Nguồn: “America is concerned about social media. China is, too.” The Economist, 21/03/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Dường như không có hồi kết cho tâm lý lo lắng về mạng xã hội ở Mỹ. Ý tưởng rằng TikTok, một ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, có thể được dùng như công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản khiến các chính trị gia khiếp sợ. Vào ngày 13 tháng 3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc chủ sở hữu ByteDance phải bán ứng dụng này nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ. Năm ngày sau, Tòa Tối cao nghe tranh luận trong một vụ kiện về việc chính quyền Biden yêu cầu các công ty truyền thông xã hội xóa các bài đăng chứa thông tin sai lệch. Cả hai câu chuyện đều nói lên sức mạnh của các công ty này, vốn đóng vai trò to lớn trong việc phổ biến tin tức và định hướng dư luận.
Điều đó cũng không kém phần đúng với mạng xã hội ở Trung Quốc. Đảng Cộng sản từ lâu đã cấm các trang web Mỹ như Facebook, X, hay YouTube. Những ứng dụng của Trung Quốc lấp vào khoảng trống ấy. Giống như các đối tác Mỹ, họ đã phát triển thành các nền tảng truyền thông rộng lớn. Một cuộc khảo sát vào năm 2022 cho thấy 46% người Trung Quốc nhận tin tức từ các ứng dụng video ngắn như Douyin, phiên bản nội địa của TikTok có khoảng 740 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ người). Khoảng một phần ba khác nhận tin tức từ các nền tảng như Weibo, một trang giống X thuộc sở hữu của công ty Sina. Nhiều người cũng tìm đến WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Tencent có 1,3 tỷ người dùng.
Với sự kiểm soát chặt chẽ của đảng về thông tin và sự nghi ngờ sâu sắc đối với doanh nghiệp tư nhân, nhìn từ bên ngoài thì có vẻ Đảng Cộng sản kiểm soát mọi thứ. Đảng đã dùng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của mình, và các nội dung lệch lạc chính trị đều bị xoá. Tuy nhiên, các quan chức ở Bắc Kinh vẫn lo lắng về mạng xã hội nhiều như các chính trị gia ở Washington.
Đảng chắc chắn không có kế hoạch để mạng xã hội đóng một vai trò lớn như vậy trong việc cung cấp thông tin cho công chúng. Những công ty này phần lớn được chính phủ xem như động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà sáng lập của họ được tôn vinh như những anh hùng doanh nhân. Và phần lớn họ biết không nên làm mất lòng đảng. Vào năm 2018, người sáng lập ByteDance, Trương Nhất Minh, đã đưa ra lời xin lỗi công khai đáng chú ý sau khi một trong những nền tảng truyền thông xã hội của ông bị các cơ quan quản lý chỉ trích vì lưu trữ nội dung không đứng đắn. “Tôi ăn năn và mang cảm giác tội lỗi, hoàn toàn không thể ngủ được,” ông nói và thừa nhận sản phẩm của mình “không tương xứng với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội.”
Nhưng khi lượng khán giả và tầm ảnh hưởng của họ ngày càng tăng, các công ty truyền thông xã hội, cùng với phần còn lại của ngành công nghệ, bị giám sát chặt chẽ hơn. Hồi năm 2020, các cơ quan quản lý đã siết chặt hoạt động, cho rằng các công ty công nghệ đi quá xa so với các giá trị xã hội chủ nghĩa. Kể từ đó, đảng tiến sâu hơn vào trong ngành công nghệ. ByteDance, Tencent, và Sina bắt đầu có đảng uỷ được tham vấn về các quyết định lớn. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư thuộc nhà nước cũng nắm giữ lượng cổ phần nhỏ ở các công ty con chủ chốt của những tập đoàn này. Những “cổ phiếu vàng” này cho phép chính phủ bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, cùng nhiều quyền hạn khác.
Mặc dù vậy, các quan chức của đảng vẫn thể hiện sự lo lắng tương tự – nếu không muốn nói là hoàn toàn giống – với ở Mỹ. Trong khi chính quyền Biden nhắm tới thông tin sai lệch, Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng loại bỏ tận gốc bất cứ điều gì mâu thuẫn với đường lối của họ. Tất nhiên, phương pháp của hai nước là khác nhau. Chính phủ Trung Quốc chi 6,6 tỷ USD mỗi năm để kiểm duyệt nội dung trực tuyến, theo ước tính của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn ở Mỹ. Chỉ trong hai tháng vào năm ngoái, chính quyền tuyên bố đã xóa 1,4 triệu bài đăng trên mạng xã hội và 67.000 tài khoản (trớ trêu thay, họ dán nhãn cho nhiều bài đăng là “thông tin sai lệch”). Gần đây, các quan chức đã mở một cuộc điều tra về các nền tảng video ngắn đang gieo rắc “sự bi quan” trong giới trẻ, nhiều người trong số họ đang phải chật vật tìm việc làm.
Tuy vậy, một số nội dung không được chào đón vẫn lọt lưới. Ví dụ, vào năm 2022, một đoạn video ngắn cho thấy sự tàn khốc của lệnh phong tỏa covid-19 ở Thượng Hải đã được hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ. Các video này lan nhanh hơn tốc độ kiểm duyệt, sử dụng các thủ thuật như đảo ngược video hoặc nhúng nó vào các đoạn phim hoạt hình để tránh bị phát hiện.
Có lẽ mối bận tâm lớn hơn là sự can thiệp từ bên ngoài thông qua mạng xã hội. Trong khía cạnh này, nỗi lo cũng giống như ở Mỹ. Một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã viết vào năm 2022: “Tất cả các bên đều cố gắng truyền bá và khuếch đại hoạt động tuyên truyền của mình, đồng thời tố cáo và cản trở hoạt động tuyên truyền của bên kia, bằng cách thao túng các nền tảng mạng xã hội.” Nỗi lo này của Trung Quốc có lẽ là có cơ sở, khi Reuters đưa tin trong tháng này rằng vào năm 2019, CIA đã phát động một chiến dịch bí mật trên mạng xã hội Trung Quốc nhằm hướng dư luận chống lại chính phủ. (Dù nó được cho là có ít tác động.)
Ngày nay, chính phủ đang đào sâu hơn, kiểm tra các thuật toán quyết định những gì người dùng nhìn thấy trên mạng xã hội. Kể từ năm 2022, các công ty đã được yêu cầu đăng ký thuật toán của mình với cơ quan quản lý và giải thích logic của chúng. Trong hầu hết các trường hợp, thuật toán sẽ ưu tiên các nội dung theo ý đảng. Vị trí hàng đầu trong danh sách các chủ đề thịnh hành của Weibo thường là tin tức về những gì nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang làm. Hồi năm 2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã theo dõi những video đang thịnh hành trên Douyin trong khoảng thời gian 4 tháng và nhận thấy có tới 57% video được tạo bởi chính phủ hoặc các tổ chức có liên kết với đảng.
Nhưng các thuật toán hoạt động theo những cách bí ẩn. Đôi khi, ngay cả người tạo ra chúng cũng không thể giải thích được tại sao chúng lại đề xuất thứ này thay vì thứ khác. Đảng không thích sự không chắc chắn như vậy. Cho tới nay đảng đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội theo ý mình. Nhưng họ rõ ràng vẫn còn phải hoài niệm về những ngày người dân Trung Quốc chỉ nhận được tin tức từ truyền hình và báo chí nhà nước./.