Cuộc khủng hoảng dân số đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình ban đầu của mình từ “một con” thành “chính sách hai con” vào năm 2016, sau đó đến “chính sách ba con” vào năm 2021. Ngày nay, thay vì thành công, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn: Trong bối cảnh kinh tế bất ổn trầm trọng, ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn DINK (Double Income, No Kids), tức là gia đình “thu nhập gấp đôi, và không có con”.
Xu Kaikai, 29 tuổi, cho biết việc trở thành DINK mang lại cho cô và bạn trai 36 tuổi cảm giác kiểm soát cuộc sống tốt hơn.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học và Công nghệ Lạc Dương ước tính rằng, những người sống theo xu hướng DINK chiếm khoảng 38% số hộ gia đình Trung Quốc vào năm 2020 – tăng 10% so với 10 năm trước đó. Tuy nhiên dữ liệu này bao gồm lượng lớn số người sống một mình và nghiên cứu không xét đến mức tăng thu nhập của các cặp đôi.
Thuật ngữ DINK không hoàn toàn mới ở Trung Quốc, nhưng trước đây nó thường dùng để chỉ những cặp vợ chồng muốn nhưng không thể có con – chứ không phải những người chọn không sinh con như hiện nay.
Cô Vable Liu, giáo viên tiếng Anh 29 tuổi ở Tế Nam, cho biết khoảng 1/3 số bạn bè của cô là DINK.
Giáo sư xã hội học Yuying Tong tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông cho biết, đây là hiện tượng ở những người có thu nhập cao tại Trung Quốc. Bà nói thêm rằng số lượng DINK ngày càng gia tăng phần lớn là do ngày càng có nhiều người trì hoãn việc kết hôn.
Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu dân số Yuwa có trụ sở tại Bắc Kinh cho thấy, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc là 74.600 USD, tương đương 6,3 lần GDP bình quân đầu người.
Đối với chính phủ Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, sự trỗi dậy của DINK đến không đúng lúc. Dân số Trung Quốc đã tăng trưởng âm 2 lần vào năm 2022 và 2023, và Bắc Kinh đang cố gắng khuyến khích người dân sinh con thông qua trợ cấp và thậm chí cả dịch vụ mai mối.
Vào tháng 3, các quan chức nước này đã công bố kế hoạch hỗ trợ nhiều hơn cho việc nuôi dạy trẻ em, bao gồm cải thiện chính sách nghỉ sinh của cha mẹ và các lựa chọn chăm sóc trẻ em.
Chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng thay đổi suy nghĩ của người dân về lối sống DINK. Tháng trước, mạng xã hội Weibo quảng bá một bài viết về cặp đôi hối hận vì không có con, do điều đó dẫn đến sự cô đơn, hôn nhân bất hòa hay vấn đề thừa kế.
Các DINKer phản đối việc điều này và nói “Có phải tất cả những ví dụ này chỉ để khuyến khích mọi người sinh con?”, một blogger giải trí nổi tiếng cho biết. “Có thể sẽ có nhiều người hối hận hơn về cuộc sống khi có con”.
Với nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và triển vọng việc làm kém, nhiều người Trung Quốc cảm thấy lạc lõng về tương lai. Chi phí giáo dục cao khiến nhiều gia đình trẻ không thể sinh thêm con.
Vào tháng 6 năm ngoái, tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Yang Ri, một nhân viên doanh nghiệp nhà nước 35 tuổi, nói với tờ Wall Street Journal rằng con gái cô đang học lớp một. Số tiền mua thực phẩm, đồ chơi và chi phí học thêm cho con mỗi năm lên tới 28.000 USD. Cô không đủ khả năng nuôi thêm một đứa con nữa.
Theo Latimes/ Epochtimes