Tây Ban Nha công bố gói viện trợ hơn 1 tỷ USD cho Ukraine

(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

Tây Ban Nha tuyên bố cam kết viện trợ quân sự trị giá 1,08 tỷ USD cho Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Zelensky đang có chuyến thăm tới quốc gia này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/5 hội đàm và ký hiệp ước an ninh song phương với Thủ tướng Pedro Sanchez ở Madrid, Tây Ban Nha. Ông Sanchez cho biết thỏa thuận bao gồm nhiều vấn đề, từ “hỗ trợ quân sự, nhân đạo và tài chính cho đến hợp tác về công nghiệp quốc phòng, hỗ trợ hoạt động tái thiết, rà phá bom mìn và nhiều thứ khác”. Nổi bật trong số đó là “cam kết viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ Euro (1,08 tỷ USD) trong năm 2024” cho Ukraine.

“Gói viện trợ sẽ giúp Kyiv tăng cường năng lực, bao gồm của các hệ thống phòng thủ cần thiết để bảo vệ dân thường, các thành phố và hạ tầng, vốn đang hứng chịu các cuộc tấn công bừa bãi như cuối tuần qua tại Kharkov”, Thủ tướng Tây Ban Nha nói, đề cập cuộc tập kích của Nga vào thành phố ở đông bắc Ukraine khiến 16 người thiệt mạng.

Ông Sanchez cho biết Madrid đã cam kết cung cấp đạn tên lửa Patriot cho Ukraine, song điều ông Zelensky hiện cần từ các đối tác là hệ thống để phóng các quả đạn.

“Ông ấy đang thảo luận với các đồng minh để xem chúng tôi có thể chuyển giao cho Ukraine chính xác bao nhiêu hệ thống, thứ sẽ giúp Ukraine bảo đảm an ninh trên không”, Thủ tướng Sanchez cho biết.

Theo lãnh đạo Tây Ban Nha, nước này sẽ chuyển giao cho Ukraine thêm một lô xe tăng Leopard và đạn dược, cam kết tiếp tục hợp tác với Kyiv để nghiên cứu xem có thể giúp nước này bảo vệ vùng trời bằng các cách và hệ thống thay thế nào khác.

Tây Ban Nha đã cung cấp cho Ukraine 10 xe tăng Leopard. Nước này tháng trước công bố sẽ chuyển giao cho Kyiv hệ thống phòng không Patriot nhưng không nêu rõ số lượng.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Sanchez, ông Zelensky đã gặp và ăn trưa với Quốc vương Felipe VI. Vua Tây Ban Nha nhấn mạnh viện trợ quân sự của nước này cho Ukraine hoàn toàn mang mục đích phòng thủ và Kyiv không được sử dụng vũ khí do Tây Ban Nha cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga, tương tự điều kiện viện trợ của Mỹ và một số nước khác.

Quốc vương cũng cho biết hơn 4.300 binh sĩ Ukraine đã được đào tạo tại quốc gia này. Trước Tây Ban Nha, Ukraine đã ký hiệp ước an ninh song phương với một số nước, trong đó có Pháp, Đức và Anh.

Theo số liệu của Viện Kiel, cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine có trụ sở tại Đức, trước khi công bố gói mới, Tây Ban Nha đã cam kết hỗ trợ quân sự 358 triệu USD cho Ukraine. Đây là mức đóng góp tương đối nhỏ trên bình diện châu Âu. Đức, Anh và Pháp đã lần lượt cam kết viện trợ cho Ukraine lần lượt 20,21 tỷ USD, 10,01 tỷ USD và 6,14 tỷ USD.

Phan Anh

G7 sẽ hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraina bằng tài sản của Nga

G7 sẽ hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraina được bảo đảm bằng tài sản của Nga (Ảnh: Getty Images).

Các nước G7 đồng ý về kế hoạch của Mỹ sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga. Động thái này sẽ cung cấp cho Ukraina nguồn tài trợ quan trọng lên tới 50 tỷ USD và giúp bảo vệ nước này khỏi những thay đổi chính trị ở cả hai bờ Đại Tây Dương, hãng tin Bloomberg đưa tin hôm 23/4.

Các quan chức quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, chính phủ các nước G7 hiện nay nhìn chung ủng hộ đề xuất của Mỹ sử dụng số tiền thu được trong tương lai từ 280 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga, phần lớn trong số đó bị đóng băng ở châu Âu, để hỗ trợ khoản vay cho Kyiv.

Các bộ trưởng tài chính G7 đang thảo luận về vấn đề này khi họ gặp nhau trong tuần này tại Ý, với mục đích thống nhất một loạt các lựa chọn để các nhà lãnh đạo của họ đưa ra quyết định cuối cùng tại cuộc họp ngày 13-15/6.

Các nguồn tin giấu tên của cơ quan này cho biết, trong khi G7 đang tiến gần đến các vấn đề chung của thỏa thuận, nhiều chi tiết quan trọng vẫn đang được thảo luận và cần được thống nhất.

Theo họ, những điều này bao gồm cơ chế chính xác của khoản vay, quy mô của số tiền sẽ được huy động trước và quan trọng nhất là rủi ro sẽ được chia sẻ giữa các bên liên quan như thế nào.

Tuy nhiên, có sự đồng thuận giữa các nước G7 rằng Ukraina cần thêm nguồn tài trợ.

Với việc cuộc chiến không có dấu hiệu hạ nhiệt và đà tiến công của quân đội Nga ngày càng tăng, trọng tâm đã chuyển sang cung cấp viện trợ trung hạn cho Kyiv và gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Matxcova rằng các đồng minh G7 sẵn sàng viện trợ Ukraina miễn là cần thiết.

Các nhà đàm phán G7 đã thảo luận trong vài tuần về cách tốt nhất để sử dụng tài sản của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD vốn đã bị đóng băng sau khi Matxcova xâm chiếm Ukraina vào tháng 2 năm 2022.

Mỹ hy vọng tất cả chính phủ G7 sẽ tham gia cấp khoản vay ứng trước 50 tỷ USD cho Ukraina, nhưng Washington sẵn sàng tự mình tiếp quản toàn bộ khoản vay với điều kiện EU bảo đảm tài sản của Nga sẽ bị phong tỏa.

Liên Thành

Related posts