TQ: Lũ cuốn trôi người ở Hồ Nam, 240.000 người ở An Huy phải sơ tán

Vào ngày 1/7/2024, huyện Bình Dương, Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam gặp phải một trận lũ lụt nghiêm trọng (Ảnh cắt từ video)

Do mưa lớn ở lưu vực sông Dương Tử thời gian gần đây, khiến lũ lụt hoành hành tại nhiều nơi ở phía nam Trung Quốc đe doạ đến tính mạng và tài sản của người dân. Ngày 3/7, một đoạn video đăng lên mạng cho thấy cảnh tượng kinh hoàng, người dân bị lũ cuốn trôi tại nhiều nơi ở Hồ Nam, hơn 240.000 người ở An Huy phải sơ tán.

Lũ lụt tàn phá Hồ Nam, gây thiệt hại nặng nề, nhiều người bị cuốn trôi

Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 1/7 tuyên bố do ảnh hưởng của lượng mưa lớn liên tục kể từ ngày 25/6, “Lũ lụt số 1 sông Dương Tử năm 2024” hình thành vào chiều ngày 28/6 và tiếp tục phát triển. Được biết, lưu vực sông Dương Tử chiếm 1/5 diện tích đất liền của Trung Quốc Đại Lục. Dòng chính của sông Dương Tử chảy qua 11 tỉnh, khu tự trị và đô thị bao gồm Thanh Hải, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Vân Nam, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Giang Tô và Thượng Hải, cuối cùng chảy ra biển Hoa Đông.

Vào ngày 3/7, tài khoản mạng xã hội X “@xinwendiaocha” đã đăng một đoạn video nói rằng một trận lũ lớn đã xảy ra ở Hồ Nam và “nhiều người đã bị cuốn trôi”, nhưng “chính phủ và các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc đã cố gắng hết sức để hạ thấp sự nghiêm trọng và che đậy nó”. Theo video, một dòng sông hàng chục mét với những ngôi nhà ở hai bên, trong dòng nước lũ có 2 người đang đang vùng vẫy, một người trong số họ dường như không còn sức lực và ngay lập tức bị dòng nước chảy mạnh nhấn chìm.

Một người khác thì thuận theo dòng chảy xiết trôi xuống. Còn có người bồng bềnh trên mặt nước, bị một cơn sóng lớn ập vào rồi biến mất không dấu vết. Trong video toàn là tiếng kêu gào, khung cảnh thật thê thảm.

Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, mưa lớn ở Hồ Nam vào tháng Sáu đã gây ra lũ lụt. Tại thủ phủ Trường Sa, lượng mưa trong một giờ tương đương với 54 Tây Hồ, ga đường sắt ở Trường Sa trở thành “bến tàu” và một số tàu điện ngầm và xe lửa tạm dừng hoạt động. Huyện Bình Giang ở Nhạc Dương cũng gặp phải tình trạng lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nước sông Mịch La dâng cao nhất kể từ năm 1954, làm ngập một nửa khu đô thị mới Bình Giang và 1/3 khu đô thị cũ. Lũ quét khiến 4 người chết và 1 người mất liên lạc ở Hoài Hóa. Hiện tại không có báo cáo chi tiết chính thức nào của chính quyền về lũ lụt ở Hồ Nam, dữ liệu thương vong chính thức thường bị thế giới bên ngoài nghi ngờ.

7月4日,湖南平江,水情网友整理 pic.twitter.com/mt2f8bkSJc

— 清丝老师谈治国理政 (@woyongdehuawei) July 4, 2024
(Theo ghi chú trong video, quang cảnh này là ở Bình Giang, Hồ Nam ngày 4/7.)

Hơn 240.000 người ở An Huy sơ tán do mưa lớn ở lưu vực sông Dương Tử

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, mưa lớn đã tấn công phần lớn quốc gia này, khiến mực nước sông Dương Tử dâng cao và hơn 240.000 người ở khu vực phía đông phải sơ tán. Mực nước sông Dương Tử chảy qua tỉnh An Huy đã vượt mức cảnh báo. Bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, mực nước báo động của 20 sông, 6 hồ khác trên địa bàn tỉnh An Huy cũng nâng lên.

Hàng trăm trạm khí tượng ở tỉnh An Huy ghi nhận lượng mưa hơn 100 mm trong 24 giờ, với khoảng 260 mm đo được ở huyện Hà Tây gần Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy. Tính đến ngày 1/7, mưa lớn ở An Huy đã ảnh hưởng đến ít nhất 811.000 người và 259 khu thắng cảnh trong tỉnh đã phải đóng cửa khẩn cấp.

Cục Quản lý khẩn cấp tỉnh An Huy cho biết, tính đến chiều ngày 2/7, mưa lớn đã tàn phá 36 quận, huyện thuộc 7 thành phố cấp tỉnh ở An Huy, ảnh hưởng đến 991.000 cư dân, trong đó 242.000 người phải sơ tán.

Lượng mưa lớn ở miền nam Trung Quốc trong những tháng gần đây được cho là đã dẫn đến thảm họa chết người, với lũ quét khiến 5 người thiệt mạng ở tỉnh miền trung Hồ Nam và lở đất khiến 8 người thiệt mạng. Tại tỉnh Quảng Đông, 38 người chết do mưa lớn và lũ lụt hồi tháng Sáu.

Vì sao người dân Trung Quốc năm nào cũng vùng vẫy trong lũ lụt?

Theo báo cáo, ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Thể chế và Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Mỹ, đã viết cho giới truyền thông rằng mặc dù thiên tai là chuyện thường xuyên, nhưng sự sai trái của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến đủ loại thảm họa do con người tạo ra. Ông đưa ra một ví dụ: Thảm họa lũ lụt ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc đặc biệt nghiêm trọng. Chính quyền trước hết xuất phát từ những cân nhắc chính trị, sau đó là thái độ của họ đối với lũ lụt, “nói một cách nhẹ nhàng thì đó là sự thờ ơ, nhưng tệ nhất là coi thường tính mạng con người”. Dù là cơ quan cấp cao nhất hay các cơ quan Đảng, Chính phủ, khi xảy ra lũ lụt thì toàn bộ đều không lộ mặt.

Ông Ngô Quốc Quang đã chỉ ra trong bài viết: “Nguồn gốc của tất cả những thảm họa do con người gây ra này rõ ràng là bản chất cơ bản của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là chủ nghĩa độc tài”.

Gia đình Li Yong (hóa danh), du học sinh Trung Quốc tại Mỹ, sống ở miền nam Quảng Đông cũng bị lũ lụt năm nay. Anh nói với RFA bằng văn bản rằng do Chính phủ Trung Quốc theo dõi dư luận, tin tức về hầu hết các sự cố lũ lụt đã bị chặn ngay lập tức, và khả năng tiếp cận sự thật và tin tức của người dân rất hạn chế.

Li Yong nói, “Trong trường hợp này, cảm nhận của cá nhân tôi là mọi người nhìn chung đều trở nên ‘miễn nhiễm’ với tin tức về thảm họa, như thể không có gì nghiêm trọng lắm. Tất nhiên, đây là hậu quả xấu từ của việc chính phủ kiểm soát dư luận”.

Lý Mộc Tử, Vision Times

Related posts