Cờ vàng: Nỗi ám ảnh và sự nhỏ nhen

Blog RFA

JB Nguyễn Hữu Vinh (RFA)

29-8-2024

Có lẽ, sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào 30/4/175, mối quan hệ giữa người Việt Nam không cộng sản và người Cộng sản Việt Nam bị chi phối và ảnh hưởng nhiều nhất, ngăn trở lớn nhất đến cái gọi là “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà người Cộng sản luôn hò hét, đó là lá cờ. Trực tiếp ở đây là giữa lá cờ vàng với ba sọc đỏ mà chế độ Việt Nam Cộng hòa lấy làm quốc kỳ và lá cờ đỏ sao vàng mà chế độ Cộng sản miền Bắc đã dùng cho đến nay.

Có thể nói, đó là một sự bất đồng sâu sắc khó hòa giải, khó có thể làm mờ được với thời gian qua đi đã hơn nửa thế kỷ và nhất là thái độ của mỗi bên với vấn đề này, nhất là với nhà cầm quyền Việt Nam.

Việc những người Việt xuất phát từ Việt Nam Cộng Hòa khó có thể dung hòa được vấn đề lá cờ, cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó và có thể hiểu được.

Đó là là cờ mà họ đã thừa kế từ tiền nhân, từ lịch sử đất nước để lấy làm biểu tượng cho một quốc gia, mà ở đó, có một chính quyền, dù chính quyền đó chưa được hoàn hảo, thì đó cũng là một chính quyền manh nha của nền dân chủ ở Việt Nam. Một chính quyền do người dân bầu ra và họ quản lý đất nước, lãnh thổ đó với sự chính danh, với sự đồng thuận của người dân tại đó trong một giai đoạn lịch sử.

Đó là lá cờ biểu tượng cho một quốc gia đã từng sánh vai với các quốc gia lân bang, được công nhận bởi nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đã đưa lại cho người dân một cuộc sống mà ở đó, giá trị của tự do, của dân chủ được thừa nhận và được phát triển hơn hẳn quốc gia lân bang ở phía Bắc.

Đó là lá cờ mà người dân Miền Nam đã đổ máu xương, đã dồn hết mọi nỗ lực để chiến đấu vì nó. Và khi thất trận, họ đã đành bỏ Tổ Quốc, bỏ nơi chôn rau cắt rốn, bỏ lại mồ mả cha ông để ra đi ôm theo mối hận ngàn đời và lá cờ trở thành biểu tượng của một quốc gia, một thời trong lịch sử đất nước, của nhiều đời người và giờ chỉ còn trong ký ức.

Thay cho lá cờ đó, là lá cờ đỏ, sao vàng. Đó là một lá cờ mang “màu cách mạng” – Cách mạng vô sản.

Lá cờ đó, là biểu trưng của một chế độ được hình thành từ cuộc Cách mạng tháng Cướp chính quyền. Thế rồi từ cướp chính quyền cho đến cướp ruộng đất và tài sản của mọi giai cấp khác trong cuộc đấu tranh “không có gì để mất, trái lại được thì được tất cả”.

Cũng trong phong trào đó, chế độ Miền Bắc tiến hành cái gọi là “Giải phóng Miền Nam”. Cụm từ “Giải phóng” đã trở thành điều trớ trêu trong ngôn ngữ Việt khi mà một quốc gia vô sản, nghèo hèn mạt rệp, đi giải phóng” một quốc gia giàu có và phồn vinh.

Và lá cờ đỏ đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi người dân Miền Nam đã sống qua thời kỳ “được giải phóng”.

Có thể nói rằng, mâu thuẫn lớn lao giữa hai lá cờ là mâu thuẫn có thật, là một mối quan hệ khó xử lý, khó giải quyết. Thế nên, đã nửa thế kỷ trôi qua, vẫn còn đó vết hằn của sự thâm thù, của những hành vi thù địch và nhất là thái độ của cả hai bên.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là thái độ ấy được thể hiện bởi ai và thể hiện như thế nào.

Nếu như, những người bên phía cờ vàng có thái độ thù địch, bất hợp tác và coi thường, tẩy chay cờ đỏ và những người phía cờ đỏ, thì đó cũng chỉ là những hành vi và thái độ của những cá nhân hoặc tập thể nào đó thể hiện thái độ của mình với những kẻ bỗng dưng vào “giải phóng” của họ từ tài sản đến tính mạng, con người, đất đai và Tổ Quốc.

Còn, phía cờ đỏ, sự thù địch lại bắt nguồn từ một nhà nước, một chính thể mà tự họ đã ca ngợi mình là quang minh, chính đại, là đạo đức, là văn minh.

Nếu như phía cờ vàng hận thù vì bỗng dưng bị cướp đi tất cả để buộc họ trở thành lưu vong thì còn hiểu được, chứ việc phía cờ đỏ hận thù cờ vàng thì quả là thậm vô lý khi mà họ chính là thủ phạm lại căm thù nạn nhân.

Và đó như một sự ghen ngược.

Đó là hai trạng thái và đối tượng khác nhau.

Những lời xin lỗi xuất phát từ nỗi sợ hãi

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về việc một số ca sĩ Việt Nam đua nhau “Xin lỗi” trên các diễn đàn mạng. Những lời “Xin lỗi” được đưa ra và cộng đồng mạng đua nhau phán xét theo cách nhìn của mỗi người đã tạo ra một sự hỗn loạn hiếm thấy về một hiện tượng cũng hiếm có trên lĩnh vực văn hóa bình thường.

Đó là việc một số ca sĩ đã “nhỡ” đứng hát hoặc có hình ảnh liên quan đến lá cờ vàng có ba sọc đỏ và nay họ bị “Chiếu tướng” bởi cơ quan an ninh cộng sản, bởi cơ quan văn hóa nhà nước và nhất là “cộng đồng mõm” – nói theo ngôn ngữ dân gian – hò nhau “tẩy chay” họ để thể hiện cái gọi là “lòng yêu nước”.

Và thế là họ phải tự kiểm điểm, tự kiểm duyệt để rồi mấy hôm nay đưa lên mạng những lời xin lỗi thật thống thiết và đáng thương. Họ thanh minh thanh nga rằng do chưa nhận thức đủ, do hoàn cảnh trước đây nọ kia… đủ cả và khẳng định rằng họ là người yêu nước…

Ở đây, họ đã nhầm lẫn rất lớn – hay cố tình nhầm lẫn? – giữa khái niệm Tổ Quốc và đảng, bởi khi Đảng cố gắng để xóa nhòa ranh giới ấy, cố gắng để hợp nhất hai khái niệm ấy, thì trên thực tế, đảng là một thực thể hoàn toàn khác và nhiều khi đi ngược lại với khái niệm Tổ Quốc, Nhân Dân, Dân tộc. Thế nên, sự trung thành với Đảng khác với tình yêu quê hương, đất nước.

Điều kỳ lạ, là thậm chí một đoạn video của một đôi vợ chồng sang Mỹ có việc đã được cho ngủ nhờ một căn phòng mà ở đó, có cờ vàng, cũng đã trở thành đề tài, thành dự án cho Công an, văn hóa có công việc mà làm, cho cộng đồng 3 củ tha hồ ném đá, mà kêu gọi tẩy chay.

Đấy là câu chuyện buồn cười, bởi cho đến nay, chưa thấy bất cứ điều luật nào quy định việc đi ra nước ngoài, vào nhà người khác phải đứng nơi nào, ngồi hoặc nằm ở đâu thì mới được lòng đảng.

Trước đây, các linh mục, Giám mục Công giáo trước khi đi học hoặc công việc ở nước ngoài, đều được lực lượng an ninh tổ chức gặp gỡ trước đó, và phải vượt qua bài thi về ứng xử với “thế lực thù địch” ở nước ngoài do An ninh đặt ra qua câu chuyện, thì mới được cấp giấy tờ ra đi.

Thế nên, đã có câu chuyện một Giám mục khi ra đến Hải ngoại, đã không vào một khu thương mại người Việt vì có cờ vàng trên nóc nhà. Cuối cùng, người ta phải tháo lá cờ kia xuống để ngài vào thăm khu thương mại đó.

Thế nhưng, không phải ai cũng “ngoan” với nhà nước như vị Giám mục kia. Người ta còn nhớ câu chuyện Đức Giám mục Hoàng Đức Oanh, Giáo phận Kon Tum.

Trước khi đi sang Mỹ, nhà cầm quyền đã cho mời ngài đến nói chuyện. Trong câu chuyện họ đề nghị ngài không chụp hình ảnh hoặc ngồi dưới cờ vàng. Ngài đã thẳng thắn và dứt khoát như sau:

– Các ông có thể cho tôi đi hoặc không thì tôi trả lại hộ chiếu, còn tôi khi đi đến nhà người ta, phải tôn trọng họ. Tôi không thể bảo họ phải đặt bàn chỗ nọ, đặt ghế chỗ kia, hay họ phải sửa bàn thờ hướng này, đặt trên bàn thờ cái kia thì tôi mới vào. Họ mời tôi đến chứ không phải tôi đến để chỉnh sửa họ theo ý tôi. Thế nên, họ đặt cờ hay đặt cái gì là quyền của họ chứ không phải của tôi.

Và đến đó thì công an cũng… tịt.

Với các ca sĩ, khi đến cộng đồng người Việt hải ngoại để hát, để kiếm tiền, để mưu cầu nhiều thứ khác, tại sao phải buộc họ đứng chỗ nào hay ngồi chỗ nào?

Báo chí chưa nói rõ, sau khi xin lỗi vì đã đứng gần cờ vàng, các ca sĩ ấy có trả lại tiền, những đồng đola mà những chủ nhân cờ vàng ấy đã đưa cho họ hay không? Nhưng với tinh thần sám hối như hiện nay, rất có thể họ sẽ trả lại tất cả để thể hiện sự trung thành với đảng.

Còn nhà nước và đảng, những đồng tiền mà các ca sĩ, nghệ sĩ ấy đi hát dưới cờ vàng mang về nộp thuế, những cộng đồng cờ vàng làm nên lượng Kiều hối hàng chục tỷ đola kia, đảng có từ chối tiền của những người cờ vàng không?

Nếu không thì tại sao?

Làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen

Hẳn nhiên, câu chuyện này sẽ không tồn tại, nếu như gần đây cả hệ thống Công an cho đến Văn Hóa không làm những việc mà người ta nhìn vào thì thấy sự nhỏ mọn và thậm chí là sự đê tiện nếu đứng trên phương diện nhà nước, trên phương diện là cơ quan công quyền.

Như trên đã phân tích, nếu như đồng bào hải ngoại, những người xuất phát từ Miền Nam Cộng Hòa có thái độ thù địch thì đã đành và có thể hiểu được. Còn việc nhà cầm quyền, là một chính thể là thể hiện sự hằn thù một cách rõ rệt với cờ vàng thì quả thật là một vấn nạn rất lớn về nhận thức.

Người ta thấy điều này rất rõ ràng với hiện tượng ca sĩ hải ngoại về Việt Nam và ca sĩ Việt Nam đến Hải ngoại những tháng năm qua.

Ở đó, có hai thái độ khác nhau.

Người ta vẫn còn nhớ những trò bẩn bựa chẳng ai chấp nhận được nhưng là sách lược đối phó của nhà cầm quyền đối với vài ca sĩ, nghệ sĩ từ nước ngoài về Việt Nam biểu diễn. Dù đã đăng ký, đã được phê duyệt hẳn hoi, nhưng đến một lúc nào đó kẻ có quyền hoặc giật mình sợ hãi, hoặc cống nạp không đủ, lại quả không đẹp hay bất cứ một lý do nào đó không hài lòng, thì ngón đòn bẩn lập tức được sử dụng để phá hoại cuộc biểu diễn là bình thường.

Đó là câu chuyện vài năm trước, ca sĩ Khánh Ly với chương trình biểu diễn tại Hà Nội và Hải Phòng, với hàng tỷ đồng đầu tư và chuẩn bị hàng tháng trời, để rồi cuối cùng đến khi chuẩn bị biểu diễn thì Nhà hát Lớn Hà Nội … mất điện. Và cái vụ mất điện ấy kéo dài cho đến nay với một thông điệp rằng Khánh Ly sẽ không được biểu diễn tại VN trước đám đông từ 1.000 người trở lên.

Rồi không chỉ Khánh Ly mà cả Chế Linh cũng tương tự, những màn dạo đầu với những lời nói ngọt nhạt hòa hoãn, nào là muốn về quê hương để sau này gửi nắm tro tàn, rồi muốn xây một nhà lưu niệm mình tại Việt Nam,  rồi những động tác tưởng có thể lấy lòng quan chức cộng sản khi muốn về biểu diễn tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng thì vẫn cứ… mất điện như chơi.

Thế nên, các ca sĩ buộc phải “qua sông thì phải lụy đò”, về Việt Nam hát thì phải phục tùng nhà cầm quyền Cộng sản, phải “đẽo lưỡi cho vừa giày” quan chức.

Thế nên, mới có câu chuyện “Trời vào thu Chiều Nay buồn lắm em ơi” làm dậy sóng mạng xã hội về thái độ hèn, về sự thiếu liêm sỉ khi một ca sĩ nổi tiếng tự sửa mồm mình cho vừa chân giày nhà nước.

Thế nên, mới có câu chuyện ca sĩ Khánh Ly đã gây bất bình cho hệ thống công an, văn hóa khi hát bài hát “Gia tài của mẹ” khi không được cấp phép nên đã bị đảng phạt cho chừa. Bởi làm sao mà đất nước Việt Nam này, gia tài của Mẹ lại là “một nước Việt buồn” cho được khi mà có sự lãnh đạo của đảng trong thời đại rực rỡ nhất?

Trong khi đó, các ca sĩ Việt Nam, lại có thể sang tận Hoa Kỳ để hét lên rằng: “Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo. Em chưa ngừng tay vót chông và bủa vây”…

Hoặc có những ca sĩ vừa cầm cờ đỏ hò hét “theo đảng đến cùng” thì ngay sau đó đã sang Mỹ để tự do lấy bà vợ hơn mình 16 tuổi, làm giấy tờ định cư xong thì ly dị mà không hề bị săm soi, chẳng hề phải xin lỗi.

Hay những cô ca sĩ hò hét mùa xuân chiến khu náo nức chưa xong thì đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để có thể đưa con về Mỹ vì bị nhà cầm quyền cấm xuất cảnh.

Chính phủ Mỹ vẫn không buộc họ xin lỗi, không hề phái công an điều tra hay bất cứ một hành động nào khó khăn cho họ. Những buổi biểu diễn của họ cũng không bị mất điện theo kế hoạch, cũng chẳng phải bị phạt vì hát bài hát chưa xin phép… hay vì những phát ngôn trong quá khứ hoặc lời thề “chưa diệt giặc Mỹ chưa về quê hương”.

Bởi, ngày xưa, với người đàn bà Hoạn Thư đã hành hạ mình đủ mọi tủi nhục, nhưng nàng Kiều vẫn nghĩ rằng:

Tha ra, thì cũng may đời
Làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen
.
(Kiều)

Thế nên, với một nàng Kiều, một cô gái đã “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” vẫn còn nghĩ đến được những điều tử tế mà bỏ qua chuyện nhỏ mọn, lặt vặt trẻ con như báo thù, hận thù lẫn nhau.

Vậy cớ sao một nhà nước “chính nghĩa sáng ngời” có một đảng là “đạo đức, là văn minh” đang kêu gào “bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai” rồi chuyện “hòa giải, hòa hợp”… … lại có cách hành xử tệ hại thua hẳn cô gái điếm thời xưa sao?

Rất tiếc, đó lại là sự thật.

Và đó, cũng là sự nhỏ nhen của cả hệ thống được thể hiện qua sự hận thù vặt vãnh để người ta phải đặt ra câu hỏi: Làm sao có thể lớn lên được.

Và, người ta lại nhớ đâu đây câu thơ Tản Đà:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

(Tản Đà)

Related posts