Nguồn: Katsuji Nakazawa, “1950 map foreshadows today’s battle lines over Taiwan,” Nikkei Asia, 30/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến tranh Triều Tiên và Trận Hồ Trường Tân chứa đựng những bài học cho Tập Cận Bình.
Các phương tiện truyền thông toàn cầu đã sử dụng các thuật ngữ như “tập trận trừng phạt” và “trò chơi chiến tranh trừng phạt” để mô tả các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan vào ngày 23 và 24 tháng 5 vừa qua, lặp lại quan điểm của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, rằng “Các cuộc tập trận này cũng là một hình phạt dành cho các hành động ly khai của lực lượng ‘kêu gọi độc lập cho Đài Loan’.”
Những lời này rõ ràng là ám chỉ Lại Thanh Đức, người vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan vào ngày 20/05, và trước đây từng tuyên bố ủng hộ độc lập.
Cũng cần lưu ý rằng, tên gọi chính thức mà Bắc Kinh đặt cho cuộc tập trận này là Liên hợp lợi kiếm-2024A (Joint Sword-2024A), dường như muốn cảnh báo sẽ có thêm Liên hợp lợi kiếm-2024B vào cuối năm nay.
Một chuyên gia nhận xét “Trung Quốc đang tăng cường chỉ trích chính quyền Lại nhiều hơn dự kiến và có thể sẽ tiến xa hơn bằng cách tiến hành cuộc tập trận quân sự Liên hợp lợi kiếm-2024B gây rối nhiều hơn vào cuối năm nay.”
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới, với Trung Quốc và Mỹ là những nhân tố địa chính trị chính. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ lịch sử, thì lại có rất ít thay đổi. Và bằng chứng nằm ở một tấm bản đồ cũ.
Tấm bản đồ, với Đài Loan nằm ở vị trí trung tâm, được đặt tên là “Chìa khóa Thái Bình Dương.” Nó xuất hiện vào năm 1950 trên tạp chí Time, tạp chí uy tín một thời của Mỹ, và rõ ràng đã mô tả chiến lược Đông Á mà Mỹ theo đuổi gần 75 năm trước.
Bản đồ này gọi Đài Loan là “Formosa” và hòn đảo được vẽ với hình dạng giống như một chiếc chìa khóa.
Tên gọi Formosa xuất phát từ Ilha Formosa, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp.” Khi các thủy thủ Bồ Đào Nha trở thành những người đầu tiên từ châu Âu đặt chân đến Đài Loan vào thế kỷ 16, họ đã vô cùng ấn tượng với phong cảnh của hòn đảo.
Quay lại với tấm bản đồ. Một sợi dây móc khóa gắn đã gắn Formosa với Nhật Bản và Philippines. Điều thú vị là những người vẽ bản đồ gọi móc khóa này là “Biên giới chiến lược của Mỹ.”
Ngày nay, bản đồ này là minh chứng cho thấy không có thay đổi đáng kể nào đối với chiến lược Đông Á của Washington trong những thập niên vừa qua.
Một số độc giả có lẽ cũng đã nhận ra rằng bản đồ “Biên giới chiến lược của Mỹ” của tờ Time trùng lặp một phần với một đường biến giới khác mà ngày nay chúng ta nhìn thấy thường xuyên hơn, “Chuỗi đảo thứ nhất,” tên gọi mà Trung Quốc thường sử dụng khi nói về chiến lược đối với Mỹ.
Khái niệm này phản ánh mong muốn thầm kín của Bắc Kinh nhằm dần dần tăng cường lực lượng hải quân và không quân, từ đó giành quyền thống trị ở Tây Thái Bình Dương và đẩy “biên giới” của Mỹ và “chuỗi đảo” Trung Quốc về phía đông.
Thật ra, Trung Quốc cũng chẳng buồn che giấu tham vọng của mình. Ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước vào tháng 3/2013, Tập dường như đã cố gắng thuyết phục người Mỹ cùng ông vạch ra một biên giới khác. Khi đến thăm Mỹ vào tháng 6 năm đó, lần đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập đã nói với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama rằng “Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho cả hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ.”
Bình luận này được hiểu là Tập đang gợi ý rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ phân chia Thái Bình Dương và sắp xếp lại phạm vi ảnh hưởng của họ cho phù hợp. Lời nói của ông đã gây ra phản ứng dữ dội từ Washington, và cũng ám chỉ rằng sự xuất hiện của một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ làm gia tăng căng thẳng với bá quyền cũ là Mỹ.
Cũng có thể thấy rằng trên bản đồ của Time, không có đường biên giới trên Bán đảo Triều Tiên. Có lẽ số báo Time đặc biệt đó đã xuất hiện trên các sạp báo trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6/1950.
Trung Quốc đã có một ván cược lớn vào mùa hè năm đó, đặt vận mệnh quốc gia không phải vào Đài Loan mà vào Triều Tiên. Vào tháng 10 năm đó, quân Trung Quốc vượt Sông Áp Lục, vốn ngăn cách Trung Quốc và Triều Tiên. Mao Trạch Đông đã quyết định cầm vũ khí chống lại Mỹ và chiến đấu bên cạnh Triều Tiên.
Quyết định này được đưa ra chỉ một năm sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.
Trận Hồ Trường Tân, một trong những trận đánh quan trọng của Chiến tranh Triều Tiên, đã diễn ra giữa lực lượng Trung Quốc và Mỹ trong thời tiết lạnh giá. Được dùng làm tên cho một bộ phim năm 2021 về cuộc chiến bi thảm, cuộc đụng độ này đã được bàn luận khá nhiều ở Mỹ và các tổng thống Mỹ kế nhiệm thường xuyên nhắc đến nó trong các bài phát biểu của họ.
Quyết định của Mao – đối đầu trực tiếp với lực lượng Mỹ – đã dẫn đến thương vong nặng nề cho phía Trung Quốc. Tại Trung Quốc, có thông tin cho rằng khoảng 1 triệu quân nhân và thường dân Trung Quốc đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Sự kiện này cũng đã cản trở đáng kể nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải đến năm 1979, hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Thêm vào đó, Chiến tranh Triều Tiên đã đặt chính phủ non trẻ ở Bắc Kinh vào tình thế khó khăn về tài chính. Theo tài liệu của CIA, ngân sách quân sự của Trung Quốc chiếm 43% tổng ngân sách vào năm 1951 và 26% vào năm 1952.
Thế giới hiện đang tập trung vào việc liệu Trung Quốc có tung ra một cuộc tập trận kiểu phong tỏa Liên hợp lợi kiếm-2024B vào cuối năm nay, như màn dạo đầu cho việc sử dụng vũ lực thực sự chống lại Đài Loan hay không.
Tập có lẽ sẽ nhắm đến nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng vào năm 2027. Câu hỏi đặt ra là liệu trước đó ông có đưa ra một quyết định quân sự có tính rủi ro cao như Mao đã làm hồi năm 1950 hay không, nhưng quyết định lần này liên quan đến Đài Loan – và kết quả của nó có thể đẩy lùi biên giới Mỹ và mở rộng chuỗi đảo của Trung Quốc về phía đông.
Tại Washington, “biên giới chiến lược” vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một động thái mang tính biểu tượng giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng xoay quanh vấn đề Đài Loan, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel hôm 17/05 đã bay trên một máy bay quân sự của Mỹ tới tỉnh Okinawa, nơi được bản đồ năm 1950 đánh dấu là một căn cứ hải quân. Khi đến Okinawa, Emanuel lại tiếp tuc khởi hành đến Đảo Yonaguni xa xôi và gặp Thị trưởng Kenichi Itokazu.
Yonaguni là hòn đảo cực tây của Nhật Bản và cũng là hòn đảo gần Đài Loan nhất. Điều quan trọng là chuyến thăm của Emanuel diễn ra chỉ ba ngày trước lễ nhậm chức tổng thống của Lại Thanh Đức.
Thực tế là Đài Loan chính là chìa khóa an ninh ở Thái Bình Dương vẫn không thay đổi kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Thay đổi duy nhất chỉ là về ngôn từ. Thuật ngữ “Thái Bình Dương” đã nhường chỗ cho “Châu Á-Thái Bình Dương” và gần đây hơn là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Trong hoàn cảnh chính trị hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể thỏa hiệp về đường ranh giới được vẽ quanh các đại dương. Có lẽ sau 70 năm nữa, cư dân của khu vực này sẽ nhìn lại bản đồ được hồi sinh của Time và đánh giá xem liệu nó có bất kỳ giá trị nào trong cuộc giằng co của hôm nay hay không.
Nếu họ ý thức được danh tiếng lịch sử của mình, các nhà lãnh đạo của cả hai nước cần kiềm chế đưa ra những quyết định đặt uy tín quốc gia và di sản chính trị lên trên những thương vong quân sự và dân sự có thể xảy ra nếu “các cuộc tập trận trừng phạt” của Trung Quốc leo thang đến mức xung đột quân sự.
Giải pháp thay thế là đối thoại. Cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân sẽ có cơ hội thử nghiệm giải pháp này. Họ sẽ gặp nhau tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La kéo dài ba ngày bắt đầu từ thứ Sáu (31/05/2024).
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.