Ấn Độ: Phụ nữ Vùng lên!

Ấn Độ: Phụ nữ Vùng lên!

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng Giêng vừa qua, bà Bindu Ammini, một giáo sư luật 40 tuổi và bà Kanakadurga Koylandi, một nhân viên chính phủ 39 tuổi, đã bước chân vào bên trong đền thờ Ấn giáo thờ thần Ayyappa tại Sabarimala, Tiểu bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Hai người đàn bà này đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên chính thức bước chân vào một đền thờ Ấn Giáo sau khi Tối cao Pháp viện đã đảo ngược luật cấm đàn bà trong tuổi kinh nguyệt, nghĩa là từ 10 đến 50 tuổi, vào trong đền thờ.

Được xây cất vào Thế kỷ 12, với mỗi năm có trên 5 triệu người kính viếng, đền thờ Ayyappa là một trong những trung tâm hành hương lớn nhất thế giới. Trước khi đi chân không vào trong đền thờ, khách hành hương bị buộc phải kiêng cữ việc giao hợp, tránh ăn thịt và da để tôn kính vị thần độc thân Ayyappa.

Kể từ khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết, chính quyền của Tiểu bang Kerala cho biết đã có khoảng 4.200 phụ nữ ghi danh đến kính viếng đền thờ Ayyappa. Theo tin chưa được kiểm chứng, kể từ ngày đầu năm đến nay, đã có tất cả 8 người phụ nữ đã đặt chân vào trong đền thờ.

Dĩ nhiên, nhiều nam tín đồ Ấn Giáo đã phẫn nộ. Họ xem cử chỉ của các phụ nữ trên đây như một hành động thách thức. Họ đe dọa sẽ đánh đập các phụ nữ và đuổi họ ra khỏi đền thờ. Sau khi hai bà Bindu và Kanakadurga vào đền thờ, vị giáo sĩ trưởng đã cho đóng lại các cánh cửa của đền thờ như một nghi thức thanh tẩy.

Trên khắp Tiểu bang Kerala, các tín đồ tự cho là bị xúc phạm bởi hành động của các phụ nữ đã xuống đường, đập phá các chiếc xe buýt, đốt các tượng ảnh, ném đá và ngay cả đánh bom vào các ngã đường. Các cuộc bạo động đã làm cho một người chết và hàng trăm người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ gần 6000 người.

Nhiều người Ấn Giáo xem phụ nữ đang có kinh nguyệt như những người dơ bẩn. Tuy nhiên hầu hết mọi đền thờ Ấn Giáo đều cho phép họ vào trong đền thờ với điều kiện họ không ở trong thời kỳ kinh nguyệt. Đền thờ Ayyappa tại Sabarimala là một trong số ít đền thờ tuyệt đối không cho phép phụ nữ còn trong tuổi kinh nguyệt được vào bên trong.

Năm 2006, đáp lại thỉnh nguyện thư của các nữ luật sư, Tối cao Pháp viện Ấn Độ đã tuyên bố rằng đền thời Ayyappa tại Sabarimala đã vi phạm quyền bình đẳng như đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng nhiều nam tín đồ cho rằng 2 bà Bindu và Kanakadurga đã làm hoen ố đền thờ. Trong khi đó chính quyền Tiểu bang Kerala, vốn đang được Đảng Cộng Sản lãnh đạo, thì lại xem 2 bà như những anh hùng.

Tại Ấn Độ, cuộc chiến cho quyền bình đẳng của người phụ nữ diễn ra trên nhiều mặt trận. Năm 2012, sau khi một nữ sinh viên y khoa bị hãm hiếp và tàn sát một cách dã man tại Thủ đô Delhi, rất nhiều người đã tham gia một cuộc biểu tình để yêu cầu chính phủ bảo vệ an toàn cho phụ nữ cũng như ban hành những luật khắt khe hơn về tội hãm hiếp. Năm ngoái, phong trào #MeToo đã lan đến Ấn Độ: các phụ nữ làm việc trong ngành truyền thông, giải trí và học đường yêu cầu chính phủ phải bảo đảm an toàn cho phụ nữ tại nơi làm việc. Nhận ra tầm quan trọng của vấn đề, Thủ tướng Ấn, ông Narendra Modi đã tung ra các chương trình quảng cáo để cam kết nâng cao giáo dục cho phụ nữ và đẩy mạnh việc chăm sóc y tế cho phụ nữ có kinh nguyệt. Tuy nhiên, sau khi một nữ tu tại Kerala lên tiếng tố cáo hành động hãm hiếp của một linh mục công giáo và nhất là sau những biến cố xảy ra tại đền thờ Ayyappa, những người tranh đấu cho quyền của người phụ nữ hiện đang lâm vào trận chiến diễn ra trên một trong những mặt trận cam go nhất là tôn giáo.

Tổng tuyển cử tại Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng Tư và tháng Năm tới đây. Đảng đang cầm quyền hiện nay là Đảng Quốc gia Ấn Giáo Bharatiya Janata gọi tắt là BJP. Trong lịch sử, Đảng này ít có ảnh hưởng tại Tiểu bang Kerala, vốn được xem là một trong những vùng có dân số biết đọc biết viết cao nhất Ấn Độ. Tại tiểu bang này từ lâu nay ba tôn giáo lớn là Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo đều “đề huề” với nhau. Nhưng cho rằng việc các phụ nữ đi vào đền thờ Ayyappa là một hành động vi phạm truyền thống Ấn Giáo, những người ủng hộ Đảng BJP đã tìm cách chính trị hóa biến cố này và tìm cách gây ảnh hưởng trong tiểu bang.

Tình hình tại Tiểu bang Kerala có thể sẽ căng thẳng trong những ngày sắp tới. Đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền tại tiểu bang. Thống đốc tiểu bang, ông Pinarayi cam kết sẽ triệt để thi hành phán quyết của Tối cao Pháp viện và ra lệnh cho cảnh sát phải bảo vệ các nữ tín đồ đến kính viếng đền thờ Ayyappa. Các đảng liên minh với chính quyền cộng sản, vốn đã từng bị tố cáo là pháo đài của nam tín đồ Ấn Giáo, nay cũng ra mặt ủng hộ phong trào tranh đấu cho quyền của phụ nữ. Ngày mùng Một tháng Giêng vừa qua, chính quyền cộng sản và các đảng trong liên hiệp đã tổ chức một cuộc biểu tình rộng lớn quy tụ khoảng 5 triệu phụ nữ để làm thành một “bức tường phụ nữ”. Đoàn người biểu tình cũng dự trù sẽ tổ chức 2 ngày để khẳng định rằng kinh nguyệt không phải là một điều “dơ bẩn mà là trong sạch”.

Bị cuốn xoáy vào cơn lốc chính trị trong Tiểu bang Kerala, 2 người phụ nữ đã bước chân vào đền thờ Ayyappa bị buộc phải đi lẩn tránh. Sau hai ngày chạy trốn, bà Bindu mới dám gọi điện thoại về thăm chồng và con gái. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time, chồng bà Bindu nói rằng ông rất hãnh diện về vợ mình. Ông nói rằng vợ ông và bà Kanakadurga đã mở đường cho nhiều người phụ nữ khác để họ bày tỏ niềm tin của mình. Tuy nhiên, về phần mình, bà Kanakadurga lại không được gia đình ủng hộ. Họ đã không nói chuyện với bà kể từ ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua khi bà toan bước chân vào đền thờ. Một cảnh sát viên có phận sự canh gác nhà của bà Kanakadurga cho biết gia đình của bà đã nhận được nhiều lời đe dọa giết chết. Họ đã phải đến trú ẩn tại nhà của một người thân. Nhưng cũng như bà Bindu, người nữ viên chức chính phủ này không hề hối hận vì hành động của mình.

Những người chống lại việc người phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ cũng tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh. Sandeep Wachaspati, người điều hành các phương tiện truyền thông của Đảng BJP tại Tiểu bang Kerala, cho rằng phong trào đòi cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ muốn đạp đổ đền thờ và những giá trị của Ấn Giáo mà đền thờ là một biểu tượng.

Dĩ nhiên, không chỉ có những người theo Đảng BJP mới chống lại việc cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ. Nhiều phụ nữ tại Tiểu bang Kerala cũng muốn giữ nguyên trạng, nghĩa là tuân thủ luật cũ trước khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết phủ quyết luật này. Chẳng hạn như tổ chức phụ nữ có tên là “Sẵn sàng Chờ đợi (Ready to Wait). Nhóm phụ nữ này chủ trương chờ đợi cho lúc hết thời kỳ kinh nguyệt để được đặt chân vào đền thờ. Họ nói rằng các tòa án không nên can thiệp vào các vấn đề tôn giáo, bởi vì theo họ, “không được đặt chân vào đền thờ chẳng tạo ra bất cứ thiệt hại nào cho thân xác, tinh thần hay ngay cả những mục đích thiêng liêng của người phụ nữ”. Bên cạnh “Sẵn sàng Chờ đợi”, còn có nhiều nhóm phụ nữ khác có chủ trương chống lại việc cho phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt được vào đền thờ. Một nhóm có tên là “Vì Dharma” đã gởi thỉnh nguyện thư lên Tối cao Pháp viện đề yêu cầu duyệt xét lại phán quyết.

Cuộc tranh luận về việc nên hay không nên cho phụ nữ trong tuổi kinh nguyệt được vào đền thờ không chỉ diễn ra trên truyền hình và Quốc hội mà còn trên các phương tiện di chuyển công cộng cũng như trong phòng khách của các gia đình trong Tiểu bang Kerala. Nhiều người phụ nữ không ngừng lập lại rằng rồi đây hình phạt mà bà Kanakadurga phải gánh chịu là bị chồng bỏ. Nhiều người đã chất vấn bà Bindu và Kanakadurga tại sao họ đã liều mạng sống vì quyền của người phụ nữ và tại sao 2 bà đã không dám ngang nhiên sánh bước cùng với các tín đồ khác và nhất là những người chống đối mình để đi vào đền thờ.

Cũng không thiếu người cho rằng 2 người phụ nữ này là công cụ của chính quyền cộng sản trong Tiểu bang Kerala. Người ta đặt vấn đề về động lực hành động của họ. Người ta nghi ngờ về tình trạng sức khỏe tinh thần của họ.

Thật ra, tranh đấu cho người phụ nữ đang trong tuổi kinh nguyệt được quyền đi vào đền thờ không chỉ là đòi sự bình đẳng trong vấn đề tôn giáo. Cuộc tranh đấu chỉ là một trong những khía cạnh của một phong trào rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy sự cải tổ xã hội tại Ấn Độ. Trước kia người ta thấy có phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng của những người thuộc giai cấp cùng đinh Dalit. Trong những năm gần đây, người ta bắt đầu đòi hỏi quyền bình đẳng cho người phụ nữ nói chung. Việc tranh đấu cho người phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc đi vào đền thờ tại tại Sabarimala không chỉ mới diễn ra vào đầu năm nay. Năm 2016, tức cách đây 3 năm, đáp trả thỉnh nguyện thư của một nhà tranh đấu cho nữ quyền, Tòa án Tối cao tại Bombay đã chấm dứt một lệnh cấm đã có từ 400 năm qua để cho phép phụ nữ được đi vào đền thờ Shani Shingnapur. Cũng trong năm đó, sau khi các nhà tranh đấu và phụ nữ Hồi Giáo mở một chiến dịch toàn quốc lấy tên là “Quyền Được Cầu Nguyện”, tòa án đã chấm dứt một lệnh cấm đã có từ lâu để cho phép phụ nữ được vào cung thánh của đền thờ Haji Ali Dargah tại thành phố Mumbai. Trên khắp Ấn Độ, phụ nữ đang đẩy lùi các biên giới xuyên qua các phong trào xã hội và nhất là các cuộc tranh đấu về mặt pháp lý.

Hai bà Bindu và Kanakadurga đã đi lẩn tránh vì hành động tiên phong của họ trong việc đòi hỏi bình đẳng trong việc thực hành đạo. Họ không mong gì hơn là được về nhà, trở lại làm việc và chờ đợi nhiều phụ nữ khác cũng sẽ đi theo bước chân của họ. Bà Kanakadurga nói: “Trong một quốc gia dân chủ như Ấn Độ, ý tưởng cho rằng đàn ông và đàn bà không bình đẳng, cho dù chỉ trong một thời gian nào đó, ở những nơi nào đó hay trong tình huống nào đó, là một điều rất nguy hiểm. Các con trai của tôi – tất cả mọi con cái của chúng ta – đang theo dõi sự việc. Tôi cần phải được về nhà. Chúng cần được lắng nghe câu chuyện của tôi”

Đoàn Thi

(theo:Rohini Mohan, Sacred Mission, tạp chí Time, January 21,2019)

Related posts