THÀNH PHẦN XUẤT THÂN

Thành phần xuất thân rất quan trọng. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Môn đăng hộ đối… Xem xét kỹ thành phần xuất thân trước khi thực sự chọn người phối ngẫu là vấn đề rất quan trọng. Được sinh ra trong gia đình nề nếp giáo dục chu đáo hay gia đình nghiện ngập, nợ nần… thường được xem là nhiều phần tác động đến tính cách của một người.

Dù sao đó là chuyện ngày xưa. Ngày nay, các quan niệm về xuất thân đã có nhiều thay đổi. Nếu thực sự yêu nhau, người ta có thể vượt qua các rào cản đó vì hoàn cảnh gia đình không nhất thiết lúc nào cũng gây ảnh hưởng lên toàn bộ tư cách các thành viên trong nhà.

Dù sao trong thời gian dài, thành phần xuất thân từng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống một người. Nhiều người đi học hay đi làm trong lãnh vực công từng khốn khổ nếu lỡ xuất thân trong một gia đình bị xếp vào loại… bất hảo.

Bất cứ khi nào xin đi học, đi làm ở cơ quan nhà nước, người dân đều phải làm bản khai sơ yếu lý lịch. Nếu đã xin được việc làm rồi thì tiếp tục kê khai định kỳ hàng năm nhằm có thay đổi gì thì cập nhật ngay.

Để bản khai này đầy đủ thì nó phải “dày” như quyển vở. Từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nguyên quán, hoàn cảnh gia đình gồm lý lịch cả cuộc đời của vợ hay chồng và tứ thân phụ mẫu, quá trình hoạt động của bản thân từ thưở ấu thơ đến hiện tại học trường nào, tham gia đoàn thể nào, làm những công việc gì… bạn thân là ai… kê khai tỉ mỉ không sót chút nào.

Trong đó, một trong những mục kê khai gây ấn tượng với người xét đơn góp phần ghi thêm điểm hay bớt điểm để xét duyệt nhân thân là thành phần xuất thân.

Thành phần xuất thân chia ra hai loại: Thành phần của gia đình và thành phần của chính bản thân.

Thành phần gia đình đây chỉ tính từ sau cải cách ruộng đất hoặc sau cải tạo công thương nghiệp. Gồm có: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản…

Còn thành phần bản thân thì chia ra: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, thợ thủ công, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp... hoặc học sinh, sinh viên, chưa có việc làm.

Thành phần gia đình chẳng ai dám khai phú nông hay tư sản. Mà chỉ ghi chữ nào có vẻ khiêm nhường. Nếu ở vùng nông thôn thì ghi bần nông, còn ở tỉnh thị thì ghi dân nghèo thành thị. Buôn bán từ mẹt chanh ớt hành tỏi góc chợ đến xe nước mía vỉa hè ngày bán cả ngàn ly cũng chớ ghi tiểu thương vì ai nấy đều sợ “thương” có nghĩa tương đương với “con buôn”, con buôn có nghĩa bóc lột, mà bóc lột nghe ra tội nặng lắm, chỉ nên ghi lơi lơi “buôn bán nhỏ”. Mặc dù trong xã hội có ngành thương nghiệp nhưng nghề nghiệp lại nên cẩn thận tránh xa chữ “thương” ra.

Giờ thì nhẹ bớt rồi chứ ngày xưa, bản lý lịch cá nhân ghi thành phần xuất thân là “công nhân”, thậm chí một bên vợ hay bên chồng là “công nhân” cũng tuyệt không kém. Được ưu tiên cất nhắc, ưu tiên cử đi học, đi nước ngoài, kết nạp vào đoàn thể…

Anh Bùi khi ấy là kỹ sư, ông bố từng làm một chức nhỏ trong làng, anh đã cân nhắc kỹ khi lấy vợ là công nhân trong cùng một xí nghiệp. Mặc kệ bà vợ tuy ít học và quá xấu xí so với ông chồng nho nhã đẹp trai nhưng thành phần gia đình công nhân sẽ dễ được tiến cử. Y như tiên đoán, sau đám cưới, anh được đề bạt lên quản đốc và được cấp căn nhà. Tính ra không phải “song hỷ” mà đến “tam, tứ hỷ” chứ chẳng chơi.

Thành phần xuất thân chẳng những nhiều may mắn tìm được việc làm mà còn có thể tìm được việc tốt, vị trí tốt dẫn tới nhiều cơ hội thăng tiến.

Cô Hằng sau hai lần thi trượt đại học, bèn ngẫm lại cái lý lịch, coi có điểm nào “nổi cộm” không để điều chỉnh. Lần thứ ba thì đậu, không biết có phải nhờ đổi thành phần xuất thân từ tiểu tư sản sang… dân nghèo thành thị!!!

Tỉ mỉ như thế cũng khá xưa. Sau này người ta chỉ kê đơn giản là công nhân hay nông dân… Những chữ đó chung chung, muốn hiểu sao cũng được. Không mảnh đất chọi chim hay ruộng đất cò bay thẳng cánh cũng đều nằm trong thành phần nông dân cả. Qua một thời gian sở hữu trong tay mảnh đất, loay hoay trồng trọt mãi không khá té ra nhiếu người không biết làm ăn, không có kiến thức về nông nghiệp nên đất đai không sinh lợi, đồng ruộng hoang hóa và nông dân bỏ phế đi nơi khác kiếm ăn hoặc làm mướn. Một số người thuê lại hoặc mua thêm đất để trồng trọt, chăn nuôi. Họ áp dụng kỹ thuật mới, thuê kỹ sư chuyên nghiệp làm việc nên năng suất gia tăng và dễ dàng tiêu thụ được giá tốt. Nông dân quay lại làm thuê cho những người này, những nông dân kiểu mới chạy xe hơi đi thăm ruộng vườn, thăm ao mà nhờ họ, diện mạo của nông thôn mới thay đổi một cách tích cực.

Vì thế “địa chủ” đã quay lại dưới hình thức mới, tên gọi mới vì quyền sở hữu đất đai được thừa nhận. Thời buổi này đã tôn vinh những đại điền chủ thu gom đất ruộng liền khoảnh thành cánh đồng rộng lớn, dễ vay vốn, dễ dùng các loại máy móc, dễ ký hợp đồng lớn bán sản phẩm… chứ không còn những mảnh ruộng tí hon bị băm nát bởi vô số bờ bao ngang dọc.

Công nghiệp cũng vậy. Nhiều sinh viên vừa ra trường đã mở công ty. Do đó từ lâu đã không còn thấy xuất hiện khái niệm “bóc lột” cho dù chủ nghĩa Mác-Lê vẫn bị bắt buộc có mặt trong các giờ chính trị ở trường học và công sở.

Trong tờ lý lịch, người ta không còn kê khai thành phần tư sản, bần nông nữa… mà chỉ kê công nhân, viên chức, chủ doanh nghiệp…

Chuyển sự quan trọng từ “thành phần xuất thân” sang nguyên quán. Nguyên quán phải khai rõ chi tiết đến từng số nhà, tên đường, xã nào, huyện nào… Bà Nhài theo đoàn di cư 54 từ năm… lên hai. Vì cha mẹ đã quy tiên từ lâu nên bà chỉ nhớ mang máng có nghe kể cụ nội từng ở phố Mã Mây, Hà Nội. Bị truy hỏi thì bà bí rị, đành trả lời đại với tổ trưởng Thôi, tùy muốn ghi đại nhà số mấy, phường nào, quận nào cũng được, rồi đưa cho tôi ký tên vào.

Lý lịch tưởng ghi chơi chơi như một thủ tục hành chánh, tưởng không có gì quan trọng vậy chứ hữu sự, nhất là khi đáo tụng đình, mới thấy tầm quan trọng. Lý lịch của bản thân, của cha mẹ, ông bà, vợ (hay chồng) hoặc cô chú, dì dượng… lắm lúc cũng hữu ích không ngờ.

Cùng mua bán trái phép ma túy, khi có người đặt hàng sẽ gửi hàng theo xe khách từ Saigon ra Nha Trang, nhưng một người bị kết án tù bảy năm còn người kia chỉ sáu năm do ông nội và chú là liệt sĩ, có công lớn với cách mạng.

Anh nọ không có tiền để lo cho vợ sắp sinh, bèn đi vay tiền của một người đàn ông giàu có. Người này ra điều kiện ngặt nghèo. Cãi vã nóng giận, người đi vay xiết cổ đối phương chết toi. Án tử hình là đương nhiên nhưng khi trưng giấy tờ là gia đình có công với cách mạng, án tử được hạ thành chung thân. Hy vọng mỗi đợt xét giảm án nếu có tính đến “công lao cách mạng” nữa thì may ra anh nọ sớm được về nhà chăm sóc vợ con.

 “Có công” bị dư luận lên án nhất là một vụ án ấu dâm: một ông gần bát tuần từng là lãnh đạo ngân hàng mang gấu bông ra dụ dỗ trẻ ba tuổi ở khu chung cư mà ông đang sống. Ông bị đề nghị khung án tù từ mười đến mười hai năm, nhưng được rút xuống bốn năm nhờ vợ có công với cách mạng, rồi tại phiên phúc thẩm còn mười tám tháng tù treo nhờ bản thân là người già, đau yếu lại là đảng viên… Gia đình nạn nhân điên máu khi ra tòa thì ông rên hừ hừ, nằm bẹp trên ghế, nhưng ra khỏi phòng lại đi xăm xăm như một tráng niên…

Tại Hà Nội, một huấn luyện viên thể dục thể thao phạm tôi hiếp dâm được giảm từ bảy xuống năm năm tù vì cha là võ sư nổi tiếng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, có công đào tạo nhiều vận động viên cho nước nhà!!!

Tòa án Bạc Liêu từng xử một vụ lạc đường sinh ra gây gổ. Anh đứng trên bờ ném đá xuống anh đang đứng trên ghe khiến anh trên ghe lọt sông, mang thương tích.  Tuy nhiên do có… ông ngoại ruột là người có công cách mạng được tặng huy chương nên anh ném đá thành công trong việc xin giảm án.

Gần đây là vụ ông Đinh Ngọc Hệ ra tòa vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong phần bào chữa, bị cáo biện minh do thuộc thành phần nông dân, dân trí thấp nên nghe anh em mách nước mua bằng đại học Kinh tế với giá hơn một trăm Mỹ kim, nhờ đó mà được nâng lương, lên sĩ quan… và cuối cùng phạm tội vì thiếu hiểu biết.

Giờ so với bản CV của tư chức mới thật là nhẹ nhõm. Chỉ cần văn bằng, kỹ năng, quá trình kinh nghiệm, sở thích cá nhân… Được chọn vào làm thử việc vài tháng, chứng tỏ được năng lực là cất nhắc lên vị trí cao ngay. Không cần xếp hàng, chờ đợi ông Trưởng, bà Phó… tới tuổi về hưu, sống lâu mới lên lão làng mới tới lượt mình…

Cho nên nhiều người không cần bám víu vào thành phần xuất thân để tiến thân, đều nhảy ra ngoài làm cho tư nhân nơi những người thực tài cạnh tranh công bằng với nhau.

SGCN

Related posts