Tác giả: David Brown
Song Phan dịch
15-7-2024
Tóm tắt: Đây là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Có nhiều lý do chính đáng vì sao Campuchia nên từ bỏ kế hoạch xây dựng một con kênh nối thủ đô Phnom Penh với Kampot, một thành phố ven biển cách đó 180 km về phía đông nam. Không có lý do nào dường như có thể làm thay đổi ý kiến của Hun Sen, thủ tướng Campuchia trong 38 năm, hay của con trai ông Hun Manet, được đưa lên làm thủ tướng hồi tháng 8 năm ngoái, hoặc phần còn lại của giới cầm quyền ở Campuchia nếu không có tín hiệu từ lãnh đạo chóp bu.
Từ mùa xuân năm 2023, các câu chuyện trên các phương tiện truyền thông Khmer đã ca ngợi dự án kênh đào ‘Phù Nam Techo’. Việc đề cập đến sự tham gia của BRI, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đã mang lại cho dự án kênh đào sự tin cậy không thể bác bỏ vì BRI đã quản lý hiệu quả việc phát triển Cảng Sihanoukville và xây dựng đường cao tốc bốn làn xe cho mọi điều kiện thời tiết từ Phnom Penh đến cảng này.
Cuối năm 2023, truyền thông Khmer thường xuyên nhắc đến một thỏa thuận trên nguyên tắc đạt được giữa các nhà lãnh đạo Campuchia và các nhà điều hành cấp cao của BRI. Công chúng được cho biết rằng, BRI sẽ sắp xếp các công ty Trung Quốc đào kênh như một dự án BOT (xây dựng/ vận hành/ chuyển giao). Các tường thuật về cuộc họp cấp cao tại văn phòng Hội đồng Phát triển Campuchia hồi tháng 10 [năm 2023] đã gợi ra sự tin tưởng rằng Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) sẽ ứng trước số tiền 1,7 tỷ USD được nói là cần tới.
Nhưng trên thực tế, vào khoảng đầu năm nay, các quan chức BRI đã thông báo cho các nhà quy hoạch Khmer về quyết định không tài trợ cho kênh đào này. Sau một thời gian lúng túng, im lặng của truyền thông, Thủ tướng Hun Manet đã nói với người dân Campuchia vào ngày 16 tháng 5 rằng, công việc xây dựng sẽ bắt đầu vào tháng 8, đồng thời nhấn mạnh rằng “cần có một tuyến đường thủy tự quản để duy trì sự độc lập về kinh tế và chính trị của Campuchia”. Thời báo Khmer đưa tin, các thực thể Campuchia sẽ là cổ đông chiếm đa số của dự án và nhắc nhở những ai còn ngờ vực rằng đã có hơn 40 chuyên gia đã nghiên cứu dự án trong 26 tháng. Và Hun Sen, vẫn nắm giữ quyền lực với tư cách là chủ tịch Thượng viện Campuchia, nhắc nhở người dân rằng, ông “chưa từng đưa ra quyết định sai lầm bao giờ”.
Hãy nghĩ về điều đó…
Dự án kênh đào này được quảng bá là giải phóng 1/3 hoạt động ngoại thương của Campuchia khỏi phải vận chuyển qua vùng nước của Việt Nam. Hàng hóa được vận chuyển đến và đi từ bờ biển bằng tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và được chuyển đi hoặc đến từ container lớn hoặc tàu chở hàng chạy đều đặn qua các vùng biển đến Đông Á hoặc Bắc Mỹ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Campuchia cũng muốn xây dựng năng lực xử lý hàng hóa và vận chuyển hàng hóa đi tại một trong các cảng của mình trên vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, Campuchia không cần kênh chở hàng thừa thải và có nguy cơ về môi trường.
Trong một phân tích vừa được Mongabay công bố, kỹ sư môi trường Phạm Phan Long kết luận rằng, ước tính chi phí 1,7 tỷ USD cho kênh đào được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê duyệt vào giữa tháng 5 là thấp, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 chi phí cần thiết.
Không có luận chứng kinh tế hợp lý nào cho việc đào kênh. Đã có đường cao tốc bốn làn từ Phnom Penh đến Cảng Sihanoukville do BRI xây dựng và quản lý, và nếu điều đó vẫn chưa đủ thì còn có một tuyến đường sắt cũ có thể nâng cấp được. Ngoài ra, các bến vận chuyển container hiệu quả đã có tại Cái Mép và Cát Lái, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km về phía Đông Nam và có thể dễ dàng từ Phnom Penh vươn tới qua hai nhánh chính của sông Mê Kông. Đối với hàng hóa hướng đến Đông Á hoặc Bắc Mỹ, cả hai tuyến sông Mê Kông đều ngắn hơn 50% tuyến đi qua kênh đào mà Thủ tướng Hun Manet và cha ông nghĩ tới và cả hai tuyến đều có thể tiếp nhận tàu 7.000 tấn – gấp đôi trọng tải các sà lan có động cơ lớn nhất dự kiến đi qua kênh đào.
Việt Nam cũng có thể làm tốt hơn
Việt Nam có thể và phải cải thiện hành động của mình. Đặc biệt, họ cần giúp thiết lập một hệ thống vận chuyển hàng hóa ngoại quan thay vì kiểm tra gần như từng mặt hàng đi đến Phnom Penh. Hơn nữa, các tàu chở hàng chạy trên sông Mê Kông thường phải chờ đợi nhiều giờ để cơ quan hải quan Việt Nam đến trạm biên giới và chấp nhận cho đi qua theo điều mà một nhà phân tích có uy tín của Campuchia mô tả là “thủ tục, giấy tờ qua biên giới phức tạp, tốn thời gian và đắt đỏ”.
Và, mặc dù giữa Phnom Penh và Hà Nội có lịch sử nhiều lúc không thân thiện, việc quá cảnh hàng hóa xuyên biên giới hiệu quả, quả thật có thể thực hiện được. Những nhà thương thuyết Khmer và Việt Nam nên nghiên cứu dự án cảng và đường sắt kết nối Vũng Áng trị giá 5 tỷ USD để làm gợi ý. Dự án đó sẽ kết nối qua đường sắt một trung tâm ở miền nam Lào với các bến bãi container do Lào sở hữu và quản lý trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Nó đã được bàn thảo trong một thập niên. Bây giờ nó đang tiến hành một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, thay vì lôi kéo các đối tác Việt Nam vào việc thảo luận nâng cấp tuyến vận tải biển Cái Mép đến Phnom Penh hiện có và tìm hiểu cách quản lý chung, báo cáo của Campuchia về dự án Kênh đào Phù Nam Techo lặp đi lặp lại một cách đáng buồn. Không ai đặt câu hỏi về các tuyên bố chính thức. Họ ca ngợi những lợi ích được cho là có được của kênh đào, nhấn mạnh một cách thiếu trung thực rằng Phnom Penh đã đáp ứng các nghĩa vụ thông báo trong Hiệp ước Mê Kông và chế nhạo các báo cáo rằng Việt Nam coi kênh đào này là một vấn đề an ninh tiềm tàng.
Đối với vùng đất bị ngập lụt, tính không khả thi là tin vui
Chính chi phí xây dựng thực sự của dự án kênh đào và nếu được xây dựng, khả năng hoàn vốn không chắc chắn và phí sử dụng cao chắc chắn là những lý do giải thích thuyết phục nhất cho việc các nhà đầu tư Trung Quốc không còn quan tâm. Tại thời điểm này, kênh đào Phù Nam Techo dường như khó có thể tiến xa hơn giai đoạn động thổ. Đối với các nhà thủy văn và chuyên gia nông nghiệp, những người đã cảnh báo về những tác động bất lợi vốn có trong kế hoạch kênh đào của Campuchia, cho đến nay vẫn chưa có nhiều tác động, việc dự án không khả thi là một tin tốt. Nó cũng có thể làm nhẹ bớt những lo lắng của các nhân viên Ủy ban sông Mê Kông, những người từ năm 1995 đã cố gắng để thuyết phục các bên ký kết giữ đúng cam kết hợp tác trong việc duy trì dòng chảy tự nhiên của dòng chính sông Mê Kông.
Có hai mối lo ngại lớn về môi trường. Ngoài Campuchia ra, các chuyên gia dường như nhất trí rằng, việc chuyển nước đến kênh vào mùa khô sẽ khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào các nhánh sông ở đồng bằng sông Mê Kông. Ngoài ra, ông Lê Anh Tuấn của trường Đại học Cần Thơ và Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, DC, đã cảnh báo rằng, nếu không có những điều chỉnh lớn trong thiết kế của kênh, nó sẽ tác động như một con đê khổng lồ, chia đôi đồng bằng bị ngập lụt xuyên biên giới rộng hàng triệu hecta trải dài về phía Nam và phía đông từ Campuchia tiến sâu vào châu thổ sông Cửu Long của Việt Nam. Ông Eyler giải thích, trong tình trạng hiện tại, vùng đất bị ngập lụt là vùng có năng suất cao cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nhưng theo hoạch định, “con kênh sẽ làm vùng đất bị ngập lụt tách rời, tạo nên một vùng khô ở phía nam và một vùng đất ẩm ướt ở phía bắc”.
Cho đến nay, chính quyền Phnom Penh đã né tránh nghĩa vụ của Campuchia trong việc thảo luận về những tác động có thể xảy ra của dự án kênh đào đối với sông Mê Kông với các thành viên của Ủy ban sông Mê Kông, nhấn mạnh một cách thiếu trung thực rằng, dự án chỉ ảnh hưởng đến một ‘phụ lưu’ của sông Mê Kông, và rằng trong thông báo tháng 8 năm 2023, Campuchia đã cung cấp cho nhân viên Ủy ban sông Mê Kông tất cả thông tin mà các bên ký kết Hiệp định sông Mê Kông đòi hỏi.
Ghi chú: Khi nghiên cứu cho bài viết này, tác giả đã hợp tác chặt chẽ với ông Phạm Phan Long, kỹ sư môi trường Mỹ.
Nguồn: Tiếng Dân