Ngành kim cương toàn cầu gặp khó khăn, Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính

Trương Đình

Ngành kim cương toàn cầu gặp khó khăn, Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính
Một người đi bộ đi ngang qua cửa hàng trang sức De Beers ở khu Trung Hoàn, Hong Kong vào ngày 14/9/2016. (Ảnh: SAAC LAWRENCE/AFP via Getty Images)

“Kim cương là mãi mãi” – khẩu hiệu này được hãng kim cương De Beers đưa ra vào năm 1948 đã truyền tải thông điệp về sự an toàn và lãng mạn. Nhưng bây giờ đối với rất nhiều người tiêu dùng, điều đó không còn đúng nữa. Họ từ bỏ việc mua kim cương và thay vào đó chọn vàng, hoặc loại kim cương được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm.

Cổ đông lớn nhất của De Beers, tập đoàn khai thác mỏ Anglo American, có kế hoạch tách De Beers để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau khi từ chối lời đề nghị mua lại của công ty khai thác mỏ BHP. Giám đốc điều hành của Anglo American, ông Duncan Wanblad, nói với tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh rằng, việc bán De Beers sẽ là “phần khó khăn nhất” trong quá trình tái cơ cấu hoàn toàn công ty.

Ông Paul Zimnisky, một nhà phân tích độc lập về kim cương tại New York, nói với kênh tin tức tài chính CNBC của Mỹ rằng, “dù De Beers dưới thời Anglo American có hoạt động kinh doanh truyền thống mạnh mẽ, nhưng hoạt động kinh doanh kim cương đã thực sự không còn phù hợp nữa”.

Nhu cầu kim cương tại thị trường Trung Quốc giảm

Theo CNBC, khi sức hấp dẫn của kim cương ở Trung Quốc, một thị trường tiêu dùng quan trọng, trở nên dần suy yếu, nhu cầu về kim cương ở nước này cũng giảm theo.

Theo nền tảng dữ liệu Statista, năm 2022, thị trường trang sức kim cương của Trung Quốc trị giá khoảng 8,8 tỷ USD.

Công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting cho biết, tỷ lệ kết hôn giảm và sự phổ biến ngày càng tăng của vàng cũng như đá quý được tạo ra trong phòng thí nghiệm đã làm giảm nhu cầu về kim cương ở Trung Quốc. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu về kim cương ở nước này còn bao gồm việc tăng trưởng thu nhập chậm và lĩnh vực bất động sản suy yếu. Việc chấm dứt lệnh phong tỏa sau đại dịch Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng chi tiêu sang trải nghiệm du lịch thay vì mua các sản phẩm là hiện vật, điều này càng ảnh hưởng đến doanh số bán kim cương.

Theo dữ liệu chính thức từ chính quyền Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã chạm mức thấp kỷ lục trong năm 2022. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể từ khoảng 13,47 triệu đôi vào năm 2013 xuống còn 6,84 triệu đôi vào năm 2022. Thế hệ trẻ tuổi đang ưu tiên phát triển cá nhân và ổn định tài chính hơn là hôn nhân, dẫn đến nhu cầu về nhẫn đính hôn và nhẫn cưới giảm.

Công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting cho biết, các cặp vợ chồng mới cưới ở Trung Quốc đang ngày càng chuyển sang mua vàng và coi đó như một phương thức đầu tư, việc giá vàng tăng cũng đã thúc đẩy lượng tiêu thụ trang sức vàng tăng vọt. Không giống như kim cương, trang sức bằng vàng có ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong hôn lễ của người Trung Quốc. Trong mấy thế kỷ vừa qua, vàng luôn tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và may mắn trong văn hóa Trung Quốc. Mặt khác, kim cương chủ yếu gắn liền với truyền thống của phương Tây.

Năm 2023, giá vàng tăng đều đặn, đây thường là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại và nhu cầu vàng tăng cao.

Để so sánh, giá kim cương từ đầu năm 2024 đến nay đã giảm 5,7%, và giảm hơn 30% so với mức cao trong lịch sử vào năm 2022, theo Chỉ số giá kim cương thô toàn cầu Zimnisky.

Ông Marcelo Esquivel, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của tập đoàn Anglo American, nói với CNBC rằng đối với ngành kim cương, năm ngoái là thời kỳ còn khó khăn hơn. Bởi vì những thách thức về kinh tế, số cặp đôi đính hôn giảm xuống sau đại dịch và sự gia tăng nguồn cung kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm đều đã gây ảnh hưởng tới nhu cầu mua kim cương.

Ngành kim cương tự nhiên gặp khó khăn

Ông Ankur Daga, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử trang sức Angara ở Anh, cho biết sở thích của mọi người đối với kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (Lab-Grown Diamond) cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến giá kim cương tự nhiên giảm.

Ông Daga nói: “Vấn đề cốt lõi là sự tăng trưởng nhanh chóng của kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm”. Ông này cho biết thêm rằng, ở Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ kim cương lớn nhất, trong năm nay, một nửa số đá quý trên nhẫn đính hôn sẽ được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm, trong khi tỷ lệ này vào năm 2018 chỉ chiếm 2%.

Những viên kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách sử dụng áp suất và nhiệt độ cực cao trong môi trường được kiểm soát, quá trình này tái hiện quá trình rèn kim cương tự nhiên nằm sâu trong lòng đất. Điểm hấp dẫn của kim cương nhân tạo là chúng rẻ hơn 85% so với kim cương tự nhiên.

Theo dữ liệu do Zimnisky cung cấp, trong năm 2023, doanh số bán kim cương được nuôi trong phòng thí nghiệm chiếm 18,4% thị trường trang sức kim cương toàn cầu, tăng mạnh từ con số 2% của năm 2017.

Ngoài ra, ông Daga còn cho hay, việc mua kim cương để đầu tư cũng đang giảm sút. Ông Daga nói rằng, trong 50 năm qua, kim cương đã được coi là một tài sản và là một công cụ phòng ngừa lạm phát. Nhưng khi giá kim cương giảm mạnh, lý do đầu tư này đã bị phai nhạt đi rất nhiều.

“Ngành công nghiệp kim cương đã rơi vào khó khăn”, ông Daga nói với CNBC. Ông này tin rằng giá kim cương tự nhiên có thể sẽ giảm thêm 15% đến 20% trong 12 tháng tới.

Nhưng cũng có một số chuyên gia tỏ ra lạc quan hơn. Ông Anish Aggarwal, đồng sáng lập Gemdax, một công ty tư vấn kim cương chuyên nghiệp ở Bỉ, cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành công nghiệp kim cương đang phải đối mặt với một số thách thức, nhưng những thách thức này không phải là không thể vượt qua”.

Ông Aggarwal chỉ ra rằng, kim cương là sản phẩm có thể tự do chi phối, giống như các mặt hàng xa xỉ khác như đồng hồ và túi xách cao cấp, cần phải “tạo ra nhu cầu”.

Ông Aggarwal nói: “Ngành công nghiệp kim cương đã không tiếp thị sản phẩm trên quy mô lớn trong gần 20 năm qua. Chúng tôi đang nhìn thấy hậu quả của việc này”. Ông này cũng cho biết thêm rằng, ngành kim cương cần phải nỗ lực hơn nữa để khơi dậy nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

“Báo cáo chuyên sâu về kim cương năm 2023” của De Beers cho thấy, sức hấp dẫn của kim cương tự nhiên không ngừng tăng lên và ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc xếp nó ở vị trí thứ 3 trong danh sách những món quà mong muốn được tặng trong năm 2023. Nhưng công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting nói rằng, vẫn còn khoảng cách giữa ý định mua hàng của người tiêu dùng Trung Quốc và hành vi mua sắm trên thực tế.

Ông Aggarwal bổ sung rằng, điều này đòi hỏi một cách tiếp thị hiệu quả hơn. Tương tự, ông Zimnisky cũng cho rằng những hoạt động tiếp thị có ý nghĩa có thể mang lại những thay đổi rất lớn trên thị trường kim cương.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Related posts