Nguồn: Andrei Lungu, “Washington Keeps Choosing the Wrong Moment to Challenge China,” Foreign Policy, 06/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lệnh cấm TikTok cho thấy người ta có thể đi đến quyết định quá vội vã – sau khi đã phớt lờ nó quá lâu.
Cùng một quyết định, nếu đúng thời điểm sẽ là khôn ngoan, nhưng sai thời điểm sẽ thành tai hại. Và việc thông qua một đạo luật gần đây nhằm buộc công ty Trung Quốc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok, hoặc đối mặt với việc ứng dụng chia sẻ video này bị cấm ở Mỹ, là một trong những trường hợp như vậy.
Một trong những lập luận chính ủng hộ đạo luật, vốn đã được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối tháng 4, dựa trên lo ngại đã có từ lâu rằng ByteDance có thể sử dụng TikTok – vì bị tác động hoặc chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc chính phủ Trung Quốc – để truyền bá các thông điệp tuyên truyền và gây ảnh hưởng đến người dùng ở Mỹ và thậm chí có thể can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Thoạt nhìn, việc cấm TikTok trước cuộc bầu cử tháng 11 dường như là một ý kiến hay để ngăn chặn bất kỳ hình thức can thiệp nào.
Nhưng vấn đề là luật mới không cấm TikTok, mà chỉ cho công ty mẹ Trung Quốc thời hạn đến tháng 1/2025, hai tháng sau cuộc bầu cử Mỹ, để bán ứng dụng. Nghĩa là TikTok vẫn tồn tại, dưới sự kiểm soát của một công ty Trung Quốc, ở Mỹ thêm một kỳ bầu cử nữa. Các tin đồn gần đây thậm chí còn tiết lộ rằng ByteDance muốn đóng cửa TikTok ở Mỹ hơn là bán nó.
Tuy nhiên, mối đe dọa nghiêm trọng nhất là Donald Trump, người vẫn đang theo sát Biden trong các cuộc thăm dò, đã công khai phản đối lệnh cấm, dù ông từng ủng hộ nó vào năm 2020. Xét đến việc TikTok vẫn sẽ an toàn trước cuộc bầu cử tháng 11, nhưng phải đối mặt với hồi kết dưới thời chính quyền Biden thứ hai, đạo luật này đã tạo ra động lực hợp lý để ByteDance – hoặc chính chính phủ Trung Quốc – làm bất cứ điều gì có thể nhằm giúp ứng viên phản đối lệnh cấm đắc cử, với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn với ứng viên này, thay vì buộc phải bán TikTok.
Trớ trêu thay, động cơ tai hại này lại xuất hiện trước một cuộc bầu cử tổng thống được Biden mô tả là có tính “sống còn” đối với nền dân chủ Mỹ, và Bắc Kinh đã cố gắng gây ảnh hưởng, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong vài năm qua, chính phủ Mỹ đã thực hiện các biện pháp cứng rắn chống lại nhiều công ty Trung Quốc, chẳng hạn như áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào Huawei, thiết lập Danh sách các Công ty Phức hợp Công nghiệp-Quân sự Trung Quốc, và hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc. Nhưng chính phủ Mỹ lại né tránh ra quyết định cuối cùng đối với công ty Trung Quốc quan trọng nhất đang hoạt động tại Mỹ. Người ta đã dành nhiều năm nỗ lực đằng sau hậu trường để đối phó với TikTok một cách chậm trễ và không thành công, chỉ để rồi vội vã đẩy nhanh toàn bộ quá trình trong năm bầu cử quan trọng, với lệnh cấm chính thức có hiệu lực ngay sau cuộc bầu cử, tạo ra những rủi ro mới trong thời gian chờ đợi.
Những gì từng là một ý tưởng hay cách nay một hoặc hai năm giờ đây trở thành một canh bạc nguy hiểm chỉ sáu tháng trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Không ai biết liệu ByteDance hay Trung Quốc có can thiệp vào cuộc bầu cử hay không, nhưng đạo luật mới đã tạo ra động cơ tự nhiên để công ty ưu tiên ứng viên này hơn ứng viên kia.
ByteDance, thông qua TikTok, thậm chí không cần phải làm gì nhiều – mà chỉ cần quảng bá các thông điệp tới người dùng Mỹ để thông báo cho họ về quan điểm đối lập của hai ứng viên, tương tự như cách ứng dụng này kêu gọi người dùng liên hệ với các đại diện được bầu của họ để bày tỏ sự phản đối lệnh cấm. Hoặc TikTok có thể ngừng kiểm duyệt một số loại thông tin sai lệch. Hoặc, trong trường hợp xấu nhất, nỗi sợ có thể trở thành hiện thực nếu TikTok quyết định sử dụng thuật toán đề xuất khét tiếng của mình để quảng bá một số video nhất định cho một số người dùng chọn lọc. Vì kết quả bầu cử tổng thống có thể sẽ được quyết định chỉ bởi vài chục nghìn phiếu bầu ở một số bang, việc cố gắng tác động đến kết quả cuối cùng có thể là điều hấp dẫn – và khả thi.
Sau khi Trump công khai phản đối đạo luật mới, điều hợp lý nên làm là Quốc hội Mỹ cần từ bỏ đạo luật này, rồi sau đó thử lại khi bầu cử đã kết thúc, mà không khuyến khích ByteDance hoặc thậm chí là Bắc Kinh ủng hộ một ứng viên. Thay vì ngăn chặn, đạo luật mới nhiều khả năng sẽ thúc đẩy can thiệp bầu cử, chí ít là vào năm 2024.
Mọi đánh giá về đạo luật này cũng không thể bỏ qua bối cảnh lịch sử. TikTok ra mắt thị trường quốc tế vào năm 2017, và trong năm đó, ứng dụng này đã phát triển vượt bậc sau khi ByteDance mua lại Musical.ly, vốn đã có lượng người dùng khá lớn ở Mỹ. Chính quyền Trump đã không triển khai biện pháp hữu hiệu nào khi TikTok thu hút hàng chục triệu người dùng Mỹ trong hai năm tiếp theo. Điều này không phải là không thể tránh khỏi: Trong cùng thời gian đó, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã công khai phản đối việc một công ty Trung Quốc tiếp quản MoneyGram, và buộc một công ty Trung Quốc khác phải bán Grindr sau khi đã mua lại ứng dụng này. Vào thời điểm nước Mỹ bước vào năm bầu cử 2020 và TikTok đã trở thành một thế lực văn hóa, ứng dụng này cuối cùng đã trở thành một chủ đề chính trị, và chính quyền Trump đã vừa cố gắng ép bán, vừa đe dọa cấm đoán.
Sau khi chính quyền Biden nhậm chức, mối đe dọa đối với TikTok bất ngờ tan biến. Suốt ba năm, công việc đã được tiến hành một cách bí mật, nhưng không hề khẩn cấp, không được đưa ra trước công chúng, và cũng không kêu gọi tranh luận công khai. Khi nước Mỹ sắp bước vào kỳ bầu cử tiếp theo, Washington cuối cùng mới chịu có hành động kiên quyết và TikTok lại trở thành một cuộc tranh cãi chính trị. Hết lần này đến lần khác, Washington đã chọn sai thời điểm để giải quyết một vấn đề nghiêm trọng.
Mong muốn tỏ ra cứng rắn về vấn đề Trung Quốc và các vấn đề an ninh quốc gia, cũng như mong muốn để lại di sản, dường như đã vượt qua tầm quan trọng của việc phân tích cẩn thận các rủi ro và lợi ích – hoặc của việc tranh luận công khai, vì chỉ mất chưa đầy hai tháng để giúp một đề xuất trở thành luật, sau gần bảy năm lề mề đằng sau hậu trường.
Đây không phải là trường hợp ngoại lệ khi nói đến cách Washington xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc – thích tránh những quyết định khó khăn hoặc tốn kém, nhưng lại vội vã xúc tiến mà không có bất kỳ sự thận trọng nào đối với những quyết định khác. Ví dụ, 5 năm sau khi “phân tách” trở thành một từ thông dụng, Trung Quốc và Mỹ vẫn còn rất nhiều liên kết kinh tế, và Washington đã tránh thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đối với những hàng hóa thiết yếu hoặc quan trọng. Trong trường hợp đất hiếm, đã hơn một thập niên kể từ khi công chúng biết đến sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, nhưng chỉ mới có một số bước đi dè dặt được thực hiện gần đây.
Trong khi có nhiều thảo luận về cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, Mỹ đã từ bỏ nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại với các đồng minh và đối tác thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, điều rõ ràng đã bị xem là vấn đề nhạy cảm chính trị. Người ta cũng thường xuyên nói về mối đe dọa Trung Quốc xâm lược Đài Loan, nhưng Washington lại tránh các khoản đầu tư đáng kể cần thiết để tăng cường khả năng răn đe, trong khi chỉ cung cấp cho Đài Loan các tài trợ tượng trưng cho hoạt động phòng thủ của hòn đảo. Thật khó để nhìn lại toàn bộ quá trình bảy năm này và tìm thấy điều gì thực sự hiệu quả.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ trong trường hợp của TikTok, thì đó là do may mắn chứ không phải chiến lược. Và một chiến lược – một chiến lược mạch lạc, toàn diện, và lâu dài – là điều mà Mỹ cần trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, vì những quyết định vội vã sẽ không thể bù đắp cho việc tránh né những quyết định khó khăn suốt nhiều năm.
Andrei Lungu là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Romania (RISAP).