Nguồn: Khang Vu, “With Balloons in the Sky, North Korea keeps its feet on the ground”, The Interpreter, 30/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Triều Tiên cuối cùng cũng thực hiện được lời hứa của mình, mặc dù với cách thức bất thường. Sau khi cảnh báo Hàn Quốc vào hôm chủ nhật rằng sẽ rải “núi giấy vụn và rác rưởi” để đáp trả lại những tờ rơi chống Bắc Triều Tiên mà các nhà hoạt động ở miền nam thường xuyên gửi trên khí cầu về phía bắc qua biên giới, Bình Nhưỡng đã thả hơn 260 quả khí cầu chứa túi phân và chất thải theo chiều ngược lại.
Hành động thể hiện sự bất mãn kỳ lạ này không phải là chưa từng có tiền lệ. Năm 2016, Triều Tiên đã gửi những quả khí cầu chứa đầy rác thải và tàn thuốc lá về phía nam sau khi gọi Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye của Hàn Quốc là “rác rưởi”. Các tổng thống tự do của Hàn Quốc đã tìm cách ngăn cản các nhà hoạt động gửi tờ rơi đến miền Bắc vì lo ngại làm tổn hại đến sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Nhưng những người bảo thủ lại dung túng cho việc này như một cách thể hiện lập trường cứng rắn chống lại Bắc Triều Tiên.
Mặc dù tờ rơi của Hàn Quốc không gây ra mối đe dọa quân sự, nhưng theo quan điểm của Triều Tiên, chúng vi phạm chủ quyền của đất nước và khẳng định ý định thù địch của miền nam đối với người láng giềng cộng sản. Bình Nhưỡng đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt việc phát tán tờ rơi, và khi những nỗ lực này không thành công, họ đã quyết định trả đũa.
Năm 2020, Bình Nhưỡng quy kết việc đóng cửa và phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong cho một nhóm các nhà hoạt động Hàn Quốc gửi tờ rơi chống Bình Nhưỡng về phía bắc. Sự tức giận của miền Bắc đã khiến chính quyền Moon Jae-in phải cấm việc phát tán tờ rơi nhằm tránh leo thang căng thẳng. Đến năm 2022, Triều Tiên lại tìm cách đổ lỗi cho tờ rơi của Hàn Quốc đã mang virus corona vào nước này. Và vào năm ngoái, khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tuyên bố lệnh cấm tờ rơi của tổng thống Moon là vi hiến, Bắc Triều Tiên đã đe dọa sẽ “vượt ra ngoài phản ứng thông thường” và trừng phạt Hàn Quốc bằng vũ lực.
Điều quan trọng là không nên coi mối đe dọa của Bắc Triều Tiên đối với vấn đề tờ rơi chỉ là hù dọa. Năm 2012, Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc nếu Seoul không ngăn chặn các nhà hoạt động thả khí cầu. Seoul đã coi lời đe dọa này là nghiêm trọng và phong tỏa khu vực thả khí cầu. Vào năm 2014, Bắc Triều Tiên đã sử dụng súng máy phòng không để bắn hạ khí cầu và thậm chí còn bắn vào các vị trí của Hàn Quốc gần biên giới. Hành động của miền Bắc đã dẫn đến một cuộc đọ súng ngắn ngủi với quân đội Hàn Quốc, may mắn không gây thương vong. Bắc Triều Tiên nhiều lần đặt điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán là Seoul phải ngăn chặn các nhà hoạt động gửi tờ rơi, đáng chú ý nhất là việc đưa vào điều khoản chống tờ rơi trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm năm 2018.
Mặc dù cách thức đáp trả gần đây của Bắc Triều Tiên đối với việc phát tán tờ rơi là không thông thường, nhưng nó cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang tránh xung đột, ngay cả trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang ngày càng phân cực. Bình Nhưỡng có thể đáp trả bằng hỏa lực như năm 2014 để thể hiện sự sẵn sàng cho chiến tranh. Thậm chí phản ứng như vậy có thể hợp lý, khi mà Kim Jong-un trong năm nay đã loại bỏ mục tiêu thống nhất và bắt đầu gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”. Nhưng thay vào đó, bằng cách đáp trả bằng các phương thức phi quân sự, Bắc Triều Tiên gửi thông điệp đến Hàn Quốc rằng họ chỉ muốn miền Nam ngừng phát tán tờ rơi, chứ không muốn leo thang căng thẳng.
Trong tương lai gần, Bắc Triều Tiên sẽ không hưởng lợi gì từ việc tấn công Hàn Quốc. Việc né tránh hợp tác với Seoul đơn giản chỉ có nghĩa là Bình Nhưỡng đang định hướng lại các ưu tiên của mình ở những nơi khác, đặc biệt là hướng tới phát triển kinh tế quốc gia. Sau khi loại bỏ mục tiêu thống nhất, Kim Jong-un đang tập trung thực hiện “Chính sách Phát triển Khu vực 20×10”, hứa hẹn xây dựng các nhà máy mới ở 20 huyện mỗi năm trong thập kỷ tới. Kim nhận thức được rằng ông cần phải giành lại lòng trung thành của người dân do sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Kim muốn nâng cao mức sống ở nông thôn, siết chặt kiểm soát của chính quyền trung ương đối với thị trường và đàn áp các hành vi “chống chủ nghĩa xã hội” trong quá trình này. Các nhà máy mới hoàn thành gần đây như nhà máy ở huyện Kimhwa sẽ sản xuất hàng tiêu dùng và nhu yếu phẩm. Bắc Triều Tiên đã khởi công xây dựng sáu nhà máy khu vực vào đầu năm nay.
Bình Nhưỡng cũng đang cử thêm lao động sang Nga và Trung Quốc để kiếm tiền cho chế độ. Việc Nga phủ quyết việc gia hạn nhiệm vụ của một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc theo dõi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho phép nước này tiếp tục xuất khẩu đạn dược để đổi lấy nguyên liệu thô và thực phẩm của Nga với ít sự lên án từ quốc tế. Đồng thời, Bắc Triều Tiên khẳng định không cung cấp đạn dược cho Nga, nhằm tránh leo thang căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng đang giúp đỡ Bắc Triều Tiên, hai nước nhất trí nới lỏng các biện pháp kiểm dịch liên quan đến hải quan vào tháng trước. Động thái này sẽ giúp Bắc Triều Tiên tiếp cận nguyên liệu thô để xây dựng các nhà máy.
Khí cầu chứa đầy phân của Bắc Triều Tiên có thể được coi là “vượt ra ngoài phản ứng thông thường”, nhưng may mắn thay, chiến thuật này phù hợp với một số chỉ dấu khác cho thấy làm kinh tế thay vì gây chiến tranh đang đứng đầu danh sách việc cần làm của Triều Tiên. Phản ứng của Hàn Quốc sẽ quyết định bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng. Điều quan trọng là Seoul không nên leo thang căng thẳng và buộc Bình Nhưỡng phải tìm đến những phản ứng vượt ngoài khuôn khổ thông thường.
Khang Vũ là NCS Tiến sỹ tại Khoa Khoa học Chính trị, Boston College. Vũ tập trung vào chính trị Đông Á và vũ khí hạt nhân. Khang Vũ tốt nghiệp Thạc sỹ tại Dartmouth College vào năm 2019.