Nguồn: Edward Luce, “Joe Biden’s historic decision puts Kamala Harris in uncharted territory,” Financial Times, 22/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Đảng Dân chủ giờ đây phải quyết định giữa việc đề cử bà Kamala Harris làm ứng viên tranh cử tổng thống hay một đại hội gây chia rẽ.
Joe Biden đã làm nên lịch sử. Tổng thống lớn tuổi nhất nước Mỹ đã trở thành người đầu tiên tự nguyện từ bỏ quyền lực kể từ Lyndon Johnson năm 1968 và trước đó là George Washington năm 1796. Quyết định rút khỏi cuộc tranh cử của ông – được đưa ra sau nhiều tuần tranh luận căng thẳng giữa các đảng viên Dân chủ về khả năng nhận thức suy yếu của Tổng thống – nhiều khả năng sẽ còn dẫn đến những điều “đầu tiên” khác, mang tính lịch sử hơn. Việc Biden ủng hộ phó tổng thống của mình, Kamala Harris, sẽ mở đường để một phụ nữ không phải người da trắng lần đầu tiên được đề cử cho ghế tổng thống. Nếu bà giành chiến thắng trong đại hội đảng vào tháng tới, Harris sẽ bắt đầu cuộc tổng tuyển cử chính thức với một cơ hội tương đối để đánh bại Donald Trump.
Trước khi đi đến quyết định này, Biden đã chần chừ bất chấp lời kêu gọi ngày càng lớn của các đảng viên cấp cao trong Đảng Dân chủ, các nhà tài trợ lớn, và cả giới truyền thông, nhưng ông vẫn để lại đủ thời gian để các đảng viên Đảng Dân chủ có thể đoàn kết ủng hộ Harris, hoặc một ứng viên khác, trước đại hội đảng ở Chicago vào tháng tới. Liệu đại hội lịch sử đó có trở thành lễ đăng quang của Harris, như Biden hiện cam kết nỗ lực hướng tới, hay nó sẽ biến thành một cuộc chiến gây chia rẽ giữa nhiều đối thủ? Câu trả lời sẽ xuất hiện trong những ngày tới. Những nhân vật có tham vọng tiềm năng như Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, và Bộ trưởng Giao thông của Biden, Pete Buttigieg, sẽ phải suy nghĩ rất lâu và rất kỹ về việc liệu họ có muốn biến con đường dẫn đến đề cử tổng thống của Harris thành một cuộc chiến thực sự hay không.
Rủi ro bị xem là kẻ ngáng đường một người phụ nữ da màu là rất cao. Nếu họ gây tổn hại đến Harris, nhưng không thành công trong việc ngăn bà giành được đề cử của đảng, thì họ sẽ đứng trước nguy cơ bị đổ lỗi nếu bà thất bại vào tháng 11. Mặt khác, Harris không được nhiều người xem là ứng viên nặng ký. Thành tích của bà trong vòng bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Dân chủ hồi năm 2020 kém đến mức bà đã bỏ cuộc trước khi cuộc họp kín đầu tiên được tổ chức. 18 tháng đầu tiên của bà trên cương vị phó tổng thống cũng chứng kiến một loạt thảm họa quan hệ công chúng, trong đó bà nhiều lần lỡ miệng và gặp khó khăn trong việc thuyết phục mọi người rằng bà đang nỗ lực khắc phục khủng hoảng biên giới Mỹ-Mexico. Thậm chí đội ngũ của Biden cũng không hề giấu diếm việc họ đánh giá thấp khả năng của bà.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa đội ngũ của Harris và của Biden đã được cải thiện. Bà trở thành người phát ngôn nặng ký nhất của nước Mỹ về quyền phá thai của phụ nữ sau vụ đảo ngược phán quyết Roe vs Wade hai năm trước. Bà cũng tỏ ra tự tin hơn trước công chúng khi dẫn đầu các cuộc tấn công nhắm vào hồ sơ trọng tội của Trump. Trong ba tuần qua, khả năng giải quyết vấn đề của bà, và lòng trung thành công khai với Biden trong lúc ông vật lộn với quyết định của mình, đã giúp bà nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhiều người tin rằng tài năng của bà đã bị giới truyền thông và công chúng Mỹ đánh giá thấp, theo đó khiến bà có tỷ lệ ủng hộ thấp, chỉ tương đương với sếp của mình.
Dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong nền chính trị khó đoán của Mỹ là một việc liều lĩnh. Chưa có tiền lệ nào về việc một tổng thống từ chức muộn như vậy trong năm bầu cử, và cũng không có ví dụ nào trong những năm gần đây về việc một đảng giành được Nhà Trắng sau một đại hội đầy tranh cãi. Những đối thủ thách thức tiềm năng của Harris sẽ phải cân nhắc những sự thật này bên cạnh tham vọng của họ. Tuy nhiên, bản thân Harris cũng phải cân nhắc những mặt trái của việc bị xem là người được hưởng lợi từ một lễ đăng quang phi dân chủ. Không có con đường nào là dễ dàng hoặc có tiền lệ từ trước. Bất kể điều gì xảy ra, nó cũng sẽ làm nên lịch sử.