Giám sát ngân hàng số tại Singapore vẫn đi sau so với nhu cầu

Nguồn: Faizal Bin Yahya, “Singapore’s digital banking oversight lags behind demand”, East Asia Forum, 13/05/2023

Biên dịch: Lê Như Ngọc

Đông Nam Á có khoảng 687 triệu dân, tạo nên hệ sinh thái ngân hàng số vô cùng đa dạng. Năm nền kinh tế phát triển hơn (ASEAN-5) và Brunei có các lĩnh vực dịch vụ tài chính vững mạnh, trong khi ở những quốc gia khác – đặc biệt là khu vực nông thôn – có lượng lớn dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng truyền thống và công ty khởi nghiệp fintech dần chuyển sang sử dụng ngân hàng số để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên phát sinh nhiều vấn đề khác nhau đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý.

Các ngân hàng số phát triển nhanh chóng trên toàn Đông Nam Á và các cơ quan quản lý tài chính tại Singapore, Malaysia, Philippines đang tìm cách khuyến khích đổi mới tài chính bằng cách hỗ trợ phát triển fintech mà không ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính. Các sáng kiến này bao gồm các quy tắc cho ví điện tử, cho vay ngang hàng, giao diện lập trình ứng dụng (API), khung cấp phép ngân hàng số và cơ chế quản lý thử nghiệm.

Việc áp dụng ngân hàng số bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm các nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng, ứng dụng công nghệ, nhân tài và hệ thống công nghệ nhận dạng quốc gia. Ngân hàng Thế giới ước tính tỷ lệ kết nối trong khu vực là 133%, đối lập với con số 27% dân số có tài khoản ngân hàng. Theo đó, khoảng 80% dân số Indonesia, Philippines, Việt Nam và 30% dân số Malaysia, Thái Lan chưa có tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng truyền thống như UOB, CIMB ngày càng tận dụng công nghệ để cạnh tranh với các ngân hàng thuần số và công ty khởi nghiệp fintech. Tuy nhiên với sự gia tăng của kết nối di động, các cơ quan quản lý tiền tệ – bao gồm Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) – đang hướng tới việc cấp phép cho các ngân hàng thuần số và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp fintech cạnh tranh với ngân hàng truyền thống.

Số lượng công ty fintech tại Đông Nam Á tăng từ 34 lên 1254 trong giai đoạn 2000 – 2022. Các công ty fintech tại Đông Nam Á có tổng vốn đầu tư tích lũy 4,8 tỷ đô Đô la Mỹ – trong đó chiếm phần lớn là các công ty khởi nghiệp tại Singapore.

Với vị thế là trung tâm tài chính và nền kinh tế số dẫn đầu khu vực về đổi mới dựa trên công nghệ, Singapore là lựa chọn lý tưởng để quan sát các động lực và thách thức đối với hoạt động chuyển đổi công nghệ trong dịch vụ tài chính.

Tháng 12/2020, Cơ quan tiền tệ Singapore cấp giấy phép ngân hàng số đầy đủ cho Ngân hàng GXS và MariBank (thuộc Sea Group), đồng thời trao các đặc quyền đáng kể cho Trust Bank để tạo ra sự cạnh tranh cho các ngân hàng truyền thống, khuyến khích đổi mới tài chính và ngân hàng số.

Những sáng kiến này đã thúc đẩy 3 ngân hàng truyền thống lớn nhất tại Singapore là DBS, OCBC và UOB đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Với tổng chi phí cao, các ngân hàng truyền thống buộc phải chuyển đổi để cạnh tranh với fintech về chi phí, sản phẩm và dịch vụ.

DBS đã tiếp cận thử thách này trong lộ trình trở thành một doanh nghiệp có tư duy công nghệ bằng cách hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây AWS để đào tạo lại cho nhân viên của DBS các công cụ số, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy. Hơn 3000 nhân viên của DBS – bao gồm quản lý cấp cao – đã được đào tạo về các công nghệ tiên tiến.

DBS đã tạo ra sự khác biệt bằng cách tự phát triển 85% công nghệ của mình – thay vì thuê ngoài – trong quá trình chuyển đổi cơ sở hạ tầng công nghệ dựa trên đám mây. Dữ liệu được sử dụng cho thông tin sâu và phân tích cá nhân hóa cho phép hiểu rõ hơn những mong muốn và kỳ vọng của khách hàng. DBS đang công nghiệp hóa việc sử dụng AI và học máy nhằm tăng cường trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.

Về cơ bản, DBS đã phải hoạt động giống một công ty khởi nghiệp và xây dựng văn hóa khởi nghiệp phù hợp trong tổ chức – đây là một thử thách đặc biệt đối với các ngân hàng truyền thống đang chuyển đổi sang lĩnh vực công nghệ. Với việc ứng dụng cơ sở hạ tầng điện toán đa đám mây lai (hybrid multi-cloud), DBS kỳ vọng giảm chi phí cơ sở hạ tầng bằng cách điều chỉnh kiến trúc phù hợp với đám mây và tái định hình các quy trình theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm.

Trong bối cảnh này, Sáng kiến Quốc gia Thông minh của Singapore – Singpass – một khung nhận dạng số – có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đăng ký và xác minh thông tin khách hàng. DBS đã trở thành một công ty công nghệ, cho phép linh hoạt thử nghiệm và triển khai thay đổi nhanh hơn, đồng thời tích hợp với các hệ thống liên quan đến khách hàng. Ví dụ, DBS và GovTech đang hợp tác thử nghiệm công nghệ xác thực khuôn mặt qua Singpass giúp những người từ 62 tuổi trở lên đăng ký ngân hàng số nhanh hơn.

Trong quá trình chuyển đổi kinh tế hậu COVID-19 của Singapore, DBS đã tạo ra Sàn giao dịch số DBS (DBS Digital Exchange) để quản lý hệ sinh thái số tích hợp của mình. Nó cho phép khách hàng tự giao dịch chứng khoán thông qua ứng dụng. DBS và JP Morgan cũng hợp tác cùng tạo ra ‘Partior’, đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ bù trừ và thanh toán xuyên biên giới dựa trên nền tảng blockchain, trong đó khai thác các hợp đồng thông minh để thay đổi tương lai của hoạt động thanh toán.

Trước khi thử nghiệm ngân hàng thông minh, DBS đã xây dựng bộ máy AI độc quyền bằng cách sử dụng phương pháp tích hợp. Trong đó kết hợp phân tích dự đoán, trí tuệ nhân tạo, học máy cũng như lấy khách hàng làm trung tâm để chuyển đổi dữ liệu thành các dữ liệu được cá nhân hóa, giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt.

Do DBS cung cấp thông tin và dữ liệu cho khách hàng trên ứng dụng ngân hàng số, nên công nghệ phải đảm bảo ổn định và đáng tin cậy. Mặc dù đã chi hàng tỷ đô cho công nghệ, đào tạo, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp uy tín và sử dụng công nghệ đã được kiểm chứng, DBS vẫn gặp phải các sự cố kỹ thuật trong hành trình chuyển đổi số.

Ngày 5/5/2023, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và thanh toán của DBS bị gián đoạn lần thứ hai trong vòng 2 tháng gần đây. Trước đó, ngày 29/3/2023 DBS bị mất điện, gây gián đoạn dịch vụ số trong vòng 10 giờ. Hai lần gián đoạn này, vốn xảy ra 16 tháng sau sự cố gián đoạn dịch vụ kéo dài 2 ngày vào tháng 11 năm 2021, khiến không thuể truy cập vào các máy chủ điều khiển của ngân hàng.

Do lần gián đoạn hoạt động năm 2021, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore đã yêu cầu DBS tăng dự phòng gấp 1,5 lần so với số vốn được tính cho rủi ro hoạt động, tương đương lên tới 700 triệu USD vốn pháp định để đảm bảo đầy đủ thanh khoản.

Khi các ngân hàng truyền thống như DBS triển khai số hóa và nắm bắt công nghệ, họ phải xây dựng khả năng phục hồi và duy trì kinh doanh liên tục mạnh mẽ, được tích hợp trong khung số hóa của họ. Các cơ quan quản lý như Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên tục rà soát cơ sở hạ tầng ngân hàng số của các ngân hàng. Tuy nhiên các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường theo dõi, giám sát các quy trình số và mô hình chuyển đổi của ngân hàng.

Tiến sĩ Faizal Bin Yahya là Nghiên cứu viên cao cấp tại Khoa Quản trị và Kinh tế của Viện Nghiên cứu Chính sách, Đại học Quốc gia Singapore.

Related posts