Thương chiến Úc –Trung có cội nguồn từ Chiến tranh nha phiến?

Phạm Đức Đồng Hùng

Những thành phần thân Trung Quốc tại Úc vẫn thường chỉ trích Thủ tướng Scott Morrison là đã “dại dột” hay “thiếu khôn ngoan” khi gây ra căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, dẫn đến những thiệt hại thương mại.

Theo họ thì chính vì ông Scott Morrison “mặc áo quá đầu”, tự dưng đưa thân ra gánh vác chuyện bao đồng của thế giới, đề nghị điều tra vai trò của Trung Quốc trong vụ bùng nổ đại dịch Covid-19, làm cho Trung Quốc nổi giận và điều này thì gần một năm qua ai cũng nghe đến, miễn bàn sâu thêm. Mới đây, trên tờ South China Morning Post số ra đầu tuần này (25.1.2021) nhà bình luận chiến lược Neil Newman cho rằng vấn đề sâu xa hơn thế và lịch sử đang lập lại. Theo ông thì những gì mà Trung Quốc đang thi hành giống hệt cách mà Anh đã áp dụng với Trung Quốc cách đây 200 năm, dẫn đến chiến tranh Nha phiến.

Theo Newman thì dân Trung Quốc hiện đang nghiện tôm hùm, rượu chát, thịt bò của Úc tương tự dân Anh mê lụa, sứ, các hương liệu và nhất là trà của Trung Quốc. Tình trạng này khiến họ lo xa đến tình trạng chảy máu ngoại tệ, như là nước Anh trước đây.

Anh và trà Trung Quốc

Quan hệ giao thương Anh – Trung khởi sự từ thế kỷ 17 trong đó Quảng Đông là “đặc khu” duy nhất mà triều đình Trung Quốc cho phép nước ngoài mở thương điếm. Lúc đó Trung Quốc chỉ cho phép nhập những mặt hàng hạn chế, ví dụ như đồng hồ, đổi lại thì Trung Quốc bán trà, lụa, đố sứ, các loại hương liệu và đặc biệt là trà.

Do Trung Quốc mà người Anh bắt đầu nghiện trà, có thể thấy ở tập quán “uống trà giữa” buổi ngày hôm nay. Không chỉ là giữa buổi, thời ấy trà trở thành một thức uống thay thế bia, thường được uống xuyên suốt trong ngày.

Tea Story - The History of Afternoon Tea

“Tiền tệ” để mua bán thời ấy là bạc thỏi. Sau khoảng 130 năm uống trà thì đến năm 1770 Anh hết sạch số bạc dự trữ trong kho nên lo lắng tìm cách cứu vãn tình hình. Người Anh vốn thực tế, và họ đưa ra hai chiến lược giải quyết.

Thứ nhất là nếu Trung Quốc làm dân Anh nghiện trà thì họ phải tìm cái gì đó là dân Trung Quốc nghiện lại để đảo ngược dòng chảy của bạc.

Thứ hai, tìm ra nguồn cung cấp trà khác nằm trong sự khống chế của mình, bên ngoài Trung Quốc.

Trong mục tiêu thứ nhất, Công ty Đông Ấn của Anh bắt đầu tổ chức trồng và chế biến thuốc phiện với số lượng hàng trăm mẫu tây tại các đồn điền thuộc sở hữu của mình ở Bangladesh. Sau đó các thương nhân Anh đưa vào Trung Quốc với số lượng lớn và từ đây cán cân thương mại Anh – Hoa bị đảo ngược.

Hậu quả xã hội của tình trạng nghiện ngập và tình trạng “chảy máu bạc” khiến triều đình nhà Thanh lo lắng, năm 1839 vua Đạo Quang phái Khâm sai đại thần Lâm Tắc Từ tới Quảng Châu để ngăn chặn việc buôn bán thuốc phiện.

Đầu tiên quan khâm sai này có viết một bức thư gởi Nữ hoàng Victoria, kêu gọi triều đinh Anh phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc phiện nhưng Nữ hoàng Anh không thèm trả lời. Lâm Tắc Từ bèn đề nghị người Anh đóng cửa các tiệm nha phiến và Trung Quốc sẽ đền bùi bằng trà nhưng không thành. Nổi giận, Lâm Tắc Từ ra lệnh phong tỏa các tàu nước ngoài, sau đó cho quân bố ráp và tịch thu trên 20000 rương thuốc phiện, tính ra là khoảng 1210 tấn rồi cho đốt sạch.

Chính phủ Anh bèn đáp trả bằng cách đưa tàu chiến đến, khởi đầu cho cuộc chiến nha phiến lần thứ nhất, kéo dài từ tháng 9 năm 1839 đến tháng 8 năm 1842.

First Opium War - WikipediaTrong vòng gần ba năm, quân Anh đã đánh tan quân Thanh bằng hỏa lực áp đảo và ép buộc nhà Thanh phải ký điều ước Nam Kinh năm 1842. Từ đây Trung Quốc phải bồi thường cho thương nhân Anh số thuốc phiện bị tịch thu, phải mở thêm năm hải cảng các thương nhân nước ngoài buôn bán và nhượng đảo Hồng Kông.

Sau đó, khi Trung Quốc không đáp ứng các mục tiêu của Anh theo hiệp ước trên, Anh đã khởi động cuộc chiến nha phiến lần thứ hai (1856-1860) và chính sự biến này được xem là dấu mốc thức tỉnh người Trung Quốc, dẫn đến những vận động canh tân, hiện đại hóa đất nước.

Trong mục tiêu thứ hai, người Anh hướng đến thuộc địa của mình có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp như là nguồn cung cấp trà thay thế cho Trung Quốc mà đầu tiên là Sri Lanka, lúc đó còn mang tên Ceylon. Nỗ lực này đã thay đổi các thuộc địa này, và hiện tại sau Trung Quốc, các nước như Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka trở thành những quốc gia xuất cảng trà hàng đầu trên thế giới.

Bây giờ, những gì Trung Quốc đang làm với Úc, cũng giống như Anh đã làm với Trung Quốc liên quan đến trà!

Tôm hùm và rượu vang Úc

Lobsters can be a political animal. Photo: AFP

Theo Neil Newman thì những hành vi trả thù thương mại của Trung Quốc với Úc phải có lý do sâu xa hơn là đề nghị điều tra gốc gác của đại dịch Covid-19: thật ra đó chỉ là cái cớ.

Khi bất thình lình áp đặt lệnh hạn chế lên những mặt hàng Úc từ tôm hùm đến than đá, đồng, gỗ, thịt bò và bông gòn, áp mức thuế thật cao đối với rượu vang và lúa mạch, Trung Quốc đã thật sự hy sinh, chấp nhận làm hoen ố hình ảnh của mình như một quốc gia cậy sức dọa nạt nước yếu, không thể kết bạn.

Trung Quốc phải nhắm đến một mục tiêu cao hơn là việc trả thù lời nói của ông thủ tướng Úc. Nếu có thì đây chỉ là trò kích động lòng ái quốc mù quáng của người Trung Quốc để củng cố tư thế lãnh đạo của Tập Cận Bình mà thôi.

Nếu kinh tế Trung Quốc thực sự phát triển kinh tế tốt đẹp như bản báo 2020 — tăng trưởng 2.5% GDP và tăng trưởng quý 4 được 6.5% — thì nước này không việc gì phải lo lắng hạn chế những mặt hàng xa xỉ này.

Đâu là lý do khiến những thành phầu giàu xổi tại Trung Quốc bị cấm vung vãi những đồng tiền của mình vào những mặt hàng này?

Theo Newman thì rất có thể Trung Quốc đang thực hiện những gì mà người Anh đã làm với trà khi giao thương trở nên khó khăn: tự kiến tạo nguồn cung cấp ngay trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Nhà bình luận này viết:

“Gần đây các công ty Úc đã bị mất giấy phép khai thác quặng sắt với trữ lượng khoảng một tỷ tấn quặng sắt phẩm chất cao từ nguồn vùng mỏ chưa được khai thác lớn nhất trên thế giới, nằm giữa Congo và Cameroon

Mỏ sắt Mbalam-Nabeba, một khi được khai thác và chuyển đến Trung Quốc, sẽ làm giảm giá cả mà các nhà máy luyện thép Trung Quốc đang trả cho quặng sắt Úc và có khả năng làm đại hạ giá quặng sắt toàn cầu.

Công ty Sundance Resources có trụ sở tại Perth và hai công ty khác của Úc đã bị mất giấy phép để rồi phát hiện ra rằng việc kinh doanh của họ đã được trao cho một công ty Trung Quốc chẳng mấy tên tuổi, Sangha Mining Development Sasu. Các công ty Trung Quốc là những công ty khai thác lớn ở nước Congo láng giềng, vốn là nước ủng hộ chính của Trung Quốc, và họ nhanh chóng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng để vận chuyển quặng sắt. Sundance hiện đang đòi bồi thường thiệt hại lên đến 8.76 tỷ Mỹ kim.

Trung Quốc sắp đổ ngập vào một làng chài bình yên ở Papua New Guinea số tiền khoảng 150 triệu USD thông qua một giao kèo giữa Công ty Ngư nghiệp Phúc Kiến Zhonghong và chính phủ Papua New Guinea để xây dựng một khu kỹ nghệ thủy sản toàn diện trên eo biển Torres đối diện với bờ biển phía bắc của Úc. Điều này, có thể hiểu ngay, đã khiến chính phủ Mỹ và Úc phản đối về mục đích thật sự của một ngư cảng trên một vùng biểu không hề có cá”.

Có ý kiến, chủ yếu từ phía Mỹ, cho rằng vị trí này nêu bật lên tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Đó sẽ là một vấn đề đối với Mỹ, quốc gia trước đây đã để mắt đến Cảng Darwin để làm căn cứ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Thật không may, cảng Darwin đã được Tổng trưởng Thương mại Andrew Robb đem dâng ch công ty Trung Quốc Landbridge Infrastructure Australia thuê trong vòng 99 năm vào năm 2015, trước khi ông từ chức và giành được hợp đồng tư vấn béo bở với Landbridge.

Với cảng cá mới, Trung Quốc kiểm soát cả hai bên eo biển, tuy nơi này có thể không có cá nhưng lại có rất nhiều tôm hùm đá mà Trung Quốc từng nhập từ Úc. Giờ đây, Trung Quốc có thể tự tay bắt tôm hùm cho mình từ đáy biển.

Đến sản phẩm Úc mà thành phần trung lưu Trung Quốc đang nghiện là rượu vang, Newman dẫn kết quả cuộc khảo sát về tình hình tiêu thụ xa xỉ phẩm tại Trung Quốc vào năm ngoái, theo đó có đến 39% nhà giàu Trung Quốc thích rượu vang đỏ, sau đó là rượu vang trắng, rượu whisky và rượu Champaigne.

Các số liệu cho thấy Trung Quốc đang cố tránh phụ thuộc vào Úc, ngăn ngoại tệ của mình chảy vào Úc để đổi lấy rượu vang.

Tính vào năm 2019, Trung Quốc có diện tích vườn nho lớn thứ hai trên thế giới với 855,000 ha, chỉ đứng sau Tây Ban Nha với 966,000 ha. Năm đó Trung Quốc đã ủ men số nho thu hoạch từ 8.3 triệu vườn nhoa, so với 12 triệu ha của Úc, nhưng trong 10 năm qua, nó đã vượt sản xuất trên 13 triệu hectolirte (1heto lít = 100 lít) trong ít nhất sáu lần khi thời tiết tốt.

Chính vì vậy nên chẳng có gì bất ngờ khi Trung Quốc tiến hành quảng cáo những loại rượu vang hàng đầu của mình cho giới tiêu thụ giàu có. Càn ngày, càng có nhiều loại rượu vang Trung Quốc xuất hiện trên kệ của các tiệm rượu Hồng Kông và chúng không hề rẻ chút nào. Newman dẫn lời Ka Wo Chan, một chủ tiệm rượu hạng sang, cho biết chúng rất ngon: “Có bịt mắt, bạn cũng không tài nào đoán được chúng là rượu Trung Quốc”.

Top five unexpectedly expensive Chinese wines

Rõ ràng là hiện tại rượu vang Trung Quốc chưa có một chút tên tuổi nào trên thị trường quốc tế nhưng Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực nầy, đầu tư vào loại nho Cabernet Sauvignon đang được trồng nhiều nhất trong khi nho Carménère và Marselan (Cabernet Sauvignon lai với Grenache từ Pháp) cũng rất phổ biến. Điều này cho thấy các nhà sản xuất rượu vang trên thế giới và Úc càng cần có lý do để lo ngại về Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh trong tương lai.

Những điều trên đã cho thấy rằng “Lịch sử Trà có thể lặp lại” và Newman viết:

Tâm niệm rằng nguyên nhân làm làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc 200 năm trước là do đã chi nhiều bạc để mua thuốc phiện hơn là số bạc thu vào từ từ việc bán trà, phải chăng đất nước này đang cố gắng tránh né sự tái điệp của lịch sử?

Nếu Trung Quốc lo ngại rằng thành tích kinh tế của họ là một đốm sáng nhỏ hậu Covid-19 và sẽ phai nhạt khi thế giới trở lại nhịp độ sinh hoạt bình thường, nó sẽ cần phải giữ nguồn ngoại tệ trong tày. Bởi vì nếu giới tiêu thụ dễ dàng mua hàng trực tuyến thì cũng vô nghĩa, sẽ có ít ngoại tệ mạnh chảy vào nền kinh tế vào thời điểm mà các công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn trong việc vận động các nguồn vốn nước ngoài.

Bởi lẽ đó, nếu Trung Quốc có thể tự cung ứng tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm hạng sang và rượu vang thay vì nhập từ nước ngoài, thì họ sẽ chi ra rất ít ngoại tệ mạnh của mình trong tương lai. Theo nhận xét của tôi thì dường như càng ngày người Trung Quốc càng tiết kiệm, ít nhất là trong các thương vụ không sử dụng đồng nhân dân tệ, và các bạn hàng dài hạn, thí dụ như Úc, sẽ phải bắt đầu xem xét lại các mối quan hệ thương mại và chiến lược xuất cảng,

Người Úc nói rằng cuối cùng thì họ sẽ là người chiến thắng đối với vấn đề xuất cảng than đá sau những đợt cắt điện gần đây ở Trung Quốc, ngay cả khi nguồn cung cấp than bị chặn đứng hay phong tỏa,. Tôi không chắc chắng rằng đây sẽ là chương cuối cùng của cuộc xung đột thương mại này.”

Thay lời kết

Việc Trung Quốc gây hấn với Úc về thương mại có lý do sâu xa từ nền tảng kinh tế Úc, với bản năng tự vệ đã hình thanh trong lịch sử dài hai thế kỷ. Nó không chỉ đơn giản là hậu quả từ những va chạm hiện tại, do đó Úc không nhất thiết phải đáp ứng những đòi hỏi của Trung Quốc, vì được đằng chân Trung Quốc sẽ lấn đằng đầu và Úc sẽ bị “nghiện” thị trường Trung Quốc.

Trong bản phúc trình công bố ngày 31.8.2020 Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã phân tích rất rõ về chính sách ngoại giao dọa nạt của Trung Quốc, theo đó nước này đã dở trò dọa nạt trong suốt một thập niên qua nhưng kể từ năm 2017 thì ngày càng bạo tay hơn.

ASPI kêu gọi các chính phủ và công ty thuộc liên minh tình báo Five Eyes hợp lực trong cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nói rằng điều này sẽ giúp họ “có nhiều khả năng thành công hơn trong việc chống trả”. ASPI cũng kêu gọi chính phủ sử dụng các diễn đàn như G7, G10 và Liên hiệp Âu Châu để xây dựng một liên minh các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hành vi đe doạ tương tự.

Trên thực tế nhiều quốc gia đã đánh giá lại sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc và tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Năm ngoái Thủ tướng Úc Scott Morrison đã tiến hành có các cuộc họp trực tuyến với hơn 10 nhà lãnh đạo quốc gia và tổ chức châu Âu về vấn đề này.

Gần nhất, đầu tuần này, ngày 25.1.2021 thủ tướng Morrisond đã đáp trả lời kêu gọi nhượng bộ của Trung Quốc: “Chúng ta tuyệt đối mở rộng, sẵn sàng đối thoại những vấn đề đã nêu. Tuy nhiên những cuộc thảo luận này, như tôi đã minh định, sẽ không khởi sự dựa trên bất cứ sự nhượng bộ từ trước của Úc. Tôi không nghĩ là người dân Úc muốn Thủ tướng của mình nhượng bộ trên những vấn đề đã nêu”.

Related posts