Đồng nhân dân tệ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm giá so với đô-la Mỹ

Bin ZhaoXin Ning

Đồng nhân dân tệ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm giá so với đồng đô-la Mỹ
Một nhân viên ngân hàng đang đếm một chồng tiền nhân dân tệ Trung Quốc và đô-la Mỹ tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/7/2005. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đồng nhân dân tệ (CNY) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với USD vào cuối tháng trước, trong khi các nhà phân tích cho biết một số yếu tố tiếp tục gây áp lực giảm giá lên đồng tiền của Trung Quốc.

Vào ngày 21/6, tỷ giá hối đoái CNY / USD ở nước ngoài đã giảm xuống còn 7,27 CNY / 1 USD, mức thấp nhất trong 7 tháng. Sự trượt giá một phần là do tỷ giá cố định giao ngay yếu hơn dự kiến đã ​​được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt ra, làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền có thể cho phép đồng CNY mất giá hơn nữa. Từ đầu năm cho đến nay, đồng CNY đã giảm hơn 2% so với đồng USD.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đã thay đổi, với các tổ chức chuyển từ mua sang bán. Khoảng 33 tỷ CNY (4,54 tỷ USD) đã chảy ra khỏi Trung Quốc đại lục thông qua cơ chế Kết nối Chứng khoán Thượng Hải – Hong Kong vào tháng 6. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn chảy ra từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong đã đạt 129 tỷ CNY (17,8 tỷ USD).

Tiền gửi bằng CNY của Hong Kong đạt 1,09 nghìn tỷ USD (50 tỷ USD) vào tháng 4, gần đạt mức đỉnh điểm vào tháng 1/2022. Dự kiến, sự gia tăng về dự trữ tiền gửi của Hong Kong sẽ làm tăng thêm áp lực mất giá đối với đồng CNY.

Ngoài sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, một yếu tố khác góp phần vào sự mất giá của đồng CNY là sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ. Trong khi PBOC áp dụng lập trường mang tính kích thích kinh tế hơn, cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong nước, thì Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để chống lạm phát. Sự chênh lệch lãi suất này khiến tài sản của Trung Quốc kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, dẫn đến việc tháo chạy vốn hơn nữa và làm đồng CNY suy yếu so với đồng USD. Trụ sở chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương Trung Quốc) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli / Bloomberg qua Getty Images)

Dữ liệu kinh tế tiêu cực

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) chỉ ra rằng đầu tư về bất động sản đã giảm 10,1% trong 5 tháng đầu năm 2024 so với năm trước. Ngoài ra, giá nhà mới đã giảm liên tục, đánh dấu giai đoạn giảm giá dài nhất trong gần một thập kỷ.

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống từng rất bùng nổ của Trung Quốc cũng đang cho thấy những dấu hiệu của những thất bại. Theo NBS, 460.000 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống đã đóng cửa trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng khoảng 230% so với cùng kỳ năm ngoái, với 180.000 cửa hàng thực phẩm và đồ uống đóng cửa chỉ riêng trong tháng 3.

Gần đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố dữ liệu về tình hình thu chi tài chính, cho biết từ tháng 1 đến tháng 5, tổng nguồn thu thuế quốc gia giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 8 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,1 nghìn tỷ USD), trong khi nguồn thu phi thuế tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi nguồn thu thuế giảm, nguồn thu phi thuế tăng. Một số trong sự gia tăng đó có thể là do chính quyền địa phương sử dụng các khoản tiền phạt như phạt giới hạn trọng lượng đối với tài xế xe tải hoặc vé phạt giao thông để tăng nguồn thu. Cách làm này đã gia tăng trong vài năm qua khi đại dịch và thị trường bất động sản làm xói mòn nguồn thu của chính quyền.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cũng tiếp tục giảm. Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, từ tháng 1 đến tháng 5, lượng sử dụng thực tế vốn nước ngoài của Trung Quốc là 412,51 tỷ CNY (khoảng 56,7 tỷ USD), giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 12 liên tiếp vào tháng 5.

Biến động của đồng CNY so với đồng RUB

Trong khi đó, đồng CNY đã biến động so với đồng RUB (đồng rúp Nga) sau những lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Nga vào ngày 12/6, với những lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các nước giao thương với nền kinh tế Nga. Những lệnh trừng phạt này sẽ nhắm vào các tổ chức tài chính toàn cầu xử lý các giao dịch với Nga, cũng như các khoản đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán của Nga.

Ngân hàng trung ương Nga đã tuyên bố với RBC rằng đồng CNY đã trở thành “đồng tiền chính” trên sàn giao dịch chứng khoán Moscow. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt thứ cấp đã làm dấy lên nỗi lo sợ trước các hạn chế thương mại của phương Tây, khiến đồng CNY giảm hơn 5% so với đồng RUB vào ngày 19/6, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất trong hơn 2 năm và cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, đồng tiền này giảm xuống dưới 11 RUB. Tỷ giá CNY / RUB vẫn tiếp tục biến động.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts