Tại sao tàu sân bay hạng nhẹ của Nhật Bản khiến ĐCSTQ khó chịu?

Hạ Vũ

Tại sao tàu sân bay hạng nhẹ của Nhật Bản khiến ĐCSTQ khó chịu?
Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo Kaga (DDH-184) của Nhật Bản. (Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản)

Nhật Bản lần đầu tiên cải tiến tàu khu trục trực thăng, biến nó thành tàu sân bay hạng nhẹ có thể chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, và công việc sửa đổi đầu tiên để chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ đã hoàn thành. Tàu sân bay hạng nhẹ của Nhật Bản sẽ là một đối thủ đáng gờm khác của Trung Quốc, và lợi thế của máy bay chiến đấu F-35B sẽ làm tăng sức mạnh của hải quân Nhật Bản, cùng với việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tất cả những điều này làm cho Trung Quốc khó chịu.

Việc sửa đổi thành công tàu lớp Izumo thứ 2 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản là JS Kaga (DDH-184), sẽ mở đường cho việc sửa đổi tàu khu trục trực thăng khác là JS Izumo (DDH-183) thành một tàu sân bay.

Quá trình chuyển đổi của tàu khu trục

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tuyên bố hoàn thành bản sửa đổi đặc biệt đầu tiên của Kaga vào đầu tháng này. Trong một bài đăng trên X, Nhật Bản đã giới thiệu tàu sân bay hạng nhẹ hiện có sàn đáp được thiết kế để vận hành và phóng các máy bay chiến đấu F-35.

Ông Ryo Sakai, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, cho biết giai đoạn đầu tiên của dự án sửa đổi Kaga chính thức bắt đầu vào cuối năm tài chính 2021 và đã hoàn thành, mất khoảng hai năm. Trong tương lai, Kaga sẽ tiến hành thử nghiệm neo đậu và thử nghiệm trên biển đầu tiên sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và kết quả trực tiếp của thử nghiệm sẽ được phản hồi vào quá trình chuyển đổi giai đoạn 2 của khinh hạm trực thăng Izumo.

Ông Ryo Sakai cũng cho biết Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy “kế hoạch chuyển đổi cần thiết” để hiện thực hóa việc “tàu sân bay” Izumo và Kaga, để hai tàu khổng lồ 26.000 tấn này có thể vận hành tiêm kích F-35B.

Quá trình chuyển đổi thành tàu sân bay của tàu khu trục trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn vừa được Kaga hoàn thành, nó nhằm mục đích mở rộng phần mũi của sàn đáp từ hình thang sang hình vuông tương tự như tàu tấn công đổ bộ Lớp Mỹ, được gia cố, bố trí một sàn chịu nhiệt độ cao, bổ sung thêm đèn hướng dẫn cất cánh và hạ cánh của máy bay chiến đấu, bổ sung thêm vị trí cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, v.v. Giai đoạn thứ 2, sửa đổi các khoang bên trong, bao gồm tu sửa nhà chứa máy bay và khu vực sinh hoạt của phi hành đoàn để có thể chứa thêm máy bay chiến đấu F-35B, v.v.

Liên quan đến việc sửa đổi và cải tiến cabin bên trong và khu vực chờ của thủy thủ đoàn, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cho biết, các thí nghiệm và thử nghiệm xác minh cần được tiến hành với sự hợp tác của quân đội Hoa Kỳ trước khi các chi tiết sửa đổi bên trong có thể được hoàn thiện.

Hôm thứ Tư (17/4), Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản thông báo hai tàu khu trục trực thăng lớp Izumo là Izumo và Kaga sẽ ra khơi vào ngày 3/5, dẫn đầu 6 tàu mặt nước và 2 tàu tuần tra hàng hải P-1, được chia thành 4 đội hình chiến đấu để khởi động “Cuộc thám hiểm Ấn Độ – Thái Bình Dương 2024” kéo dài 7 tháng. Đây là đợt triển khai thám hiểm đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Tàu sân bay hạng nhẹ Nhật Bản là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc

Mặc dù Nhật Bản có lịch sử tàu sân bay lâu đời và Hải quân Nhật Bản là một trong những lực lượng hải quân đầu tiên sử dụng hiệu quả tàu sân bay nhưng việc nâng cấp đang diễn ra đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kỷ nguyên hàng hải hiện đại.

Nhật Bản bắt đầu cải tổ đáng kể Lực lượng Phòng vệ vào tháng 10/2021, thành lập lực lượng đổ bộ đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, hạ thủy loại khinh hạm hiện đại mới và thông báo hai khinh hạm trực thăng lớp Izumo sẽ được chuyển đổi thành tàu sân bay hạng nhẹ.

Một khi cả hai tàu đều có thể vận hành máy bay chiến đấu F-35B, Nhật Bản sẽ có khả năng chiến đấu trên biển chưa từng thấy kể từ Thế chiến II. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có kế hoạch hoàn thành việc chuyển đổi hai tàu khu trục trực thăng vào năm 2027, biến chúng thành những “tàu sân bay” thực sự.

Một khi hai tàu sân bay này thực sự đi vào hoạt động, rất có thể chúng sẽ trở thành một đối thủ quan trọng khác của Trung Quốc.

Tính đến tháng 10/2023, Nhật Bản vẫn có kế hoạch mua hơn 147 chiếc F-35, trong đó có 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B.

Các tàu chiến được nâng cấp của Nhật Bản tương tự như các tàu tấn công đổ bộ boong lớn của Hải quân Hoa Kỳ. Thủy quân lục chiến trước đây đã nghiên cứu sử dụng các tàu chiến như ‘Tàu sân bay tia chớp’ (Lightning Carrier) hạng nhẹ được trang bị F-35B.

Vào tháng 12/2022, Phó Đô đốc Karl Thomas, khi đó là Tư lệnh Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng Lightning Carrier hạng nhẹ của Hoa Kỳ có khả năng mạnh hơn nhiều so với các tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc.

Một tàu sân bay hạng nhẹ có thể chở tới 20 máy bay chiến đấu, ít hơn một tàu sân bay của hạm đội thường có thể chở hơn 50 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, các tàu sân bay hạng nhẹ có giá thấp hơn nhiều và linh hoạt hơn.

Ông Thomas giải thích: “Tôi xin lưu ý rằng LHA (tàu sân bay hạng nhẹ) với 14 chiếc F-35B có khả năng cao hơn bất kỳ tàu sân bay nào hiện có của Trung Quốc, cả từ góc độ xuất kích lẫn góc độ năng lực thuần túy”.

Máy bay chiến đấu F-35B Lighting II là biến thể cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng của Máy bay chiến đấu tấn công chung F-35, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với các khả năng tiên tiến. Ngoài vai trò là máy bay phản lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), mảng cảm biến của F-35B còn cho phép nó đóng vai trò là trung tâm chiến trường, chuyển tiếp thông tin đến các lực lượng thiện chiến trên một khu vực rộng lớn.

Ông Thomas nói: “Không có sự so sánh nào giữa J-15 và F-35B. J-15 là máy bay hoạt động trên tàu sân bay chính của Trung Quốc”.

Ngoài khả năng tàng hình, ưu điểm không chiến của F-35B bao gồm lực đẩy tối đa của động cơ là 43.000 pound, vượt xa lực đẩy 21.750 pound của máy bay ném bom AV-8B Harrier II. Bán kính chiến đấu của F-35B là 1.240 km, cao hơn nhiều so với 550 km của AV-8B. Và AV-8B là máy bay chiến đấu cận âm có tốc độ bay tối đa chỉ Mach 0,89 (khoảng 1090 km/giờ), trong khi F-35B có thể đạt Mach 1,6 (1960 km/giờ).

Trung Quốc lo ngại Nhật Bản hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây

Trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc đang để mắt tới Đài Loan, việc sửa đổi tàu sân bay cũng là cơ hội để nâng cấp quan hệ Mỹ – Nhật, bởi vì tàu sân bay do Nhật Bản chế tạo cuối cùng có thể chứa máy bay Mỹ cũng như máy bay của chính họ, như vào tháng 10/2021, những chiếc F-35B của Quân đoàn As được trình diễn trong quá trình cất cánh và hạ cánh trên boong tàu Izumo.

Năm 2018, Nhật Bản tuyên bố rằng Trung Quốc đang đơn phương và cố gắng thay đổi hiện trạng dựa trên những tuyên bố của chính họ không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có.

Việc chính quyền Trung Quốc triển khai quân sự ngày càng tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đã làm dấy lên cảnh báo đối với chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ, đồng thời việc nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất của Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của chính phủ Hoa Kỳ và các đảng đối lập.

Cách đây không lâu, Nhà Trắng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines đầu tiên. Ba nước cam kết duy trì trật tự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng có khả năng tham gia thỏa thuận an ninh AUKUS với Australia, Anh và Mỹ hợp tác về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tất cả những điều này khiến Trung Quốc bất an.

Bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Nhật Bản cần nghiêm túc suy ngẫm về lịch sử xâm lược của mình, ngừng tham gia vào các tổ chức quân sự và an ninh nhỏ và nên tham gia vào con đường phát triển hòa bình.

Ngày 16/4/2024, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố Báo cáo Ngoại giao thường niên (Sổ tay Xanh Ngoại giao) cho năm 2024. Báo cáo chỉ ra rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh nghiêm trọng từ phía Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh rằng sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông đã khiến môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản trở nên tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Sổ tay Xanh Ngoại giao cho biết, để tăng cường khả năng răn đe, cần phải hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm để xây dựng “mạng lưới nhiều lớp” tập trung vào liên minh Nhật – Mỹ, chẳng hạn như các mạng lưới bao gồm Australia, Ấn Độ và các thành viên NATO.

Trung Quốc “kiên quyết phản đối” Sổ tay Xanh Ngoại giao của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm tại cuộc họp báo đã chỉ trích, rằng tài liệu của Nhật Bản tiếp tục lặp lại những lời lẽ vu khống và chỉ trích Trung Quốc, và Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch triển khai F-35B tới Căn cứ Không quân Nyutabaru trên đảo Kyushu bắt đầu từ năm tài chính 2024. Bằng cách triển khai F-35B tại căn cứ, Nhật Bản dự định tăng cường khả năng bảo vệ các đảo ở khu vực xa xôi phía nam, bao gồm các đảo gần quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Related posts