cũng không có ý định quân sự hóa”.
Tuy nhiên, không có nhiều thay đổi đã xảy ra từ tháng 9/2015 đó. Các cam kết của ông Tập dường như chỉ là lời nói suông. Hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo chiếm đóng ngày càng tăng tốc, khiến chính quyền Mỹ sốt ruột và lo lắng.
Bắc Kinh đã bội hứa bằng cách gia tăng lắp đặt các thiết bị quân sự tinh vi của mình tại các đảo nhân tạo. Với cơ sở hạ tầng khổng lồ bao gồm các đường băng dài hơn 3.000m, nhà chứa máy bay chiến đấu và cầu cảng nước sâu rất thuận lợi cho việc triển khai các hành động không quân và hải quân nhanh chóng.
Trung Quốc đã cho triển khai máy bay chiến đấu J-11B, lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có tầm bắn gần 500km và tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 250km, và cũng như các thiết bị phá sóng điện tử. Chính vì vậy, việc triển khai máy bay ném bom ở các thực thể nhân tạo này chỉ còn là vấn đề thời gian. Cán cân quân sự ở khu vực đang bị đảo chiều nhanh chóng.
Giới chức Mỹ lo ngại rằng lợi thế của Mỹ so với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng giảm và tình hình sẽ xấu hơn nếu Mỹ và các đồng minh không có phản ứng kịp thời.
Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) tiết lộ rằng, tiêm kích J-20 đã chuyển sang dùng ‘quả tim Trung Quốc’ và thường tham gia huấn luyện tuần tra chiến đấu trên biển Hoa Đông và tuần tra cảnh giới ở Biển Đông. Tuần tra chiến đấu yêu cầu phi công trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, trong khi tuần tra cảnh giới chủ yếu là để giám sát và phát cảnh báo.
“Quả tim Trung Quốc” là thuật ngữ dùng để chỉ động cơ máy bay do nước này tự sản xuất. Những chiếc J-20 đầu tiên dùng động cơ AL-31F của Nga và WS-10B của Trung Quốc, vốn được thiết kế cho tiêm kích đời trước, khiến mẫu máy bay tàng hình không thể hoạt động hết công suất và hạn chế khả năng cơ động lẫn tàng hình ở tốc độ vượt âm.
Trung Quốc từng tìm cách phát triển động cơ nội địa WS-15 nhưng gặp nhiều lỗi và không qua được khâu đánh giá. Các tiêm kích tàng hình J-20 hiện nay được cho là đang gắn động cơ WS-10C, phiên bản nâng cấp của WS-10.
Đó chính là lần đầu phía Trung Quốc xác nhận J-20 được triển khai tới Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Nam, trong đó có khu vực Biển Đông. Trước đó, J-20 được điều tới Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Đông của Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động quanh đảo Đài Loan và nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Tiêm kích J-20 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô, đơn vị con của AVIC, phát triển từ những năm 1990. Dây chuyền J-20 thứ tư được lắp đặt năm 2019 và bắt đầu sản xuất loạt một năm sau đó. Mỗi dây chuyền có thể sản xuất một tiêm kích J-20 mỗi tháng. J-20 được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017.
Dù trong mắt Hoa Kỳ, J-20 có thể là chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 khá tồi. Nhưng với các nước ở Đông Nam Á thì nó cũng đủ trở thành một con “ngáo ộp”.
Trong khi vẫn rao giảng về hợp tác hữu nghị và chia sẻ vận mệnh chung, Trung Quốc vẫn đang khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn – hòn đảo cực tây trong quần đảo Hoàng Sa chiến lược của Biển Đông và là hòn đảo gần Việt Nam nhất.
Tháng 8/2023, Trung Quốc đã bắt đầu xây một công trình có vẻ là đường băng trên đảo này. Các hình ảnh vệ tinh khi đó cho thấy các công trình mới trong giai đoạn khởi công, nhưng tốc độ xây dựng rất gấp gáp. Đường băng này mới chỉ được xây cách đây vài tháng. Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs hồi giữa tháng 7 năm ngoái còn chưa thấy các hoạt động xây dựng này.
Ngoài đường băng, còn có một nhà máy xi măng, cũng chỉ mới xuất hiện tháng trước. Trước đây, tiền đồn này của Trung Quốc chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ của nước này. Hòn đảo này trước đây được dùng như một bến cảng nhỏ và sân bay cho trực thăng.
Mặc dù đường băng trên đảo Tri Tôn chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng quy mô xây dựng cho thấy có khả năng sẽ còn nhiều công trình nữa để biến nơi này thành một tiền đồn quan trọng.
Đặc biệt, việc thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất ở đây, cùng với các thiết bị giám sát, sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường thêm một lớp chống xâm nhập rất gần với Việt Nam.
Chỉ cách đất liền Việt Nam hơn 240 km, quân đội Trung Quốc sẽ không chỉ có thể liên tục giám sát các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả các máy bay chiến đấu tầm xa Su-30 Flanker, mà còn củng cố và mở rộng khả năng chống xâm nhập của mình vượt ra khỏi đảo Tri Tôn và vào lãnh thổ Việt Nam.
Thậm chí các hoạt động drone từ đảo này cũng cho phép các hệ thống giám sát tự động các hoạt động giữa đảo Tri Tôn và bờ biển Việt Nam ở phía tây và phía nam.
Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh đang diễu võ giương oai ở các vùng biển có tranh chấp nhằm 3 lý do. Thứ nhất là hù dọa Đài Bắc và thuyết phục Mỹ giữ khoảng cách với Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Thứ hai là tỏ thái độ bất bình trước sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội Mỹ trong khu vực mà Bắc Kinh luôn coi là sân sau của mình. Lý do thứ ba khiến Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như với Philippines.
Năm 2020, thậm chí Trung Quốc còn đưa máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Trong tính toán của Trung Quốc, các loại máy bay ném bom dòng H-6 nằm trong “bộ ba” sức mạnh của họ trên Biển Đông. Ngoài H-6, những vũ khí nằm trong “bộ ba” nói trên là tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa phòng không HQ-9B. Một khi được triển khai đến Hoàng Sa và Trường Sa, “bộ ba” sức mạnh sẽ giúp không quân Trung Quốc có khả năng tác chiến bao trùm cả Biển Đông, thách thức không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả Mỹ.
Viên Minh (Tổng hợp)