Quan điểm nhìn nhận thế giới của Trung Quốc

Christopher Balding

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân (Dong Jun) (ở giữa) cùng phái đoàn của mình đến gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore hôm 31/05/2024. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP qua Getty Images)

Các quan chức an ninh và quốc phòng từ châu Á và các nơi trên thế giới đã tề tựu về Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La từ hôm 31/05 đến 02/06. Diễn đàn thường niên này, nơi các quan chức trao đổi quan điểm và thảo luận về các vấn đề an ninh cấp bách, cũng như đưa ra một số ý kiến ​​thẳng thắn nhất về nhìn nhận của Trung Quốc đối với thế giới.

Vậy Trung Quốc nhìn nhận tình hình an ninh trên toàn cầu như thế nào, và điều này có ý nghĩa gì đối với thế giới?

Trong khi hầu hết các diễn đàn ngoại giao đều đề cập đến những vấn đề nhẹ nhàng nhằm xoa dịu những bất đồng, thì Diễn đàn Shangri-La được biết đến nhiều hơn nhờ những cuộc thảo luận cởi mở và trung thực. Trung Quốc còn đi xa hơn thế nữa. Trong khi Bắc Kinh có thể công khai phản đối thuật ngữ “sói chiến,” nhưng các đại diện quốc tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra những cảnh báo thẳng thừng và dựa vào những ngôn từ nảy lửa để bày tỏ quan điểm của mình. Mặc dù chúng ta có thể không thích những luận điệu của Bắc Kinh, nhưng điều đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lập trường của chính quyền Trung Quốc.

Các đại diện quan trọng của Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo gay gắt đối với các quốc gia như Đài Loan và Philippines, dùng ngôn từ đe dọa và khoa trương về sự hủy hoại sẽ xảy đến với họ nếu họ không chấp nhận lập trường của Bắc Kinh. Các nhà tuyên truyền của Bắc Kinh đã cố gắng dùng những ngôn từ mà người nghe từ phương Tây sẽ chấp nhận bằng cách khẳng định rằng luật pháp quốc tế đã công nhận Biển Đông và Đài Loan là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc, mặc dù đã thua kiện trước Manila về vấn đề này và không có tuyên bố quốc tế nào về tình trạng của Đài Loan tại bất kỳ thời điểm nào. Người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục đe dọa tất cả các nước trong khu vực và các nước xa xôi như Hoa Kỳ và châu Âu về những hành vi vốn có thể không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Mối đe dọa “hủy diệt” dường như đã rõ ràng đối với tất cả mọi người.

Một mặt, luận điệu này từ Trung Quốc không khiến chúng ta cảm thấy ngạc nhiên. Dù trong các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hay thông cáo báo chí về các sự kiện và tập trận quân sự, Bắc Kinh thường xuyên đưa ra những lời lẽ khoa trương nhằm đe dọa và cảnh báo các quốc gia liên quan trực tiếp như Đài Loan hay Philippines và các nước liên quan như Hoa Kỳ.

Chỉ bởi luận điệu này là quen thuộc không có nghĩa là chúng ta nên miễn nhiễm với những lời đe dọa từ Bắc Kinh và nguy cơ rất thực tế là một ngày nào đó họ sẽ hành động theo những tuyên bố này. Chính quyền Trung Quốc đang tích cực lôi kéo các tàu Philippines vào xung đột ở mức độ thấp, chẳng hạn như va chạm và đâm vào các tàu này bằng vòi rồng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn hơn bao giờ hết xung quanh Đài Loan. Ranh giới giữa xung đột cấp thấp và xung đột sử dụng đạn thật do Bắc Kinh khởi xướng là không lớn.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là cách ĐCSTQ tiếp cận chính sách ngoại giao và việc họ bành trướng quyền lực trên thế giới. Bắc Kinh đã thể hiện rõ quan điểm của mình về mối quan hệ với các quốc gia khác, dù đó là Đài Loan, Philippines, hay Hoa Kỳ, cả trực tiếp lẫn thông qua sự hiểu biết về thế giới quan của họ.

Mặc dù thường được chuyển ngữ là Vương quốc Trung tâm (Middle Kingdom), vốn chính xác về mặt ngữ nghĩa, nhưng từ “trung tâm” trong tiếng Hoa không như những gì từ này được định nghĩa trong tâm trí người phương Tây – chẳng hạn như chiếc ghế giữa trong một hàng. Thay vào đó, từ trên có nghĩa là một cái gì đó gần trung tâm hơn hoặc ở chính giữa mà những thứ khác quay xung quanh, tương tự như mặt trời.

Một quan điểm căn bản khác về Trung Quốc thời hiện đại trong cách quốc gia này nhìn nhận mình so với các quốc gia khác xuất phát từ một tuyên bố năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người đã nói: “Trung Quốc là một quốc gia lớn mạnh, và các nước khác chỉ là những nước nhỏ, và đó là sự thật.”

Những ý tưởng này không cho thấy một Trung Quốc xem các quốc gia khác bình đẳng và có khả năng đưa ra các chính sách cũng như quan điểm riêng của mình mà trong đó hiển nhiên sẽ có sự khác biệt giữa các nước. Thay vào đó, Trung Quốc nhìn nhận họ là các thực thể để kiểm soát và thống trị. Họ sẽ phải tuân theo ý muốn của Bắc Kinh bất kể dưới hình thức thỏa thuận hay luật pháp.

Bắc Kinh tức giận khi Đài Loan thậm chí do dự việc từ bỏ dân chủ và tự do để trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Bắc Kinh không quan tâm đến phán quyết của tòa án quốc tế mà nước này là một thành viên đã ký kết, rằng Biển Đông không phải là vùng đất có chủ quyền của Trung Quốc hay Philippines vẫn có chủ quyền ở các khu vực ven biển của nước này. Trung Quốc Cộng sản tự coi mình là trung tâm có chủ quyền, và tất cả các quốc gia khác, dù nhỏ bé hay không, cũng phải hạ mình trước những yêu cầu của Bắc Kinh nếu không sẽ có nguy cơ hứng chịu cơn thịnh nộ của họ.

Một mối lo ngại thường trực là các cá nhân và tổ chức không nhận ra những rủi ro mà họ luôn phải đối mặt cho đến khi những rủi ro đó trở thành hiện thực. Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã nói với chúng ta cách họ nhìn thế giới và các nước khác nên cư xử ra sao. Chúng ta phải chuẩn bị như thể những lời đe dọa này cho thấy cách thức mà nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ hành động trong tương lai, trong khi vẫn hy vọng điều đó không xảy ra.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts