Trương Đình
Hôm thứ Sáu (ngày 26/4), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh và sau đó tổ chức họp báo công bố nội dung chuyến thăm Trung Quốc lần này. Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng vì sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga cũng như cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo hôm 26/4 tại Đại sự quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Blinken đã đề cập đến các chủ đề được đàm phán trong cuộc gặp với người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm chiến tranh Nga – Ukraine, vấn đề Trung Đông, sự cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh, vấn đề Biển Đông, vấn đề Đài Loan, vấn đề Hong Kong và vấn đề xâm phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Blinken đã gặp ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức khác.
Bộ Ngoại giao hai nước nói gì?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đưa ra tuyên bố cho biết, hai bên đã tổ chức các cuộc thảo luận thực chất về các ưu tiên chính trong mối quan hệ song phương cũng như một loạt vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.
Ông Miller cho biết: “Bộ trưởng [Blinken] đã thảo luận về các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc – những điều đang làm bóp méo thương mại hoặc đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời bày tỏ lo ngại về hậu quả mà tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc tạo ra cho nền kinh tế toàn cầu”.
Theo bản tóm tắt cuộc họp do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ – Trung trong cuộc gặp với ông Blinken. Ông Tập nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên là đối tác chứ không phải đối thủ. Trong cuộc hội đàm này, ông Tập cũng tiết lộ những lo ngại của Bắc Kinh về các đồng minh liên hợp của Mỹ.
Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Blinken đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ cũng như của các đồng minh và đối tác của mình. Trong đó bao gồm cả việc ngăn chặn việc các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ được dùng để phá hoại an ninh và kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ.
Bloomberg đưa tin, ông Josef Gregory Mahoney, Giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, cho rằng chuyến thăm ngoại giao giữa hai quốc gia đối thủ này đang trở thành “con ngựa thành Troy” làm nổi bật những bất đồng.
Ông Mahoney nói thêm: “Đây dường như là ‘lan can bảo vệ’ trong suy nghĩ của Hoa Kỳ. Nó giúp ổn định mối quan hệ song phương và ngăn chặn điểm giới hạn nguy hiểm mà hai nước đã giẫm lên vào năm ngoái, trong khi vẫn hướng tới mô hình Chiến tranh Lạnh”.
Ngoại trưởng Mỹ: Sự hỗ trợ của Trung Quốc tạo điều kiện cho chiến tranh Nga – Ukraine tiếp tục
Sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Blinken đã tổ chức một cuộc họp báo và cho biết đã nói “một cách cực kỳ rõ ràng” mối quan ngại của Hoa Kỳ với người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc Trung Quốc hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, và “chúng tôi phải xem xem tiếp sau đây sẽ có những hành động gì”.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng, việc Nga xâm lược Ukraine là dựa vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh. “Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc tấn công Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc”, ông Blinken nói với các phóng viên.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, ông đã nhắc lại với ông Tập những lo ngại của Washington về việc Bắc Kinh tiếp tục cung cấp các công cụ máy móc, vi mạch và các vật liệu khác cho Nga. Nga đang sử dụng những sản phẩm này để sản xuất vũ khí cần thiết để tấn công Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ: Hoa Kỳ đã nhìn thấy rõ những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra
Ông Blinken nhấn mạnh rằng, trong khi Hoa Kỳ tìm cách cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, họ cũng đã nhìn thấy rõ những thách thức do chính quyền Bắc Kinh đặt ra, cũng như những tầm nhìn khác nhau của Mỹ – Trung về tương lai, và Hoa Kỳ sẽ luôn bảo vệ lợi ích và giá trị của mình.
Ông cho hay, ông đã bày tỏ với Trung Quốc mối quan ngại của Hoa Kỳ về các hoạt động thương mại không công bằng và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của nước này. Điều này sẽ phá hoại sự cạnh tranh và khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới gặp rủi ro.
“Chúng tôi hy vọng nền kinh tế Trung Quốc phát triển, nhưng cách Trung Quốc thực hiện điều đó rất quan trọng”. Ông Blinken bổ sung rằng, điều này có nghĩa là cần “nuôi dưỡng một mối quan hệ kinh tế lành mạnh, để người lao động và các công ty ở Mỹ được đối xử bình đẳng và công bằng”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, trong những tuần tới, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chia sẻ quan điểm về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI).
Vấn đề Biển Đông và Đài Loan
Ông Blinken nói trong cuộc họp báo rằng ông đã gây áp lực với Trung Quốc về “các hành động nguy hiểm” của nước này ở Biển Đông. Ông nói, có nhiều nước lo ngại về hành vi như vậy. Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để “tình hình giảm bớt căng thẳng” và cam kết quốc phòng của nước này đối với Philippines là điều không thể thay đổi được.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói rằng, ông Blinken đã nêu lên mối lo ngại của Hoa Kỳ về hành vi gây bất ổn của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa). Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ tầm quan trọng của việc duy trì pháp luật và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao bên phía Trung Quốc, ông Blinken cũng nói rõ rằng Mỹ quan ngại về căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Ông đã nhắc lại việc Washington ủng hộ “chính sách một Trung Quốc” nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Trong cuộc hội đàm này, ông Blinken còn nêu lên những lo ngại của Hoa Kỳ về hàng loạt hành vi xâm phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, bao gồm việc làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong, xâm phạm nhân quyền ở Tây Tạng và một số trường hợp xâm phạm nhân quyền cụ thể khác. Ông cũng bày tỏ quan ngại về quyền tự do báo chí ở nước này.
Vấn đề Trung Đông
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn chưa kết thúc. Iran đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa với quy mô chưa từng có vào Israel vào ngày 13/4. Đây cũng là lần đầu tiên Iran tiến hành tấn công trực tiếp vào Israel từ chính lãnh thổ của mình.
Ông Blinken cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu vừa qua rằng, ông đã kêu gọi Trung Quốc ngăn chặn Iran và các nước khác leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục có “các cuộc thảo luận cấp cao” với Trung Quốc về những vấn đề ngoại giao này.
Quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung vẫn căng thẳng
Để hạn chế mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cấp sang nước này.
Chỉ vài giờ trước khi ông Blinken đến Trung Quốc vào hôm thứ Tư (ngày 24/4), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật, trong đó bao gồm việc cung cấp khoảng 8,1 tỷ USD, để viện trợ quốc phòng cho Đài Loan và chống lại các hành động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Động thái trên càng làm nổi bật sự bất hòa ngày càng tăng giữa Mỹ – Trung. Dự luật này cũng yêu cầu công ty Trung Quốc ByteDance và TikTok thoái vốn hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ, nếu không Hoa Kỳ sẽ áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với TikTok.
Cũng trong thứ Sáu (ngày 26/4), ông Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong 5 tiếng rưỡi, bao gồm cả thời gian làm việc và ăn trưa.
Vào ngày ông Blinken rời Hoa Kỳ đến Bắc Kinh, tờ The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) đưa tin, Hoa Kỳ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt để tạo đòn bẩy ngoại giao cho ông Blinken trong các cuộc đàm phán lần này. Những lệnh trừng phạt này có thể cắt đứt một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Các quan chức Mỹ hy vọng ông Blinken có thể mượn cảnh báo này (ý chỉ việc cắt khả năng tiếp cận đồng USD của các ngân hàng Trung Quốc) nhằm thuyết phục chính quyền Bắc Kinh ngừng hỗ trợ quân sự cho Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận trong cuộc gặp với ông Blinken rằng, “các nhân tố tiêu cực vẫn đang gia tăng và tích tụ” trong quan hệ Trung – Mỹ. Ông Vương Nghị đã đề nghị Hoa Kỳ ngừng tuyên truyền về “sự dư thừa công suất của Trung Quốc”.
Về phía Hoa Kỳ, nước này đang kêu gọi Liên minh Châu Âu cùng nhau phản đối các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc trong tháng này rằng, hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc là mối lo ngại trên toàn thế giới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nhắc lại quan điểm này nhiều lần trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch