Trí Đạt
Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được công bố vào thứ Hai (14/10), ba học giả người Mỹ cùng được vinh danh. Nghiên cứu của họ giúp giải thích tại sao một số quốc gia trở nên giàu có trong khi những quốc gia khác vẫn nghèo.
Những người đoạt giải là ông Simon Johnson người Mỹ gốc Anh, ông James Robinson người Mỹ gốc Anh, và ông Daron Acemoglu người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Johnson và ông Acemoglu đều là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ, còn ông Robinson là giám đốc Viện Nghiên cứu và Giải quyết Xung đột Toàn cầu Pearson (Pearson Institute for the Study and Resolution of Global Conflicts) tại Đại học Chicago.
Ủy ban Nobel khen ngợi ba học giả vì đã giải thích tại sao “xã hội có nền pháp trị tương đôi kém và chế độ bóc lột người dân sẽ không dẫn đến tăng trưởng (kinh tế) hoặc thay đổi tốt hơn”.
Ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế, cho biết: “Thu hẹp sự khác biệt lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”. Ông nói trong một cuộc họp báo rằng: “Họ đã tìm ra căn nguyên lịch sử của môi trường thể chế yếu kém ở nhiều nước có thu nhập thấp hiện nay.”
Theo thời gian, các quốc gia đã phát triển “các thể chế mang tính bao dung” ủng hộ và duy trì pháp trị và quyền sở hữu tài sản đã phát triển thịnh vượng, trong khi những quốc gia phát triển “thể chế mang tính bóc lột” —mà theo lời của học giả giành được giải thưởng, đó là ‘bóc lột’ tài nguyên từ dân số rộng rãi để mang lại lợi ích cho giới thượng lưu —tiếp tục có mức tăng trưởng kinh tế thấp.
Ban giám khảo Giải Nobel giải thích rằng bằng cách nghiên cứu các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau được thực dân châu Âu áp dụng trên khắp thế giới, bộ ba đã cho thấy mối liên hệ giữa bản chất của thể chế chính trị và sự thịnh vượng.
Hãng tin AFP hôm 14/10 đưa tin, ban giám khảo giải Nobel Kinh tế khẳng định: “Một xã hội với nền pháp trị không kiện toàn và một hệ thống bóc lột người dân sẽ không tạo ra tăng trưởng hay thay đổi tích cực”.
Ông Acemoglu cũng cảnh báo tại cuộc họp báo Nobel rằng dữ liệu do các nhóm ủng hộ dân chủ thu thập cho thấy, các thể chế công và pháp trị hiện đang bị suy yếu ở nhiều nơi trên thế giới.
Giải Nobel về Khoa học Kinh tế đi kèm với giải thưởng trị giá 11 triệu krona Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD), số tiền này sẽ được chia cho ba người đoạt giải năm nay.
Một ngày trước khi giải thưởng được công bố, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy 26 quốc gia nghèo nhất thế giới có mức nợ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2006.
Kể từ khi được thành lập, Giải Nobel Kinh tế luôn do các học giả Mỹ chiếm chủ đạo, hơn nữa trong danh sách các nhà khoa học được công bố vào tuần trước cho giải thưởng năm 2024, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng chiếm tỷ lệ lớn.