Shawn Lin, Sean Tseng
Chỉ bốn tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Argentina Javier Milei đã ổn định được đồng tiền của quốc gia và đưa đất nước đạt đến thặng dư ngân sách đầu tiên trong vòng 16 năm vào quý 1/2024.
Từng đối diện với sự mất giá nhanh chóng, đồng peso của Argentina giờ đây đã phục hồi đáng kể. Trong vòng ba tháng vừa qua, trên thị trường chợ đen, tỷ giá hối đoái của đồng peso so với đồng USD đã tăng khoảng 25%. Theo ghi nhận của các tổ chức tài chính phương Tây, thì mức tăng này cao hơn so với mức tăng tỷ giá của các loại tiền tệ khác so với đồng USD.
Tại Argentina, do bị hạn chế mua bán USD từ các kênh chính thức, tỷ giá hối đoái của thị trường chợ đen — hay còn gọi là tỷ giá hối đoái kép, tỷ giá Dollar Blue, hay tỷ giá Blue-Chip Swap — là một chỉ báo thay thế quan trọng. Loại tỷ giá này thông thường do các tác nhân thị trường điều khiển, và được các nhà đầu tư sử dụng rộng rãi.
Giá trị của đồng peso đã giảm mạnh trong thập niên vừa qua. Năm 2012, 1 USD có giá trị tương đương với 4.2 peso. Tháng 05/2023, khi Ngân hàng Trung ương Argentina phát hành tờ tiền mệnh giá 2000 peso, thì tờ tiền này chỉ có giá trị 4 USD.
Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Milei, tỷ giá chợ đen đã giảm mạnh xuống 1250 peso đổi 1 USD, tuy nhiên lại phục hồi lên mức dưới 1000 peso hai lần, sau khi ông Milei thực hiện những cải tổ toàn diện, một lần vào tháng 03/2024 và một lần nữa vào giữa tháng 04/2024.
Kể từ đó, tỷ giá này đã phục hồi nhẹ trở lại.
Việc đồng peso mạnh lên đã khiến Ngân hàng Trung ương Argentina có thể tích cực mua vào USD, tăng lượng dự trữ các đồng ngoại tệ mạnh của mình. Các báo cáo đầu tháng 04/2024 cho thấy kể từ khi chính phủ Tổng thống Milei nhậm chức, ngân hàng này đã thu mua được 12.1 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên 28.3 tỷ USD.
Việc uy tín của đồng peso ngày càng tăng lên trong dân số Argentina đã khiến nhu cầu đối với đồng dollar Mỹ giảm xuống. Hôm 25/04, Ngân hàng Trung ương Argentina đã hạ lãi suất chuẩn hàng năm từ 70% xuống 60%. Đây là đợt giảm lãi suất thứ tư kể từ khi ông Milei nhậm chức.
Argentina lần đầu đạt thặng dư ngân sách kể từ năm 2008 trong bối cảnh cải tổ sâu rộng
Hôm 22/04, trong một bài diễn văn trên truyền hình, Tổng thống Milei đã công bố mức thặng dư ngân sách đáng chú ý, đạt hơn 275 tỷ peso (khoảng 309 triệu USD theo tỷ giá hối đoái chính thức) trong quý đầu tiên của năm 2024, tương đương với 0.2% GDP. Thành tựu này đánh dấu lần đầu tiên Argentina đạt thặng dư ngân sách quý kể từ năm 2008.
Vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do này đã nhấn mạnh rằng việc duy trì kỷ luật tài khóa — bảo đảm chi tiêu của chính phủ không vượt quá nguồn thu ngân sách và tránh in thêm tiền — sẽ ngăn chặn được lạm phát. “Đây không phải là phép màu,” ông tuyên bố, và hứa hẹn trước người dân Argentina rằng sự hy sinh của ngày hôm nay sẽ đem lại mức thuế thấp hơn trong tương lai.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 10/12/2023, Tổng thống Milei đã cam kết gắn bó với chính sách thắt lưng buộc bụng về tài khóa một cách nghiêm khắc. Chính phủ của ông đã cắt giảm một nửa trong số 18 bộ ngành chính phủ, giảm hơn 50% tỷ giá hối đoái chính thức, loại bỏ nhiều biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm đáng kể tiền trợ cấp cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải, đồng thời đình chỉ nhiều dự án công trình công cộng.
Được mệnh danh là “liệu pháp mạnh đột ngột,” những biện pháp này đã dẫn đến tỷ lệ lạm phát của Argentina giảm khỏi mức lạm phát cao nhất trong vòng 30 năm được ghi nhận vào tháng 12/2023.
Những khó khăn thách thức, các cuộc biểu tình phản đối
Mặc dù những cải tổ của Tổng thống Milei đã nhận được nhiều lời khen ngợi, tuy nhiên tính bền vững và sức chịu đựng của người dân nước này trước những khó khăn liên quan vẫn là yếu tố còn chưa chắc chắn. Việc cắt giảm chi tiêu đã giải quyết được tình trạng thâm hụt tài khoá nghiêm trọng, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng bất lợi đối với nhiều người dân, trực tiếp tác động vào quyền lợi của họ.
Nỗi bất bình này thể hiện một cách rõ ràng khi vào hôm 23/04, tại thủ đô Buenos Aires của quốc gia này, hàng trăm ngàn người Argentina đã biểu tình phản đối việc cắt giảm ngân sách đối với các trường đại học công lập. Đây cuộc biểu tình lớn nhất phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ cho đến nay. Các trường đại học công lập ở Argentina cung cấp giáo dục đại học miễn phí và phụ thuộc rất nhiều vào tiền trợ cấp của chính phủ.
Việc cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ cho nhiều doanh nghiệp nhà nước đã khơi dậy những xung đột to lớn giữa chính phủ và các nhân viên cùng các nghiệp đoàn quyền uy. Đề xướng tư nhân hóa các doanh nghiệp của Tổng thống Milei cũng đã đối mặt với những thách thức nghiêm trọng tại Quốc hội.
Để nhấn mạnh danh tiếng ngày càng nổi bật của ông trên toàn thế giới, hôm 17/04, Tạp chí TIME đã vinh danh Tổng thống Milei là một trong 100 nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất năm 2024. Tạp chí TIME chú thích rằng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn diện các chính sách của ông, nhưng rõ ràng là dưới sự lãnh đạo của ông Milei, Argentina đang vạch ra một con đường rõ ràng phía trước.
Ấn phẩm này trích lời của Tổng thống Milei nói với những người ủng hộ: “Không thể quay đầu” (không còn đường lui nữa).
‘Chủ nghĩa xã hội là căn nguyên của đói nghèo’
Con đường kinh tế của Argentina là một trong những chủ đề được phân tích nhiều nhất trên toàn cầu. Năm 1971, nhà kinh tế học đạt giải Nobel Simon Kuznets đã phân định ra bốn loại nền kinh tế riêng biệt: các nước phát triển, các nước đang phát triển, Nhật Bản, và Argentina.
Hai loại cuối cùng đại diện cho những kết quả khác biệt hoàn toàn. Mặc dù nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, nhưng sau Đệ nhị Thế chiến Nhật Bản vẫn theo đuổi nền dân chủ và các nguyên tắc tự do và nhân quyền, nên đã trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội. Ngược lại, Argentina mặc dù có đất đai màu mỡ và một nền kinh tế thịnh vượng ban đầu, nhưng vị thế của nước này đã bị đảo lộn chóng mặt từ một trong 10 quốc gia giàu có nhất trở thành một đất nước nghèo nàn. Ad
Vào đầu thế kỷ 20, dân số của Argentina, tổng thu nhập, và thu nhập trung bình trên dân số cao hơn cả Canada và Úc. Đến năm 1913, nước này trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất tính theo trung bình trên dân số.
Năm 1946, nền kinh tế của Argentina đã gặp một bước ngoặt đáng kể với nhiệm kỳ tổng thống của ông Juan Perón, người đã đề ra mô hình kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước chỉ thị được mệnh danh là “chủ nghĩa Perón.”
Ông Perón, tổng thống tại nhiệm đương thời, đã chỉ trích mô hình định hướng xuất cảng nông nghiệp sử dụng vốn đầu tư ngoại quốc là “nền kinh tế vô nhân đạo nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân.”
Ông chuyển trọng tâm sang phân bổ của cải trong nước, quốc hữu hóa các cơ sở hạ tầng kinh tế và các ngành công nghiệp quan trọng trước đây từng do các nhà đầu tư ngoại quốc nắm giữ. Ad
Việc chuyển hướng sang các chính sách kinh tế xem nhẹ hiệu quả vận hành đã dẫn tới tăng trưởng kinh tế đình trệ. Chính phủ Argentina phải đối diện với mức thâm hụt tài khóa ngày càng leo thang, dự trữ ngoại hối thu hẹp, và giá trị đồng peso sụt giảm mạnh. Những khó khăn về kinh tế đã lên đến đỉnh điểm khi ông Perón bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1995, buộc ông phải sống lưu vong ở Tây Ban Nha.
Ông Milei chỉ trích chủ nghĩa tập thể, cho rằng chủ nghĩa này có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản
Trong những thập niên gần đây, Argentina đã dao động qua lại giữa việc ủng hộ “chủ nghĩa Perón” và “chống chủ nghĩa Perón,” với hơn 40% dân số sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ lạm phát hàng năm tăng vọt lên hơn 200% tính đến năm ngoái (2023).
Tổng thống Milei sinh ra trong một gia đình phổ thông, hầu như không có ai theo đuổi sự nghiệp chính trị, nên ông được mệnh danh là “ông Trump của Argentina.” Tổng thống Milei bảo vệ chủ nghĩa tự do kinh tế và tán thành mô hình chính phủ nhỏ.
Mặc dù một số người gán cho ông là cực hữu, nhưng ông lại định nghĩa một cách cụ thể rằng ông là người theo chủ nghĩa tự do và là một nhà tư bản vô chính phủ.
Chủ nghĩa tư bản vô chính phủ là một hệ tư tưởng mà Tổng thống Milei ủng hộ, ông tán thành việc loại bỏ nhà nước khỏi vai trò một tác nhân kinh tế, bãi bỏ thuế, thúc đẩy thị trường tự do và quyền sở hữu tư nhân, cũng như chống gian lận.
Tổng thống Milei đã luôn lập luận rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tập thể là căn nguyên của đói nghèo.
Hôm 17/01, khi hào hứng diễn thuyết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, ông đã lên án các chính sách của chủ nghĩa tập thể rằng: “Chúng tôi đến đây để cho quý vị biết rằng các thử nghiệm của chủ nghĩa tập thể chưa bao giờ là giải pháp cho các vấn đề gây đau khổ cho người dân trên toàn thế giới. Nói đúng hơn, đó chính là căn nguyên của vấn đề. Hãy tin tôi: không ai trong chúng ta đây có một vị thế tốt hơn chúng tôi, những người Argentina, để làm chứng cho vấn đề này.”
Ông đã lập luận rằng người Argentina có một vị thế đặc biệt để chứng thực điều này, sau khi kinh qua một thế kỷ dưới chế độ chủ nghĩa tập thể dẫn đến tình trạng đói nghèo rộng khắp. Ông đã kết nối một cách rõ ràng rằng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa Phát-xít là những biến thể của chủ nghĩa tập thể mang tính phá hoại.
Tổng thống Milei cũng khẳng định “chủ nghĩa tư bản thương mại tự do” không phải là căn nguyên của các vấn đề trên toàn cầu, mà đúng hơn là cách thức duy nhất có thể xóa đói, giảm nghèo, và đói nghèo cùng cực trên toàn cầu.
Tuệ Chân biên dịch