Trung Quốc: Nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các nhà báo

Dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới (World Press Freedom Index) năm 2024, theo đó Trung Quốc đứng thứ 172 trong số 180 nước/vùng lãnh thổ và vẫn đứng đầu thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam tăng 4 hạng so với năm ngoái, nhưng vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia ‘đội sổ’.

Bản đồ tự do báo chí toàn cầu của RSF.
Danh sách 10 nước cuối bảng trong danh sách xếp hạng tự do báo chí của RSF. (Ảnh chụp màn hình wikipedia)

Trung Quốc đứng đầu thế giới về bỏ tù nhà báo

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris – Pháp cho biết, Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ thông tin, khiến Trung Quốc trở thành nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các nhà báo.

Báo cáo lưu ý rằng ĐCSTQ không chỉ giam giữ nhiều nhà báo hơn bất kỳ nước nào trên thế giới mà còn tiếp tục áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên các kênh thông tin, thực hiện các chính sách giám sát và kiểm duyệt nội dung để quản lý nội dung trực tuyến và hạn chế nội dung được coi là nhạy cảm hoặc trái ngược với quan điểm của nhà cầm quyền.

Thứ hạng của Trung Quốc năm nay đã được cải thiện đôi chút so với vị trí cuối cùng vào năm 2023 (hạng 179). Nhưng chuyên gia Aleksandra Bielakowsk của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói với VOA rằng lý do duy nhất cho thay đổi này là mức độ tự do của các khu vực khác suy giảm. Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa có gì cải thiện, vẫn là nước có số lượng nhà báo vào tù lớn nhất thế giới với 119 người hiện đang bị giam giữ, trong đó có 10 người đến từ Hồng Kông.

Bà Bielakowsk trích dẫn cái chết của Tôn Lâm (Sun Lin) – nghi ngờ nhà hoạt động nhân quyền bất đồng chính kiến ​​và nhà báo độc lập ở Nam Kinh này bị cảnh sát tra tấn gây thiệt mạng, hay như trường hợp nhà báo chống tham nhũng Thượng Quan Vân Khai (Shangguan Yunkai) phải chịu bản án 15 năm tù vào tháng 1/2024. Bà lưu ý: “Vì vậy chúng tôi thấy thực tế an toàn suy giảm, cách chính quyền Trung Quốc đối xử với các nhà báo không có gì cải thiện. Thực tế cho thấy tình hình có thể ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian, thậm chí những chủ đề đơn giản trước đây được đưa tin thì nay cũng không còn được phép nữa. Ngay cả đối với những nhà báo nước ngoài vốn có một số tự do nhất định để hoạt động tại Trung Quốc cũng bắt đầu trở nên rất khó khăn hơn”.

Cũng do tình hình ở các nước và khu vực khác ngày càng xấu đi nên thứ hạng tự do báo chí của Hồng Kông năm nay cũng tăng nhẹ, xếp thứ 135, cao hơn vị trí 140 vào năm 2023. Tuy nhiên RSF chỉ ra rằng quyền tự do báo chí ở Hồng Kông đã suy giảm do luật an ninh quốc gia mà ĐCSTQ áp đặt vào năm 2020: “Tình hình hiện nay vẫn chưa được cải thiện, với việc đưa ra luật mới thì tội xúi giục nổi loạn có thể chịu tù 10 năm, trong đó hoạt động gián điệp cũng là một trong những điều khoản liên quan. Đây là luật được ĐCSTQ thúc đẩy trên diện rộng, đặc biệt là nhằm vào các nhà báo và tiếng nói độc lập”.

Mặc dù thứ hạng của Hồng Kông tăng nhẹ nhưng số điểm của vùng lãnh thổ này đã giảm 1,8 điểm so với 44,86 của năm ngoái. RSF cho biết có một số khu vực giảm điểm số nhưng thứ hạng lại tăng lên do thứ hạng của các vùng lãnh thổ mà trước đó đứng trên bị sụt giảm, ví dụ trường hợp Hồng Kông điểm số giảm nhưng thứ hạng tăng.

Với hơn một nửa dân số thế giới bỏ phiếu vào năm 2024, RSF cảnh báo rằng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2024 cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: Sự suy giảm chỉ số chính trị – một trong năm chỉ số được nêu chi tiết, theo đó vai trò của nhà nước và các lực lượng chính trị khác trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí ngày càng giảm sút.

RSF đã xuất bản báo cáo thống kê thường niên này từ năm 1995.

Năm 2023 có 107 nhà văn và 44 nhà báo bị ĐCSTQ bỏ tù

Ngày 1/5 tổ chức PEN America có trụ sở chính tại New York – Mỹ đã công bố “Báo cáo Tự do Viết lách Toàn cầu 2023” (Freedom to Write Index 2023).

Báo cáo cho thấy vào năm ngoái ĐCSTQ đã bỏ tù tổng cộng 107 nhà văn – năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu thế giới, đây cũng là lần đầu tiên con số này vượt 100 người.

Báo cáo đã phân tích 107 nhà văn bị cầm tù ở Trung Quốc, phát hiện 50 người trong số họ là “nhà bình luận trực tuyến” chỉ trích các chính sách của chính quyền hoặc đăng các nhận xét liên quan đến chính trị hoặc kinh tế, bày tỏ ủng hộ đối với các quan điểm dân chủ, họ bị kết án với cáo buộc “gây rối” hoặc “kích động xung đột”.

Ngày 18/1, tổ chức nhân quyền quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists, CPJ) đã công bố báo cáo tiết lộ mức án tù của các nhà báo trên khắp thế giới vào năm 2023. Báo cáo cho thấy Trung Quốc một lần nữa đứng đầu thế giới với 44 nhà báo bị cầm tù.

Một khía cạnh khác của báo cáo CPJ thu hút cộng đồng quốc tế chú ý: trong số 44 nhà báo Trung Quốc bị cầm tù có 19 người là nhà báo người Duy Ngô Nhĩ.

ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng đàn áp quyền tự do ngôn luận, và ngày càng gia tăng đàn áp, ngày càng trở nên không khoan dung với những lời chỉ trích ôn hòa. Nhiều nhà phân tích đã nói rằng, ở Trung Quốc chỉ được phép có một tiếng nói duy nhất, đó là tiếng nói của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, bất kỳ phát biểu nào đi ngược lại sẽ bị dập tắt.

Mạng xã hội và internet tại Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ

Mặc dù đã tăng 4 hạng so với năm ngoái, Việt Nam vẫn xếp thứ 174/180. Khoảng 40 nhà báo hiện đang bị giam trong các nhà tù ở Việt Nam và tình trạng ngược đãi vẫn rất phổ biến. Nhiều chủ đề bị kiểm duyệt, bao gồm các tiếng nói bất đồng chính kiến, các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, quan hệ với Trung Quốc, các vấn đề nhân quyền… Theo luật pháp Việt Nam, bất kỳ ai bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống Nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” có thể bị kết án lên tới 20 năm tù.

Mộc Vệ

Related posts