Trong khi tiến trình ly khai ‘Brexit’ hãy còn gặp nhiều khó khăn với một tương lai bất định, Vương Quốc Anh (The United Kingdom, gọi tắt là UK) đang phác họa một thế đứng riêng không còn bị ràng buộc bởi chính sách kinh tế và an ninh quốc phòng của Liên Âu (The European Union gọi tắt là EU với trụ sở đặt tại Brussels, thủ đô Vương Quốc Bỉ).
Kể từ khi gia nhập EU hồi năm 1973, Nước Anh hầu như dần dần đã thu gọn lại như là một cường quốc Châu Âu và mất dần ảnh hưởng riêng trên bàn cờ thể giới. Trong EU, Nước Anh cũng không phải là cường quốc số 1 – vinh dự nầy hiện nay do Nước Đức thống nhất nắm giữ, mặc dầu Cộng Hòa Liên Bang Đức không phải là một cường quốc nguyên tử và chưa phải là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trong thời hậu-Brexit, nước Anh nuôi tham vọng nắm giữ lại vai trò một cường quốc thế giới mà tầm nhìn hay chiến lược Viễn Đông là thành phần cốt lõi.
Vài Nét Lịch Sử
Viễn Đông (The Far East) không phải là một từ ngữ đương đại, nhưng Viễn Đông gợi lại hình ảnh huy hoàng của thời kỳ thuộc địa Thế Kỷ thứ 19, khi Đế Quốc Anh và Đế Quốc Pháp chia nhau thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngược lại, đây cũng là Thế Kỷ nhục nhã khi Trung Quốc bị các cường quốc Âu-Mỹ xâu xé, mà Chủ tịch Nhà Nước Cộng Sản Bắc Kinh Tập Cận Bình hiện đang khai thác để kích động tinh thần dân túy (quốc gia cực đoan) cho một ‘Giấc Mộng Trung Hoa’ thống trị toàn cầu. Nhìn từ London hay Paris, khu vực Châu Á lúc bấy giờ được gọi là Viễn Đông (bởi vậy, Sài Gòn đã từng được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông).
Đế Quốc Anh bắt đầu suy tàn sau khi Thuộc địa Singapore thất thủ và bị Quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản chiếm đóng hồi năm 1942. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Nước Mỹ trỗi dậy và trở thành siêu cường thế giới. Thế Kỷ thứ 20 thường được nhắc đến như là Thế Kỷ Hoa Kỳ (The American Century). Nhìn từ Washington DC, Châu Á thuộc Vùng Tây Thái Bình Dương và không còn được gọi là Viễn Đông nữa.
Nhờ chiến lược cải tổ sâu rộng mà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng hồi năm 1978, cộng sản Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế và quân sự (một phần nhờ sự giúp đỡ kỹ thuật của Mỹ). Trung Cộng đã thay thế Nhật Bản và trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và có thể qua mặt Nước Mỹ trong vòng 10 năm sắp tới. Cùng với sự phát triển của những Con Rồng nhỏ khác (như Hàn Quốc và Singapore và trong tương lai không xa, Indonesia), Thế kỷ thứ 21 này được gọi là Thế kỷ Châu Á (The Asian Century).
Tại Canberra hồi tháng 11 năm 2011 trước Lưỡng Viện Quốc Hội Liên Bang Úc, Tổng Thống Barack Obama (Đảng Dân Chủ) đã công bố chính sách tái định vị của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương – được coi như chiến lược đối đầu với thách đố bành trướng của Bắc Kinh trong vùng. Ông Obama xác quyết Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương và có quyền lợi chiến lược thiết yếu tại khu vực nầy. Ngoài việc tái phối trí quân lực Mỹ – đặc biệt là Không Quân và Hải Quân – Tổng thống Obama còn đẩy mạnh vế kinh tế của chính sách tái định vị dưới hình thức Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – Trans-Pacific Partnership gọi tắt là TPP gồm 12 thành viên, kể cả Nhật Bản, Australia và Việt Nam.
Chẳng may Hiệp Định TPP-12 nầy chưa được Quốc Hội Mỹ chuẩn y thì Washington có tổng thống mới: Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump bất ngờ thắng cử hồi tháng 11 năm 2016 và nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2017. Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là rút chân Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định TPP-12.
Khác với Mỹ, chính phủ UK không thể xác quyết UK là một cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì Đế Quốc Anh – một thời đã từng được coi là mặt trời không bao giờ lặn, đã suy tàn sau Thế Chiến Thứ Hai – và cá biệt là khi UK gia nhập EU. Châu Á của Thế Kỷ thứ 21 hoàn toàn khác biệt so với Viễn Đông của Thế Kỷ thứ 19 và đầu Thế Kỷ Thứ 20. Tuy vậy, trong hoài bão trở lại vị thế cường quốc toàn cầu – a global power – chính phủ UK không thể không nhìn về Viễn Đông với một chiến lược không khác chi chính sách “xoay trục” quân sự và kinh tế của chính phủ Obama, nhưng với một tầm vóc khiêm tốn hơn.
London đang chuẩn bị ‘Kế hoạch Viễn Đông’ gồm hai thành phần hỗ trợ cho nhau: tái lập căn cứ hải quân tại khu vực Biển Đông Nam Á và gia nhập Hiệp Định CPTPP (TPP-11)
Hậu-Brexit UK và CPTPP
TPP-12 do Mỹ lãnh đạo và gồm 11 thành viên khác là Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile, Peru, Australia, New Zealand và 4 nước trong Asean là Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Sau 8 năm thương thuyết gay go, TPP-12 đã được ký kết ngày 04 Tháng 2 năm 2016 tai Auckland, thủ đô thương mại của New Zealand. Các nước thành viên có 2 năm để phê chuẩn, những rủi ro lớn nhất là vì Tổng thống Obama sắp mãn nhiệm kỳ mà Quốc Hội Mỹ lại không chịu áp dụng thủ tục chuẩn y khẩn cấp. Hậu quả, như chúng ta đã biết, TPP-12 đã chết yểu khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức tại Tòa Bạch Ốc.
TPP-12 bao gồm thị trường với một nhân số 800 triệu người tương đương với khoảng 11 % nhân loại nhưng chia sẽ gần 40 % GDP toàn cầu và khoảng 26.5 % thương mại thế giới. Điểm quan trọng là Trung Cộng không được mời tham dự và chỉ có thể tham dự trong tương lai (trong giả thiết TPP-12 tồn tại) nếu Bắc Kinh chấp nhận những qui luật của TPP-12.
TPP-12 là một hiệp định Tự Do Thương Mại đa phương không những nhằm phát triển mậu dịch mà còn nhằm cái tổ cấu trúc kinh tế, thăng tiến bảo vệ lao động và môi trường. Và đây là điểm khác biết rõ rệt giữa TPP-12 và Hiệp Định Hợp Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực gọi tắt là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) không có Mỹ, mà Bắc Kinh đã chủ động khởi xướng cùng với Asean tại Phnom Penh, Kampuchia hồi năm 2012. RCEP gồm 10 thành viên Asean và 6 đối tác khác là Trung Cộng, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Hàn Quốc. RECEP hãy còn đang được thương thuyết và nếu thành tựu trong vài năm sắp tới thì khối mậu dịch này sẽ bao gồm thị trường gần phân nửa nhân loại (khoảng 46% dân số toàn cầu) nhưng chỉ có tổng sản lượng nội địa GDP khoảng 24% của thế giới.
Chính phủ UK không có ý định mà cũng không được mời gia nhập RCEP, nhưng London đã bày tỏ ý muốn gia nhập TPP-11 tức là CPTPP (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership).
Bốn tháng sau khi Hoa Kỳ quyết định rời khỏi TPP-12, mười một thành viên nguyên thủy còn lại, với nỗ lực đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ Tướng Úc Malcolm Tunrbull, đã bắt đầu thương thuyết từ tháng 5 năm 2017 để phục hoat TPP-11. Kết quả là Hiệp Định nầy được cải danh thành CPTPP và được chính thức ký kết tại Santiago, Thủ đô Chile ngày 08 Tháng 03 năm 2018.
Mặc dầu Nhật Bản là nền kinh tế thứ 3 thế giới, nhưng không có Mỹ, tầm vóc của CPTPP chỉ còn là thị trường gồm 500 triệu dân với tổng sản lượng nội địa GDP tương đương 13.5% của thế giới và chia sẻ khoảng 15.2% mậu dịch toàn cầu.
CPTPP gồm 2/3 qui định tương tự như TPP-12 và phần còn lại khoảng 20 nội dung có liên hệ đến Mỹ được tạm hoãn với hi vọng Hoa Kỳ sẽ trở lại với Hiệp Định nầy vào một lúc nào đó trong tương lai.
Theo qui định mới, CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi được 6 thành viên chuẩn y. Úc Châu là thành viên thứ 6 chuẩn y và CPTPP đã có hiệu lực kể từ ngày 30.12.2018 đối với Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Australia. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (SRV) là thành viên thứ 7 chuẩn y và CPTPP đã có hiệu lực đối với SRV kể từ ngày 14.01.2019. Vào thời điểm của bài này, chưa biết lúc nào 4 thành viên còn lại (Malaysia, Brunei, Chile và Peru) sẽ chuẩn y.
Chính phủ UK đã soạn thảo văn bản phân tích lợi nhuận và thách đố khi gia nhập CPTPP [1] có rất nhiều dữ kiện thống kê. Theo tài liệu dài 27 trang nầy, nếu được gia nhập CPTPP, UK sẽ là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ nhì, chỉ sau Nhật Bản và sẽ nâng tổng sản lượng nội địa GDP của tổ chức lên 17% của toàn thế giới và trong trường hợp Mỹ trở lại với CPTPP thì tỷ lệ này sẽ lên trên 40%.
Tài liệu này cũng trích dẫn dữ liệu của Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank) cho thấy nền kinh tế của SRV yếu kém nhất trong CPTPP. Trên căn bản sức mua tiền tệ PPP (Purchasing Power Parity), GDP của SRV được ước tính là US$ 551 tỉ (nếu thống kê của SRV có thể tin được). Còn trên căn bản hối suất / tỉ giá chính thức đối với đồng Mỹ Kim, tổng sản lượng nội địa GDP của SRV trong năm 2017 được ước tính là US$ 220.4 tỉ mà thôi [2] Cũng trên căn bản PPP, bình quân lợi tức đầu người tại SRV là US$ 5 838 so với US$ 39 309 tại UK, US$ 44 494 tại Úc Châu và US$ 12 082 tại Peru (là nền kinh tế yếu thứ nhì trong tổ chức) [3]
Về mặt địa lý, UK không nằm trong Vùng Châu Á Thái Bình Dương nhưng chính phủ UK có vẻ như muốn bắt đầu tiến trình thương thuyết gia nhập CPTPP ngay khi có thể được, mặc dầu có lập luận trái chiều của một số chuyên gia. SRV chưa phát biểu gì riêng rẽ về vấn đề nầy, những đây cũng có thể là vấn đề mà SRV nên quan tâm. Lý do là vì Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA giữa SRV và EU sẽ không bao gồm UK sau Brexit.
Hồi tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công khai hoan nghênh ý định UK gia nhập CPTPP. Trước Brexit, UK xuất cảng 8% hàng hoá đến 11 thành viên CPTPP so với 40% đến 27 thành viên của EU [4]. Sau Brexit, cán cân giao thương này có thể thay đổi và đem lại lợi nhuận cho cả CPTPP và UK.
Tuy nhiên, Canberra cũng đang nỗ lực gia tăng mậu dịch với UK dưới hình thức một Hiệp Định FTA song phương và tin rằng Hiệp Định FTA nầy nên được ưu tiên hoàn tất, trước khi UK bắt đầu tiến trình thương thuyết gia nhập CPTPP. Lý do, theo lời Bộ trưởng Thương Mại Úc Simon Birmingham, là vì 11 thành viên hiện hữu của CPTPP cần có thêm thời gian để hoàn tất tiến trình chuẩn y hoặc hoàn tất những thay đổi cần thiết tại mỗi nước, theo qui định của CPTPP [5]
Ít nhất là về mặt thực tế, lý do mà Nghị sĩ Simon Birmingham đưa ra, phản ánh đúng tình trạng của SRV. Trước kia với TPP-12, cộng sản Việt Nam được coi là thành viên hưởng lợi nhiều nhất (GDP dự phóng tăng trưởng thêm khoảng 8% vào năm 2030), theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới.
Điều đáng tiếc, nhìn từ quyền lợi lâu dài của tổ quốc Việt Nam chớ không phải sự sống còn của chế độ độc tài cộng sản, là CPTPP đã tạm ngưng các điều khoản liên hệ đến Hoa Kỳ và tất nhiên những thỏa hiệp và cam kết giữa Hoa Kỳ và SRV qua hàng mấy chục văn bản song phương mà hai bên đã ký kết để SRV có thể tiếp cận vào thị trường khổng lồ của Mỹ.
Với CPTPP, cũng theo Phúc Trình của Ngân Hàng Thế Giới qua một cuộc nghiên cứu do Chính phủ Úc tài trợ vào năm 2030 GDP của SRV có thể tăng trưởng thêm từ 1.1% đến 3.5% [6].
Tất nhiên cơ hội nào cũng kèm theo các thách thức. Thách thức lớn nhất đối với SRV gồm những cải cách thể chế, đặc biệt là để thi hành điều khoản 14 về thương mại điện tử (electronic commerce), điều khoản 17 qui định về doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và điều khoản 19 về Lao Động (Labour).
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khoe là đã đạt được ngoại lệ cho SRV trong lãnh vực thương mại điện tử và trách nhiệm bảo vệ quyền lao động, với lập luận SRV là thành viên yếu kém nhất về mặt kinh tế.
SRV được hưởng ngoại lệ 2 năm vì khả năng hạn chế trong lãnh vực E-Commerce và vì những qui định của Luật An Ninh Mạng (gọi tắt theo tiếng Anh là LOCS Law on Cyber Security). Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2019 tức là trước khi CPTPP có hiệu lực đối với SRV (14.01.2019) và do đó theo lập luận của SRV, chính quyền cộng sản chưa phải tu chính Luật An Ninh Mạng để phù hợp với qui định của CPTPP.
Trong lãnh vực công đoàn tự do, Ông Trần Tuấn Anh đã tiết lộ lập luận của SRV trong phiên họp TPP-11 ở Đà Nẵng hồi tháng 11 năm 2017:
“Khi đó chúng ta cương quyết rằng với trình độ của Việt Nam, quy trình làm luật ở Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi. Đàm phán diễn ra rất căng thẳng nhưng cuối cùng các nội dung trong chương lao động, chúng ta đã được lợi thế ở mức cao hơn cả TPP…Theo đó, Việt Nam có khoảng 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm rà soát pháp lý”.
Bởi vậy, công đoàn tự do, nếu được thành lập cũng sẽ không có ‘quyền tự do liên kết’ và ‘quyền thương lượng tập thể’ ít nhất là trong 5 năm sắp tới.
Nói chung giới quan sát quốc tế cũng như những người tranh đấu tại Việt nam như Đỗ Thị Minh Hạnh, nhận xét rằng tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam bị tụt hậu khi Tổng Thống Donald Trump chấm dứt vai trò thành viên lãnh đạo TPP-12 của Mỹ [7],
Nhìn từ quan điểm của tập thể người Việt trong nước và ngoài nước tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, bất cứ gia tăng nào trong thành phần hội viên CPTPP đều có lợi, nếu CPTPP củng cố được sức mạnh cải tiến kinh tế xã hội tại Việt Nam và đối trọng hữu hiệu những sách lược kinh tế mà Bắc Kinh đang theo đuổi, kẻ cả RCEP và Sáng Kiến Vành Đai Con Đường gọi tắt là BRI của Ông Tập Cận Bình.
Nếu UK trở thành hội viên và đặc biệt nếu Hoa Kỳ trở lại CPTPP, thì đó là những diễn tiến tích cực trong Vế Kinh Tế của chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương.
Hậu-Brexit UK và Tranh Chấp Biển Đông
Trong khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương nói chung và tại Biển Đông nói riêng đang làm mọi người quan tâm, thi kế hoạch tái lập một căn cứ hải quân của UK tai Viễn Đông là một yếu tố mới tích cực nhìn từ quan điểm đồng minh Mỹ-Nhật-Úc Châu.
Bởi lý do nhạy cảm trong bang giao với Bắc Kinh, SRV có lẽ sẽ không bày tỏ thái độ rõ rệt, nhưng sự hiện diện của hải quân UK trong vai trò hỗ trợ đồng minh phương Tây tại Biển Đông không thể là một yếu tố tiêu cực đối với SRV trong vấn đề tranh chấp Biển Đông
Phần này không lập lại những diễn tiến tại Biển Đông trong năm 2018, cá biệt là những sinh hoạt của hải quân Anh-Pháp-Nhật Bản [8] mà chỉ cập nhật những sự kiện mới.
Trong bối cảnh thương thuyết Brexit để rời khỏi EU, chính phủ UK bày tỏ tham vọng nâng cao thế đứng riêng của UK như là một cường quốc thế giới, thay vì chỉ được coi như là một cường quốc Châu Âu.
Trên căn bản dài hạn, UK muốn tái lập hoặc thành lập một căn cứ hải quân tại Vùng biển Trung Mỹ và một căn cứ hải quân hoặc tại Singapore hay tại Brunei. Singapore đã từng là một thuộc địa của UK và là nơi mà UK có căn cứ quân sự quan trọng tại Châu Á. Người ta chưa biết phản ứng của hai thành viên Asean nầy như thế nào. Brunei đang được Ông Tập Cận Bình ve vãn và mới đây đã tiếp đón Chủ tịch Nhà Nước Bắc Kinh trong chuyến công du cấp quốc gia hồi tháng 11 năm 2018, sau khi Ông Tập tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tại Papua New Guinea.
Singapore theo đuổi một chính sách ngoại giao / quốc phòng ‘độc lập’ hơn và thường được coi là thân thiện với Washington. Theo Ts Carl Thayer, chính phủ UK hãy còn duy trì một phân bộ tiếp vận và yểm trợ tại Căn Cứ Hải Quân Sembaway ở Singapore [9].
UK và Singapore cũng là thành viên của Thỏa Hiệp Ngũ Cường với Australia. New Zealand và Malaysia, được ký kết hồi năm 1971 mà mục đích chính lúc bây giờ là để bảo vệ Bán Đảo Malay. UK còn là thành viên của nhóm trao đổi tình báo ‘Five Eyes’ gồm Mỹ, Canada, UK, Australia, New Zealand và gần đây mở rộng thêm Nước Đức và Nước Nhật.
Vào hạ tuần tháng 1 năm nay 2019, Chiến hạm Mỹ USS McCampbell và Chiến Hạm UK HMS Argyll đã diễn tập chung tai Biển Đông lần đầu tiên kể từ năm 2010. Đây cũng là lần đầu tiên mà UK trực tiếp thách đố chính sách xâm lược và quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. Không ai ngạc nhiên khi Bắc Kinh tố cáo UK có hành động gọi là ‘khiêu khích’.
Nhưng ai thật sự khiêu khích?
Bắc Kinh đã thiếp lập căn cứ hỏa tiễn đạn đạo gồm cả DF-26 (Đông Phương-26) tại Vùng cao nguyên Tây Bắc có khả năng tấn công Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tại Biển Đông. Ông Tập Cận Bình cũng đã ra lệnh quân đội chuẩn bị chiến tranh và tái cấu trúc quân lực, giảm hạ quân số và vai trò của Bộ Binh xuống dưới mức 50% đồng thời nâng cao sức mạnh của Không Quân, Hải Quân, Binh Đoàn Hỏa Tiễn và Binh Đoàn chiến lược Mạng và Không Gian. Hay nói khác đi, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược phòng thủ diện địa để phát triển khả năng tấn công các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tất cả đều được theo đuổi song hành với chiến lược Vành Đai Con Đường (BRI) để thực hiện ‘Giấc Mộng Trung Hoa’ và kiểm soát toàn thế giới [10].
Kế hoạch Viễn Đông của chính phủ UK là diễn tiến mới và nếu được thực hiện, sẽ giúp các quốc gia dân chủ phương Tây, Nhật Bản và Ấn Độ trong nỗ lực chung nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ phía Bắc Kinh.
Ls Lưu Tường Quang
(Sydney, ngày 28.01.2019)
Ghi Chú
Tài Liệu
Lưu Tường Quang, Giữa Biển Đông dậy sóng và Mekong cạn dòng: Phải chăng TPP / Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương là một lối thoát cho Việt Nam? Bauxite Vietnam ngày 5.6.2014, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Số 12 năm 2012, Sydney (Trang 379-414)
[1] UK Department for International Trade, CPTPP Information Pack, London Aug 2018
[2] CIA: The World Fact Book – Vietnam
[3] Tài liệu đã dẫn – Xem [1]
[4] Sir David Warren, Despite Abe’s Invitation, the CPTPP Does Not Make Sense for Britain, London, Oct 12 2018 https://www.chathamhouse.org/expert/comment/despite-abe-s-invitation-cptpp-does-not-make-sense-britain
[5] Nick Miller, Australian Trade Minister pours cold water on Britain’s post-
Brexit TPP, Sydney Morning Herald, 22.01.2019
[6] The World Bank – Press Release 09.03.2018, “CPTPP brings Vietnam direct economic benefits and stimulate domestic reforms”
[7] Tuổi Trẻ Online, ngày 24.01.2018, Tháo gỡ ‘căng thẳng’ Công đoàn, tháng 3 Việt Nam sẽ ký TPP-11
South China Morning Post (SCMP), “How Donald Trump’s withdrawal from landmark trade deal became a setback for democracy in Vietnam”, 17 Oct 2018
VietnamNet, ngày 02.11.201, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình đề nghị Quốc Hội phê chuẩn CPTPP
VietnamNet, ngày 02.11.2018, Hiệp Định CPTPP: Lo Ngại hình thành tổ chức ‘Công đoàn Vàng’ (Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam)
VietnamNet, ngày 12.11.2018, Quốc Hội Thông Qua Nghị Quyết phê chuẩn Hiệp Định CPTPP
Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam) ngày 02.12.2018: Vì sao lại ‘trói tay” Công đoàn độc lập?
[8] Lưu Tường Quang, Câu chuyện thời sự đầu năm: Tranh Chấp Biển Đông và vai trò người Việt tại các nước phương Tây, Tuần Báo Việt Luận, Sydney – Giai Phẩm Xuân Kỷ Hợi, phát hành tháng 12/2018 (Trang 42-45)
[9] Carl Thayer, After Brexit: Global Britain Plots Course to Return to the Far East
The Diplomat, 18 Jan 2019
https://thediplomat.com/2019/01/after-brexit-global-britain-plo… 1/18/2019 CNN, A British military base on the South China Sea is not a far-fetched idea, Jan 3 2019
[10] Reuters, US-Britain conduct first joint drills in contested South China Sea, Jan 16.2019
SCMP, Chinese army sends DF- 26 ballistic missiles to northwest region, 11 Jan 2019
SCMP, China’s military overhaul likely to raise neighbours’ concerns over improved offensive capabilities, 22 Jan 2019
SCMP, Chinese army now makes up less than half of PLA’s strength as military aims to transform itself into modern fighting force, 21 Jan 2019 -/