Hội An
Hôm 31/7, Ủy ban Lựa chọn về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ, đã chuyển tiếp một báo cáo toàn diện về các vụ tấn công người biểu tình của những người ủng hộ ĐCSTQ, trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới San Francisco vào tháng 11 năm ngoái.
Báo cáo chi tiết chỉ ra rằng, những cuộc tấn công và quấy rối bạo lực chống lại những người phản đối ĐCSTQ, là biểu hiện của việc chế độ này xuất khẩu trắng trợn sự đàn áp xuyên quốc gia trên đất Mỹ giữa ban ngày, và ĐCSTQ là mối đe dọa trực tiếp đến tự do trên toàn thế giới.
Đồng thời, báo cáo kêu gọi Hoa Kỳ đặc biệt cấp bách phải thực hiện các biện pháp chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền Trung Quốc.
Báo cáo có tiêu đề “Xuất khẩu đàn áp: Tấn công người biểu tình trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới San Francisco vào tháng 11 năm 2023”.
Được xuất bản chung bởi Ủy ban Dân chủ Hồng Kông và Sinh viên vì Tây Tạng Tự do, báo cáo xem xét chi tiết trong chuyến thăm San Francisco của ông Tập Cận Bình để tham dự “Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương” (APEC), và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 11 năm 2023.
Có 34 trường hợp quấy rối, đe dọa và tấn công do những người ủng hộ ĐCSTQ thực hiện nhằm vào người Trung Quốc, người Hồng Kông, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ phản đối ĐCSTQ và lãnh đạo của chế độ này.
Nguồn của bằng chứng là lời khai của 26 người biểu tình và một phóng viên có mặt vào thời điểm đó, cũng như các video và hình ảnh do người biểu tình cung cấp.
Ngoài ra còn có các báo cáo từ các phương tiện truyền thông và các bài đăng trên các trang mạng xã hội.
Báo cáo cho thấy sự huy động và tham gia của hệ thống “Mặt trận Thống nhất” của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ.
Trong nhiều trường hợp, các nhân vật từ tổ chức này đã có mặt trong các cuộc tấn công, đe dọa, quấy rối, và một số đã tích cực tham gia vào các cuộc tấn công đó, cấu thành nên các cuộc tấn công và đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ.
Báo cáo cũng ghi lại sự phối hợp giữa những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc để chỉ đạo và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công, cũng như hành động của họ nhằm tạo ra một bầu không khí đe dọa lan rộng, không chỉ đe dọa các cuộc biểu tình mà còn cản trở việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của người biểu tình.
Nguồn tin cho hay, những người ủng hộ ĐCSTQ từ nhiều nơi đã được huy động và được chở đến San Francisco để “chào đón” ông Tập.
Sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học ở Vùng Vịnh và các vùng khác được tuyển dụng thông qua Chi hội Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc, tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Lãnh sự quán Trung Quốc.
Báo cáo cho hay, một trong những mục đích của việc chiêu mộ số lượng lớn những người ủng hộ ĐCSTQ là nhằm lấn át đi những người biểu tình.
Vũ khí được sử dụng để chống lại người biểu tình bao gồm cờ và cột cờ, trong đó cờ thường được sử dụng ngăn chặn người khác nhìn thấy người biểu tình, còn cột cờ thường được dùng để đâm và đánh người biểu tình.
Hầu hết các vụ quấy rối, đe dọa và hành hung đều xảy ra tại các địa điểm mà ông Tập có mặt hoặc dự kiến có mặt, đặc biệt là gần Sân bay Quốc tế San Francisco.
Tổ chức Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ huy động mọi người bằng cách cho biết, “mọi chi phí do lãnh sự quán chi trả”.
Có thể thấy từ ảnh chụp màn hình tin nhắn WeChat, Lãnh sự quán Trung Quốc đã huy động nhân sự tới San Francisco và giải thích rằng, “đã bao gồm mọi chi phí” như ăn, ở, đi lại.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, có 16 đến 20 xe buýt đã vận chuyển khoảng 800 người ủng hộ ĐCSTQ từ Nam California đến San Francisco.
Gần một nghìn người ủng hộ Bắc Kinh đã được chuyển đến San Francisco từ New York và các khu vực khác. Báo cáo ước tính có tới 10.000 người ủng hộ ĐCSTQ từ nhiều khu vực khác nhau đã tập trung tại San Francisco.
Dưới đây là một số vụ quấy rối, đe dọa và hành hung:
Vào ngày 16 tháng 11, luật sư Trần Sấm Sang (陳闖創/Chen Chuangchuang), Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc, đã bị xịt hơi cay. Một ngày trước đó, kính của ông đã bị những người thân Bắc Kinh giật ra và giẫm đạp.
Ngày 17 tháng 11, người biểu tình Tây Tạng Chemi Lhamo bị bao vây, quấy rối, đe dọa và đánh đập, điện thoại của cô bị đánh cắp.
Cùng ngày, phóng viên của Đài KTSF Channel 26 có trụ sở tại San Francisco, bị đe dọa và bị đánh cắp điện thoại.
Cũng trong ngày 17, thành viên Đảng Dân chủ Trung Quốc, Trương Khai Vũ Hòa (張開宇和) và người biểu tình Hồng Kông Châu Khải Hồng (Chow Kai-hong) bị tấn công.
Trước đó, ngày 15 tháng 11, các cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình Tây Tạng và Hồng Kông đã xảy ra trên đường đối diện với Khách sạn Hyatt Regency.
Về mối quan hệ giữa người tổ chức, kẻ tấn công và chính quyền Trung Quốc, báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ sử dụng các “nhóm Mặt trận Thống nhất” như Hiệp hội Trung Quốc để thực hiện đàn áp xuyên quốc gia.
Có những mối liên hệ rõ ràng và được ghi chép đầy đủ giữa các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc với các nhóm Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài này.
Trong số những kẻ tấn công có Lý Hoa Hồng (李華紅/Li Huahong), người trước đây đã bị kết tội tấn công các học viên Pháp Luân Công.
Lý là người sáng lập và là giám đốc của “Liên minh giáo phái X- Trung Quốc toàn cầu”, là một chi nhánh hoặc tổ chức trực thuộc Hiệp hội giáo phái X Trung Quốc.
Theo Tổ chức Luật Nhân quyền (Human Rights Law Foundation), “Giám đốc và các chi nhánh của Hiệp hội giáo phái X Trung Quốc đã liên quan đến nhiều vụ bạo lực, đe dọa giết người và hủy hoại tài sản của các học viên Pháp Luân Công”.
Lý Hoa Hồng và các thành viên khác của Hiệp hội này đã bị kết án vào năm 2013 vì hành hung các học viên Pháp Luân Công và những người có liên quan đến Pháp Luân Công ở New York vào năm 2011.
Ngoài việc vạch trần các hành vi, tội ác đàn áp người biểu tình xuyên quốc gia, báo cáo còn đưa ra 18 khuyến nghị với chính phủ Hoa Kỳ, các cơ quan liên bang, tiểu bang, nhằm chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, bảo vệ quyền của người biểu tình và những người bảo vệ nhân quyền, đồng thời buộc thủ phạm đàn áp xuyên quốc gia phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế và thách thức của Hoa Kỳ trong việc chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, ví dụ như không có luật cụ thể nào của Hoa Kỳ hình sự hóa đàn áp xuyên quốc gia.
Báo cáo cho biết rõ ràng rằng, việc chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia, đặc biệt là do ĐCSTQ gây ra, là ưu tiên hàng đầu của chính quyền liên bang, nhưng cho đến nay họ vẫn im lặng trước các hành vi quấy rối, đe dọa và tấn công người biểu tình ở San Francisco trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình năm 2023.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ coi việc chống đàn áp xuyên quốc gia là ưu tiên hàng đầu nhưng nhận thức và sự chuẩn bị của các cơ quan thực thi pháp luật ở San Francisco dường như vẫn chưa đầy đủ.
John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố liên quan đến báo cáo toàn diện và chi tiết này:
“Các cuộc tấn công do ĐCSTQ chỉ đạo nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Hoa Kỳ, và những giá trị mà chúng tôi yêu quý – còn được gọi là cuộc đàn áp xuyên quốc gia – không có chỗ đứng.
Tôi cảm ơn Hội đồng Dân chủ Hồng Kông và Sinh viên vì Tây Tạng Tự do đã báo cáo về những vụ việc kinh hoàng này, đồng thời kêu gọi FBI và Sở Cảnh sát San Francisco buộc những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm.
Quốc hội cũng phải hành động để cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật nhiều công cụ hơn để truy tố những tội ác này.
ĐCSTQ không được phép mang mô hình kiểm soát toàn trị kiểu Orwellian – phá hủy sự thịnh vượng, tự do – của mình sang Hoa Kỳ”.