Ninh Hải Chung • Lạc Á
Một báo cáo của tổ chức tư vấn Thụy Điển ước tính rằng, Trung Quốc đã bổ sung 90 đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí hạt nhân của mình và hiện sở hữu 500 đầu đạn hạt nhân; nước này đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn bất kỳ nước nào khác.
Ngoài ra, Trung Quốc gần đây đã bổ nhiệm một chuyên gia về vũ khí hạt nhân làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, điều này đã thu hút sự chú ý.
Các chuyên gia phân tích rằng, xu hướng phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhằm gây thách thức đối với Hoa Kỳ, đồng thời có liên quan đến một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc khó tránh khỏi bị hạn chế bởi nạn tham nhũng tràn lan.
Báo cáo: Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân
Theo đánh giá thường niên do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào ngày 17/6, Trung Quốc đã bổ sung thêm 90 đầu đạn vào kho vũ khí hạt nhân của mình và nâng tổng số lên 500, tính đến tháng 1 năm nay. Vào tháng 1/2023, nước này có 410 đầu đạn. Trong đó, 24 đầu đạn hạt nhân có thể đã bắt đầu được lắp đặt lên các bệ phóng.
Bản báo cáo này còn nhận định rằng, trong 10 năm tới, tổng số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc (hiện là khoảng 238) có thể vượt con số 800 của Mỹ và thậm chí là vượt tổng số 1.244 của Nga.
SIPRI dự đoán, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của nước này được cho là vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga. Bản báo cáo này nêu rõ, Mỹ có 5.044 đầu đạn và Nga có 5.580 đầu đạn.
Ông Hans Kristensen, nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt tại SIPRI, cho biết: “Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn bất kỳ nước nào”.
Hôm 17/6, khi được phóng viên nước ngoài hỏi về vấn đề trên, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã yêu cầu các phóng viên đọc Sách Trắng quốc phòng do Trung Quốc ban bố.
Ông Trần Thế Dân (Chen Shih-min), Phó giáo sư khoa Chính trị học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times bản tiếng Trung vào ngày 18/6 rằng, thông tin về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc luôn được giữ bí mật cao độ. Hiện giờ nói rằng Trung Quốc có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, có bao nhiêu tên lửa hạt nhân, hoặc có bao nhiêu tàu ngầm hạt nhân, thực chất đó chỉ là đánh giá của phương Tây, chứ không thể xác minh năng lực hạt nhân thực sự của họ.
“Hệ thống chính trị ở Trung Quốc luôn đóng kín, về mặt vũ khí hạt nhân [họ cũng] cố ý duy trì một trạng thái đóng kín. Kể cả chiến lược hạt nhân của mình, họ cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào. Nhiều nhất là họ nói rằng họ sẽ không sử dụng trước (no first use) vũ khí hạt nhân mà chỉ dùng chỉ để tự vệ. Trên thực tế, cũng không có giải thích rõ ràng”, ông Trần nói.
Tại sao Trung Quốc tập trung phát triển vũ khí hạt nhân?
Trong một thời gian dài, ông Trần Thế Dân đã nghiên cứu, phân tích và so sánh chiến lược vũ khí hạt nhân của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông nói rằng, Trung Quốc từng có khái niệm gọi là “răn đe hạt nhân hữu hạn”, nhưng họ đã dần từ bỏ khái niệm này trong những năm gần đây. Một mặt, đó là do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; mặt khác, vào năm 2021, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cái gọi là “Đông lên Tây xuống” (ý chỉ phương Tây với Hoa Kỳ làm đại diện sẽ suy tàn và đi xuống, còn phương Đông với Trung Quốc làm đại diện sẽ lên thay thế).
Ông Trần nói rằng, trước khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Hoa Kỳ đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có thể phát triển thêm năng lực vũ khí hạt nhân hay không. Do đó, đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể.
Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ có 500 đầu đạn hạt nhân. Năm 2021, Mỹ đã đánh giá lại và ước chừng con số trên là 1.000 đầu đạn hạt nhân. Báo cáo năm 2022 của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại cho rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng lên 1.500 vào năm 2035.
Phó giáo sư Trần Thế Dân nói, sau khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, đã xuất hiện một nhận định chung rằng đây là sự khởi đầu của một thời đại hạt nhân mới. Trước đó vào tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẽ không đưa quân vào Ukraine. Kể từ đó, Tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cũng nhiều lần đưa ra những tuyên bố tương tự và tới nay họ vẫn duy trì như vậy.
“Đó là vì Nga có vũ khí hạt nhân. Trước khi chiến tranh nổ ra, Nga đã tổ chức một cuộc diễn tập vũ khí hạt nhân. Sau khi chiến tranh nổ ra, Nga lại nhiều lần sử dụng những ngôn từ để đe dọa hạt nhân một cách gián tiếp”, ông Trần chỉ ra.
Ông nói, Trung Quốc cho rằng vì Nga có vũ khí hạt nhân nên người Mỹ mới không muốn trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ nghĩ rằng, nếu Trung Quốc muốn tấn công Đài Loan trong tương lai và nếu Trung Quốc có sức mạnh hạt nhân ngang bằng với Nga và Mỹ, thì Mỹ có thể sẽ không đưa quân đến giúp Đài Loan tự vệ.
Trong báo cáo tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022, ông Tập Cận Bình nói rằng cần phải thiết lập một “hệ thống lực lượng răn đe chiến lược mạnh mẽ”. Ông Trần Thế Dân cho rằng đây là một tuyên bố về xu hướng hạt nhân của Trung Quốc, bởi vì trước đây nước này chỉ dùng những từ ngữ khá uyển chuyển, chẳng hạn như “lực lượng răn đe hữu hạn”, nhưng bây giờ họ nói rằng họ muốn thiết lập một “hệ thống lực lượng răn đe chiến lược mạnh mẽ”, đây rõ ràng là một tuyên bố công khai.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ về chính sách vũ khí hạt nhân của mình. Mặc dù chính quyền này tuyên bố tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trước đó từng nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không tuân thủ chính sách này trong những trường hợp đặc biệt.
Ông Trần Thế Dân cho biết, Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) đã cảnh báo vào năm 2022 rằng, trong tương lai, Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với một tình huống răn đe hạt nhân do hai cường quốc hạt nhân gây ra cùng lúc. Trước đây, đó là tình huống một đối một giữa Mỹ – Liên Xô cũ hay Mỹ – Nga; còn trong tương lai, Mỹ có thể phải đối mặt với áp lực hạt nhân từ cả Nga và Trung Quốc. Mỹ có thể sẽ ở thế bất lợi vì Trung Quốc và Nga đã hợp tác chặt chẽ hơn kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra.
Tiến sĩ Chung Chí Đông (Chung Chih-tung) từ Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng, một tổ chức tư vấn của Bộ Quốc phòng Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 18/6 rằng, ý định phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vô cùng rõ ràng. Xét về lực lượng quân sự truyền thống, đặc biệt là về Hải quân và Không quân, Hoa Kỳ có lợi thế hơn. Việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân là nhằm thách thức Hoa Kỳ về vũ khí chiến lược bất đối xứng.
Ông Chung Chí Đông nói, trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Nga thường răn đe hạt nhân với NATO nhằm khiến NATO duy trì một khoảng cách nhất định với cuộc chiến Nga – Ukraine. “Mục tiêu chính trong việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng là nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ và các nước phương Tây can thiệp quân sự vào những khu vực được gọi là lợi ích cốt lõi mà Bắc Kinh quan tâm, cụ thể là eo biển Đài Loan và Biển Đông”.
Ông Chung cho rằng, để đối phó với việc Trung Quốc và Nga phát triển vũ khí hạt nhân, mà đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể sẽ khởi động lại việc phát triển và xây dựng vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Trần Thế Dân nhận định, ông Putin rõ ràng không thể chấp nhận thất bại trong cuộc chiến với Ukraine. Thế giới bên ngoài lo lắng rằng, một khi không thể tiếp tục duy trì cuộc chiến này, liệu ông Putin có bất chấp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể dẫn tới ngày tận thế. “Vũ khí hạt nhân hiện tại của Mỹ và Nga có thể hủy diệt toàn bộ trái đất trong một giờ đồng hồ, điều này rất đáng sợ”.
Trung Quốc gây chú ý vì bổ nhiệm chuyên gia về vũ khí hạt nhân làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày 17/5 năm nay, ông Khâu Dũng (Qiu Yong) được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Ông Khâu Dũng từng giữ chức Phó giám đốc và sau đó là Giám đốc Viện nghiên cứu Kỹ thuật Tổng hợp thuộc Viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc (CAEP). Tháng 1/2020, ông Khâu được thăng chức Phó giám đốc CAEP.
CAEP là tổ chức chuyên nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. CAEP đã nằm trong Danh sách Thực thể (Entity List) của Hoa Kỳ từ năm 1997.
Ông Trần Thế Dân nói rằng, việc ông Khâu Dũng trở thành một quan chức quan trọng trong Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy ý định tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân của chính quyền Bắc Kinh.
Ngoài ra, Trung Quốc còn mới thành lập Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương (CSTC) vào năm ngoái nhưng đến nay người đứng đầu ủy ban này vẫn còn là một bí ẩn. Văn phòng của ủy ban này được đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
CSTC phụ trách giám sát và điều phối việc hoạch định chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ giữa các bộ, cơ quan, viện nghiên cứu và ngành công nghiệp; đồng thời báo cáo trực tiếp với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo ông Chung Chí Đông, việc Trung Quốc không công bố danh tính người đứng đầu ủy ban trên cũng cho thấy, phát triển vũ khí hạt nhân là một việc vô cùng cơ mật đối với Trung Quốc.
Liệu tình trạng tham nhũng có hạn chế việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hay không?
Một báo cáo vào năm ngoái của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về tình trạng tham nhũng tràn lan trong Lực lượng Tên lửa của Trung Quốc, chất lượng tên lửa của nước này cũng “bị nghi ngờ”, và điều này có thể làm tổn hại đến kế hoạch hiện đại hóa của Bắc Kinh.
Năm ngoái, tình trạng tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa và hệ thống trang bị của Trung Quốc đã bị phanh phui, cùng với đó là sự ngã ngựa của một loạt tướng lĩnh và nhân sự cấp cao trong ngành công nghiệp quân sự, như Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu, v.v.
Vào ngày 6/1 năm nay, hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin, tình báo Mỹ đánh giá rằng nạn tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa và ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc rất nghiêm trọng. Ví dụ như, trong tên lửa là nước chứ không phải nhiên liệu, hay các nắp che của một lượng lớn giếng phóng tên lửa ở miền tây Trung Quốc có vấn đề, không thể phóng tên lửa một cách hiệu quả.
Bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, hệ thống công nghiệp quân sự hạt nhân của Trung Quốc cũng bắt đầu bị chỉnh đốn khi 3 nhân sự cấp cao trong các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc (CNNC) bị điều tra.
CNNC là một doanh nghiệp trung ương lớn, chủ yếu hoạt động trong các ngành công nghiệp quân sự hạt nhân, điện hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân và công nghệ ứng dụng hạt nhân.
Ông Trần Thế Dân cho rằng, tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc mang tính hệ thống và toàn diện. Bất kể đó là trong ngành công nghiệp hạt nhân, hay là các đơn vị nghiên cứu khoa học, hay là Lực lượng Tên lửa, vấn đề mấu chốt là liệu ông Tập Cận Bình có muốn bắt giữ người đó hay không. Bên cạnh đó, có khả năng ông Tập chỉ bắt người dựa trên nhu cầu về đấu tranh quyền lực.
“Tham nhũng chắc chắn sẽ gây hạn chế cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển sức mạnh vũ khí hạt nhân. Nhưng vì đó là một hệ thống kín nên vẫn còn phải quan sát xem nó sẽ gây hạn chế đến mức nào”, ông Trần nói.
Ông Chung Chí Đông cho rằng, Lực lượng Tên lửa luôn là lực lượng quan trọng nhất trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Nhưng có một nhóm tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa đã ngã ngựa và ông Tập Cận Bình đang tiến hành thanh trừng toàn diện. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chưa chính thức tiết lộ nguyên nhân cụ thể dẫn đến cuộc thanh trừng trên. Điều này cũng cho thấy vũ khí hạt nhân có mức độ cơ mật như thế nào đối với Trung Quốc.
Theo ông Chung, nạn tham nhũng trong quân đội gây ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, nhưng những gì lộ ra hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. “Ông Tập Cận Bình không có cách nào giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng mang tính cơ cấu này, hiện giờ ông Tập chỉ có thể thấy gì thì triệt nấy”.
Minh Lý biên dịch