Chuyện xin huy chương và sự gian lận tại Giải Karate năng khiếu trẻ TP.HCM 2024

Nguyễn Mạnh Dương

20-8-2024

Ngày 18/8, sau 6 tháng ròng rã luyện tập tập trung 6 buổi/ tuần, bất chấp kỳ nghỉ hè, con gái tôi, VĐV Nguyễn Thanh Mai vinh dự đại diện đội tuyển Karatedo quận Tân Bình tham gia giải ở hai nội dung: Kihon và Kumite (đối kháng).

Không bõ công cố gắng, buổi sáng 18/8, Thanh Mai và đồng đội đoạt huy chương vàng nội dung Kihon. Buổi chiều, trong nội dung Kumite cá nhân nữ 45kg, Thanh Mai nhanh chóng toàn thắng 2 trận để bước vào chung kết tranh huy chương vàng với đại diện của quận Bình Thạnh.

Bất ngờ tổ trọng tài phát loa thông báo là VĐV Nguyễn Thanh Mai bị chấn thương nên VĐV quận Bình Thạnh đạt huy chương vàng. Điều này khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt, vì cháu đang ở trạng thái thể lực tốt và vô cùng hưng phấn trước trận chung kết, tôi và HLV Gia Như của cháu đã chuẩn bị sẵn sàng và đang động viên dặn dò cháu.

HLV Gia Như vội vàng chạy đến bàn trọng tài hỏi lý do, thì chị Mộng Tâm, là HLV trưởng của quận Tân Bình tiến đến nói với tôi và cháu một cách nhẹ tênh: “Quận Bình Thạnh họ ít huy chương, họ xin, mình (Tân Bình) nhiều nên cho họ 1 cái”.

Tôi quá tức giận, nói với chị ta rằng, “Bé Mai đã tập nửa năm cho riêng giải này, mỗi tuần 6 buổi, đầu tư trang thiết bị, đồng phục đắt tiền để thi đấu, mùa hè của đứa trẻ khác là đi chơi, còn của Mai là tập luyện. Thời gian, công sức, chi phí của VĐV và gia đình bỏ ra hết mà chị bảo cho là cho làm sao, sao chị lại có thể đem những thứ của người khác ra giao dịch? Huy chương này không lớn, nhưng mà đây là giáo dục, tụi nó là trẻ con, nó cần phải học để sống chính trực chứ sao cả đám người lớn lại ép tụi nó gian lận như vậy?

Không chút áy náy, chị Tâm thản nhiên: “Thôi cho người ta đi, chứ nếu tôi ra nói cho đánh thì bé Mai cũng bị xử thua à”.

Tôi bảo: “Sao lại thua, thà đánh mà thua thì không tức, chị cứ ra nói cho đánh, nếu chị không nói tôi sẽ ra nói với ban Tổ chức, tôi không chịu như vậy đâu”.

Sau một hồi dùng dằng khó chịu, cuối cùng chị Tâm cũng ra trao đổi với tổ trọng tài và sau một hồi chờ đợi, Mai cũng được đánh, nhưng mà các trọng tài đã thực hiện một màn chấm điểm không thể tin nổi. Thì ra khi vận động viên Nguyễn Thanh Mai từ chối yêu cầu gian lận và quyết tâm thi đấu trung thực, tổ trọng tài đã không giữ thái độ khách quan và công bằng như trách nhiệm của họ.

Trong trận chung kết này, các trọng tài trong trận đấu đã có những quyết định thiếu công bằng và thiên vị rõ ràng một cách liên tiếp, quyết tâm để thực hiện bằng được hành vi gian lận, nhằm giúp vận động viên quận Bình Thạnh có được huy chương vàng, cụ thể:

– Giây thứ 16 xanh đấm, đá vào đầu không có điểm

– Giây 18 cả hai cùng đấm nhưng chỉ đỏ có 1 điểm

– Giây 33 xanh đấm mặt đỏ nhưng không có điểm, đỏ lại có điểm dù đỏ không hề tung ra 1 đòn nào

– Giây 46 xanh vừa đấm bụng, vừa đá nhưng không có điểm nào

– Giây 57 xanh đấm mặt, đỏ không kịp phản đòn nhưng đỏ lại có điểm

– Phút 1:26 xanh đấm 1 2, rồi đá móc, nhưng không có điểm

– Phút 2:02 xanh đấm 1 2, rồi đá móc, nhưng không được điểm, tuy nhiên, nực cười là trong tình huống này đỏ cũng không hề ra đòn nhưng lại được điểm

– Phút 2:21, xanh tiếp tục đấm 1 2, rồi đá móc, lẽ ra đá trúng phải được 3 nhưng lại chỉ được 1 điểm

– Phút 2:38, xanh đấm 1 2 trúng, nhưng không được điểm, đỏ tiếp tục được điểm dù không hề ra đòn

– Phút 2:48, xanh tiếp tục đấm 1 2 còn đỏ chỉ lùi tránh mà không ra đòn, đỏ lại tiếp tục được điểm

Trong những sai phạm hệ thống này, đặc biệt có 4 lần xanh tung đòn nhưng không có điểm, mà đỏ lại được điểm dù không hề tung ra đòn nào mà cũng chẳng có động tác phản đòn, điều này bất kỳ người nào cũng có thể nhìn thấy

Con gái tôi tập Karate đã được 3 năm, thường xuyên khoảng 5-6 buổi/tuần, đã đạt đai đen nhất đẳng có chứng nhận của liên đoàn Karatedo Việt Nam, đạt huy chương vàng Hội Khoẻ Phù Đổng quận Gò Vấp năm 2023. Dù chưa mong đợi cháu trở thành vận động viên chuyên nghiệp, tôi kỳ vọng cháu có được sức khoẻ, tính bền bỉ và tinh thần võ sĩ đạo cao thượng của một Karateka. Suốt những năm qua, chúng tôi bỏ nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để tạo điều kiện cho cháu nghiêm túc theo đuổi Karatedo, nhưng không ngờ lại nhận được sự ê chề đau đớn này.

Mới chỉ là giải trẻ nghiệp dư cho học sinh thôi mà đã thế này thì nếu tiếp tục dấn thân luyện tập, sau này vào chuyên nghiệp thì còn những chuyện gì có thể xảy ra nữa. Liệu con tôi có còn có thể tiếp tục tập luyện Karatedo sau khi nhận lại sự đối xử như vậy từ những người mà mình coi là thầy nữa không, hay cháu phải đau đớn từ bỏ môn thể thao mình yêu thích trong nước mắt?

Trước con tôi, tôi đã nghe những câu chuyện tiêu cực tương tự, giờ tôi được trải nghiệm trực tiếp, nếu chúng ta không làm gì, liệu bao nhiêu vận động viên Karatedo hay các môn thể thao khác nữa cũng sẽ gặp hoàn cảnh tương tự, để rồi đứng trước lựa chọn, chấp nhận làm công cụ trục lợi cho người lớn hoặc từ bỏ đam mê của mình?

Những hành động của tổ trọng tài và chị Tâm đã tước đoạt đam mê và tâm hồn trong sáng của học sinh, và vấy bẩn uy tín của bộ môn Karatedo cũng như thể thao học đường của TP HCM.

Related posts