Đặng Duy Hưng
Trường Phan Bội Châu sau 04/1975 được đổi tên thành trường cấp ba 30/4. Con đường trước mặt trường từ Trịnh Minh Thế biến mất chuyển sang tên Võ thị Sáu, cô gái anh hùng đất đỏ Lê Ki Ma. Ba năm học nơi này Hùng cũng như đa số học sinh tập tành tính chịu đựng của con cái “kẻ thua cuộc.”
Một điều Hùng hiểu thâm thuý: “Ba vẫn còn đi cải tạo trên núi cao, ở rừng thiêng nước độc mới có cơ hội về đoàn tụ với gia đình.”
Và 10 ngày trước ngày 30/4 năm 1978, kỷ niệm 3 năm nước nhà thống nhất, hai sự việc xảy ra làm thay đổi cả mấy con người.
Ba Hùng được nhà nước ‘giảm tội trả về cho nhân dân địa phương quản lý’.
Chưa có nỗi vui nào bằng ngày hôm đó! Nhất là cả nhà đóng cửa kín mít lên trên gác lửng ăn cơm trắng không độn với thịt gà. Lần đầu tiên trong mấy năm mẹ Hùng tuyên bố:
“Hôm nay mừng ba rời khỏi lao tù các con không cần phải nhịn. Nhưng nhớ đừng nói với ai! Tai vách mạch rừng sẽ gây hại cho ba!”
Mẹ kêu chị hai ra nói riêng:
“Mẹ đem chiếc nhẫn cưới ra ngoài bán tìm cách bồi dưỡng sức khỏe cho ba.”
Tối hôm đó, lần đầu tiên Hùng nằm ngủ nhưng không hiểu sao nước mắt cứ chảy xuống má!
Hai ngày sau đó, có một chuyện chấn động hơn giống như ơn trên đã sắp xếp từ trước.
Số là trong trường có một học sinh theo cha từ ngoài Bắc vào tên Xung. Cha Xung được phân công làm hiệu trưởng và Xung là người trong tâm tư đầy ắp thù hận. Nghe ai đó nói dường như gia đình bên ngoại Xung trúng bom Mỹ chết cùng với mẹ ruột.
Xung tướng tá lùn, xấu trai luôn đi quanh tìm cách gây gỗ với bất cứ ai có ‘khuôn mặt khó ưa’.
Hùng luôn tìm cách trách né Xung từ xa nhưng tránh sao khỏi nắng?
Vào ngày 30/4 sắp tới phải phụ viết dán khẩu hiệu đầy trường mừng ngày hội lớn. Hùng thật sự không bao giờ muốn tham gia việc này nhưng thanh niên như anh trong ngôi trường đều để ý yêu Thúy, hoa khôi xinh đẹp hiền lành. Đây là cơ hội đến trường gặp thấy nụ cười, và nghe tiếng nói của Thúy.
Hùng cũng như đa số các bạn trai thời bấy giờ, yêu đơn phương, và tiếp tục hát bản “Mối tình câm nín.”
Thúy như con bướm trong vườn bay lượn hòa đồng với bạn bè nhưng không gắn bó hay để ý đến ai.
Xung cũng mê Thúy như Hùng nhưng bạo dạn hơn bởi có cha là hiệu trưởng. Thúy cũng đối xử với Xung bình thường không hơn, không kém, và không sợ sệt! Nhiều lời đồn đãi ác ý “Xung là bãi cứt trâu mà dám đèo bồng làm chỗ cắm cho hoa nhài!”
Rồi ngày chủ nhật đó không ai mong muốn cũng đến! Ngày ấy là hai ngày trước ngày 30/4.
Hùng đang cắm đầu sơn chữ trên khẩu hiệu. Xung bước đến khuôn mặt đỏ như mới uống rượu:
“Có phải mày là người phao tin đồn là tao không xứng đáng cầm dép cho Thúy không?”
Hùng ngước giọng nhẹ nhàng lịch sự: “Xung nói gì Hùng không hiểu?”
Xung tiếp tục lớn tiếng chửi bới, Hùng không trả lời nhiều, hy vọng sẽ giúp Xung hạ cơn giận vô cớ.
Xung thách thức: “Hôm nay tao thách mày đánh với tao. Nếu mày thắng từ đây tao sẽ không bao giờ làm phiền mày nữa!”
Hùng lắc đầu: “Hùng không muốn đánh nhau với ai cả! Xung nghe ai đồn đãi chuyện làm chia rẽ bạn học!”
Lúc này gần một trăm học sinh đứng vòng quanh hét hò.
Xung càng giận hơn: “Nếu mày không đánh, tao sẽ không bao giờ rời cổng trường hôm nay!”
Đột nhiên Thúy bước đến lên giọng khuyên can. Nhưng Xung tính cộc cằn, thô lỗ hất tay làm Thúy té ngồi trên sân. Hùng thật sự giận dữ không còn kềm chế được nữa.
Xung xông tới tấn công mấy quyển liên tiếp. Hùng thận trọng tránh né lùi nhẹ di chuyển đầu. Trong tâm tư Hùng hiện ra mấy phương pháp đánh gục Xung. Nhưng tính chân thiện người học võ Hùng quần Xung mệt mới tấn công. Hùng đánh vào hai huyệt trên bả vai làm liệt bàn tay Xung muốn đánh trả cũng không dở lên nổi. Hùng đá mạnh vào đùi làm Xung quỵ xuống ngồi như bị quỳ. Sau đó Hùng chạy vào sân sau lấy xe đạp trong tiếng vỗ tay vang dội. Thúy đi đến đứng trước mặt Hùng bí mật dúi vào tay Hùng mảnh giấy nhỏ rồi đạp xe đi. Hùng đạp xe về nhà vừa lấy tờ giấy ra đọc:
“Hùng gây chuyện lớn rồi! Hãy về nhà thu góp quần áo rồi qua nhà Thúy sẽ có cách giải quyết!”
Và câu chuyện trở thành lớn thiệt. Gia đình Xung ra công an báo cáo Hùng tàn bạo tấn công làm thương tổn thân thể lẫn trí nhớ của Xung. Họ đến nhà Hùng làm phiền hy vọng biết anh trốn ở đâu? Ba mẹ Hùng thành thật:
“Nó sợ tội nên trốn theo bạn bè. Nếu biết nó ở nơi nào, tôi sẽ trình báo cho chính quyền.”
Ít ai ngờ Hùng ở kín đáo trên gác lửng nhà Thúy. Ba Thúy hỏi Hùng: “Cháu học võ từ đâu?”
“Dạ, ba con trước năm 75 là cảnh sát nên cũng muốn con theo nghề. Con thường học võ chung với lớp cảnh sát chuẩn bị ra trường.”
“Có phải cháu học từ võ sư tên Biền không?”
Hùng sáng mắt: “Dạ đúng rồi! Sao bác biết hay vậy?”
Ba Thúy cười: “Cậu ấy là em ruột của bác, qua Mỹ sau 1975. Nghe Thúy kể cháu học võ nhưng luôn biết giữ đúng luật võ sĩ đạo, bác rất mừng con gái bác biết chọn bạn.”
Và nửa tháng sau đó, Hùng theo gia đình Thúy xuống tàu vượt biên. Chính Hùng cũng không biết tình cảm của Thúy luôn luôn dành cho anh nhưng làm than con gái làm sao dám thố lộ!
Qua Mỹ, Hùng trở thành thầy giáo dạy thể dục. Thúy theo nghành ngân hàng làm phụ tá giám đốc cơ sở tài chính gần nhà.
Gần 20 năm sau đó họ mới có cơ hội về thăm quê hương cùng gia đình. Đứng bên mộ của Xung trong nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trên chiến trường đông nam, họ thắp mấy nén hương giọng thành tâm:
“Hy vọng Xung nằm xuống mọi hận thù giai cấp sẽ tan biến.”
Khắp nơi trên cõi dân gian
Hận thù đâu dễ xua tan hận thù
Chỉ tình thương với tâm từ
Làm tiêu oán hận giải trừ hờn căm
Đó là định luật ngàn năm!
Đặng Duy Hưng
Cali 30/04 /2024