NATO cần phải đổi mới nhiều và nhanh hơn

Nguồn: Mircea Geoana, “NATO Needs to Innovate More and Faster”, Foreign Affairs, 05/08/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Sau khi nỗ lực để đạt được khả năng phối hợp giữa các quân đội quốc gia, NATO hiện cần phải làm điều tương tự với khu vực tư nhân.

Bị đe dọa bởi các giá trị cốt lõi của liên minh NATO và được chia sẻ bởi Ukraine và nhiều quốc gia khác trên thế giới, Điện Kremlin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 với ý định xóa sổ đất nước này, đàn áp tự do và làm suy yếu nền dân chủ. Trong quá trình này, Nga nhận được sự hỗ trợ đáng kể, bao gồm cả việc cung cấp công nghệ tiên tiến, từ các đồng minh độc tài của mình, đặc biệt là Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Không chỉ sự tồn vong của Ukraine, mà an ninh của cả châu Âu đang bị đe dọa. Trong khi một cuộc chiến toàn cầu đang diễn ra trên chiến trường Ukraine, các công nghệ tiên tiến đang được triển khai với tốc độ chưa từng có.

Trong nhiều thế kỷ, an ninh ở các xã hội dân chủ phương Tây đã gắn liền với khả năng đổi mới của họ. Từ cung tên đến xe tăng chiến đấu và từ lựu đạn đến tên lửa siêu thanh, những phát minh quân sự mới không chỉ thay đổi cách chúng ta chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh. Chúng còn củng cố khả năng của chúng ta trong việc định hình các xã hội thành công và kiên cường. Giờ đây, với một cuộc cách mạng công nghệ lớn đang diễn ra, chứng kiến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động và công nghệ lượng tử, chỉ có đổi mới không là không đủ. Chúng ta phải luôn đi đầu trong đổi mới. Bằng cách dẫn đầu đổi mới, chúng ta có thể tiếp tục định hình môi trường an ninh của mình. Nếu chúng ta không làm điều đó, những quốc gia khác sẽ làm thay.

Các quốc gia NATO, và đặc biệt là Mỹ, từ lâu đã có ưu thế về công nghệ. Nhưng NATO đang bị thách thức. Trung Quốc không chỉ đang nhanh chóng phát triển công nghệ, mà còn kết nối các công nghệ mới với nhau, nhân đôi tác động phá hủy tiềm tàng của chúng đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh của chúng ta. Chất bán dẫn từ Trung Quốc là một thành phần quan trọng của điện thoại và máy tính mà chúng ta sử dụng hàng ngày – nhưng cũng là của các hệ thống và khả năng quân sự cao cấp mà chúng ta dựa vào để đảm bảo an ninh. Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang làm sáng tỏ tốc độ đổi mới đáng kinh ngạc. Ukraine đang đổi mới nhanh chóng nhưng chưa đủ nhanh. Chỉ trong vài tuần, Nga đã vô hiệu hóa phần mềm tiên tiến mà Ukraine đã cài đặt vào drone.

Để giữ an toàn cho 1 tỷ công dân của mình, NATO phải đảm bảo rằng họ vượt trội hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh chiến lược và đối thủ tiềm năng nào. Đó là lý do tại sao chúng ta đang tăng gấp đôi nỗ lực để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đây không phải là điều NATO làm một mình mà là cùng với các động lực đổi mới trong khu vực tư nhân. Ngày nay, họ sản xuất 90% công nghệ lưỡng dụng được sử dụng cho quốc phòng và an ninh. Khu vực tư nhân là một đối tác không thể thiếu.

Khi tôi đảm nhận công việc phó tổng thư ký NATO vào năm 2019, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã yêu cầu tôi trở thành người dẫn đầu đổi mới của NATO. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp thành lập Hội đồng Đổi mới NATO. Với tư cách là chủ tịch, tôi đã ưu tiên đổi mới trên toàn liên minh, và kết quả là NATO đã đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi công nghệ của mình. Tại hội nghị thượng đỉnh Brussels năm 2021 và sau đó, các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra hai sáng kiến đột phá để thắt chặt mối liên kết giữa NATO và hệ sinh thái đổi mới lưỡng dụng. Một là Chương trình Gia tốc Đổi mới Quốc phòng Bắc Đại Tây Dương, tập hợp những nhà đổi mới trên khắp liên minh để hợp tác về các công nghệ quan trọng. Hai là Quỹ Đổi mới NATO, một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1 tỷ euro cung cấp các khoản đầu tư chiến lược vào các công ty khởi nghiệp đang phát triển công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh của đồng minh. NATO cũng đã thiết lập một cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên với các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân, bao gồm cả các công ty như Google, Microsoft và Amazon Web Services. Gần đây hơn, NATO đã thành lập Cộng đồng Lượng tử xuyên Đại Tây Dương để đảm bảo một hệ sinh thái lượng tử an toàn, kiên cường và cạnh tranh, đồng thời ra mắt một nền tảng không gian thương mại (SPACENET) để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với các ngành công nghiệp vũ trụ thương mại. Liên minh đã đi được một chặng đường dài. Tuy nhiên, thời khắc quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt đòi hỏi những điều chỉnh thậm chí còn lớn hơn và táo bạo hơn.

NATO cần đổi mới nhiều hơn và nhanh hơn. Trên hết, chúng ta cần dám đổi mới khác biệt. Điều này có nghĩa là xem xét lại cách chúng ta cấu trúc quan hệ đối tác với khu vực tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng. NATO đã làm việc trong nhiều thập kỷ để đạt được khả năng tương tác giữa các quân đội quốc gia. Giờ đây, nó cần đạt được khả năng tương tác với hệ sinh thái đổi mới xuyên Đại Tây Dương để đảm bảo an ninh trong tương lai của chúng ta.

Đặc biệt, NATO cần điều chỉnh các cơ chế và quy trình mà họ đã xây dựng và dựa vào trong nhiều thập kỷ để phát triển và mua sắm các khả năng quốc phòng. Kế hoạch quốc phòng, chu kỳ mua sắm và mô hình mua lại là quan trọng và cần thiết để bảo vệ sự đổi mới và giúp giảm thiểu rủi ro tài chính. Nhưng chúng cũng dài dòng, cứng nhắc và phức tạp. Chúng có thể là một trở ngại cho sự đổi mới và là một rủi ro cho an ninh. Mốc thời gian mua sắm được thiết lập để mua lại các phần cứng lớn mà chúng ta đã chần chừ trong nhiều thập kỷ. Máy bay mới mà NATO đang mua lại hiện nay để thay thế phi đội máy bay trong chương trình Hệ thống Cảnh báo và Kiểm soát Trên không cũ kỹ sẽ chỉ hoạt động vào năm 2031. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nơi các yêu cầu là khác nhau và thay đổi rất nhanh chóng, các quy trình linh hoạt hơn là điều cần thiết để đảm bảo các quốc gia đồng minh và đối tác có được những gì họ cần khi họ cần – và không phải là 5 hoặc 10 năm sau.

Đồng thời, khi chúng ta xem xét lại mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để thúc đẩy đổi mới, chúng ta phải luôn phù hợp với các giá trị của mình. Đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, có thể được sử dụng để hạn chế tự do và kiểm soát, thao túng con người. Đây là những gì các đối thủ cạnh tranh đang làm. Moscow và Bắc Kinh không đối mặt với các khía cạnh đạo đức quan trọng trong cuộc chạy đua phát triển và triển khai công nghệ của họ. Nhưng NATO thì có. NATO đã tích hợp cái gọi là các nguyên tắc sử dụng có trách nhiệm trong tất cả các chiến lược của mình liên quan tới các công nghệ mới nổi và đột phá, bao gồm AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và nâng cao khả năng con người, không gian và lượng tử. Các nguyên tắc này đảm bảo rằng việc sử dụng các công nghệ mới tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các giá trị dân chủ. Thay vì kìm hãm sự đổi mới, chúng kích hoạt sự đổi mới bằng cách tạo ra một môi trường có thể dự đoán, đáng tin cậy và có trách nhiệm, trong đó mọi người – những nhà đổi mới, bên áp dụng, người dùng cuối và công chúng – cảm thấy tự tin khi sử dụng các công nghệ này và hợp tác với nhau.

Hướng tới hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo tại The Hague vào tháng 6 năm 2025, NATO sẽ theo đuổi công việc của mình để thúc đẩy sự phát triển những đổi mới mang tính cách mạng lâu dài cần thiết để duy trì lợi thế công nghệ của liên minh. Chiến lược Áp dụng Nhanh mới, sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tới, cung cấp các khuyến nghị cho phép các đồng minh hợp lý hóa quy trình mua lại và mua sắm đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về công bằng, minh bạch, liêm chính, cởi mở, cạnh tranh và trách nhiệm giải trình, làm cơ sở cho việc mua lại và mua sắm trong môi trường quốc phòng và an ninh. Với công việc đang được tiến hành liên quan tới chiến lược mới này, liên minh đang tìm cách đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển các loại công nghệ mang tính quyết định trong chiến đấu vào các cơ chế mua sắm của NATO. Nhu cầu trước mắt phát sinh từ chiến trường ở Ukraine là những bài học mà NATO đang tiếp thu khi chuẩn bị cho tương lai.

Tuần trước, tôi đã kết thúc nhiệm kỳ của mình với tư cách là phó tổng thư ký NATO và kết thúc nhiệm vụ của mình với tư cách là người dẫn đầu đổi mới của NATO. Nhìn lại, tôi ấn tượng bởi cách NATO đã thích ứng sâu sắc với những tiến bộ công nghệ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như thế nào. Khi các mối đe dọa đã phát triển và nhân lên – trên bộ, trên biển và trên không, cũng như trên không gian và không gian mạng – thì phản ứng của NATO cũng vậy, cả trong thế giới vật chất lẫn thế giới kỹ thuật số. Tôi rời khỏi một liên minh đang hướng tới những cách thức đổi mới mới, khác biệt và có trách nhiệm hơn. Nhìn về phía trước, tôi tin tưởng rằng điều này sẽ giúp NATO duy trì khả năng cạnh tranh, giữ an toàn cho các giá trị của chúng ta và khu vực xuyên Đại Tây Dương an toàn hơn – ngay bây giờ và cho các thế hệ mai sau.

Mircea Geoana là cựu phó tổng thư ký NATO.

Related posts