Báo chí nhà nước gào réo ầm ĩ vụ “gọi vong” tại chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh nhưng thói mê tín trong chuyện “gọi vong” chỉ là vấn đề phụ. Có lẽ cả ngàn năm sau nữa thì con người vẫn chưa gột bỏ hoàn toàn chuyện mê tín và không ai có thể chấm dứt chuyện này trong một sớm một chiều,
Vấn đề lớn hơn ở ngôi chùa này nằm ở những khía cạnh khác.
Thứ nhất là năng lực quản trị của nhà nước. Nhà nước không có khả năng tự phát hiện khiếm khuyết của hệ thống để tiến hóa và tích nghi với sự thay đổi của thời đại. Những khiếm khuyết ấy chỉ bị phanh phui do đấu đá nội bộ, do tranh giành quyền lợi phe nhóm.
Chuyện “bậy bạ” đã xảy ra nhiều năm rồi nhưng đến nay mới bị vạch trần mà theo nhiều thức giả là do đấu đá nội bộ của Phật giáo quốc doanh, do “thấy chùa lớn nên ganh tỵ:
Từ một chùa nhỏ, chùa này đã đại bành trướng bằng cách lấn đất rừng quốc gia trong nhiều năm trời thế nhưng cơ quan hữu trách thì có mắt như mù,
Thứ hai là vấn đề sử dụng tài nguyên. Trong khi các quốc gia khác đầu tư vào kỹ thuật, giáo dục thì Việt Nam đầu tư cho chùa, cho những tượng đài ngàn tỷ, những công trình hoàn toàn không sinh lợi cho xã hội.
Trường học và bệnh viện đều thiếu, phụ huynh phải sắp hàng từ giữa khuya để chờ ghi danh xin con học mẫu giáo, thậm chí các hai sản phụ sinh con phải chia chung một giường thế mà đã có ngôi chùa đang mọc lên với kinh phí 15,000 tỷ đồng, tức 1.08 tỷ Úc kim,
Đó là chùa Tam Chúc, mệnh danh chùa lớn nhất thế giới, nằm trên khuôn viên rộng 5,100 mẫu tây. Chưa hoàn tất, Tết vừa rồi chùa đã mở cửa đón khách để thu tiền,
Đây là mô thức kinh doanh của công ty Xuân Trường với bài bản: chọn một danh lam thắng cảnh trong đó có một ngôi chùa cổ nổi tiếng, có nhiều truyền thuyết, và xây dựng mới một ngôi chùa lớn cùng tên với hàng loạt kỷ lục xây dựng để khuếch trương thanh thế. Thành công với chùa Bái Đính và đang hoàn tất Tam Chúc, công ty Xuân Trường đang lăm le xây dựng thêm các quần thể chùa chiền lớn khác nữa như Khu du lịch tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội), các dự án khách sạn, sân gôn, thậm chí là… sòng bạc.
Xây chùa thì phải có sư và có Phật tử và tình trạng này đặt lại vấn đề hoàn toàn đã cũ: “chấn hưng Phật giáo”.
“Phong trào chấn hưng Phật giáo” sôi nổi trong đầu thế kỷ 20 đã để lại những ảnh hưởng rộng rãi trong sinh họat Phật giáo Việt Nam hiện tại, dẫu rằng có những cái đạt được, những cái chưa đạt được và những cái bị bỏ lùi.
Trong các yếu tố chưa đạt được chúng ta nhận thấy có ba vấn đề lớn: nỗ lực xây dựng một giáo hội thống nhất, xây dựng một chương trình đào tạo tăng tài nhất quán, ấn định một hệ thống kỷ luật phân minh với những tu sĩ phạm giới.
Đây là là những vấn đề chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài này. Tuy nhiên trước hết cần tìm hiểu bối cảnh của công cuộc “Chấn hưng Phật giáo”.
Phong trào“Chấn hưng Phật giáo”
Phong trào này xuất phát từ nỗ lực trùng tu những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ của cư sĩ David Hewavitarane người Sri Lanka. Nỗ lực này được phát triển cao hơn với sự ra đời của các trung tâm nghiên cứu Phật học, các tạp chí Phật học, các tu viện trên nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Miến Điện, Tích Lan.
Đến Việt Nam, với một bối cảnh riêng, phong trào này đã được hưởng ứng sôi nổi và bùng phát mạnh mẽ với mục tiêu khôi phục tìm các giá trị truyền thống cũng như phát triển Phật giáo.
Lý do là từ đầu thế kỷ 19 Triều đình Nguyễn đã áp dụng chính sách Nho học độc tôn nên Phật học bị hạn chế. Chùa có mặt trên khắp lãnh thổ Việt Nam nhưng lại họat động riêng rẽ và và việc tu học diễn ra rất rời rạc. Phật giáo Việt Nam lúc đó không tổ chức thống nhất, mạnh chùa nào chùa đó họat động theo truyền thống “sơn môn”, đèn nhà ai nhà nấy rạng.
Hoà thượng Trí Hải, người tham gia thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ vào năm 1935, đã nhận xét về tình hình Phật giáo lúc đó: “Đối với Phật giáo nước nhà, do từ xưa tới nay không có hệ thống tổ chức, tuy có các sơn môn nhưng cũng do đó mà chia môn rẽ phái ‘Phật pháp đồng quy củ dị’, mỗi nơi mỗi khác không đâu giống đâu, không ai theo ai như đống cát khô, nếu bị cơn cuồng phong thổi tới là bay hết. Đáng lẽ Phật giáo đối với những việc lợi ích chung cho quần chúng, việc giữ gìn tinh thần dân tộc, không việc gì là không làm được, nhưng lâu nay không làm được việc gì đáng kể đối với nhân quần xã hội cũng chỉ vì thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết”.
Thêm vào đó, khi người Pháp áp đặt chế độ bảo hộ thì họ càng dè chừng các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng của người bản xứ. Lúc đó Phật giáo chỉ được mang danh nghĩa là các hội đoàn chứ không được xem là giáo hội. Đồng thời, chính sách chia để trị biến ba miền Bắc, Trung, Nam thành “ba xứ” với thể chế cai trị khác biệt trong “ngũ xứ Đông Dương” càng làm sinh họat Phật giáo tại ba miền khác nhau.
Trong phong trào quốc gia đầu thế kỷ 20, song song với nỗ lực xây dựng một “căn cước Việt Nam” để chống Pháp, một số Nho sĩ cũng dần tìm đến Phật giáo như là một thứ “bản sắc dân tộc”. Học giả Phạm Quỳnh nhận xét: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”.
Cùng lúc đó, sự phát triển của chữ quốc ngữ và báo chí, giao thông đã góp phần làm cho sự liên lạc giữa các vùng miền được sâu rộng hơn, tạo điều kiện cho nỗ lực thống nhất các sinh họat Phật giáo.
Chấn hưng, thống nhất Phật giáo
Thiền sư Khánh Hòa là người đầu tiên đề xướng việc thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên vì điều kiện chưa chín muồi ông bắt đầu từ Nam bộ trước. Năm 1930 ông vận động thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, cử Thiền sư Hội Phong làm Hội trưởng và bản thân ông nhận chức Phó hội trưởng.
Hội có trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn và ngày 1.3.1932 cho phát hành tạp chí Từ Bi Âm.
Sau đó, tới năm 1932 thiền sư Giác Tiên thành lập Hội An Nam Phật Học tại miền Trung. Thiền sư Giác Tiên đảm nhiệm vai trò Chứng minh Đạo sư và cử cư sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng. Hội An Nam Phật học đặt trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm, ở Huế.
Năm 1935 Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời tại Hà Nội, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ. Cùng năm, hội bắt đầu xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935.
Sau đó thì các hội nghiên cứu Phật học khác lần lượt ra đời tại các tỉnh nhỏ như Trà Vinh; Rạch Giá, Bà Rịa; Sóc Trăng, mỗi hội có một tạp chí riêng của mình. Cùng với các tạp chí do các hội nói trên phát hành, năm 1932 ông Đòan Trung Công thành lập một nhà xuất bản chuyên về sách nghiên cứu Phật học mang tên Tùng Thư. Tùng Thư đã xuất bản nhiều kinh sách như Phật giáo Sơ Học, Phật Giáo Vấn Đáp, Phật Giáo Giáo Khoa Thư, và những bản dịch kinh sang tiếng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm.
Cũng thời gian này nhiều tạp chí chuyên về Phật học lần lượt ra đòi như Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tâm, Tiến Hóa. Mỗi tạp chí có quan điểm riêng, thí dụ tạp chí Tiến Hóa kêu gọi cải cách Phật giáo một cách triệt để, nghĩa là phải huỷ bỏ hình thức đầu tròn áo vuông của tăng sĩ, thiết lập quy chế “tân tăng” như Phật giáo Nhật và các nhà sư phải dấn thân nhiều hơn trong cách mạng xã hội.
Trong quyết tâm xây dựng một giáo hội thống nhất trên tòan quốc, năm 1951 các tổ chức Phật học tiến hành đại hội tại Huế và thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”, bầu Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội trưởng. Nhưng ba năm sau thì đất nước chia đôi theo Hiệp định Geneve 1954. Tuy nhiên vì “tổng hội” là thiết chế còn yếu, mạnh hội nào sinh họat hội đó nên biến cố chính trị này không gây ảnh hưởng mạnh.
Tại miền Bắc, năm 1958 các hội thuộc Tổng hội Phật giáo cũ tập hợp lại và thành Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng. Dĩ nhiên việc thành lập này phải được sự cho phép của chính quyền.
Tại miền Nam thì năm 1964, sau chính biến 1.11.1963, các tổ chức thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Một thời gian ngắn sau thì giáo hội này bị tách làm hai với Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự và Giáo Hội Ấn Quang. Sau đó thì còn có các cuộc chia cắt như chúng ta đã biết và do đó có thể nói rằng từ đầu tới cuối nỗ lực xây dựng một giáo hội thống nhất chưa bao giờ đạt được thành tựu.
Ngay trong thập niên 40, khi phong trào “Chấn hưng Phật giáo” đang sôi nổi, tạp chí Pháp Âm đã nhận xét: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”.
Cũng thời gian đó nhà báo Phan Khôi – người ban đầu rất ủng hộ phong trào, từng tham gia tranh luận về Phật học với nhà sư Thiện Chiếu rất sôi nổi – cũng đã nhận xét về hoạt động của các hội: “Các hội Phật giáo nước ta cứ im lìm mà chẳng làm gì hết”.
Chính vì không có giáo hội thống nhất, không có nỗ lực cải cách thiết thực, việc san định giáo luật hầu như không có.
Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu nỗ lực này Hội An Nam Phật Học qua công sức của hội trưởng Lê Đình Thám.
Vấn đề tăng phạm giới
Lê Đình Thám xuất thân là bác sĩ, sinh năm 1897 tại Điện Bàn, Quảng Nam, đậu thủ khoa tại trường Y Hà Nội năm 1916.
Ông là em ruột bác sĩ Lê Đình Dương, người phụ trách vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Nam và Quảng Ngãi năm 1916. Cuộc khởi nghĩa thất bại và Lê Đình Dương, bị bắt, bị đày lên Buôn Ma Thuộc. Năm 1919 ông đã tự tử để khỏi bị viên công sứ ở đây làm nhục, lúc đó mới có 26 tuổi.
Vì họat động của ông anh ruột, Lê Đình Thám bị Pháp theo dõi gắt gao trong khi làm việc tại các bệnh viện Bình Thuận, Song Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Trong suốt thời gian ấy, đến nhiệm chức nơi đâu ông cũng tìm đến các chùa và các nhà sư để học hỏi và nghiên cứu giáo lý và kinh điển đạo Phật. Năm 1925, khi tổ chức lễ truy điệu và thọ tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh, ông bị đổi đi Hà Tĩnh. Năm 1926 ông được đổi về Nha Trang làm Y sĩ trưởng tại Viện Pasteur và ở đây ông cùng Bác sĩ Mormet, Giám đốc Y tế Trung Phần, và phát minh ra Sérum Mormet, được Y giới Pháp Việt trọng vọng. Năm 1930 ông thi đậu ngạch bác sĩ y khoa Pháp Quốc.
Khi chuyển ra Huế làm Giám đốc Bài lao Huế, ông đã là một nhân vật nổi tiếng. Với vốn Phật học uyên thâm, ông đã tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo và trở thành một trong những sáng lập viên Hội An Nam Phật Học.
Cuối năm 1933 ông cho phát hành tạp chí Viên Âm, và từ “Viên Âm” này được ông giải thích: “Viên âm là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hòan tòan; tiếng nói hòan tòan duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn ngòai tròn, trên tròn dưới tròn, cùng tam giới kháp thập phương, lớn nhỏ xa gần đâu ta cũng tròn cả.”
Trong nỗ lực phát triển Phật giáo, ông là người Việt Nam đầu tiên sọan nên chương trình Phật học để áp dụng tại Trường An nam Phật học với mục tiêu đào tạo tăng sĩ cho Giáo hội Trung kỳ. Trường đạt tại chùa Trúc Lâm (Huế) và theo dự tính có ba cấp tiểu học, đại học và cao học. Cả ba cấp, cấp nào cũng kéo dài 5 năm; xong tiểu học được thụ “Sa di giới”, xong đại học được thụ “Tỳ khưu giới”.
Chương trình tiểu học:
- Quốc văn
- Sự tích Phật Thích Ca, tóan pháp, Phật học giáo khoa thư
- Luật sa di, kinh Vô Lượng Thọ, Địa Tạng Kinh, Thủy sám pháp
- Sa di luật giải, Thập lục quán kinh
- Dì Đà sớ sao, Pháp Bảo đàn kin
Chương trình đại học kéo dài 5 năm trong đó gồm việc học tập và nghiên cứu các kinh sách như: Kim Cương, Tâm Kinh chú giải, Duy Thức phuơng diện đàm, Bát thức quy củ tụng ca trang chú, Lăng Nghiêm Kinh, Viên Giác kinh, Pháp hoa kinh, Phạm Võng kinh, Đại bát niết bán, Tứ phần luật v.v…
Sau khi xong phần đại học, tăng sinh có thể theo chương trình cao học gọi là “Tham cứu” cũng kéo dài 5 năm, nghiên cứu những kinh sách thâm sâu hơn như: Lăng già tâm ấn sớ, Du già sư địa luận, Pháp hoa kinh huyền nghĩa, Hoa Nghiêm luận, Đại trí độ luận, Tông cảnh lục, Chỉ nguyệt lục, Hải triều âm văn khố v.v…
Một mặt, Lê Đình Thám chú trọng đến việc đào tạo tăng tài; một mặt ông nhấn mạnh đến biện pháp chỉnh lý tăng giới bao gồm hai điểm:
Thứ nhất, thành lập một “Hội đồng luật sư” gồm có những bậc tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng.
Cần biết rằng “luật sư” này có nghĩa riêng là người tinh thông giáo luật của giáo hội chứ không phải “luật sư” theo nghĩa thông thường ở tòa án. Ngoài uỷ ban trung ương còn có những ban địa phương đặt tại các tỉnh: những ban này gồm có năm vị gọi là luật sư. Mỗi tỉnh được chia ra nhiều địa phận, mỗi địa phận có một vị luật sư giám sát. Khi nào có báo cáo về sự vi phạm giới luật của một vị tăng thì vị luật sư phải thân hành đi đến tận nơi để tra cứu và cuối năm thì trình lại Hội đồng Luật sư để tài phán.
Thứ hai, tổ chức những ban thầy cúng gồm có những người biết tán, tụng, cầu an, cầu siêu và hướng dẫn tang lễ. Những “thầy cúng” này chỉ được mặc áo màu xám năm thân, không được mặc áo tràng, áo nhật bình, y màu nâu hoặc y màu vàng. Họ ở nhà hoặc ở chùa riêng để hành nghề cúng đám chứ không được ở thiền viện và tổ đình, nơi dành riêng cho tăng sĩ thực thụ mà giới pháp là mười giới sa di và hai trăm mươi năm giới tì kheo. Muốn làm thầy cúng thì tối thiểu cũng phải thụ một hoặc hai giới.
Để thực thi giáo luật, các luật sư phải nắm vũng các nguyên tắc:
1. Không nhận người phá giới làm tăng sĩ.
2. Phá bỏ những điệp qui y thụ giới do các ông thầy tu nói trên cấp cho.
3. Công bố sự phạm giới của tăng sĩ.
4. Bảo hộ và cúng dưỡng các vị tinh nghiêm.
5. Không tham dự vào công việc không phù hợp với Phật pháp.
6. Tham dự vào việc hoằng dương chánh pháp và chỉnh đốn tăng già.
Qua những chưong trình kể trên chúng ta thấy được tầm nhìn của cụ Lê Đình Thám, tiết là thời cuộc không cho phép, chương trình Phật học sọan thảo gồm ba cấp kéo dài 15 năm chưa bao giờ được thực hiện trọn vẹn.
Năm 1945, sau khi Nhật lật Pháp, ông được chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Giám đốc Y tế Trung phần kiêm Giám đốc Bệnh viện Huế. Năm 1946, khi chiến cuộc bùng nổ, ông đưa gia đình tản cư về miền núi Quảng Nam. Trong chính sách lợi dụng uy tín của những danh sĩ như Hùynh Thúc Kháng, Phan Khôi, Việt Minh phong cho ông chức vụ làm vì là “Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ”, đến năm 1949 Việt Minh tổ chức đưa ông và vợ con ra chiến khu Việt Bắc phong cho chức “Chủ tịch Phong trào Hòa bình Thế giới”.
Sau đó, ông trở về Hà Nội và chuyên tâm vào việc nghiên cứu, diễn giảng và phiên dịch kinh Phật. Trong hòan cảnh khó khăn của miền Bắc lúc ấy, ông đã dịch và xuất bản bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm tại chùa Quán Sứ vào năm 1961, điều này phải nói là một nỗ lực không ngừng.Ông qua đời năm 1969 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi.
Cũng cần nói thêm rằng ông có một người con trai tên Lê Đình Duyên, là một trong những thành viên lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam, từng lãnh đạo phong trào ly khai với chính phủ, về sau ra ứng cử và trở thành Thượng nghị sĩ trong Quốc hội VNCH.
Phạm Đức Đồng Hùng