VietTuSaiGon (RFA)
Nạn tham nhũng không những hoành hành trong hệ thống quản lý, chính trị mà nó đang trở thành tệ nạn của tôn giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo. Đến thời điểm này, có thể nói rằng rất khó để tìm tìm ra một ngôi chùa, một sư trụ trì thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực thuộc nhà nước mà không vấy bẩn tham nhũng, thụt két nhà chùa và hối lộ.
Tấm bằng tiến sĩ đầy tai tiếng và có vấn đề của Thích Chân Quang chỉ là một cá nhân bị phanh phui, và còn bao nhiêu tấm bằng như vậy, đó là câu chuyện lại liên quan đến tham nhũng, hối lộ và tham vọng quyền lực. Vậy mối quan hệ giữa bằng giả và tham nhũng, hối lộ nơi cửa Phật ra sao?
“Theo Hiến chương mới nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định như sau:
Cấp Trung ương có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cấp tỉnh, thành phố có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố.
Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Trong đó, Hội đồng Chứng minh của Giáo hội gồm chư vị Hòa thượng tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ít nhất 70 tuổi đời và 50 tuổi đạo; được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh tiền nhiệm giới thiệu và Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn.
Đây là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội đồng Chứng minh suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Chứng minh giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc; giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội.
Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gồm các chức danh: Đức Pháp chủ; Chư vị Phó Pháp chủ; Chư vị Giám luật; Chánh Thư ký; Chư vị Phó Thư ký; Chư vị Ủy viên Thường trực. Số lượng thành viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Bên cạnh đó, Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm tương ứng với kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.
Hội đồng Trị sự ban hành quy định chi tiết về thủ tục và tiêu chí suy cử, bãi miễn thành viên Hội đồng Trị sự, thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh và thành viên Ban Trị sự cấp huyện, đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ấn chứng”. (Nguồn: VTC New).
Thế nhưng hiện nay, ở các chùa, muốn nắm chức vị Trụ trì, điều quan trọng nhất không phải là thời gian tu học Phật giáo, không phải là tuổi đạo mà là tuổi đời. Có vô số trường hợp người tu đã có trên năm mươi năm tuổi Đạo, tức đã có quãng thời gian chay tịnh, kiên trì tu học hơn nửa thế kỷ và có mức độ kiên định, tinh tấn đáng bàn…, thế nhưng trong chùa, vị sư, ni ấy không có bất kỳ tiếng nói có giá trị nào, tức không ai nghe vị sư/ni ấy nói và họ cũng không được quyền nói. Bởi tiếng nói nơi chùa chiền thuộc về bằng cấp và chức sắc. Trụ trì của chùa là người toàn quyền về mặt hành chính, nhân sự, tôn giáo, giáo luật, tâm linh, kinh tài… Hay nói khác đi, tiếng nói của Trụ trì là tiếng nói tuyệt đối trong chùa, lệnh của Trụ trì có thể lớn hơn lệnh vua. Trụ trì được hưởng từ 25% đến 40/% tiền cúng dường và tiền các tang chủ cúng cho chùa khi có hiếu sự. Số tiền 60% còn lại dành làm quỹ hoạt động của chùa, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến lễ lạc, cúng kinh và bữa ăn hằng ngày của tăng ni… Mọi hoạt động lớn như vậy mà gói gọn trong 60% tiền cúng dường, vẫn có số dư, thậm chí dư nhiều.
Và như vậy thì rõ ràng số tiền 25% đến 40% các Trụ trì nắm giữ là không hề nhỏ chút nào.
Chính vì vậy mà các Trụ trì mới có xế hộp loại xịn, đeo đồng hồ Rolex, xài hàng hiệu tiền tỷ… Chính vì vậy mà các sư mới cương quyết làm Trụ trì, bằng mọi giá leo lên chức này. Và nạn tham nhũng, bằng giả, bằng mua ra đời cũng từ chỗ này. Bởi theo quy định có màu sắc rất hành chính của Giáo hội thì một vị sư muốn nắm giữ chức Trụ trì, phải có bằng cấp về Phật học, đó là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có thêm một số bằng cấp do hệ thống giáo dục nhà nước cấp. Một vị sư cho dù tu lâu năm bao nhiêu mà không có các loại bằng cấp trên thì rất khó để nắm chức vị Trụ trì trong chùa cho dù có bỏ tiền tỷ ra để xây chùa.
Đó là mới nói đến chức vị nhỏ nhất trong hệ thống, khi nắm giữ chức Trụ trì rồi, muốn cho tiếng nói được mạnh hơn thì anh/chị phải nỗ lực nắm một chức sắc nào đó trong Giáo hội, thấp nhất là Giáo hội địa phương cấp huyện, cao hơn thì lên cấp tỉnh và cao nhất là cấp trung ương. Đương nhiên càng lên cao, quyền lực của người nắm chức sắc càng lớn. Chỉ riêng việc Đại đức Thích Minh Đạo bị Giáo hội Phật giáo cấp huyện bắt quỳ sám hối, sau đó lên Giáo hội cấp tỉnh quỳ sám hối thêm lần nữa và cuối cùng là bị bãi bỏ mọi chức sắc, bãi bỏ trụ trì là đủ biết sức mạnh của chức sắc trong Giáo hội ra sao rồi!
Việc phân bổ Trụ trì là do Ban Chứng minh và ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp quận/huyện, nhân sự đề xuất phân bổ sau đó được đưa lên cấp tỉnh phê duyệt và thông qua ở cấp trung ương. Việc nắm chức Trưởng Ban Trị sự cấp quận/huyện coi như nắm trong tay quyền lực toàn triệt về việc gật đầu hay lắc đầu cho một Trụ trì nào đó trong một ngôi chùa nào đó. Và cái gật đầu hay lắc đầu, cái chữ ký giới thiệu về cấp tỉnh của Trưởng ban cấp quận/huyện có tính sống còn với cái chức vị kia. Đương nhiên, không thể dựa vào nước miếng chay hay tùy thuộc vào tuổi đạo… mà hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chạy chọt, bằng cấp của đương sự.
Bằng cấp càng nhiều, càng vững thì chức sắc càng cao, đương nhiên phải giỏi chạy chọt. Và việc Thích Chân Quang có được bằng Tiến sĩ Luật cũng như khá nhiều bằng cấp khác không phải chỉ do háo danh không thôi. Bởi nếu chỉ háo danh thì Thích Chân Quang với công việc giảng sư, nói nhăng nói cuội bấy lâu nay cũng đủ để ông ta nghênh ngang, khệnh khạng rồi, không cần phải tốn công này nọ để có thêm cái bằng tiến sĩ kia. Việc cầm cho được bằng tiến sĩ trên tay là có mục đích, có tham vọng của nó, ông ta, với các loại bằng đang nắm trong tay có thể bước một bước khác lên cao hơn, có thể bước vào hàng giáo phẩm trung ương và khi nắm được chức sắc ở cấp trung ương, ông ta có thể bước vào Quốc hội Nhà nước với chức danh đại biểu Quốc hội, có thể từ chức danh đại biểu Quốc hội này, đá xoáy vào giáo phẩm lớn nhất của trung ương hội… Bởi mọi thứ bây giờ chỉ cần có thật nhiều tiền và biết chạy chọt là đủ.
Rất không may cho Thích Chân Quang là ông ta bị phanh phui quá sớm trên bước đường thực hiện tham vọng, và mọi chuyện thăng tiến của Chân Quang có vẻ sẽ khó khăn, nhiều trở ngại hơn trước.
Bởi vô hình trung, Thích Chân Quang đã làm lộ ra một cái lỗ hổng quá lớn trong giáo hội nhà nước và nó có nguy cơ phát tán nhiều thứ làm lộ ra chân tướng cũng như bộ mặt thật về các hoạt động tham ô, tham nhũng, hối lộ trong hệ thống giáo hội.
Một hệ thống tuy không có văn bản chính thức nhưng muốn làm trụ trì chùa ở quê thì tốn từ ba trăm đến năm trăm triệu đồng sau khi đã có đầy đủ mọi bằng cấp, muốn làm trụ trì chùa thành phố thì tốn từ ba đến năm tỷ đồng để được làm trụ trì. Đây là thứ luật bất thành văn hiện hành mà ai ai cũng biết nhưng ngại nói ra, thế mới lạ!
Nguồn: RFAVietnam.com