Tổng thống Raisi tử nạn tác động như thế nào tới tương lai Iran?

Nguồn: Jack Detsch, “What Raisi’s Death Means for Iran’s Future,” Foreign Policy, 20/05/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cái chết đột ngột của vị tổng thống sau vụ tai nạn trực thăng có thể khiến đất nước rơi vào bất định ngay giữa bối cảnh hỗn loạn trong khu vực.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa qua đời sau khi chiếc trực thăng chở ông và một phái đoàn quan chức bị rơi xuống vùng núi phía bắc Iran, khiến tương lai của đất nước và khu vực càng trở nên bất định.

Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran xác nhận Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và một số quan chức hàng đầu khác cũng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trong chuyến đi ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran. Sương mù dày đặc đã cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu hộ suốt nhiều giờ trước khi địa điểm máy bay rơi được tìm thấy. Sương mù dày đặc đến mức Iran đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của các vệ tinh Liên minh châu Âu để giúp xác định vị trí chiếc trực thăng.

Cái chết của Raisi đã đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên ngắn ngủi nhưng đầy biến đổi trong nền chính trị Iran, khi nước này lựa chọn đường lối cứng rắn hơn và đe dọa đưa Trung Đông đến bờ vực chiến tranh khu vực. Trong gần ba năm nắm quyền, Raisi đã đưa chính trị trong nước và chính sách xã hội của Iran đi theo hướng bảo thủ hơn và củng cố vai trò “kẻ chống Mỹ” trong khu vực sau khi người tiền nhiệm Hassan Rouhani – người đã đánh bại ông trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2017 – từng tìm cách để hoà hoãn với phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, trước khi đẩy mạnh các cuộc tấn công ủy nhiệm.

Là một luật gia Hồi giáo được chú ý nhờ quan hệ thân thiết với Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, và được nhiều quan chức và chuyên gia xem là ứng viên tiềm năng kế nhiệm vị lãnh tụ lớn tuổi, nhiệm kỳ của Raisi đã chứng kiến việc Iran tăng tốc độ làm giàu uranium và trì hoãn các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, ba năm trước khi Raisi nhậm chức.

Iran dưới thời Raisi cũng tích cực hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine bằng việc xuất khẩu máy bay không người lái cảm tử Shahed và đạn pháo, tăng cường các cuộc tấn công của lực lượng uỷ nhiệm trong khu vực để chống lại Mỹ và Israel sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023. Và chỉ một tháng trước khi ông qua đời, Raisi đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào Israel.

Các chuyên gia cho rằng bất kể người thay thế Raisi là ai, thì chiến lược mà ông theo đuổi khó có thể thay đổi, vì nó đã được củng cố trong giới lãnh đạo chính trị và giáo sĩ cấp cao của Iran.

“Có hay không có Raisi, chế độ Iran vẫn đang hài lòng với bối cảnh Trung Đông sau ngày 7/10,” Behnam Ben Taleblu, một nghiên cứu viên cấp cao chuyên về Iran tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (FDD), nhận định. “Họ có thể tiếp tục chiến lược triệt hạ đối thủ bằng ngàn nhát dao nhỏ (death-by-a-thousand-cuts strategy), tấn công trực tiếp vào Mỹ và Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm, và thậm chí trực tiếp ăn miếng trả miếng một vài lần như đã thấy hồi tháng 4, và cứ như thể họ đã thắng vòng này.”

Theo Hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber nhiều khả năng sẽ tạm thời đứng đầu nội các trong vòng 50 ngày tới, cho đến khi bầu cử được tổ chức. Các nhà phân tích nói rằng các kỳ bầu cử quốc hội gần đây có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Hơn nữa, Khamenei và các đồng minh của ông đã nỗ lực đáng kể để đảm bảo chiến thắng của Raisi trong cuộc bầu cử tổng thống gần nhất vào năm 2021, theo đó loại bỏ các đối thủ tiềm năng.

Trước khi trở thành tổng thống, Raisi phục vụ trong ủy ban công tố Iran, cơ quan đã xử tử khoảng 5.000 nhà bất đồng chính kiến vào năm 1988. Ông từng bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người và bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt. Nhưng cách tiếp cận mạnh tay của ông vẫn được duy trì với cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người đã bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ vào tháng 9/2022 sau khi bị cáo buộc không đội khăn hijab đúng cách ở nơi công cộng. Vụ việc đã gây ra làn sóng biểu tình trên toàn quốc.

Ngoài khả năng xảy ra bầu cử không theo lịch trình hoặc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm tới, còn có khả năng xảy ra biến động trong giới lãnh đạo cao nhất của Iran. Vì không nhiều người có thể kế vị Khamenei, hiện đã 85 tuổi, ngoài con trai của ông, Mojtaba Khamenei, cái chết của Raisi có thể khiến tương lai chính trị của Iran rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Iran hiện đang kiểm soát các khu vực lớn của nền kinh tế, cũng có thể tận dụng biến động này để tăng cường sức mạnh của mình.

David Des Roche, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông và Nam Á của Đại học Quốc phòng Mỹ và là đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận xét “Hiện không có người kế vị rõ ràng nếu Khamenei ra đi. Phải chờ xem liệu IRGC về cơ bản có tiến hành một cuộc đảo chính chậm rãi hay không.”

Trong lúc các nhân viên cứu hộ tìm kiếm chiếc trực thăng bị rơi của Raisi, truyền thông nhà nước đã yêu cầu người dân Iran cầu nguyện cho tổng thống. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo chính thức về vụ tai nạn, một số người Iran đã đốt pháo hoa ăn mừng sự ra đi của nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn.

“Vụ tai nạn ngày hôm nay và nhiều khả năng là cái chết của tổng thống Raisi cùng ngoại trưởng của ông ấy sẽ làm rung chuyển nền chính trị Iran,” Afshon Ostovar, giáo sư tại Trường Sau đại học của Đại học Hải quân Mỹ và là chuyên gia lâu năm về Iran, viết trong một bài đăng trên X trước khi cái chết của tổng thống được xác nhận. “Bất kể nguyên nhân là gì, giả thuyết về một vụ chơi xấu sẽ lan nhanh trong chế độ. Các phần tử tham vọng có thể gây áp lực để giành được lợi thế, dẫn đến những phản ứng từ các phe phái khác trong chế độ. Hãy chuẩn bị tinh thần.”

Dù các chuyên gia cho rằng khó có khả năng một nhân vật theo chủ nghĩa tự do sẽ xuất hiện trong cuộc bầu cử không theo lịch trình hoặc bầu cử tổng thống năm 2025 ở Iran, cái chết của Raisi có thể tạo ra một kẽ hở nhỏ cho các phong trào phản kháng vẫn đang tồn tại âm thầm ở Iran.

Ben Taleblu, chuyên gia FDD, cho biết: “Những phong trào này vẫn chưa chết hẳn. Họ chỉ hoạt động ở cấp độ thấp, ở vùng ngoại vi – thường là đình công, công đoàn, hay tương tự như vậy. Vụ việc lần này có thể dẫn tới một vụ bùng phát trên toàn quốc, nhưng cũng có thể chẳng có gì. Nhưng câu hỏi không phải là có xảy ra biểu tình hay không, mà là xảy ra lúc nào.”

Jack Detsch là phóng viên về Lầu Năm Góc và an ninh quốc gia của Foreign Policy.

Related posts