Trung Quốc: Giá tiêu dùng tăng yếu, giá nhà sản xuất giảm tháng thứ 20 liên tiếp

Indrajit Basu

Trung Quốc: Giá tiêu dùng tăng yếu, giá nhà sản xuất giảm tháng thứ 20 liên tiếp
Một khách hàng mua trái cây tại một siêu thị ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 10/6/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Với những thông tin không mấy tích cực về lạm phát, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với vấn đề nhu cầu trong nước thấp dai dẳng.

Theo số liệu mới nhất, giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng yếu hơn dự kiến ​​vào tháng 5 và giá nhà sản xuất đã giảm trong tháng thứ 20 liên tiếp. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng của nước này trong việc vượt qua vấn đề nhu cầu trong nước thấp dai dẳng và sự bi quan của nhà đầu tư.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 5 so với năm trước, tương đương mức tăng của tháng 4, theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 12/6. Con số này thấp hơn mức tăng 0,4% được dự đoán ​​trong cuộc thăm dò của Reuters.

Tuy nhiên, Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), vốn đã chìm trong giảm phát kể từ tháng 9/2022, vẫn tiếp tục giảm (khi tính theo năm), mặc dù với tốc độ chậm hơn là 1,4% vào tháng 5 sau khi giảm 2,5% vào tháng 4, so với mức giảm được dự đoán ​​là 1,5% trong bối cảnh ngành công nghiệp Trung Quốc nhận được sự thúc đẩy từ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ vào tháng trước.

Mặc dù dữ liệu cho thấy một số cải thiện so với những tháng trước, nhưng thông tin công bố hôm thứ 4 (12/6) đã phản ánh một triển vọng kinh tế vẫn còn chưa chắc chắn.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát CPI vẫn ở mức thấp và chỉ số CPI lõi giảm đã vẽ nên bức tranh về sự yếu kém vẫn còn tiếp diễn trong nhu cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân”, Barclays FICC Research cho biết trong một ghi chú vào thứ 4.

Trong khi Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn giảm phát dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09 tính đến tháng 1/2024 (Trung Quốc đã có chuỗi 4 tháng liên tiếp giảm phát tính đến tháng 1/2024), chính quyền Trung Quốc đã phải vật lộn để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh suy thoái bất động sản kéo dài và thị trường lao động ảm đạm. Các doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư do giá nhà sản xuất giảm, làm xói mòn lợi nhuận của họ.

Theo ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Anh này, những xu hướng này cũng đã làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư về sự phục hồi nhanh chóng của lạm phát, đặc biệt là do mức giá theo quy định tăng đáng kể đối với các dịch vụ tiện ích và vé tàu.

“Chúng tôi cho rằng chi phí [và] mức chi tiêu cao hơn cho các dịch vụ tiện ích và giá vé tàu sẽ hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng tùy ý khác, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động và tăng trưởng tiền lương đang xấu đi”, ghi chú nêu rõ.

Kể từ năm 2023, mức tiêu dùng yếu ở Trung Quốc đã kìm hãm giá tiêu dùng bất chấp nhiều biện pháp hỗ trợ, vì niềm tin vẫn ở mức thấp do cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

Các nhà phân tích cho rằng để thúc đẩy nhu cầu một cách bền vững, Trung Quốc cần gấp một đợt kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ và được điều phối tốt hơn.

“Cần có thêm sự hỗ trợ để giúp củng cố tăng trưởng, có thể là được thúc đẩy bởi các chính sách tài khóa”, ngân hàng đầu tư HSBC của Anh cho biết vào thứ 4.

Vấn đề về dư thừa công suất

Các chuyên gia cho biết dữ liệu về lạm phát lõi vào thứ 4, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã nêu bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi cố gắng thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Mặc dù giá nhà nhà sản xuất tăng lần đầu tiên sau 8 tháng (khi so sánh theo tháng) và lạm phát giá tiêu dùng vẫn ổn định trong tháng 5, tình trạng dư thừa công suất dai dẳng vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và có khả năng gây ra giảm phát trong tương lai trước mắt.

“Việc giá tại cổng nhà máy tăng có thể chỉ là tạm thời, do tình trạng dư thừa công suất, có thể chúng sẽ sớm tiếp tục giảm, khiến lạm phát PPI ở mức âm trong phần còn lại của năm”, Capital Economics cho biết vào thứ 4.

“Tình trạng dư thừa công suất dai dẳng có khả năng [cũng] sẽ khiến lạm phát CPI phục hồi ở mức khiêm tốn”, công ty nghiên cứu này cho biết thêm.

Theo Capital Economics, dữ liệu lạm phát của Trung Quốc cho thấy sự mất cân bằng về mặt cấu trúc giữa cung và cầu, điều chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng

Kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu diễn ra, công suất sản xuất đã tăng nhanh chóng, với giá trị tài sản cố định của các nhà sản xuất, thứ phản ánh công suất sản xuất, tăng hơn 30% kể từ năm 2019.

Xe điện xuất khẩu xếp chồng lên nhau tại bến container quốc tế của cảng Thái Thương ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 16/4/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu trong đại dịch đối với hàng tiêu dùng ban đầu đã thúc đẩy sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu được bình thường hóa và giảm, hỗ trợ chính sách vẫn duy trì hoạt động đầu tư sản xuất mạnh mẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực được chính quyền Trung Quốc coi là quan trọng về mặt chiến lược.

Về cơ bản, sự mất cân bằng dai dẳng này là hậu quả của việc dành một tỷ lệ rất cao trong thu nhập quốc gia cho đầu tư, bất chấp khả năng hấp thụ suy giảm của nền kinh tế đối với việc tích lũy vốn nhanh chóng do các xu hướng nhân khẩu học và các xu hướng về cấu trúc khác (những điều khiến khả năng hấp thụ suy giảm), công ty nghiên cứu cho biết.

Công ty này nói thêm rằng sự mở rộng nhanh chóng về phía cung, kết hợp với sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu sau đại dịch và tăng trưởng tiêu dùng trong nước chậm chạp, đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trên diện rộng.

Do đó, Barclays lưu ý rằng PPI trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vốn đã giảm trong 16 tháng, hầu như không cải thiện ở mức -0,8% so với năm trước, sau khi giảm 0,9% trong tháng trước.

“Giảm phát hàng tiêu dùng kéo dài có thể làm nổi bật sự kết hợp giữa nhu cầu yếu và các vấn đề về công suất dư thừa. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà sản xuất có thể không thể chuyển toàn bộ chi phí đầu vào cao hơn sang cho người tiêu dùng”, ghi chú của Barclays cho biết.

Nhìn về tương lai, Barclays dự đoán rằng sự phục hồi trong tiêu dùng sẽ vẫn bị cản trở bởi những điểm yếu của thị trường lao động bắt nguồn từ triển vọng việc làm và thu nhập không chắc chắn, các tác động tiêu cực đến tài sản cá nhân và tình hình tài chính hộ gia đình căng thẳng.

“Những tác động kéo lùi này đối với tiêu dùng và do đó, CPI, theo quan điểm của chúng tôi, có khả năng kéo dài đến năm 2025. Do đó, chúng tôi hạ dự báo lạm phát CPI cả năm 2025 xuống còn 1,2% từ mức 2,0% trước đó”, ghi chú kết luận.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts