Hôm thứ Sáu (20/9), sau hơn 4 giờ đấu tranh tại tòa, các công tố viên Pháp đã yêu cầu mức án nặng đối với 19 người nam liên quan đến các tổ chức rửa tiền của Trung Quốc. Ngoài các khoản tiền phạt và tịch thu tài sản, các công tố viên đang yêu cầu cấm tất cả các bị cáo hoạt động kinh doanh trở lại.
Theo hãng tin AFP, công tố viên người Pháp Adrien Jourdain phụ trách vụ án rửa tiền đã trích lời của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp Zola để mô tả tâm lý hám lợi của 19 bị cáo: “Tiền là vua, tiền là Chúa, (tiền) cao hơn máu, cao hơn nước mắt.”
Vào tháng 4/2021, cơ quan chống rửa tiền Tracfin của Pháp đã theo dõi và điều tra 2 băng nhóm, 2 băng nhóm này kiểm soát vô số công ty vỏ bọc, họ thông qua các ngân hàng ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông để rửa tiền giữa Ý, khu vực Paris và Đức, với tổng số tiền hơn 60 triệu euro.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 27/9.
“Trung khu thần kinh của hoạt động rửa tiền”
Theo AFP, văn phòng công tố viên ở Bobigny, ngoại ô Paris, hôm thứ Sáu đã yêu cầu mức án tối đa cho 1 trong số 19 nghi phạm là 7 năm. Những cá nhân này có liên quan đến các mức độ khác nhau trong một hệ thống rửa tiền rộng lớn liên quan đến các nhà bán buôn Trung Quốc ở Aubervilliers, Pháp.
Trong những năm qua, thương nhân Trung Quốc đã thay thế các chủ cửa hàng Do Thái ở khu vực Aubervilliers của Pháp. Sau khi thành lập Trung tâm Kinh doanh Quốc tế Pháp-Á (CIFA) ở khu vực này vào năm 2006, nơi này đã trở thành một trong những trung tâm bán buôn lớn nhất ở Pháp và thậm chí cả Châu Âu. Nhiều cửa hàng ở đây do công dân Trung Quốc điều hành, và bị các cơ quan thực thi pháp luật gọi là “trung khu thần kinh của hoạt động rửa tiền”.
Trong phiên điều trần tại tòa hôm thứ Sáu (ngày 20/9), nhiều bị cáo bào chữa rằng trong thời gian đại dịch COVID-19, họ bị vướng vào một vụ lừa đảo liên quan đến hóa đơn giả đổi lấy tiền mặt, nhưng phía công tố đã bác bỏ gay gắt điều này.
Các công tố viên tin rằng nghi phạm 37 tuổi Keqiang Z là kẻ chủ mưu thực sự đằng sau hệ thống rửa tiền này, nhưng Keqiang Z đã đẩy phần lớn trách nhiệm lên một nghi phạm khác là Djamal C, người đã chết vì COVID-19 vào tháng 9/2021.
Keqiang Z di cư sang Pháp từ Trung Quốc khi mới 12 tuổi, từng làm việc tại CIFA, do những lời lẽ đùn đẩy trách nhiệm nên ông ta đã bị công tố viên Jourdain khiển trách.
Các công tố viên đề nghị mức án 7 năm tù cho Keqiang Z, phạt 2,5 triệu euro và cấm rời khỏi lãnh thổ Pháp trong 5 năm.
Giấu tiền ở Dubai?
Một bị cáo khác liên quan đến vụ án là Chérif H, 45 tuổi, được coi là “người thừa kế” vụ lừa đảo tài chính của người quá cố Djamal C.
Các công tố viên yêu cầu mức án cho Chérif H là 6 năm tù, trong đó có 3 năm giam giữ an toàn, phạt 1,8 triệu euro, và phải ở lại Pháp trong 5 năm sau khi mãn hạn tù. Công tố viên Jourdain giải thích: “Tôi không muốn ông ấy đến Dubai sau khi mãn hạn tù và hưởng thụ số tiền ông ấy cất giấu.”
Tòa án cáo buộc ông Chérif H, 45 tuổi, điều hành một công ty rửa tiền cùng với một nghi phạm khác là Mehdi B, bị tình nghi rửa 37,6 triệu euro trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023. Mehdi B bị cho là có thể đã trốn sang Maroc và các công tố viên đã yêu cầu mức án 6 năm tù.
Một nghi phạm khác là chủ sở hữu trẻ của một công ty thu mua lại đồ để tái sử dụng. Anh ta có liên quan đến việc rửa 6 triệu euro, do đó, nam thanh niên 30 tuổi này đã “sống một cuộc sống xa hoa”. Công tố viên yêu cầu mức án 5 năm tù, trong đó 18 tháng tù treo và ra lệnh kéo dài thời gian nộp.
Một bị cáo khác là Rémi P, vào thời điểm xảy ra vụ việc là nhân viên ngân hàng bán thời gian tại BRED, cũng nhận mức án 5 năm tù, 2 năm tù treo và lệnh tạm giam. Công tố viên nói: “Là một nhân viên ngân hàng, phải đi đầu trong cuộc chiến chống rửa tiền và phải đề cao cảnh giác, nhưng ông đã phạm tội rửa tiền. Điều này là không thể chấp nhận được.”
Người Hoa liên quan đến nhiều vụ rửa tiền ở Pháp
Giữa làn sóng các ông trùm Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy rượu vang Pháp, Khúc Nãi Kiệt (Qu Naijie), một ông trùm Trung Quốc, đồng thời là người đứng đầu Tập đoàn Haichang, người được truyền thông Pháp ca ngợi là “người Trung Quốc mua nhà máy rượu vang Bordeaux lớn nhất” đã bị Pháp kết tội vào ngày 15/5 năm nay vì dính líu đến “rửa tiền”, 9 nhà máy rượu vang ở Bordeaux của ông đã bị tịch thu, ông bị phạt 1 triệu euro và bị kết án 3 năm quản chế.
Theo cáo buộc, ông Khúc Nãi Kiệt bị nghi ngờ biển thủ 32 triệu euro tiền trợ cấp doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài, do chính quyền thành phố Liêu Ninh và Đại Liên phân bổ cho Tập đoàn Haichang để mua 25 nhà máy rượu trong 5 năm. Ông đã sử dụng các công ty vỏ bọc để che giấu nguồn vốn.
Năm ngoái, Trần Vĩ (Chen Wei), một doanh nhân người Pháp đến từ Ôn Châu, bất ngờ trở thành nhân vật cốt lõi liên quan đến một số vụ rửa tiền lớn ở Pháp.
Theo báo cáo của tờ Le Monde của Pháp vào tháng 11/2023, Trần đã rửa tiền cho các nhà phát triển bất động sản ở khu vực Paris, các ông trùm bất động sản Trung Quốc Đại Lục, giám đốc các nhà sản xuất thiết bị ô tô, công ty an ninh và một công ty nhượng quyền bánh mì.
Khách hàng của ông còn bao gồm: giám đốc điều hành của Decathlon Groupe, một chuỗi cửa hàng bán đồ thể thao lớn của Pháp và giám đốc điều hành của Fnac Darty, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai của Pháp. Ngoài ra, ông ta còn cung cấp “dịch vụ” cho những người giàu có ở nước ngoài.
Trong một cuộc điều tra năm 2012, cơ quan chống rửa tiền của Pháp phát hiện ra rằng một nhà hàng gia đình do người Trung Quốc điều hành ở vùng Paris đã đổi phiếu ăn lên tới 10 triệu euro chỉ trong 9 tháng.
Lý do nhà hàng gia đình Trung Quốc này bị điều tra là vì họ là một nhà hàng Trung Quốc kiểu gia đình nhỏ, nhưng theo hồ sơ doanh thu của họ, họ có thể tiếp đón 2.000 khách hàng mỗi ngày và hầu hết các phương thức thanh toán đều là phiếu ăn, không có tiền mặt, cũng không có hồ sơ chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng, một dấu hiệu thu hút sự chú ý của cơ quan tư pháp.
Theo Từ Giản, Epoch Times