Nhận xét về thời Đệ Nhất Cộng Hoà, sau khi bị quân đội đảo chánh với cái chết đau thương của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng hai em là Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, cùng với sự xụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà; nhiều người tuy không chê trách gì về tư cách cũng như cuộc sống của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng đưa ra nguyên nhân chính dẫn đến sự băng hoại về chính trị của VNCH và cái chết oan khuất của TT Diệm là ông Diệm chỉ là một ông quan cai trị có đức chứ không phải là một chính khách tài ba nhiều quyền biến.
Nhận định này dù thuộc dư luận có cảm tình hay chống đối Ông Ngô Đình Diệm đều có những ngộ nhận ngay từ nội hàm của từ ngữ, đến thực tế chính trị.
Chính trị gia hay chính khách là danh xưng mẫu người chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng hậu bán thế kỷ 20. Trước đó, trong chế độ Quân chủ phong kiến của ta, từ chính trị không có nghĩa như ngày nay. Các vua quan chỉ làm công việc an dân là cứu cánh của chế độ. Những điều gọi là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” rút lại vẫn là lo cho cuộc sống của người dân được an vui, no đủ.
Trong thời người Pháp bảo hộ, những phong trào nổi dậy chống đối người Pháp để dành độc lập, thì những đảng phái hành xử dưới thực trạng là những “hội kín”. Các lãnh tụ những hội này thực sự chưa hề có chính quyền để làm chính trị; lại không hề có một xã hội dân chủ cởi mở để tự do thể hiện đường lối, chính sách của mình trong việc trị nước an dân.Việc được đăng đàn diễn thuyết của các ông: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm trong chế độ Thuộc Địa Pháp ở Nam Kỳ trước những năm 1945 cũng chỉ nhằm mục đích đả kích chế độ áp bức của Thực dân Pháp đối với người dân ở thuộc địa Nam Kỳ. Thật sự những lãnh tụ (gọi là chính khách) này chưa hề có hoàn cảnh thực sự độc lập để thi hành quan niệm chính trị của mình. Gọi họ là chính khách có khi cũng là quá với phạm trù của danh từ.
Suốt từ đầu thế kỷ 20 cho đến sau 1975, Việt Nam chưa có một nghề gọi là “Chính trị” để có từ “chính trị gia”. Người ta tự đặt cho nhau là chính trị gia với những người mưu toan hay đang đảm nhiệm công việc tổ chức và điều hành đất nước. Thành ra trong suốt thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà chúng ta chỉ có những chính trị gia tay ngang, hay chính khách salon, do thời cuộc đưa đẩy mà đi làm chính trị, chứ nghề chính của họ thì hoặc là “bác sĩ”, “dược sĩ”, “kỹ sư”, “giáo sư”, “thầy chùa” v.v… Khó có ai đã có một chủ thuyết, chương trình về chánh trị quy mô cả. Ít nhất ông Ngô Đình Nhu còn có chủ thuyết “Cần lao, Nhân vị” để đối phó với “Chủ nghĩa Cộng Sản”. Một chuyện nói lên được thực trạng của sự thiếu vắng hàng ngũ chính khách trong nước ta. Ông Trần Văn Hương có lần nói, khi được dịp lập Chính phủ: “Xách giỏ đi chợ, chẳng lựa được món ngon vật lạ, đành phải gom những gì còn dùng được”. Lập tức Chính phủ của ông bị ngay Phật giáo “xuống đường” chống đối với lý do Phật Giáo không thấy người của họ trong chính phủ. Xã hội hỗn loạn về trật tự và địa vị. Gọi là chính khách hay là gì với những ông có bằng cấp hay không, thường xuyên đến chầu chực “Thầy” để có dịp “Thầy” đưa vào chính phủ. Điển hình như ông Vũ Văn Mẫu, để chống đối chính phủ Ngô Đình Diệm, mà lúc ấy ông là Tổng Trưởng ngoại giao, thì cứ việc đưa đơn từ chức, kể cả việc họp báo tuyên bố lý do từ chức, hà cớ gì phải cạo trọc đầu để được thành hai cái đầu trọc khi chụp hình chung với “Thầy” Thích Trí Quang?
Để có một nhận định đúng đắn về những nhân vật lịch sử, có lẽ thời gian là yếu tố cần thiết để sàng lọc mớ hỗn độn những sự kiện lịch sử mà trong đó, phần thật quá ít so với phần giả, sai lầm, bịa đặt quá nhiều. Ở đương thời nhiều người cứ dựa vào nguồn tin cùng những nhận định của các người làm thông tin ngoại quốc, cho đó là gần với sự thật.Không phải là vọng ngoại mà người ta làm thế, mà chỉ vì những biện pháp an ninh của một quốc gia trong thời chiến, khiến người ta nghĩ rằng, người trong nước khó tiếp cận sự thật.
Như thế nhận định ông Diệm là một chính khách hay chỉ là một ông quan cai trị, không nên chỉ dựa vào vài thất bại về chính trị để đưa ra khẳng định vội vàng; nhất là ở đương thời, những người ngoại cuộc chỉ toàn suy diễn theo chủ quan của mình; Không kể phe địch dở mọi thủ đoạn bịa đặt vu khống, lưu manh để mong đánh đổ chính quyền.
Riêng đối với chánh tình VN, phải xác nhận một sự thật phũ phàng: Các chính khách gọi là có tên tuổi cũng đều xuất thân rất “tay mơ”. Hoàn cảnh xã hội của VN không sản sinh được một lớp người gọi là “chính khách”. Trước mắt dân chúng, những người nhờ nghề nghiệp, thân thích đạt được thời cơ tham gia Chính phủ; Hiếm có những người lập đảng phái để sinh hoạt dân chủ, tạo thời cơ để có chính quyền trong tay.
Quan niệm rộng rãi như vậy thì VN thực sự chưa có chính khách. Những người thành lập đảng mới, hay kế thừa các đảng phái trong thời còn đấu tranh giải phóng chế độ Thuộc địa, Thực dân Pháp. Vấn đề nhân sự và chương trình hành động rất hạn chế và mơ hồ và phần nhiều là bị động. Việc phê phán ông Diệm là chính khách hay một ông quan cai trị đức độ (mà người xưa gọi là quân tử), chỉ là gượng ép, dựa vào những nhận định mơ hồ.Ngày nay, với nhiều sự kiện lịch sử đã được giải mã, chủ yếu là từ phía Hoa Kỳ, nhưng ở phía Việt Nam, nhất là Bắc Việt – nói rõ hơn là VNDCCH vẫn rất hạn chế, mà phần nhiều là những sự kiện giả mạo, bịa đặt.
I.- Hoàn cảnh lịch sử với sự tập trung quyền lực:
Ông Ngô Đình Diệm có hoạt động chính trị không? Và hoạt động từ bao giờ?
Phải thấy rõ ông xuất thân từ một gia đình quan Đại thần, lẽ đương nhiên trong chế đô Quân chủ phải là thực học, dù sau này người ta nhận định cái học của thời ấy chỉ là từ chương. Nhưng ít nhất cái học ấy cũng tạo được lớp người có những hiểu biết để an bang tế thế. Khi làm Lại bộ Thượng thư (một chức vụ tương đương với Thủ tướng) trong triều Bảo Đại với tham vọng điều đình với Pháp thực thi quyền hạn đích thực của Triều đình Huế dưới sự Bảo hộ của Pháp, mà theo các hoà ước ký với Pháp thì có những điều khoản đã bị chính phủ Bảo hộ vi phạm. “Nội các” gọi là “Cách mạng” này của Bảo Đại bị Pháp cản trở nên thất bại, đưa đến việc “rã đám”. Dù sao nó cũng cho ông Diệm một kinh nghiệm về chính trị khi hoạt động trong một chế độ Bảo hộ. Công việc làm Thượng thư Bộ Lại với ý nguyện của Bảo Đại là canh tân đất nước, hiển nhiên là công việc chính trị, chứ không đơn thuần là cai trị như một ông quan Phủ hay cao hơn là Tổng đốc. Chính vì là chính trị mà Pháp ép buộc, cản trở, khiến mọi đề nghị cải cách đều không được thi hành: “Năm 1932 Bảo Đại từ Pháp về nước chính thức chấp chánh. Tuy có vài cải cách, không đáng kể và không thực hiện được. Vì tất cả quyền hành đều nằm trong tay người Pháp, do Pháp quyết định. Ngay cả Nội các của Triều đình (Việt Nam) họp cũng dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ Pháp. Mọi việc phải báo cáo và xin quyết định từ viên Khâm sứ (1)”. Mặc dù đã biết thân phận mình chỉ là một “diễn viên”, nhưng Bảo Đại cũng vẫn thử hành động như một người có ưu tư với đất nước mà thành lập “nôi các mới” vớì những nhân vật trẻ có học; “Tôi có ý định thay thế tất cả những nhân viên này, để trẻ trung hoá bộ máy triều đình đã quá già nua, cằn cỗi. Nhưng trước hết, tôi cần phải biết rõ điều mà cụ Nguyễn Hữu Bài nói với tôi hôm qua. Nhiều vị tiên quân cũng đã muốn canh tân như tôi, về sau ra sao?(2)
Thế mà lịch sử đã trút lên đầu vị Hoàng Đế của nhà Nguyễn này cái tội “bán nước” vì ăn chơi sa đọa.
Trường hợp Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà, Ngô Đình Diệm, cũng có một số phận hẩm hiu đối với giới truyền thông (media) như thế.
Ở đây không bàn về những tác hại của truyền thông gian manh trong cuộc chiến Việt Nam, mà công bằng tìm hiểu những hoạt động của những nhân vật lịch sử trong giai đoạn chiến tranh VN từ 1946 đến 1975, mà tập trung vào Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống khai sinh ra chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Viết về Hồ Chí Minh chủ chốt việc đánh phá VNCH, dư luận không đề cập đến những non yếu về chính trị; nhưng lại không thấy rõ mọi đường đi nước bước của tập đoàn HCM là do Nga, Hoa chỉ đạo và cung cấp mọi phương tiện. Trong thời đó, ngay dư luận trong VNCH coi Hồ Chí Minh là một chính khách lão luyện, nghĩa là hàm ý mưu trí lươn lẹo, khéo léo trong chiến tranh chính trị. Có biết đâu HCM cũng chỉ là cánh tay nối dài của Cộng Sản do Moscou và Bắc Kinh chỉ đạo. Và cuộc chiến đó như một chính khách lão thành là Nguyễn Đức Quỳnh đã nói “Cuộc chiến ở Việt Nam” (Ông dùng tiếng Pháp: La guerre en Việt Nam) hàm ý rằng cuộc chiến Cộng Sản và Tự do được tiến hành bởi Cộng Sản để mong nhuộm đỏ thế giới, mà mục tiêu gần là Việt Nam, rồi Đông Nam Á. Họ đã dùng xương máu của người Việt Nam cho mưu đồ bành trướng này. Đó cũng là ý nghĩa mà sau này Lê Duẩn hân hoan nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.
Dư luận nhận xét và đánh giá tư cách cùng khả năng của Tông Thống Ngô Đình Diệm không ở cùng một bình diện quốc tế như đánh giá những người Cộng sản.Bắc Việt không bị giằng co giữa quốc gia và quốc tế. Họ đã thẳng thừng hành động để gia nhập Quốc tế Cộng sản. Chiêu bài yêu nước, giải phóng dân tộc chỉ là chiêu bài chính trị lừa gạt dư luận quốc tế và quốc nội.
Đặt vấn đề cai trị và chính trị đối với Ngô Đình Diệm là vẫn ở bình diện quốc gia, đề cao tinh thần yêu nước, yêu dân thực sự. Hoàn cảnh bi thảm của thân phận Ngô Đình Diệm không phải là ở khả năng cai trị hay làm chính trị, mà là giằng co giữa sự chọn lựa sống chết của nền độc lập quốc gia và sự lệ thuộc.
Trong cái hỏa mù của chính trị, những người sau (Cũng như câu tục ngữ “cờ ngoài bạc trong”) mạnh dạn phê phán và bày mưu “quân sư quạt mo”: “Đúng ra lãnh đạo phải hiểu rằng (ở đây là nói về ông Diệm và ông Nhu): “Không ai chịu bỏ tiền của và xương máu ra mà không có chút lợi lộc hoặc quyền hành”; Cho nên có những hành động của đồng minh mà mình không bằng lòng cũng phải đặt sự tồn vong của chế độ, của quốc gia mà nín thở qua sông. Không phải vì tự ái hay tự xưng, vì chủ quyền quốc gia, vì thể diện, danh dự v.v…hoặc tỏ thái độ chống đối để rồi chế độ bị xụp đổ, quốc gia lâm nguy thì còn gì đâu nữa để nói đến chủ quyền, nói đến thể diện và danh dự.
Người lãnh đạo quốc gia cũng như người cầm lái con thuyền, khi bị sóng gió, bão táp phải biết rõ ngọn nguồn cơn gió bão để lèo lái con thuyền qua khỏi cơn nguy khốn. Nếu đi ngược với sóng gió, thuyền sẽ bị chìm.”(3)
Chẳng cứ gì ông Diệm, mà phần lớn dân chúng, điển hình là tầng lớp trí thức hồi đó cũng không muốn Mỹ thay thế Pháp trong vai trò “bảo hộ”. Chính nghĩa quốc gia là lẽ sống của Việt Nam Cộng Hoà. Kể từ khởi đầu truất phế Bảo Đại để thành lập chính thể VNCH là một cầu chứng với quốc tế, một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, không còn phải là “Quốc gia Việt Nam “của Quốc trưởng Bảo Đại ràng buộc vào Liên Hiệp Pháp. Có thực thi được tinh thần độc lập ấy mới chống lại được chủ trương nhuộm đỏ của Quốc tế Cộng sản, thể hiện ra ngay trong khẩu hiệu đơn giản nhất ở miền Bắc: “Bên đây biên giới là nhà, bên kia biên giới cũng là anh em.” VN (Cộng sản) và Trung Cộng cũng như Liên Xô sẽ trở thành một nước Cộng sản rộng lớn.
Ông Nguyễn Thuyên trong tác phẩm “Việt Nam điêu tàn & bất hạnh” đã trích dẫn được một đoạn nói về cái “sáng suốt” của ông Ngô Đình Cẩn khi khuyên nhủ ông Diệm và ông Nhu nên khéo léo với Mỹ: “Ông Cẩn có cho quân ủy Cần Lao ở Trung Ương, trong đó có tướng Tôn Thất Đính tham dự biết các chủ trương của Mỹ và yêu cầu quân ủy tường trình với Tổng Thông và ông Cố vấnNgô Đình Nhu nên “Thực tế” lãnh đạo, hơn là bám víu vào những quan niệm về chủ quyền, về thuộc địa đã quá cổ lỗ rồi!”(4)(*) Ý của Ngô Đình Cẩn là từ bỏ chủ quyền và “bán cái” hoàn toàn việc chống cộng cho Mỹ, đưa đến việc Mỹ hoàn toàn chỉ đạo chính trị và quân sự của ta.
Vạch ra một số khuyết điểm nghiêm trọng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ là Ngô Đình Nhu khiến làm bùng nổ cuộc gọi là “cách mạng” lật đổ chế độ nhà Ngô, dẫn đến kết luận ông Diệm không phải là một chính khách mà chỉ là một nhà cai trị. Ông (Nguyễn Thuyên) viết: “Người viết cố gắng sưu tầm tài liệu để trình bày các sự việc xảy ra hầu thấy rõ tài lãnh đạo qua tầm nhìn chủ quan, hạn hẹp của TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu xem như là vị Thủ Tướng (*) của nước VNCH, qua các sai lầm:
- Dù ý thức chủ quyền quốc gia, nhưng còn lệ thuộc viện trợ Mỹ để sống còn thì làm sao trở mặt với Mỹ được.
- Mâu thuẫn là Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn tin tưởng là Mỹ không thể bỏ chế độ của ông.
- Chế độ VNCH dựa vào sức mạnh (viện trợ) của Mỹ, để rồi đàn áp đối lập, tôn giáo, đi ngược lại chủ trương của Mỹ.
- Chế độ không dựa vào sức mạnh của dân mà chỉ dựa vào sức mạnh của công an, mật vụ. Sai lầm nghiêm trọng là đưa chính trị vào quân đội, muốn biến quân đội thành sức mạnh bảo vệ chế độ của mình.
- Lãnh đạo đất nước mà không lắng nghe ý dân (ý dân là ý trời) mà chỉ lắng nghe những người trong gia đình để gạt bỏ ý dân. Thế thì làm sao chế độ tồn tại được.”
Những lời kết tội này có thể áp dụng cho tất cả mọi chế độ đã bị lật đổ. Cái cốt tủy của Cộng Sản là đưa chính trị vào quân đội; “Trung với Đảng, hiếu với dân” và có ai lật đổ được Cộng sản ngoại trừ khi quân đội muốn thay đổi chế độ.Nói rõ là chế độ Ngô Đình Diệm đã không chính trị hoá quân đội được; hoặc là họ không có ý định ấy, mà chỉ muốn đào tạo một quân đội nhà nghề với bổn phận và trách nhiệm bảo vệ quốc gia. Vì lỏng lẻo ở chính trị như vậy mà Cộng sản mới luồn sâu, nằm vùng trong quân đội, làm hại cho chế độ Cộng Hoà miền Nam.
Cộng Sản có lắng nghe ý dân bao giờ, nhưng chế độ Cộng sản tồn tại ngần ấy năm là nhờ hệ thống công an cai trị, kềm kẹp dân rất dã man. Không người dân nào ưa thích bị kềm kẹp cả, nhưng vẫn phải sống tủi nhục, khốn khổ trong cái chế độ cường quyền ấy.
Thật dễ dàng phê phán một nhân vật lịch sử khi căn cứ vào những thông tin đương thời mà không có một cơ sở lý luận để gạn lọc phần sự thật trong những chi tiết phức tạp hư cấu do nhu cầu tuyên truyền đánh phá. Không có cuộc chiến nào là đơn thuần quân sự, mà luôn luôn là nhiều mũi giáp công. Những lừa dối chính trị quân sự, phải đợi thời gian rất lâu sau biến cố ấy mới có cơ duyên “giải ảo”. Lúc ấy tội lỗi đương thời có khi lại là công lao với lịch sử; mà những kẻ được đương thời ca ngợi “công lao trùm trời đất” thì lại là tội đồ vì đã đưa lịch sử vào một trang đen tối.
II.- Cơ sở để đánh giá những nhân vật lịch sử:
Ngày trước sử gia Trần Trọng Kim vẫn còn dựa vào quan niệm phê phán lịch sử Phong kiến, nên kết tội Mạc Đăng Dung là phản bội khi cướp ngôi nhà Lê. Thế mà anh em nhà Nguyễn Tây Sơn nổi loạn diệt chúa Nguyễn ở Đằng Trong thì lại được coi là anh hùng: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc… Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm, một người như thế thì ai mà kính phục?(5) Nếu lấy việc cướp ngôi là một trọng tội, thì có lẽ hai triều gọi là huy hoàng của lịch sử Việt Nam là Lý và Trần đều được ngai vàng một cách ám muội cả.Chỉ có nhà Lê là đuổi xâm lăng, xây dựng nền độc lập cho nước, ngai vàng ấy mới thực là quang minh chính đại.
Trách Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, nhưng sao không xét đến hoàn cảnh vua không xứng vì vua khiến gây nên xã hội loạn lạc? Cũng vậy, phê phán những khuyết điểm và vụng về trong cách giải quyết chính trị của Ngô Đình Diệm, không thể chỉ tập trung vào đương sự, như một vị thẩm phán cố chứng minh tội lỗi của nghi phạm.
Nói rằng ông Diệm không lắng nghe ý dân, không hành xử dân chủ với đảng phái đối lập, thì ta cũng nên tìm hiểu về ý thức chính trị của người dân ở thời ấy, để có tổ chức được các đảng phái chính trị đúng nghĩa trong một chế độ dân chủ.
Khi ông Diệm về nước chấp chánh với chức vụ Thủ Tướng, Việt Nam vẫn còn là một nước quân chủ, với Quốc trưởng là Bảo Đại. Phải đến khi thành lập chế độ VNCH với ông Diệm làm Tổng Thống, Việt Nam mới là một nước Cộng hoà. Các đảng phái được tự do sinh hoạt, nhưng thật sự thực lực chẳng có gì. Những đảng trong thời kháng Pháp hoạt động như một “hội kín”, nay không còn mục tiêu kháng Pháp nữa, thì đảng viên thưa thớt và hiển nhiên không có một thế lực gì để cân bằng với chính quyền.
Không có một chế độ dân chủ nào lại chấp nhận cho đảng phái có chiến khu và võ trang, và cũng không có chế độ dân chủ nào để cho đảng phái dùng thủ đoạn khủng bố tống tiền để phát triển và củng cố đảng như trong thời còn là “hội kín”. Điển hình như Việt Nam Quốc Dân Đảng Nhất Linh, hoặc Vũ Hồng Khanh đã không thể tổ chức được một đảng với đầy đủ cương lĩnh và sinh hoạt để tranh cử nghiêm túc. Phong trào Caravelle có phải là một đảng phái sinh hoạt nghiêm túc trong chế độ dân chủ không? Hãy xem qua thành phần và những cáo buộc về độc tài tham nhũng của chính phủ Ngô Đình Diệm để từ đấy cấu thành một nhân cách Ngô Đình Diệm không đủ khả năng và tư cách hèn kém để lãnh đạo đất nước.
Nhóm Caravelle gốm 18 vị gọi là nhân sĩ ấy đều là những người đã có hoạt động chính trị, và tuổi đời cũng xấp xỉ ông Ngô Đình Diệm. Bỏ qua động lực cầu danh lợi, chỉ cứ tin rằng họ có thiện chí góp ý với Chính phủ để thay đổi chính sách.Nhưng qua một số những nhận định mà lúc ấy người ta nghĩ rằng thật sự có, nhưng không ai, nhất là nhân dân lại đối chiếu giữa tuyên truyền và sụ thật. Thí dụ: điều cáo buộc về quân sự: “Quân đội Pháp rút ra khỏi Việt Nam. Quân đội Quốc gia được thành lập nhờ Mỹ quốc viện trợ. Quân đội với những thanh niên tuấn tú, biết trọng danh dự, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc, lại cam tâm phục vụ cho gia tộc, lấy sự trung thành với Cụ Cố, với Ông Bà Cố vấn, với phong trào với Cần Lao! Hậu quả đưa đến chia rẽ ghen ghét, nghi kỵ, thù hiềm giữa đồng đội, các binh chủng với nhau”(6).
Thực tế thì Quốc trưởng Bảo Đại nhân tình hình Pháp yếu thế trong cưộc chiến ở Việt Nam, đã đề nghị Pháp thành lập Quân đội Quốc Gia. Trong giai đoạn đầu, thiếu sĩ quan chỉ huy, nên vẫn phải dùng sĩ quan Pháp. Đến khi sang chế độ VNCH thì quân đội Quốc Gia hoàn toàn do người Việt chỉ huy. Người Mỹ chỉ giúp đỡ việc huấn luyện, trang bị và cố vấn quân sự. Luận điệu của nhóm Caravelle là rập khuôn của tuyên truyền Bắc Việt: “Quân đội Quốc gia là lính đánh thuê của Đế Quốc Mỹ (Được thành lập nhờ Mỹ quốc viện trợ).
Tố cáo về Khu Dinh Điền và Khu trù mật (sau đổi là ấp chiến lược) thì: “Miền Nam là xứ phì nhiêu trù phú, ngân sách quốc gia khỏi đài thọ quân phí (Mỹ tài trợ), được bồi thường chiến tranh (từ nước Nhật), tiền lời quốc trái và Mỹ quốc viện trợ khổng lồ, nhưng vào tay một nhóm người nhà Ngô, còn người dân thì vẫn vất vả, khổ cực và nghèo khổ!”.
Xã hội nhân tâm ly tán, thù oán bởi chế độ bắt phu làm xâu đưa đi sống tập trung, bỏ công ăn việc làm, xa cha mẹ vợ con, chịu cảnh đói cơm thiếu thuốc, đau bịnh chết chóc…chỉ để xây khu dinh điền, trù mật nặng hình thức, vô công dụng, tạo cơ hội tuyên truyền cho đối phương.”
Thực tế thì khi Nhật bồi thường chiến tranh, họ không đưa một cỗ tiền cho ông Diệm muốn tiêu gì thì tiêu, mà là giúp xây dựng hệ thống thủy điện Danhim, đưa điện về Saigon (Cho đến bây giờ nhân dân vẫn còn được hưởng tiện nghi ấy). Nếu khu dinh điền và khu trù mật không có hiệu quả về an ninh và phát triển nông thôn, thì sao Việt Cộng lại sợ hãi và tuyên truyền tảy chay khu trù mật. Các ông trí thức Caravelle thường chỉ ngồi ở Saigon, nghe chuyện bịa nhiều hơn chuyện thật, mà đa số do bộ máy tuyên truyền nằm vùng của Cộng Sản cung cấp.
Khi Cộng sản đã hoàn toàn làm chủ đất nước, chúng lần lần tự ca ngợi những công tác trí vận, tôn giáo vận, người ta mới thấy sự ấu trĩ về chính trị của các chính khách salon và nhân dân nói chung. Chính sự yếu kém về tinh thần và ý thức dân chủ của dân chúng sẽ đẩy chính quyền thi hành chính sách độc tài. Không kể trong suốt hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà còn thường xuyên bị đánh phá ác liệt từ mọi mặt. Hãy cứ hỏi thử tại sao ở thời Đệ Nhất Cộng Hoà với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Phật giáo (hay có cán bộ Cộng sản nằm vùng chỉ đạo) đã huy động được bao nhiêu phật tử xuống đường biểu tình đòi chính quyền thỏa mãn yêu sách của Phật giáo; Còn ngày nay ở Việt Nam, Việt cộng phá chùa, khủng bố phật tử, thành lập hàng ngũ sư quốc doanh, sự ức hiếp tôn giáo vang ra đến quốc tế, mà các phật tử trong nước vẫn im re. Những nhà viết sử căn cứ vào thái độ im lặng này mà lý luận rằng Cộng Sản rất được lòng Phật giáo.
Cho nên, phải có một tinh thần khách quan khi phân tích để rọi sáng mọi sự kiện lịch sử, lúc ấy mới thấy được giá trị đích thực của những hoạt động chính trị. Việc khen chê một nhân vật lịch sử hoàn toàn là do chủ quan của người viết; nó chỉ càng giúp thêm tạo làn mây mù che dấu lịch sử. Người Pháp xưng tụng Napoléon là một anh hùng của nước Pháp; nhưng người Nga lại bảo đó là tên bạo chúa, độc ác đã tàn phá nước Nga.
Cũng như cùng là một ông Diệm mà Thủ tướng Faure (Pháp) cũng như Bộ trưởng Laforest (Pháp) cho rằng: “Ngô Đình Diệm không những thiếu khả năng (incapable) mà còn mang bệnh bất thường (mad- có nghĩa là hơi điên điên), có thể sau này sẽ đem đến thắng lợi cho Việt Minh.” (Không biết ông tướng Navarre, ắt hẳn tài ba, sáng suốt thì có đem đến thắng lợi cho Việt Minh không?)
Nhưng khi đã là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà thì công luận của thế giới nhận định khác. Ông Diệm chẳng “mad” tí nào, mà: Lý Thừa Vãn (Nam Hàn), Thái Lan, Mã Lai, Lào, Cao Miên, Nerhu đều khen tặng. Lý Quang Diệu (Singapore) ước gì có một Tổng Thống như ông Diệm ở Việt Nam.
Còn Hoa Kỳ thì khi Tổng Thống Diệm công du Mỹ, cả Tổng Thống và Phó Tổng Thống Mỹ ra tận phi cơ đón: “Nhân danh xin chào mừng người hùng của thế kỷ và lưỡng viện Quốc Hội mời đọc diễn văn lịch sử”.
Trong lịch sử không có chữ “nếu”. Mỗi giai đoạn lịch sử lại có những nhân vật lịch sử.Vấn đề của các sử gia là hiểu đúng lịch sử với những khám phá trong các ngõ ngách của sự kiện, hoặc hành vi biểu kiến Rồi lịch sử sẽ đính chính những ngộ nhận đương thời để trả lại đích thực vinh quang hay tủi nhục cho những nhân vật lịch sử.
Lê văn Ngọc
Sydney Jan/2019
Chú thích:
(1)Nguyễn Thuyên – Việt Nam điêu tàn & bất hạnh trg 453
(2) Trích lại của Nguyễn Thuyên. Bảo Đại – Con rồng Việt Nam
(3)Nguyễn Thuyên – VNĐT BH trg 612
(4) nt trg 609
(*) Trong sách VNĐT &BH ông Nguyễn Thuyên không nêu tên tài liệu trích dẫn này.
(*) Những nhân sĩ trí thức có nhiều cầu cạnh nên đã hành xử bợ đỡ ông Nhu, trong thực tế tổ chúc chính phủ, ông Nhu không có chức quyền gì.
(5) Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử lược trg 274
(6) Nguyễn Thuyên – VNĐT&BH trg 583