Nguồn: Joe Leahy, Edward White, và Cheng Leng, “Why Xi Jinping changed his mind on China’s fiscal stimulus,” Financial Times, 22/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sau khi phản đối lời kêu gọi can thiệp, Bắc Kinh đã đột ngột thay đổi quyết định. Nhưng liệu gói kích thích này có đủ để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng hay không?
Trong khi hầu hết mọi người ở Trung Quốc dành cả tuần nghỉ lễ quốc khánh trong tháng 10 để tận hưởng thời tiết mát mẻ của mùa thu, thì các nhà môi giới ở Thượng Hải lại phải bận rộn trong văn phòng để tiến hành một cuộc kiểm tra sức chịu đựng trên toàn ngành đối với hệ thống giao dịch của họ.
Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đang muốn tránh lặp lại sự kiện xảy ra hồi cuối tháng 9, khi thông báo đột ngột của Bắc Kinh về gói kích thích tiền tệ lớn nhất kể từ đại dịch đã khiến 220 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc đổ xô quay trở lại thị trường chứng khoán, làm hệ thống giao dịch của thị trường bị sập.Bài đang hotThế giới hôm nay: 08/10/2024
“Đây là lần đầu tiên trong hơn mười năm làm nghề, tôi được chứng kiến một cuộc kiểm tra trên toàn ngành,” một nhân viên tại một công ty môi giới cỡ trung ở Thượng Hải cho biết, người này yêu cầu giấu tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Ông nói rằng sự cố hệ thống là do “quá tải lệnh” giống như trong một cuộc tấn công của tin tặc.
Vận mệnh thay đổi đột ngột của thị trường Trung Quốc, vốn đã suy giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2023, diễn ra sau quyết định đầy bất ngờ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách của ông về việc cung cấp biện pháp kích thích cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Suốt nhiều năm, Tập hầu như luôn phản đối các lời kêu gọi về một kế hoạch tài khóa lớn để thúc đẩy một số bộ phận của nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt là các hộ gia đình và chính quyền địa phương mắc nợ, những người đã bị giảm tài sản do sự suy thoái kéo dài ba năm của thị trường bất động sản. Theo một số ước tính, lĩnh vực này chiếm khoảng 30% nền kinh tế.
Đứng trước tình trạng giá bất động sản không ổn định và nhiều chính quyền địa phương không thể thanh toán hóa đơn của mình, Bắc Kinh đang có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức trong năm nay là 5%. Hôm thứ sáu 18/10, Bắc Kinh đã báo cáo mức tăng trưởng GDP là 4,6% trong quý ba – mức tăng trưởng thấp nhất trong 18 tháng.
Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã khởi động đợt kích thích kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất và cung cấp các hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho thị trường chứng khoán, cũng như hỗ trợ cho chủ nhà. Hai tuần sau, Bộ Tài chính công bố kế hoạch giải cứu chính quyền địa phương của Trung Quốc, tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn và hỗ trợ mua hàng triệu căn hộ chưa bán được.
Bắc Kinh vẫn chưa công bố quy mô của gói kích thích tài khóa, nhưng đã hứa rằng một phần của gói này sẽ là khoản chi lớn nhất trong “những năm gần đây.” Câu hỏi đang đặt ra cho các nhà đầu tư là liệu những biện pháp này, mà Bắc Kinh gọi là “cú đấm kết hợp,” có đủ mạnh hay không.
Xét đến quy mô của những thách thức cơ cấu cơ bản của Trung Quốc – từ nợ chính phủ cao, suy giảm dân số, và thất nghiệp ở thanh niên, cho đến căng thẳng gia tăng với các đối tác thương mại – các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh phải đối mặt với một thách thức lớn.
Rủi ro đối với Tập và Trung Quốc có lẽ đang ở mức cao nhất. Thất bại có thể đẩy nước này vào vòng xoáy giảm phát tương tự như Nhật Bản sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào những năm 1990, vốn cần đến hàng thập kỷ mới có thể phục hồi được.
Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho mục tiêu chiến lược của Tập là tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người vào năm 2035 và, theo nghĩa rộng hơn, là vượt qua đối thủ địa chính trị Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nó cũng có thể dẫn đến sự bất mãn trong một bộ phận dân chúng, những người đã quen với mức sống được cải thiện liên tục trong những thập kỷ gần đây.
Nhiều người tin rằng Tập sẽ cố gắng đi theo con đường trung dung. Ông không muốn quay lại với chiến lược cũ của Trung Quốc là đầu tư dựa vào nợ vào các lĩnh vực công nghệ thấp để thúc đẩy tăng trưởng tổng thể. Thay vào đó, các nhà phân tích tin rằng ông muốn Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực mà ông gọi là “lực lượng sản xuất mới” như năng lượng xanh và chất bán dẫn tiên tiến.
Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại Quỹ Matthews Asia, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi cơ bản trong cách Tập nhìn nhận tình hình kinh tế cũng như cách tiếp cận của ông trong việc giải quyết vấn đề.”
“Giờ đây, Tập đã nhận ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đi sai hướng và cần phải có một sự điều chỉnh thực dụng cấp bách.”
Lý do tại sao Tập đột nhiên thay đổi quyết định về việc triển khai một gói kích thích kinh tế lớn vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà đầu tư.
Dù Trung Quốc đã thực hiện các bước để thúc đẩy nền kinh tế kể từ năm ngoái, nhưng về mặt công khai, Tập vẫn không tỏ ra quá lo ngại về tăng trưởng ngay cả trong những tuần trước khi có thông báo quan trọng của đội ngũ hoạch định chính sách kinh tế của ông.
Vào tháng 9, phương tiện truyền thông nhà nước cho đăng tải hình ảnh Tập trông rất vui vẻ trong chuyến đi đến tỉnh Cam Túc lịch sử ở phía tây, nơi ông bày tỏ lòng tôn kính với vị hoàng đế đầu tiên trong truyền thuyết của Trung Quốc tại Đền Phục Hy và gặp gỡ nông dân trồng táo và quân nhân.
Tập thậm chí còn thoải mái nhắc đến các mục tiêu tăng trưởng của chính phủ, bất chấp việc một loạt các dữ liệu công bố vào tháng 8 cho thấy sự suy thoái sâu rộng hơn trong quý ba. Tại một hội thảo ở Cam Túc, ông phát biểu rằng các cán bộ, hoặc các quan chức, chỉ cần “làm tốt công tác kinh tế vào cuối quý ba và quý tư” – một giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với các tuyên bố trước đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng đằng sau những cánh cửa đóng kín, các quan chức đang ngày càng lo ngại về nền kinh tế chí ít là kể từ tháng 7, khi đảng tổ chức hội nghị trung ương ba, kỳ họp vạch ra lộ trình kinh tế của Bắc Kinh.
Về mặt công khai, cuộc họp được xem là sự củng cố chiến lược của Tập về tự lực cánh sinh và đầu tư nhiều hơn vào khoa học cũng như các lĩnh vực khác trong cuộc chiến giành vị thế thống trị về công nghệ với Mỹ.
Hội nghị trung ương ba đã liệt kê các cải cách xã hội quan trọng, chẳng hạn như nâng tuổi nghỉ hưu và nới lỏng chế độ hộ khẩu của Trung Quốc, hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ cho người lao động nhập cư. Nhưng nó phần lớn đã bỏ qua những gì các nhà kinh tế xem là sự cần thiết phải kích cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình, và thúc đẩy nền kinh tế.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng đầu tư vào sản xuất, dù tỉ trọng của nước này trong tổng sản lượng thế giới đã là hơn 30% – cao hơn chín quốc gia đứng đầu tiếp theo cộng lại. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng của nước này so với GDP vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Các nhà kinh tế chỉ ra rằng điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc quá mức vào thị trường nước ngoài để hấp thụ sản lượng hàng hóa đang tăng của mình, từ đó gây ra căng thẳng thương mại.
Scott Kennedy, chủ tịch hội đồng nghiên cứu về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, viết trong một ghi chú được công bố sau cuộc họp rằng: hội nghị trung ương ba ưu tiên “đầu tư và sản xuất như là động lực thúc đẩy tăng trưởng và ít quan tâm hơn đến tiêu dùng và hộ gia đình.”
Các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư đã không mấy ấn tượng với thay đổi này. Sau khi tăng nhẹ trước hội nghị trung ương ba, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm, mất hơn 10% giá trị trước đợt tăng giá hiện tại.
“Việc hội nghị trung ương ba tập trung vào các thay đổi cơ cấu dài hạn… được hiểu là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn thờ ơ với tăng trưởng kinh tế ngắn hạn,” theo một bài báo của các nhà phân tích độc lập thuộc Viện nghiên cứu Hồ Đồng.
Nhưng các nhà phân tích tin rằng Tập và các nhà lãnh đạo đảng thực sự lo lắng về việc không thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng của họ. Điều này lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 khi Tập xuất hiện ở Cam Túc, nơi ông chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao và các căng thẳng xã hội khác bắt nguồn từ sự sụt giảm tăng trưởng và nợ chính quyền địa phương gia tăng, một người quen thuộc với giới lãnh đạo cấp cao cho biết.
Dữ liệu kinh tế cũng trở nên đáng báo động hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã nhanh chóng tăng vọt từ 13,2% vào tháng 6 lên 18,8% vào tháng 8. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản đã khiến người tiêu dùng không còn muốn chi cho những mặt hàng đắt tiền, và nhiều người trong số họ đã trả hết nợ thế chấp và chuyển sang tích lũy tiền tiết kiệm.
Lại có thêm tin xấu vào tháng 9, khi các nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt với giảm phát trong năm thứ hai liên tiếp, một xu hướng gây áp lực lớn lên doanh thu của công ty. Ngay cả xuất khẩu – động lực của nền kinh tế Trung Quốc – cũng bất ngờ chậm lại theo giá đô la trong cùng tháng.
Những dấu hiệu của căng thẳng xã hội âm ỉ cũng đang gây thêm áp lực lên Tập. Theo các báo cáo trên phương tiện truyền thông nhà nước, một cán bộ sở tài chính tỉnh Hồ Nam đã bị sát hại tại nhà riêng. Cũng có những báo cáo khác về tình trạng bạo lực nhắm vào các cán bộ, bao gồm vụ một người được cho là đã bị đâm bởi tài xế mà ông vừa sa thải.
Chính quyền địa phương nói riêng đang ngày càng chật vật trong việc thanh toán hóa đơn giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản, khiến họ không thể bán các mảnh đất họ muốn. Để bù đắp cho nguồn thu lớn nhất đã mất, họ đã bắt đầu phạt tiền và đánh thuế các doanh nhân.
Ryan Manuel, giám đốc điều hành của Bilby, một công ty tư vấn sử dụng AI để phân tích các tài liệu của chính phủ Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh hiện đang có những “thay đổi phi thường.”
Ông chỉ ra những cải cách trong hệ thống hộ khẩu và tăng cường giám sát các doanh nghiệp nhà nước trung ương. “Đây sẽ là một sự thay đổi kéo dài hai đến ba năm, trong đó mọi phòng ban cần phải có phản ứng với kế hoạch… Không phải là một thay đổi mạnh mẽ đột ngột, mà thiên về chuyển đổi dần dần, ổn định hơn.”
Mối quan tâm hiện nay của các nhà đầu tư là Bắc Kinh sẽ chi bao nhiêu cho gói kích thích kinh tế.
Trong một cuộc họp báo sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An đã từ chối tiết lộ con số. Thị trường hy vọng rằng các số liệu chi tiết sẽ được công bố tại cuộc họp lãnh đạo của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới.
Nhưng ông Lam đã trình bày sơ lược về các biện pháp kích thích tài khóa được lên kế hoạch, hứa rằng chính quyền địa phương sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn. Ngoài ra, các ngân hàng nhà nước sẽ được tái cấp vốn, ông nói. Lam cũng hứa rằng chính quyền địa phương sẽ nhận được “biện pháp giảm nợ mạnh nhất được đưa ra trong những năm gần đây.” Và ông để ngỏ cánh cửa cho các biện pháp kích thích chung hơn, cam kết rằng “chúng ta có nhiều không gian” để tăng thâm hụt ngân sách và nợ của chính quyền trung ương.
Các nhà kinh tế cho biết phần lớn kế hoạch tài khóa xoay quanh việc giúp các chính quyền địa phương tái cấp vốn cho các khoản vay “có vấn đề” trong số khoảng 60 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,4 nghìn tỷ đô la) nợ mà các phương tiện tài chính của họ đang gánh chịu – tức các công ty ngoài ngân sách đầu tư thay mặt cho họ. Goldman Sachs ước tính rằng khoảng 12 nghìn tỷ nhân dân tệ trong số tín dụng này là đáng quan ngại.
Chính phủ đã phê duyệt hạn ngạch gần 4 nghìn tỷ nhân dân tệ cho các giao dịch hoán đổi nợ của chính quyền địa phương trong năm nay và năm ngoái. Goldman cũng dự kiến Quốc hội sẽ phê duyệt hơn 5 nghìn tỷ nhân dân tệ cho mục đích này trong “nhiều năm.” Trên hết, chính phủ có thể công bố khoảng 1 đến 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính quyền trung ương siêu dài hạn, được sử dụng cho các biện pháp kích thích sâu rộng hơn và đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách chính thức cao hơn.
Vương Đào, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư UBS, cho biết hướng dẫn của Bộ tài chính Trung Quốc về việc tái cấp vốn cho nợ của chính quyền địa phương và việc sử dụng nguồn tài trợ của chính phủ để thu mua bất động sản tồn đọng “là động lực rất quan trọng thúc đẩy niềm tin cho thị trường và có thể giúp ổn định nền kinh tế.”
“Thật không may, nếu bạn muốn giảm bớt vấn đề nợ nần, bạn phải ném thêm nợ vào đó. Chúng tôi đã học được bài học đắt giá từ hai kinh nghiệm trái ngược nhau ở Mỹ và Châu Âu,” Vương nói, viện dẫn việc Mỹ huy động nguồn lực khổng lồ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để giải quyết cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, nhờ đó giúp nước này giải quyết các vấn đề nợ nhanh hơn ở Châu Âu.
“Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc…cũng cần một cú hích thực sự lớn về mặt tài khóa và tín dụng để tái khởi động nền kinh tế,” Vương nói thêm. “Nếu không, chúng tôi sẽ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát.”
Phần còn lại của gói kích thích này là hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, với việc ngân hàng trung ương tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm, quỹ, và công ty chứng khoán vay tiền để đầu tư vào thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết thực hiện mua lại cổ phiếu.
Các nhà phân tích nhận định ý tưởng này nhằm mục đích tăng lượng cổ phần của các tổ chức trong các cổ phiếu Trung Quốc, vốn thường biến động, và biến thị trường này thành một kênh đầu tư thay thế đáng tin cậy cho bất động sản đối với các hộ gia đình.
Mạnh Lỗi, chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại UBS Securities, cho biết: “Hiện tại, ít người kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng nhanh trong thập kỷ tới. Điều đó có nghĩa là người dân Trung Quốc cần một nguồn dự trữ tài sản mới để giúp tài sản hộ gia đình của họ tăng lên.”
Quyết định thay đổi chính sách dường như đã có hiệu quả. Trong kỳ nghỉ lễ, chủ đề bàn tán của thực khách ở các thành phố lớn của Trung Quốc là về số tiền mà mọi người từng kiếm được trên thị trường chứng khoán trước đây. Nhưng hiện tại, định giá đã tăng lên mức trung bình lịch sử 5 năm. Về lâu dài, các yếu tố cơ bản kinh tế vĩ mô cũng cần hỗ trợ thị trường.
“Có rất nhiều tranh luận. Một người lạc quan sẽ lập luận rằng chính sách đã thay đổi mọi thứ và từ đây nền kinh tế sẽ ổn định và tăng trưởng, và điều đó sẽ hỗ trợ thị trường,” Mạnh nói. “Nhưng người bi quan sẽ lập luận rằng các vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng một chính sách siêu mạnh và chúng ta vẫn chưa có thông tin chi tiết.”
Nhiều người đồng ý rằng, dù suy nghĩ của Tập về biện pháp kích thích kinh tế đã thay đổi, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có những cải cách hoặc chi tiêu quyết liệt hơn để cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tăng cường tiêu dùng hộ gia đình.
Trong khi chính phủ đã tăng tuổi nghỉ hưu và tăng viện trợ cho các nhóm có nhu cầu, chẳng hạn như sinh viên, trọng tâm chủ yếu vẫn là sửa chữa bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương và ngân hàng nhà nước. Đây là điều mà Bắc Kinh kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho các cơ quan cấp dưới bắt đầu chi tiêu trở lại.
“Cho đến nay, chưa ai làm được điều đó,” Richard Yetsenga, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu ANZ, nói, ám chỉ đến những nỗ lực giải quyết hậu quả nợ từ các cuộc khủng hoảng bất động sản chỉ bằng cách sửa chữa bảng cân đối kế toán của chính phủ. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy bạn cần phải triển khai chính sách tài khóa và chính sách cơ cấu cùng một lúc, và cả hai đều cần phải rất đáng kể.”
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng mục tiêu của Tập là duy trì tăng trưởng đúng hướng thay vì thay đổi tầm nhìn dài hạn của ông đối với nền kinh tế.
“Tôi sẽ không gọi đó là sự đảo ngược – một mô tả tốt hơn sẽ là sự hiệu chỉnh nhằm ngăn nền kinh tế suy thoái hơn nữa,” Olivia Cheung, đồng tác giả cuốn The Political Thought of Xi Jinping (Tư tưởng Chính trị Tập Cận Bình) và là học giả tại Trường London về Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), nhận xét. Một nền kinh tế ổn định là điều cần thiết “để cung cấp nền tảng vật chất cho Tập làm những gì ông ấy muốn làm,” bà nói thêm.
Hồng Nguyên Viễn, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins, cho biết Tập đang đặt cược di sản của mình vào cái mà ông gọi là phát triển “chất lượng cao,” về cơ bản là đưa ngành công nghiệp Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, đặc biệt là trong công nghệ tinh vi. “Ông ấy không mấy quan tâm, thậm chí có lẽ xem thường, nền kinh tế cũ.”
Nhưng giờ đây, khi các quan chức đang lo sợ rằng họ có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng chính thức, bài học rút ra là “nền kinh tế cũ và mới đan xen vào nhau,” Hồng nói thêm. “Chính phủ Trung Quốc đang học được rằng họ không thể chỉ theo đuổi nền kinh tế mới một cách không ngừng nghỉ trong khi bỏ bê nền kinh tế cũ, vốn vẫn mang lại phần lớn tăng trưởng và việc làm ở Trung Quốc.”