Khi đáp lại sự phê bình của những người chống cộng, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam rằng đảng CSVN đã lộ rỏ bản chất phản động, bán nước hại dân…, đảng CSVN luôn viện dẫn sự thành công của họ trong việc biến Việt Nam từ một nước có thu nhập dưới $200/năm đến trên $2000/năm như hiện nay.
Không thể chối bỏ sự thật rằng từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986 đến nay, bộ mặt của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Nền kinh tế thị trường đã giải phóng sức lao động của người dân, tạo ra nhiều cơ hội làm ăn, buôn bán. Đi đôi với việc này, nguồn đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam đã cải thiện được đáng kể đời sống vật chất của người dân.
Trên bình diện thế giới Việt Nam không còn là một nước nghèo. Tuy nhiên đàng sau việc thoát nghèo đó, và bộ mặt của vài thành phố tại Việt Nam trở nên sáng láng hơn, là sự đánh đổi không tương xứng với nguồn tài nguyên quốc gia bị khai thác vô tổ chức đến cạn kiệt, môi trường sống bị hũy hoại nghiêm trọng, xã hội phát sinh nhiều vấn nạn trầm kha không có hướng giải quyết.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCH đã khiến cho các công ty quốc doanh của nhà nước được hưỡng như sự ưu đãi to lớn, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, và tạo điều kiện cho các công ty quốc doanh ăn gian làm dối, bòn rút tài sản quốc gia để làm giàu cho những đảng viên cao cấp, các phe nhóm lợi ích, gây thất thoát đến mức độ kinh khủng tiền bạc và tài nguyên của quốc gia. Mức nợ công của Việt Nam đã gia tăng đến mức độ kinh hoàng và gây ra sự bất an lớn trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Trong khi người ta vẫn đang còn nghi ngờ tính chính xác của chỉ số GDP 6% của Việt Nam thì khắp mọi nơi các công trình dự án hàng chục ngàn tỉ bị bỏ hoang phế, hay làm ăn thua lỗ, và niềm tin của giới doanh nghiêp trong nước và giới đầu tư nước ngoài suy giảm. Ví dụ dự án hai tuyến metro ở Tp Hồ Chí Minh do Nhật Bản đầu tư bị đe dọa chấm dứt vì Việt Nam đã không trả được những khoản nợ đáo hạn cho phía Nhật. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản ngày càng tăng. Nợ công cao ngất dự báo những cơn khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đang trên đà phát sinh.
Trong khi đó nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bị Châu Âu áp thuế phạt. Việc này cũng có thể xảy ra với Hoa Kỳ, khi mà Hoa Kỳ bắn đi những tín hiệu về mức xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đến nỗi Nguyễn Xuân Phúc đã phải hứa hẹn là sẽ mua thêm từ thị trường của Hoa Kỳ.
Nhưng cùng lúc, có đầy đủ những dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và khi Trung Quốc bị ảnh hưởng trầm trọng trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ thì kinh tế Việt Nam cũng lao đao. Điển hình là dự luật đặc khu không thể ban hành, vì có khả năng các đặc khu này không thể hình thành trong thực tế, do Trung Quốc đã bị chận đường xuất hàng sang Việt Nam rồi đóng nhãn Made in Vietnam để xuất ra thế giới. Ngược lại chính quyền Việt Nam cũng hoang mang vì hàng hóa làm tại các đặc khu này sẽ bị áp thuế phạt nặng vì đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Khó khăn do nợ nần quá cao, năng suất lao động thấp, tài nguyên cạn kiệt, đầu tư nước ngoài giảm, cộng thêm tình trạng tham ô thoái hóa lan tràn trong hệ thống công quyền từ trên xuống dưới đang làm cho giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thực sự lo ngại. Nhiều người trong nội bộ đảng cộng sản kêu gọi thay đổi thế chế để phát triển hay là chết. Tuy nhiên việc cải cách thế chế để có một nền kinh tế thị trường thật sự và năng động, sẽ đe dọa quyền năng và sự tồn tại của chế độ cộng sản.
Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng mở chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, nhiều quan chức cao cấp của đảng và chính phủ đã bị sa thãi, bị tù tội. Tuy nhiên cũng đã có những dấu hiệu bất đồng, tranh giành quyền lực, và tranh giành lợi ích trong nội bộ đảng CSVN. Tình trạng tham ô hối lộ từ Bộ Chính Trị xuống đến các cán bộ làng xã, với quy mô tham ô hối lộ càng lúc càng khủng khiếp, chứng tỏ sự thoái hóa niềm tin của cán bộ đảng viên vào đảng, và chỉ sử dụng đảng và chế độ như một bình phong để tiếp tục bòn rút vơ vét và khi hết thời thì tìm cách chạy sang sống tại các nước tư bản. Lòng tin của cán bộ đảng viên giảm sút kéo theo lòng tin của nhân dân cũng sụp đổ theo. Dân tình ta thán, chửi bới, lên án cán bộ đảng viên hầu như có thể nghe thấy khắp nơi từ lề đường cho đến trên mạng internet.
Sự thoái hóa hủ bại của đám quan chức cao cấp trong đảng và chính phủ đang làm cho uy tín của đảng CSVN càng lúc càng thấp. Thành phần tham ô hủ hóa này chính là thành phần hạt giống đỏ, con cái của các lãnh đạo trước đây của đảng cộng sản, nay nối bước cha, chú ra làm lãnh đạo. Thành phần này không có bất cứ một nhân vật nào tỏ ra có tài, có đức hay có tâm. Sự ngu dốt và tham lam vô tận về vật chất cũng như quyền lực đã khiến cho thành phần này đại diện cho một thế lực đen tối chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam.
Việt Nam ngày nay đã trở thành một xã hội mà phần lớn con người coi tiền bạc là tối thượng, mọi người đều chạy theo lợi, chỉ vì tiền mà bất chấp cả nhân cách và nhân tính: bất chân, bất tín, bất thiện, vô đức, vô mỹ, vô lại. Người dân Việt Nam nay không biết gì về lịch sử, về văn hóa của dân tộc. Tất cả chỉ chạy theo đồng tiền, đạp lên nhau mà sống theo kiểu sống chết mặc bay. Sự hủ hóa, vô đạo đức có thể thấy từ trong nhà ra ngoài đường, ngay cả trong trường học. Người Việt Nam sau bao nhiêu năm sống với cộng sản, mặc nhiên cho rằng sống dối trá là cách sống khôn ngoan nhất để bảo vệ chính mình và gia đình của mình, bất chấp luân thường đạo lý, thậm chí cũng còn bao nhiêu người Việt Nam có tâm với đất nước và biết rằng đất nước có thể rơi vào vòng Bắc thuộc thêm một lần nữa và lần này thì không biết bao giờ mới thoát ra.
Chính sách đất đai của đảng CSVN đang tạo ra sự bất công lớn trong xã hội, tạo ra một thành phần dân oan không nhà không cửa không nơi nương tựa càng lúc càng đông. Từ vụ Đoàn Văn Vươn, đến Đồng Tâm, Thủ Thiêm và nay là Vườn Rau Lộc Hưng, chế độ công sản tại Việt Nam đang phải đối phó với một làn sóng căm phẫn của toàn dân. Càng lúc người dân Việt Nam càng nhìn thấy rõ dã tâm của đảng cộng sản, càng thấy đảng chỉ là một tổ chức tội phạm đang vinh thân phì gia trên xương máu của những người dân đen.
Nghiêm trọng nhất là thái độ ương hèn, bạc nhược, thờ Tàu của đảng CSVN, nhiều vùng lãnh thổ trên đất liền, trên biển đã bị Trung Quốc cướp đoạt trong khi đảng CSVN không hề lên tiếng phản đối. Ngược lại chế độ cộng sản còn quay ra đàn áp những người Việt Nam dám phê phán Trung Quốc, dám tổ chức xuống đường biểu tình lên án Trung Quốc hay lên án thái độ thờ Tàu của đảng CSVN.
Để đối phó lại với tình trạng người dân lên tiếng tố cáo, phê bình đảng và chế độ, đảng CSVN còn ban hành Luật An Ninh Mạng nhằm bịt miệng người dân. Giới trí thức trong nước đã có những phản ứng thích hợp và tình trạng thoái đảng, nhạt đoàn đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng, thách thức nghiêm trọng vị thế độc quyền cai trị của đảng cộng sản. Nhiều trí thức Việt Nam đã làm đơn xin ra khỏi đảng. Ngay trong thành phần có chức có quyền họ cũng không ngại ngùng bày tỏ ý nguyện ra đi định cư tại các nước khác để khỏi bị sống mãi dưới chế độ cộng sản.
Gần đây do nhận thấy Trung Quốc tỏ ra thua thiệt trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, đảng CSVN đã có một số lời tuyên bố tương đối mạnh bạo về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên sự thật Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ như từ trước đến nay, nhằm tranh thủ tất cả những gì họ có thể có được từ Hoa Kỳ.
Việc này cho thấy sự đểu cáng của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của họ. Chưa nói đến việc Việt Nam đã tự bôi nhọ mình trên trường quốc tế khi để cho Bộ công an tổ chức vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Liên Bang Đức. Việc này cùng với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước đã khiến Nghị viện Châu Âu tạm hoãn thông qua hiệp định CPTPP cho Việt Nam.
Có thể nói hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với một số vấn đề như nợ công quá cao, đầu tư nước ngoài giảm, kinh tế tài chính có khả năng xảy ra khủng hoảng, nội bộ đấu đá, quan chức hủ bại, lòng dân bất an.
Nếu không có những cải cách, thay đổi nghiêm túc, Việt Nam có thể đối diện với một tương lai khủng hoảng nghiêm trọng về cả kinh tế, chính trị và xã hội.
Nếu không có những cải cách, thay đổi nghiêm túc, Việt Nam có thể đối diện với một tương lai khủng hoảng nghiêm trọng về cả kinh tế, chính trị và xã hội.
Ls Lê Đức Minh