Nguồn: Phòng Ninh, 房宁:社会结构演变深刻影响美国政治, Aisixiang, 13/07/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Trong xã hội hậu hiện đại, cơ cấu xã hội, các nhóm xã hội và bản sắc chính trị của con người ở các nước phát triển phương Tây đã nảy sinh những biến đổi mang tính lịch sử. Trong đó, lập trường chính trị của cử tri Mỹ đã không còn đơn thuần dựa trên kinh tế, mà đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như sắc tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác… Sắc tộc là yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong số này. Điều này phản ánh tính đa nguyên và phức tạp được cấu thành bởi bản sắc chính trị và các nhóm chính trị trong xã hội hậu hiện đại. Sự thay đổi này đòi hỏi chúng ta phải có hiểu biết sâu sắc hơn về logic nội tại của nền chính trị Mỹ, nhằm đáp ứng những xu thế mới trong bầu cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang diễn ra sôi nổi. Trải qua nhiều năm quan sát và nghiên cứu các cuộc bầu cử ở Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng, nền chính trị trong nước của Mỹ ngày càng thay đổi và khác biệt so với truyền thống. Đằng sau điều này là những biến đổi phức tạp mà Mỹ, với tư cách là một quốc gia tư bản đương đại, đang trải qua ở cấp độ cơ cấu xã hội. Chỉ khi nắm rõ những thay đổi trong cơ cấu xã hội phương Tây đương đại, nắm rõ lập trường chính trị cơ bản của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hiện nay ở Mỹ, chúng ta mới có thể có được hiểu biết sâu sắc hơn về logic nội tại của nền chính trị Mỹ, cũng như hiểu được sự lên bổng xuống trầm và chiến lược công thủ của hai đảng này.
Trước tiên, hãy nhìn vào Đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ Đảng Cộng hòa ở Mỹ được cho là “lớn tuổi, da trắng và nam giới”. Theo quan sát và nghiên cứu của tôi về ba cuộc bầu cử ở Mỹ kể từ năm 2012, những người ủng hộ Đảng Cộng hòa ở nhiều tiểu bang và địa phương ở Mỹ chủ yếu là người Mỹ gốc Âu được gọi là “người da trắng”; người theo đạo Tin lành; công nhân công nghiệp truyền thống được gọi là cử tri “cổ cồn xanh”; cư dân sống ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn; cử tri có trình độ học vấn tương đối thấp (dưới cao đẳng); cử tri nam trung niên lớn tuổi (trên 50 tuổi). Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2016, 56% phiếu bầu cho Trump đến từ những người theo đạo Tin lành, trong khi đó, chỉ có 30% phiếu bầu của Hillary đến từ nhóm này.
Trong cuộc bầu cử năm nay, nếu Trump có thể vượt qua vụ kiện tụng “chi tiền bịt miệng” cùng những khó khăn khác và giành được đề cử của Đảng Cộng hòa để tranh cử Tổng thống Mỹ thì đến tháng 11, ông vẫn sẽ cần giành được số phiếu chủ yếu từ 6 nhóm cử tri nêu trên.
Điều này thực ra không khó hiểu. Quá trình toàn cầu hóa tư bản công nghiệp và tài chính hóa kinh tế trong một thời gian dài đã khiến nước Mỹ ngày càng bị suy giảm sản xuất. Khi các ngành công nghiệp thứ cấp tiếp tục dịch chuyển ra bên ngoài, nước Mỹ ngày càng trở thành một đế chế kim tiền, một đế chế công nghệ sử dụng công nghệ cao và các ngành công nghiệp tài chính để thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ trên khắp thế giới. Các ngành sản xuất và chế biến vốn là trụ cột của Mỹ trong quá khứ đã suy thoái theo dòng lịch sử. Trung tâm công nghiệp sản xuất ban đầu của thế giới là Gold Coast được xây dựng từ Đông sang Tây dọc theo Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ: thành phố thép Cleveland – thành phố ô tô Pittsburgh – trung tâm công nghiệp Chicago. Tuy nhiên, nơi từng là vành đai công nghiệp quan trọng bậc nhất thế giới hiện đã suy tàn đến mức không thể gượng dậy và trở thành “khu vực bầu cử suy thoái” hay “vành đai rỉ sét”. Trong khi đó, cương lĩnh chính trị cơ bản hiện nay của Đảng Cộng hòa là đi ngược lại toàn cầu hóa, cố gắng điều chỉnh chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu nhằm khôi phục ngành sản xuất, công nghiệp và thương mại của Mỹ, vậy nên nhận được sự ủng hộ của nhóm cử tri “nam giới da trắng lớn tuổi” trong nước.
Tiếp tục xem xét Đảng Dân chủ. Xét theo số phiếu mà ba ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ gồm Obama, Hillary Clinton và Biden nhận được trong ba cuộc bầu cử kể từ năm 2012, ta thấy phiếu bầu của Đảng Dân chủ chủ yếu đến từ: cử tri thuộc nhóm sắc tộc thiểu số như người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Latin…; tầng lớp trung lưu thành thị, tức cử tri “cổ cồn trắng”; cử tri có trình độ học vấn tương đối cao (cao đẳng trở lên); cử tri trẻ tuổi; cử tri nữ; cử tri sống ở các khu vực đô thị ở Bờ Đông và Bờ Tây, như New York và Los Angeles. Ví dụ, trong ba cuộc bầu cử năm 2012, 2016 và 2020, có hơn 85% cử tri người Mỹ gốc Phi đã bỏ phiếu cho Obama, Hillary và Biden. Một ví dụ khác, xét về sự khác biệt giới tính trong bầu cử, lấy cuộc tổng tuyển cử năm 2016 làm ví dụ, Hillary nhận được sự ủng hộ của 54% cử tri nữ, trong khi chỉ có 41% cử tri nam ủng hộ bà. Tình hình đối với Trump thì ngược lại, chỉ có 41% cử tri nữ ủng hộ Trump, trong khi đó, con số này ở cử tri nam là 52%.
Vì sao cuộc bầu cử của Mỹ lại trông có vẻ “hỗn loạn” như vậy? Nói cách khác, tại sao cử tri Mỹ không còn sử dụng những “đường đứt gãy” xã hội truyền thống như “tầng lớp” để phân chia lập trường chính trị của nhau và xác định thái độ chính trị của mình? Đó là bởi, sau quá trình phát triển lâu dài của cấu trúc xã hội, thành phần lợi ích của xã hội tư bản hiện đại đã nảy sinh sự phân hóa và sự tổ hợp theo hướng phức tạp hóa và đa nguyên hóa.
Ví dụ, sự hình thành và phát triển sâu rộng của hệ thống an sinh xã hội hiện đại đã dẫn đến sự khác biệt về lợi ích giữa các thế hệ. Tại Mỹ, điều này dẫn đến sự khác biệt trong nhu cầu lợi ích của các nhóm cử tri ở các độ tuổi khác nhau, khiến nhóm trung niên và cao tuổi trở nên “bảo thủ”, trong khi nhóm trẻ tuổi lại trở nên tương đối “cấp tiến”. Một ví dụ khác, toàn cầu hóa đã kéo theo vấn đề nhập cư, điều này có những biểu hiện đặc biệt nổi bật ở Mỹ. Năm nay, tại các khu vực biên giới chẳng hạn như Texas ở miền Nam nước Mỹ, thống đốc bang thuộc Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ các hạn chế nhập cư nghiêm ngặt, và chính phủ liên bang của Đảng Dân chủ vốn ủng hộ việc nới lỏng các hạn chế nhập cư, đã gần như nổ ra xung đột với nhau. Thông qua điều này, không khó lý giải tại sao nếu nhìn vào biểu hiện trong khoảng gần mười năm qua thì Đảng Dân chủ Mỹ đang phát triển thành một “đảng sắc tộc thiểu số” theo một nghĩa nào đó.
Tất nhiên, “đảng sắc tộc thiểu số” chỉ là cách nói hiện hành. Năm 2016, khi chúng tôi đến Mỹ để nghiên cứu, một thị trưởng của bang Nam Carolina đã nói với chúng tôi một cách đầy ý vị sâu xa rằng: Vào kỳ nhập học mùa thu năm 2015, trong số học sinh nhập học lớp 1 ở các trường tiểu học ở Mỹ, lượng học sinh thuộc sắc tộc thiểu số như gốc Phi và gốc Latin đã lần đầu tiên vượt quá lượng học sinh gốc Âu. Điều này chẳng phải có nghĩa rằng đến năm 2028, tức là trong “nhóm cử tri đi bầu cử lần đầu” ở cuộc bầu cử tiếp theo của Mỹ, cử tri người Mỹ gốc Âu sẽ trở thành thiểu số, trong khi cử tri gốc Latin và gốc Phi sẽ trở thành đa số?
Trong thời đại công nghiệp hóa, “đường đứt gãy” cơ bản của xã hội vốn được cho là yếu tố tầng lớp dựa trên nền tảng kinh tế. Tuy nhiên, theo tiến trình ngày càng sâu sắc hơn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự ra đời của xã hội hậu hiện đại, cơ cấu xã hội, các nhóm xã hội và bản sắc chính trị của người dân, trước hết là ở các nước phát triển phương Tây, đã có những thay đổi mang tính lịch sử. Lập trường và thái độ chính trị của các thành viên xã hội đã thể hiện mối tương quan và các yếu tố ảnh hưởng theo hướng đa nguyên hóa. Mối tương quan giữa địa vị kinh tế với lập trường và thái độ chính trị ngày càng phai nhạt, đến mức khó lòng xác định. Hiện tượng này rất nổi bật trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong ba cuộc bầu cử kể từ năm 2012, trong số 5 nhóm thu nhập đại diện cho địa vị kinh tế của các thành viên xã hội, tỷ lệ ủng hộ Đảng Cộng hòa và tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ được phân bổ đồng đều. Nói cách khác, mối tương quan giữa lập trường và thái độ chính trị của cử tri Mỹ với địa vị kinh tế của họ đã giảm sút đáng kể và họ ngày càng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
Thông qua những quan sát kỹ càng và phân tích chuyên sâu về cuộc bầu cử, chúng tôi đã xác định 8 yếu tố có thể quan sát và đo lường được mà có khả năng ảnh hưởng đến lập trường và thái độ chính trị của các nhóm khác nhau trong xã hội Mỹ hiện đại. Theo thứ tự, chúng bao gồm: sắc tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, khu vực, giáo dục và thu nhập. Trong số 8 yếu tố này, sắc tộc là yếu tố có sức nặng nhất. Nói cách khác, trong nước Mỹ hiện nay, ở một mức độ lớn thì “việc có thân thiết hay không phụ thuộc vào màu da”.
Tóm lại, lập trường và bản sắc chính trị mà người Mỹ thể hiện ngày nay là sự kết hợp của cả 8 yếu tố nêu trên. Từ đó, có thể nói rằng, bản sắc chính trị của các thành viên trong xã hội Mỹ hiện đại thuộc vào dạng phức hợp; các nhóm xã hội chủ yếu trong nội bộ nước Mỹ cũng đều là những chủ thể phức hợp được hình thành bởi ảnh hưởng tổng hợp của các yếu tố đa nguyên.
Tác giả là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là giáo sư giảng dạy tại Đại học Tứ Xuyên.